Câu chuyện đau đớn về những khu rừng trống rỗng ở Việt Nam

Tiếng vượn hót vô tình tiết lộ vị trí của chúng này cho những thợ săn trong vườn quốc gia bên kia sông. Đôi khi chúng bị bắn rụng khỏi những tán cây và bị bán xuống thành phố làm thực phẩm…

Câu chuyện đau đớn về những khu rừng trống rỗng ở Việt Nam

Cây bút Stephen Nash đã có những chia sẻ rất đáng suy ngẫm trên tờ New York Times về thực trạng bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, cụ thể là tại một số vườn quốc gia, xin được trích lược cùng bạn đọc:

Bất chấp những cuộc chiến bi thảm và kéo dài trong suốt thế kỷ qua, Việt Nam vẫn là một kho báu.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới, theo nghiên cứu của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Nơi đây có tới 30 vườn quốc gia và chủng loại động vật phong phú không kém gì những điểm đến safari nổi tiếng ở Kenya hay Tanzania dù diện tích chỉ nhỉnh hơn bang New Mexico của Mỹ.

Đáng chú ý là có tới hàng trăm loài động thực vật mới được phát hiện ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua và còn nhiều hơn nữa số lượng loài được ghi nhận mỗi năm, trong đó đặc biệt phải kể tới loài Sao la quý hiếm – loài sở hữu vẻ ngoài như linh dương, được đặt biệt danh “kỳ lân cuối cùng” vì sự hiếm có và là loài động vật sống trên cạn lớn nhất được phát hiện kể từ năm 1937.

Rừng Việt Nam cũng là ngôi nhà che chở hai chục loài linh trưởng – vượn, khỉ, cu li và voọc – với nhiều sắc màu đa dạng.

Rõ ràng Việt Nam là tâm điểm đa dạng loài hoang dã. Nhưng du lịch động vật hoang dã không được quan tâm đúng mức, và Việt Nam cũng đã trở thành một trung tâm về tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

Các quần thể hoang dã bị bủa vây bởi sự hủy hoại sinh cảnh sống do dân số bùng nổ hoặc bị bắn, đặt bẫy, bắt sống đến nỗi các vườn quốc gia và các khu vực tự nhiên khác hiện đang bị ảnh hưởng bởi “hội chứng rừng rỗng” tức sinh cảnh rừng thích hợp nhưng ngay cả chim và động vật nhỏ cũng bị săn bắn đến tuyệt chủng. Các nước châu Á khác đang ở trong những giai đoạn khác nhau của cùng một hiện tượng. Nhiều loài mới sẽ biến mất trước khi khoa học có thể khám phá ra chúng.

Sự suy giảm của Việt Nam đặc biệt dữ dội. Ví dụ, trong một khu bảo tồn quốc gia ở vùng sâu vùng xa dành riêng cho Sao la và các động vật quý hiếm khác, 23.000 cái bẫy dây rẻ tiền nhưng hiệu quả trong việc gây tử vong cho động vật đã được tìm thấy vào năm 2015 – năm gần đây nhất có kiểm đếm. Hàng chục ngàn cái bẫy được giăng mỗi năm, nhanh như cách chúng bị tịch thu vậy.

Mặc dù đã có những cuộc điều tra chuyên sâu, nhưng không có thêm bằng chứng gì về Sao la có thể kiểm chứng kể từ khi một bức ảnh chụp được loài động vật này từ sáu năm trước. Con tê giác cuối cùng cũng bị những kẻ săn trộm bắn chết ở vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Hổ bị săn bắn đến mức không còn hiện diện. Chỉ có những quần thể nhỏ gấu và voi sống trong những vạt rừng nhỏ và dễ bị tổn thương. Gần như tất cả các loài linh trưởng đều có nguy cơ tuyệt chủng.

Một phần cuộc tàn sát này là để cung cấp nguyên liệu cho Đông y ở Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Barney Long, Giám đốc Global Wildlife Conservation, các cuộc khảo sát cho thấy động lực lớn hơn là “đáp ứng nhu cầu vô độ về thịt động vật hoang dã của các nhà hàng ở đô thị”.

“Không phải là kiểu người nghèo đi săn để kiếm thức ăn. Đó là biểu tượng địa vị xã hội khi đưa đối tác hoặc đồng nghiệp đi ăn thịt động vật hoang dã. Và thành thật mà nói, việc này xảy ra với quy mô rùng mình. Chúng ta không nói về một hoặc hai loài mà toàn bộ cộng đồng động vật hoang dã biến mất”.

Cúc Phương, vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, cách Hà Nội vài tiếng lái xe về phía nam, được thành lập vào năm 1962 bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã tiên tri rằng “sự phá hủy rừng hiện tại của chúng ta sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu, năng suất và cuộc sống. Rừng là vàng. Nếu chúng ta biết bảo vệ rừng sẽ đem lại cho con người nguồn tài nguyên vô cùng quý giá”.

Nhưng tình hình Cúc Phương hiện nay không như trong email quảng cáo – rằng Cúc Phương là “rừng già có gần 2.000 loài cây và một số loài động vật quý hiếm như báo gấm, voọc quần đùi trắng, cầy vằn, rái cá và gấu ngựa!…, cú mèo, sóc bay, cu li, dơi và mèo”.

Adam Davies, Giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp cho biết rừng ở đây không còn voọc quần đùi trắng, gấu, báo hay các loài mèo nhỏ hơn, trừ khi chúng ẩn náu kỹ đến nỗi ngay cả các nhà khoa học cũng không thể tìm thấy.

Thay vào đó, bộ sưu tập động vật quý hiếm phong phú nhất có thể được tìm thấy dọc theo một con đường hẹp yên tĩnh có các trung tâm cứu hộ động vật nối nhau. Tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng, du khách có thể nhìn thấy bốn loài voọc gần như tuyệt chủng (còn gọi là khỉ ăn lá), vượn và cu li, nhiều con trong số đó được giải cứu khỏi những kẻ buôn bán động vật hoang dã. Chúng được điều trị, được nhân giống khi có thể, và trong những hoàn cảnh đặc biệt may mắn sẽ được đưa trở lại tự nhiên. Davies cho rằng những kẻ săn trộm đã biến phần còn lại của vườn quốc gia này trở thành nơi quá nguy hiểm để họ có thể tái thả hầu hết các loài động vật về tự nhiên.

Cách vài bước chân là hai trung tâm cứu hộ khác. Một trung tâm bảo vệ hàng tá loài rùa đều có nguy cơ tuyệt chủng. Trung tâm kia dành cho mèo rừng, cầy, cầy mực và tê tê bị tịch thu. Davies nói rằng “tê tê hiện được gắn mác không ai mong muốn là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới”. Trung tâm của Davies thả một số con voọc quần đùi trắng cực kỳ nguy cấp vào Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long cách đó khoảng 90 phút đi đường.

Để ngắm gấu thì phải tới vườn quốc gia Tam Đảo, tọa lạc trên đỉnh một sườn núi dài ở phía bắc Hà Nội. Một thị trấn nghỉ dưỡng nằm trong vườn quốc gia với nhiều cần cẩu và máy đào hạng nặng – một phần của sự bùng nổ xây dựng.

Trong thung lũng bên dưới là khu bảo tồn gấu do Animals Asia Foundation (AAF) vận hành và thỉnh thoảng mở cửa cho du khách. Ở đây bảo tồn hai loài: gấu chó và gấu ngựa. Cả hai trông giống như những phiên bản punk-rock có lông hoang dã của gấu đen Bắc Mỹ với viền chữa V sống động màu trắng. Chúng được giải cứu khỏi tình trạng giam cầm tàn khốc ở các trại gấu, nơi mật của chúng liên tục bị trích xuất cho đến khi cạn kiệt.

Tuấn Bendixsen, Giám đốc AAF cho biết hiện nay việc lấy mật là bất hợp pháp mặc dù những lỗ hổng khiến luật pháp khó được thực thi: “Việc lấy mật gấu vẫn tiếp tục diễn ra. Bạn vẫn có thể mua nó ở Hà Nội nếu muốn”.

Nhiều con gấu AAF nhận về “bị mất chân tay hoặc bị tổn thương theo nhiều cách khác” khiến cơ hội trở lại tự nhiên hoang dã của chúng rất mong manh. Và ngày càng hiếm những vùng hoang dã thích hợp cho việc thả chúng khi dân số và nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Tất nhiên, Việt Nam không đơn độc trong việc không bảo vệ được các loài hoang dã của mình. Tại Hoa Kỳ, nhiều động vật “được bảo vệ” cũng đang bị đẩy đến bờ nguy cấp. Các sáng kiến ​​từ chính quyền Trump đã lật lại việc công nhận một số khu vực quốc gia và sẽ làm suy yếu Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Nếu có hy vọng gì đó về di sản thiên nhiên của Việt Nam thì một phần là các nhóm bảo tồn sáng tạo, đôi khi can đảm. Những nhóm này thực hiện nghiên cứu, điều tra tội phạm, đấu tranh chính trị và thúc đẩy khung pháp lý – những việc đầy rủi ro.

Một nguồn hy vọng khác nằm ở việc thu hút cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ động vật hoang dã bằng các ưu đãi kinh tế. Ví dụ, WWF tài trợ cho việc trồng mây và keo bền vững tại vùng đệm cho các khu bảo tồn thiên nhiên dọc biên giới phía tây với Lào. Ở những nơi khác, các nhóm môi trường trả cho người dân địa phương một mức lương đủ sống để tuần tra rừng và thu gom hàng nghìn cái bẫy chết người.

Du lịch, đang tăng trưởng nhanh ở Việt Nam, cũng có thể duy trì các khu vực hoang dã, mặc dù chỉ khi nó được quản lý cẩn thận.

Lượng khách du lịch quốc tế đạt gần 15,5 triệu trong năm 2018 – tăng một cách đáng kinh ngạc tới 64% so với năm 2016. Vì thế mà có cả rừng cần cẩu xây dựng mà chúng ta đã thấy ở bờ biển phía xa của Vịnh Hạ Long, khi các khách sạn cao tầng mọc lên ở vườn quốc gia Cát Bà.

Những khách sạn này cũng giải thích cho sự phân mảnh sinh cảnh và tình trạng gần như tuyệt chủng của Voọc Cát Bà và các loài khác từng sinh sống trong cảnh quan này.

Khoảng 60 con Voọc Cát Bà vẫn tồn tại trong các quần thể bị cô lập, nơi các lựa chọn để kiếm ăn và sinh cản gần như bị đóng sập. Trong những năm 1960, có khoảng 3.000 con voọc ở Cát Bà.

Trung tâm linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên nằm trên một hòn đảo chỉ vài phút xuôi dòng sông chảy qua vườn quốc gia Cát Tiên, có thể một số loài cho du khách ngắm, bao gồm cả những con vượn háo hức đang ngó nghiêng qua tán cây cao.

Tiếng vượn hót vô tình tiết lộ vị trí của những loài này cho những thợ săn trong vườn quốc gia bên kia sông. Đôi khi chúng bị bắn rụng khỏi những tán cây và bị bán xuống thành phố làm thực phẩm.

Các kiểm lâm viên và những người dân Cát Tiên khẳng định rằng quần thể động vật của vườn quốc gia đang suy giảm.

Ngay rìa vườn quốc gia là khu nghỉ dưỡng Cát Tiên Jungle Lodge. Gary Leong, chủ sở hữu nơi này, đang góp phần bảo vệ Cát Tiên khỏi du lịch đại chúng và xây dựng mối quan hệ kinh tế với các cộng đồng địa phương nghèo nhằm giúp họ không tham gia săn trộm. “Không có động vật thì không còn lý do gì để vườn quốc gia tồn tại. Chúng tôi phải hỗ trợ mọi người một phần để bảo vệ chúng”.

Điều đó có nghĩa là tạo ra các ưu đãi kinh tế cho người dân địa phương để bảo tồn các loài bản địa trong sinh cảnh tự nhiên. Những người ủng hộ động vật hoang dã nói rằng cần phải bắt đầu sớm.

“Mỗi ngày chúng tôi đều thức dậy và tự hỏi: “Chúng ta còn thời gian không? Có loài nào trong số những loài này còn có đủ thời gian? Có phải chúng ta đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà chúng ta đã thua rồi không?” Nhưng nếu chúng ta không chiến đấu thì chúng ta chắc chắn đã thua”, bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam, thừa nhận.

Theo BẢO VỆ RỪNG & MÔI TRƯỜNG

Tags: ,