Chiến lược của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979

Tướng Hứa Thế Hữu đưa ra tư tưởng chỉ đạo cho cuộc chiến tranh này là “ngưu đao sát kê” tức là “dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”, với nguyên tắc tác chiến gồm ba điểm.

Chiến lược của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979

Trung Quốc khởi động chiến tranh xâm lược Việt Nam

Vào ngày 7/12/1978, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp, ra quyết định phát động một cuộc chiến tranh xâm lược hạn chế trên tuyến biên giới phía bắc Việt Nam với tuyên bố công khai trước thế giới là “Chiến tranh phản kích tự vệ” trước “hành động xâm lược” của Việt Nam.

Chỉ thị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc nêu rõ, cuộc chiến tranh được hạn chế nghiêm ngặt trong vòng bán kính 50km từ đường biên giới và kéo dài trong 2 tuần, các đơn vị được ấn định ở phạm vi trên phải chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ ngày 10 tháng 1 năm 1979.

Ý đồ tác chiến được Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QGPNDTQ) lựa chọn là “triển khai 2 mũi tấn công lớn từ 2 hướng, tập trung quân số áp đảo toàn diện để bao vây quân địch từ hai bên sườn, nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân địch bằng những trận đánh hủy diệt lớn, theo phương thức đánh nhanh rút gọn”.

Cuộc họp chỉ định, lực lượng tấn công chính sẽ lấy từ hai Đại quân khu Quảng Châu (nòng cốt là Quân khu tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây) và Đại quân khu Thành Đô (nòng cốt là Quân khu tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên). Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều động thêm một lực lượng lớn từ các Đại quân khu khác.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc được tuyên bố là “Chiến tranh phản kích tự vệ” tiến hành trong 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ 17 đến 25 tháng 2. Trong thời gian này, quân đội Trung Quốc dự tính sẽ phá vỡ tuyến phòng ngự đầu tiên của Việt Nam và đánh chiếm các thị xã Cao Bằng và Lào Cai, các thị trấn biên giới quan trọng là Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ ra vào Lạng Sơn.

Giai đoạn hai từ 26 tháng 2 đến 5 tháng 3, lực lượng Trung Quốc ở Quảng Tây sẽ tập trung tấn công vào Lạng Sơn và các vùng phụ cận phía tây, trong khi các cánh quân vu hồi ở Vân Nam sẽ giao chiến với sư đoàn quân Việt Nam ở vùng Tây Bắc Sa Pa, và Phong Thổ.

Trong giai đoạn cuối từ 6/3 đến 16/3, quân Trung Quốc sẽ nỗ lực truy quét để tiêu diệt nốt các lực lượng còn sót lại trong quá trình phá hủy hệ thống quân sự tại khu vực biên giới với Trung Quốc, trước khi hoàn thành việc rút quân vào ngày 16/3.

Trước đó, trong cuộc họp vào lễ Giáng sinh năm 1978, Đặng Tiểu Bình – khi đó là một trong năm Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiêm Tổng tham mưu trưởng đã quyết định không thành lập Bộ chỉ huy chung mà hai cánh quân sẽ tiến hành chiến đấu độc lập, không có phối hợp hoặc hiệp đồng.

Đặng Tiểu Bình cũng chỉ định Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) – Tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu làm chỉ huy cánh quân Quảng Tây và Dương Đắc Chí (Yang Dezhi – Tư lệnh quân khu tỉnh Vũ Hán) chỉ huy cánh quân Vân Nam, không dùng Vương Tất Thành (Wang Bicheng)- Tư lệnh quân khu tỉnh Vân Nam.

Theo tinh thần chỉ đạo và chiến thuật đó, 2 cánh chủ lực của Trung Quốc đã xây dựng những kế hoạch tác chiến riêng của họ, trong đó tập trung nhấn mạnh đến việc tiêu diệt các sư đoàn quân chính quy của Việt Nam dọc biên giới Trung-Việt.

Theo kinh nghiệm chiến đấu của mình và dựa trên các bài bản chiến thuật của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hứa Thế Hữu đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo cho cuộc chiến tranh là “ngưu đao sát kê” tức là “dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”, với nguyên tắc tác chiến gồm ba điểm:

Một là: Tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng phòng thủ sơ hở của quân địch.

Hai là: Sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của địch tại những những cứ điểm then chốt.

Ba là: Các đơn vị xung kích phải dốc sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công theo tất cả các con đường dẫn đến sào huyệt kẻ thù.

Theo cách này họ Hứa tin rằng, dưới sự chỉ huy của của ông ta, quân Trung Quốc có thể xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam thành từng mảnh, đập tan mọi sự kháng cự, thọc sâu, bao vây, chia cắt và sau đó tiêu diệt hết chủ lực Việt Nam.

Ngay từ đầu tháng 10/1978, Trung Quốc đã tung quân báo, thám báo, trinh sát và cả một số điệp viên tình báo của Hoa Nam tình báo Cục sang lãnh thổ Việt Nam do thám và thực hiện nhiều cuộc tấn công thăm dò vào các vị trí phòng thủ của chúng ta ở các tỉnh biên giới.

Mục đích chính của chúng là thu thập thông tin về địa hình, khả năng phòng thủ, tinh thần chiến đấu của lực lượng biên phòng Việt Nam, đồng thời tạo tâm lý “bão hòa” các cuộc tiến công nhỏ lẻ của Trung Quốc, nhằm che giấu ý đồ mở cuộc chiến tranh xâm lược lớn của chúng.

Những cuộc tấn công nhỏ, lẻ này tăng dần về quy mô và tần số cũng đồng nghĩa với việc lực lượng Trung Quốc tập trung tại biên giới ngày càng đông. Cùng trong thời gian đó, Trung Quốc cắt đứt tuyến đường sắt Hữu Nghị nối liền hai nước vào ngày 22/12/1978.

Huy động lực lượng áp đảo tấn công sang Việt Nam

Đến giữa tháng 1/1979, gần 20 sư đoàn chính quy Trung Quốc, với trên dưới 25 vạn quân chủ lực, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, hàng vạn khẩu pháo, cối và các loại vũ khí khác đã tập trung gần biên giới với Việt Nam.

Hơn 700 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom (tức 1/5 lực lượng không quân Trung Quốc), đã được đưa đến các sân bay giáp biên giới, phối hợp với các lực lượng lục quân, chuẩn bị một chiến dịch tấn công tổng lực, đại quy mô, xâm lược trực diện, xâm lược toàn diện.

Đến cuối tháng 1/1979, guồng máy khổng lồ hoạt động cho một cuộc xâm lược quy mô, núp dưới cái tên khêu gợi sự thương cảm của cộng đồng quốc tế là “Chiến tranh phản kích tự vệ” đã được chuẩn bị xong và sẵn sàng gieo tội ác xuống đất nước láng giềng nhỏ bé và thân thiện.

Vào thời điểm đó, về mặt tổ chức hành chính, Trung Quốc biên chế tổ chức thành các Đại quân khu (hiện nay là các Quân khu), dưới là các Quân khu tỉnh và thấp hơn cả là các Phân quân khu.

Về mặt tổ chức lực lượng tác chiến, các Đại quân khu thường được biên chế từ 3 Tập đoàn quân trở lên. Vào thời điểm đó, mỗi tập đoàn quân Trung Quốc có biên chế và vũ khí, trang bị lớn hơn 1 quân đoàn chủ lực của ta với ít nhất là 3 sư đoàn (f) bộ binh, trong đó có 2 sư Bộ binh cơ giới (fBBCG).

Để thực hiện kế hoạch tác chiến của mình, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng khổng lồ gồm 10 Tập đoàn quân chủ lực (1 TĐQ làm nhiệm vụ dự bị) và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh), thuộc 5 Đại quân khu.

Tổng số quân được huy động vào khoảng 620.000 quân, trong đó có hơn 300.000 quân chủ lực, được coi là thiện chiến nhất khi đó, núp dưới danh nghĩa bộ đội địa phương. Ngoài ra, còn khoảng hơn 300.000 dân binh, thuộc lực lượng quân dự bị.

Theo một số nguồn tin của Trung Quốc, lực lượng tác chiến hỏa lực gồm có 6 trung đoàn xe tăng; 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không độc lập, với tổng số gần 800 xe tăng-thiết giáp (550 xe tăng), 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn.

Ngoài ra, hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng yểm trợ phía sau (tuy nhiên, do những định hướng chiến lược của cuộc chiến tranh, quân đội Trung Quốc không huy động lực lượng này tham chiến).

Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch. Theo số liệu công khai, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.

5h sáng ngày 17/2/1979, tiếng súng đã vang lên ở biên giới phía Bắc Việt Nam, báo hiệu cuộc cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chính thức bắt đầu.

Hơn 60 vạn quân được sự yểm trợ của gần 800 xe tăng, xe bọc thép, trọng pháo đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (từ trái sang phải theo tuyến biên giới là Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh), chạy từ điểm tây bắc là Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến điểm đông bắc ở Pò Hèn (Quảng Ninh).

Theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, cánh quân Quảng Tây (phía đông) do Hứa Thế Hữu chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân (TĐQ) 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149, phối thuộc cho cánh quân Vân Nam), tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng.

Trong đó, hướng Lạng Sơn do Tập đoàn quân 43, 54, 55 phụ trách, còn hướng Cao Bằng do Tập đoàn quân 41, 42, 50 đảm nhận nhiệm vụ tấn công.

Cánh quân Vân Nam (phía tây) do Dương Đắc Chí – tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 đảm nhiệm tấn công vào hướng tây bắc Việt Nam, với trọng điểm là Lào Cai (trước là Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái).

Hướng Hoàng Liên Sơn do Tập đoàn quân 13, 14 triển khai tấn công; Tập đoàn quân 11 tiến quân theo hướng Lai Châu.

Ngoài ra, ở các nhánh tấn công phụ trên biên giới khu vực phía bắc và đông bắc, thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Hà Giang (trước đây là Hà Tuyên, nay tách thành Hà Giang, Tuyên Quang) mỗi nơi cũng có ít nhất từ 2-3 sư đoàn, sau đó tăng viện thêm.

Các chiến dịch quân sự đã được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam dọc theo biên giới kéo dài đến 900 km từ đông sang tây. Trong 30 ngày, quân Trung Quốc đã tiến hành những trận đánh đẫm máu nhất, và gặp phải những thương vong lớn nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên.

So sánh cán cân lực lượng giữa Trung Quốc và Việt Nam

Các chiến dịch quân sự đã được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam dọc theo biên giới kéo dài đến 900 km, từ điểm tây bắc là Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến điểm đông bắc ở Pò Hèn (Quảng Ninh).

Hơn 60 vạn quân được sự yểm trợ của gần 800 xe tăng, xe bọc thép, trọng pháo đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (từ trái sang phải theo tuyến biên giới là Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh).

Theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, cánh quân Quảng Tây (phía đông) do Hứa Thế Hữu chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân (TĐQ) 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149, phối thuộc cho cánh quân Vân Nam), tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng.

Trong đó, hướng Lạng Sơn do Tập đoàn quân 43, 54, 55 phụ trách, còn hướng Cao Bằng do Tập đoàn quân 41, 42, 50 đảm nhận nhiệm vụ tấn công.

Cánh quân Vân Nam (phía tây) do Dương Đắc Chí – tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 đảm nhiệm tấn công vào hướng tây bắc Việt Nam, với trọng điểm là Lào Cai (trước thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái).

Hướng Hoàng Liên Sơn do quân đoàn 13, 14 phụ trách tấn công; hướng Lai Châu có quân đoàn 11; hướng Quảng Ninh, Hà Giang (trước thuộc tỉnh Hà Tuyên, nay tách thành Hà Giang, Tuyên Quang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn.

Vào thời điểm đó, 3 trong số 4 Quân đoàn chính quy đang tập trung ở khu vực phía Nam, nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (phần lớn là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện; công an vũ trang (biên phòng), du kích xã và dân quân – tự vệ.

Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đứng chân trên khu vực biên giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng ở Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa). Ngoài ra, còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu.

Lực lượng độc lập của ta gồm các trung đoàn 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.

Đến ngày 18 và 19/2, chúng ta lần lượt bổ sung hai sư đoàn 327 của Quân khu III (gồm Trung đoàn bộ binh 42, 75, 540 và Trung đoàn pháo binh 120) từ Quảng Ninh lên tiếp viện Quân khu I và sư đoàn 337 của Quân khu IV, (gồm Trung đoàn bộ binh 4, 52, 92 và Trung đoàn pháo binh 108) hành quân bằng cả tàu hỏa và xe vận tải từ Nghệ An ra bắc, lên tiếp viện thẳng cho mặt trận chính ở Lạng Sơn.

Để đối phó với lực lượng tấn công tới 60 vạn quân của Trung Quốc, lúc đó lực lượng phòng thủ biên giới của chúng ta chỉ có tổng cộng khoảng 7 vạn quân.

Quân đoàn chủ lực duy nhất ở ngoài bắc là Quân đoàn 1 triển khai lực lượng xây dựng một phòng tuyến bảo vệ thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là Trung Quốc đột phá qua tuyến phòng thủ biên giới, tiến sâu xuống vùng châu thổ sông Hồng.

Đến giai đoạn 2 của cuộc chiến (theo tuyên bố của Trung Quốc), Việt Nam đã quyết định tung lực lượng chủ lực tham chiến.

Ngày 27/2, Quân đoàn 2 chủ lực của Bộ quốc phòng được lệnh cơ động lên mặt trận tăng viện để quét sạch quân Trung Quốc. Các trung đoàn máy bay vận tải, trực thăng vận tải Việt Nam và Liên Xô đã dùng máy bay vận tải bốc bộ binh và vũ khí, trang bị của Quân đoàn từ chiến trường biên giới Tây Nam về miền bắc.

Tuy nhiên, việc bốc một số lượng lớn bộ binh và vũ khí trang bị với khoảng cách xa như thế là điều không hề đơn giản, nên mãi đến cuối cuộc chiến lực lượng chủ lực của quân đoàn này mới kịp triển khai lên biên giới. Lúc đó, quân đội Trung Quốc đã rút chạy sau khi ta tung một phần lực lượng của Quân đoàn 1 lên biên giới.

Trước tình hình chiến sự ngày càng trở nên quyết liệt ở khu vực thị xã Lạng Sơn và phần lớn lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 chưa về kịp, vào ngày 3/3, Bộ Quốc phòng đã quyết định sử dụng đến các đơn vị chủ lực cơ động chiến lược của Quân đoàn 1(tức Binh đoàn Quyết Thắng).

Quân đoàn 1 lập tức điều Sư đoàn bộ binh 320B (sau này đổi thành 390 – đoàn Đồng Bằng, gồm Trung đoàn bộ binh 27, 48, 64 và Trung đoàn pháo binh 54), được tăng cường Trung đoàn bộ binh 209 (đoàn Sông Lô) – thuộc Sư đoàn bộ binh 312 (đoàn Chiến Thắng) và tiểu đoàn pháo tầm xa 130mm của Lữ đoàn pháo binh 45 (đoàn Tất Thắng) cấp tốc hành quân lên Lạng Sơn.

Đến ngày 5/3, lực lượng của Quân đoàn 1 bắt đầu triển khai chiến đấu, nhưng chưa kịp tham chiến thì Trung Quốc tuyên bố rút quân, ngay sau khi Lệnh tổng động viên toàn quốc để quét sạch bè lũ xâm lăng của Chủ tịch nước Tôn Đức được công bố vào ngày hôm đó.

Tóm lược diễn biến cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 của Trung Quốc

Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng ta sẽ không đi sâu vào các chi tiết của những trận đánh và chỉ điểm qua tình hình chính trong các giai đoạn. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ trình bày kỹ lưỡng về diễn biến chiến sự cụ thể trong những loạt bài khác.

Giai đoạn 1 (từ ngày 17 đến 27/2)

5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, pháo binh Trung Quốc ồ ạt tấn công vào nội địa của ta, tiếp theo là xe tăng và khoảng 120.000 quân Trung Quốc rầm rộ tràn qua, tiến đánh Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, từ tỉnh tây bắc là Lai Châu đến tỉnh đông bắc là Quảng Ninh.

Cánh phía đông (hướng Quảng Tây) có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn, Cao Bằng với 2 hướng tiến đánh chính.

Hướng thứ nhất do Tập đoàn quân 42 (thuộc Đại quân khu Quảng Châu) dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng, nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn, hướng thứ hai do Tập đoàn quân 41 dẫn đầu, từ Tĩnh Tây và Long Châu đánh vào Cao Bằng và Đông Khê.

Ngoài ra, Tập đoàn quân 55 cũng tổ chức một hướng tiến công từ Phòng Thành – Quảng Tây đánh vào Móng Cái – Quảng Ninh của ta.

Cánh phía tây (hướng Vân Nam) có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự-Vân Nam, với 3 mũi tiến công chính.

Mũi thứ nhất do lực lượng của các Tập đoàn quân 11 và 13 (Đại quân khu Thành Đô), đánh vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42 của Tập đoàn quân 14 (Đại quân khu Thành Đô) dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu.

Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là thị xã Lào Cai, huyện Mường Khương (Lào Cai), Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái (khi đó là huyện lỵ của huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh).

Trong giai đoạn từ ngày 17 đến ngày 28/2, quân Trung Quốc đánh chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng và một số thị trấn. Với tư tưởng quán triệt trước là phải phá hoại nền kinh tế Việt Nam, quân Trung Quốc đã phá hủy triệt để các cơ sở vật chất, kinh tế ở những địa phương này.

Tuy nhiên, do vấp phải tinh thần chiến đấu kiên cường và chiến thuật phòng ngự hiệu quả của bộ đội địa phương và dân quân du kích Việt Nam, cũng như áp dụng chiến thuật lạc hậu, nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thương vong rất nặng nề.

Giai đoạn 2 (27/2-5/3):

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/2, là giai đoạn bộc lộ dã tâm xâm lược của Trung Quốc khi chúng liên tiếp tăng quân đánh sang Việt Nam. Đến thời điểm này cộng đồng quốc tế cũng đã nhận ra sự giả dối và tráo trở của Trung Quốc đằng sau cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ”

Áp dụng chính sách hai mặt, Trung Quốc tiếp tục điều quân tăng viện từ Trung Quốc sang Việt Nam trong khi trước đó Đặng Tiểu Bình hứa hẹn “có thể sẽ rút quân sau 10 ngày”. Điều này cho thấy những lời hứa hẹn “cuộc chiến giới hạn” chỉ là điều dối trá trắng trợn.

Chiến sự tập trung tại khu vực Lạng Sơn (mũi Quảng Tây của Trung Quốc), tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn.

Trung Quốc điều tới hướng thị xã Lạng Sơn thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía Đông Nam Lạng Sơn). Sau đó, đến ngày 2-3 sử dụng thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của Tập đoàn quân 54 và dùng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng vào Lạng Sơn.

Ở hướng này, sư đoàn 3 và sư đoàn 337 (lực lượng chi viện của Quân khu 4, vừa hành quân từ Nghệ An ra) đã anh dũng đánh bật cuộc tiến công của 6 sư đoàn và nhiều trung đoàn của địch. Với lực lực lượng bình quân hơn 1 sư đoàn đánh với 1 trung đoàn ta, mãi đến ngày 4/3 Trung Quốc mới chiếm được thị xã Lạng Sơn.

Đến giai đoạn này, Việt Nam cũng quyết định tung lực lượng chủ lực để ra đòn quyết định, đánh bật quân Trung Quốc về bên kia biên giới. Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng.

Quân đoàn 14 (vừa được thành lập ngày 25/2), bao gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 337 hầu như còn nguyên vẹn, bắt đầu tái triển khai quân bao vây đánh chiếm lại thị xã Lạng Sơn.

Lúc này, sư 320B của Quân đoàn 1 (gồm 3 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh), được tăng cường thêm 1 trung đoàn bộ binh 209 và 1 tiểu đoàn pháo tầm xa 130mm đã từ đồng bằng lên tăng viện cho Lạng Sơn và triển khai đội hình chiến đấu vào ngày 4/3.

Ngoài ra, lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 được máy bay vận tải bốc thẳng từ mặt trận biên giới Tây Nam về đã bắt đầu tập kết sau lưng Quân đoàn 14.

Sau khi thấy một phần chủ lực của Việt Nam đã lên biên giới và các sư chủ lực khác cũng đang ầm ầm kéo quân ra Bắc, cộng với kết quả thương vong, tổn thất quá lớn, ngày 5/3/1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và bắt đầu rút lui trong “chiến thắng”.

Giai đoạn 3 (từ ngày 5 đến 18/3):

Có một số tài liệu cho rằng cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chia làm 2 giai đoạn, kết thúc khi tuyên bố rút quân về, nhưng trên thực tế, đến ngày 18/3, những lực lượng cuối cùng mới rút khỏi Việt Nam và trong giai đoạn này vẫn xảy ra một số trận đánh, nên chúng ta có thể phân thành 3 giai đoạn.

Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc để “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”. Trong khi đó, lực lượng chủ lực của Quân đoàn 1 và 2 cũng đã lên đến biên giới.

Trong bối cảnh đó, Đặng Tiểu Bình vội vã tuyên bố đã hoàn thành được mục đích “dạy cho Việt Nam một bài học” và tuyên bố rút quân. Việt Nam thể hiện tinh thần nhân đạo đúng với truyền thống lịch sử dân tộc hàng ngàn năm qua, tuyên bố cho phép quân xâm lược Trung Quốc được rút lui an toàn.

Tuy nhiên, do trên đường rút chạy, quân Trung Quốc vẫn không ngừng đốt phá, giết người và phá hoại các công trình của Việt Nam nên chủ lực ta đã tiến hành một số trận truy kích, ví dụ như trận Chi Mã, để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời răn đe quân xâm lược giở trò lật lọng.

Ngày 18/3/1979, tàn quân Trung Quốc rời khỏi nước ta, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của bè lũ bành trướng Bắc Kinh.

Với lực lượng chỉ bằng gần 1/10 của kẻ thù và phần lớn là dân quân du kích nhưng Việt Nam đã gây tổn thương nặng cho quân địch cả về lực lượng và trang bị, đẩy lùi quân giặc ra khỏi biên giới, bảo vệ thắng lợi miền Bắc, viết thêm một trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: ,