⠀
Chỗ đứng nào cho âm nhạc ‘sạch sẽ’ ở Việt Nam?
Trước sự hoành hành của dòng nhạc thị trường với giai điệu, ca từ ngô nghê, chợ búa thì việc làm sao để nhạc “sạch” sống được là điều mà bất cứ người làm nghệ thuật đau đáu với nghề cũng đều trăn trở!
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây công chúng lại dùng cụm từ nhạc “tử tế”, nhạc “sạch” dành cho một loại sản phẩm nghệ thuật. Nhưng điều này không phải không có lý bởi đúng là thị trường âm nhạc đang đứng trước tình thế hỗn loạn. Đó là sự hoành hành của những ca khúc có ca từ, giai điệu ngô nghê, chợ búa. Đó là giai đoạn những ca sĩ lên sân khấu chỉ để khoe “hàng” với những bộ đồ ngắn trước, hụt sau, uốn éo khêu gợi mà không hề chú trọng đến giọng hát hay cảm xúc. Nói chung, nền âm nhạc hiện đang chạy theo thị hiếu giải trí quá nhiều. Thêm vào đó công tác quản lý âm nhạc còn quá nhiều yếu kém để tình trạng in lậu, in ẩu, làm sai, “ăn cắp” nhạc tràn lan… đã làm giá trị âm nhạc đích thực bị đảo lộn.
Câu chuyện: Làm thế nào để âm nhạc sạch sống được và làm sao để sống được với âm nhạc tử tế? Là điều mà nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật đã đau đáu từ lâu. Nhưng câu trả lời hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ. Đã có ý kiến cho rằng: Nền nhạc Việt đang đi đúng quỹ đạo của nó, có nghĩa là nó đáp ứng đúng thị hiếu của người “tiêu dùng” là nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí ngày càng cao của người Việt. Nhận định này đúng, bởi không riêng gì nghệ thuật, bất cứ ngành nghề nào sinh ra cũng là để phục vụ nhu cầu. Nhưng trước sự phát triển một cách ồ ạt của nhạc thị trường theo hướng giai điệu, ca từ ngày càng dễ dãi, rẻ tiền thì việc tìm chỗ đứng cho những gì thuộc về nghệ thuật lại đang trở nên mông lung.
Câu chuyện ở Trung tâm Bảo vệ bản Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là ví dụ sinh động cho sự lấn át của dòng nhạc thị trường. Danh sách kê khai nhuận bút được chi trả hằng quý đến các nhạc sĩ đã quá chênh lệch giữa nhuận bút của những nhạc sĩ chính thống với những nhạc sĩ sáng tác theo hướng thị trường, giải trí. Theo quy định về tác quyền của VCPMC thì nhuận bút được chi trả theo số lần ca khúc được sử dụng trong các chương trình âm nhạc ở sân khấu, khách sạn, nhà hàng, nhạc chuông, nhạc chờ, sản xuất băng đĩa… Căn cứ vào đó, tác phẩm của ai được sử dụng nhiều thì đương nhiên sẽ được nhiều nhuận bút.
Điều đáng buồn là khi các nghệ sĩ đã thành danh thì nhuận bút lại khiêm tốn, chỉ là tiền triệu còn những người chạy theo là thị trường thì có thể lên đến cả trăm triệu đồng/năm. Sự chênh lệch này, bất cứ nhạc sĩ nào cầm đồng nhuận bút cũng phải ngậm ngùi. Đương nhiên không phải chuyện nhiều hay ít mà là bởi nó đã phản ánh thị hiếu âm nhạc có phần đáng buồn của công chúng hiện tại. Và các tên tuổi thuộc dạng “cây đa, cây đề” cũng chịu sự tác động của thị trường hiện tại. Chính vì sự khó sống được với âm nhạc chính thống, âm nhạc tử tế nên buộc các nghệ sĩ phải bươn chải. Đã có tình trạng sáng tác theo đơn đặt hàng hay người làm nhạc tử tế phải sống dựa vào các gameshow, các chương trình làm nhạc quảng cáo… Mà chính bản thân họ cũng phải thừa nhận, vì sản xuất nhanh, sản xuất nhiều nên họ không có đủ thời gian và công sức để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Điều này, vô hình trung đem đến những sản phẩm cũng đậm chất thương mại, hời hợt về mặt nghệ thuật, cảm xúc.
Ở giới ca sĩ cũng chẳng khả quan hơn. Đó là do đáp ứng thị hiếu giải trí mà các ca sĩ thị trường ngày càng nhanh nhạy khi tung ra toàn các MV hát thì ít mà tấu hài thì nhiều. Thế nhưng các MV này lại được đón nhận, hưởng ứng hơn cả những sản phẩm chỉn chu, nghiêm túc của chính họ. Đương nhiên, đó là những gì công chúng đang thích nên không thể chỉ trách người nghệ sĩ. Nhưng cũng chính từ thực tế đó mới sản sinh một hệ lụy là hàng loạt các sản phẩm âm nhạc được ra đời nhưng cái gọi là âm nhạc để lại trong lòng khán giả thì chẳng được là bao.
Thêm nữa, trong khi các nghệ sĩ theo dòng nhạc chính thống phải chật vật lắm mới được công chúng biết đến thì những gương mặt thị trường lại có thể làm những bất thường: Chỉ sau một đêm là cả vạn người biết tới, bằng những scandal đình đám. Chính giảng viên thanh nhạc – ca sĩ Lan Anh đã e ngại: “Thời buổi những giá trị ảo lấn át, những nghệ sĩ như chúng tôi nhiều khi cũng trăn trở bằng cách nào để đến được với công chúng gần hơn? Thực tế hiện tại rất ít đất cho chúng tôi diễn, bởi bây giờ toàn những sân chơi mang tính giải trí… Có khi nào, chúng tôi lại phải nổi bằng cách đi xe sang, mang túi xịn!…”. Bấy nhiêu đó đã đủ thấy sự ngậm ngùi của các nghệ sĩ làm nghề một cách “tử tế”.
Nhạc sạch đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng nên nhạc “sạch” bị lấn át cũng không phải là lỗi của nghệ sĩ. “Gu” thưởng thức âm nhạc, đánh giá tầm tri thức của thính giả. Vậy nên, nhạc sĩ Trần Minh Phi đã phải than thở rằng: “Nhạc tử tế bị lấn át bởi vì không thể chống chọi lại với số đông”. Mục đích thưởng thức âm nhạc ngày nay đã thay đổi. Nếu như ngày xưa, nghệ thuật lấy sáng tạo, lấy cái đẹp khúc thức và ca từ làm cứu cánh thì nay nghệ thuật lại lấy đồng tiền là mục tiêu. Mà làm theo đồng tiền là phải phục vụ thị hiếu. Vì thế nên mới kéo theo việc, nghệ sĩ sáng tác theo đơn đặt hàng, ca sĩ chạy theo thị hiếu mà hát những ca khúc nhảm, nhạt… Còn công chúng, từ một bộ phận chạy theo nhu cầu giải trí, càng được đáp ứng lại càng được nhân rộng. Vì thế, kéo theo đại bộ phận công chúng lệch chuẩn thẩm mỹ âm nhạc.
Sẽ là phiến diện nếu không thừa nhận vẫn có những nhân tố mới, làm việc nghiêm túc, tử tế trong showbiz hiện tại. Tuy nhiên, họ chỉ là mới manh nha và vẫn còn đang loay hoay tìm hướng để đến với nghệ thuật đích thực. Chính họ cũng đang phải bước trên những con đường đầy thử thách. Mà như NSND Trung Kiên đã sốt ruột chỉ ra một thực tế rằng: “Ca sĩ theo dòng nhạc chính thống, phải học tập và rèn luyện đến cả chục năm trời. Nhưng ngay khi bước ra khỏi cổng trường đã rất ít người bám trụ được với nghề, mà ở đây không phải họ không có năng lực”.
Khi nào nhạc sạch tìm được chỗ đứng? Và khi nào nghệ sĩ có thể sống được với nhạc tử tế? Có lẽ còn là một chặng đường dài tìm kiếm. Nhưng “sẽ chẳng đi đến nơi nào đàng hoàng tử tế được nếu không thay đổi tư duy, nâng cao dân trí cũng như văn hóa ứng xử trong phê bình lý luận”, nhạc sĩ Trần Minh Phi khẳng định. Điều này đúng, bởi đã đến lúc đối tượng thưởng thức, khán giả cần phải nhận rõ vai trò của mình trong việc nâng tầm cho nghệ thuật tử tế phát triển. Chính công chúng chứ không phải ai khác đã đến lúc phải tự “làm sang” gu thưởng thức nghệ thuật của mình. Và cũng chính công chúng đã đến lúc thực thi quyền lực của mình để loại trừ những chiêu trò phản nghệ thuật, đào thải những sản phẩm kém chất lượng để âm nhạc tử tế và người làm nghề tử tế được sống tốt với nghề!
Theo LAN ANH / NĂNG LƯỢNG MỚI (2013)
Tags: Âm nhạc