Cái nhìn của người Mỹ về lực lượng FULRO trong Chiến tranh Việt Nam

Năm 1964, cuộc nổi dậy đầu tiên của FULRO chống lại Việt Nam Cộng hòa đã có sự nhúng tay của Kosem, và có lẽ cả người Pháp. Việc cố tình sử dụng bạo lực đã đặt FULRO vào một con đường không thể quay đầu.

Sĩ quan Mỹ huấn luyện cho binh sĩ FULRO.

Tác giả: William H. Chickering, bác sĩ cấp cứu thời chiến tranh Việt Nam, tác giả một cuốn sách về FULRO.

Nguồn: William H. Chickering, “A War of Their Own”, The New York Times, 09/06/2017.

Lược dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.

Mùa xuân năm 1967, khi ấy tôi đang là cậu trung úy 22 tuổi của Lực lượng Đặc nhiệm đóng tại một căn cứ nằm trên một đỉnh đồi ở Việt Nam, gần biên giới với Campuchia. Những người lính bên cạnh tôi là người Thượng, một tộc người sống ở vùng cao, khác với người Kinh ở miền xuôi. Hầu như ai trong số này cũng là thành viên của một tổ chức phiến quân tên gọi FULRO, viết tắt tiếng Pháp của Front unifié de lutte des races opprimée hay Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức, với mục tiêu đuổi người Kinh ra khỏi vùng cao nguyên. Căn cứ của tổ chức là một nơi nào đó bên kia biên giới.

Chúng tôi là một đơn vị trinh sát đặc biệt, không có chỉ huy nào người Việt Nam, đó chính là điều đã khiến quân du kích FULRO chịu hợp tác với chúng tôi, trở thành lính tuần tra và lính phản ứng nhanh của tiểu đoàn. Tôi là chỉ huy nhóm phản ứng nhanh. Chỉ thị nghiêm ngặt đã được tướng William Westmoreland đưa ra: cấm lính Mỹ hỗ trợ FULRO vì “chúng ta không ở Việt Nam để hỗ trợ cuộc nổi dậy chống lại chính quyền miền Nam.”

Điều này cũng dễ hiểu, dù vậy, nhiều người lính như tôi đã không tuân lời. Người Thượng không chỉ bảo vệ và an ủi chúng tôi giữa ghê rợn của rừng rậm, mà nguyên nhân khiến họ chiến đấu cũng giống như phong trào dân quyền ở quê nhà. Thế nhưng, khi vũ khí và đạn dược của tiểu đoàn bắt đầu biến mất, tôi dần có suy nghĩ khác.

Đến năm 1956, người Thượng đã cùng nhau hợp tác về chính trị, tạo thành một phong trào chống lại việc định cư của người Kinh ở các cao nguyên. Năm 1964, FULRO chính thức hình thành và bắt đầu các vụ tấn công chống lại chính quyền Nam Việt Nam. Đến năm 1967, sự ủng hộ của người Thượng cho phong trào này lên đến đỉnh điểm. Ngay cả bọn trẻ 4 tuổi trần truồng ở những thôn xóm xa xôi cũng suốt ngày ríu rít: “Tôi là FULRO.”

Nhà lãnh đạo của phong trào, Y-Bham Enuol, được tin là có khả năng trò chuyện với các linh hồn, cũng như với Charles de Gaulle. Người ta còn bảo rằng mãng xà nằm cuộn bên dưới giường ông ta. Hàng ngàn người đã theo ông đến Campuchia, rất nhiều gia đình cùng nhau cắm trại trong rừng.

Nhưng sự ra đời của FULRO vào năm 1964 lại là sự khởi đầu cho kết thúc của phong trào người Thượng. Vì quá chú trọng cách mạng, vốn đòi hỏi phải có một căn cứ bên ngoài biên giới Việt Nam, FULRO đã chấp nhận trợ giúp có tính toán từ Campuchia. Quốc vương Sihanouk của Campuchia, giống như Charles de Gaulle của Pháp, vẫn hy vọng thuyết phục được Mỹ rút khỏi Đông Dương. Sihanouk hẳn đã cho rằng hỗ trợ FULRO sẽ gây rắc rối cho miền Nam Việt Nam, từ đó cũng làm khó cho người Mỹ.

Nhân vật được Sihanouk chọn là một đại tá quân đội Campuchia, một người Chăm theo Hồi giáo tên là Les Kosem. Ngay từ khi còn nhỏ, Kosem đã quyết tâm khôi phục lại vinh quang của người Chăm bằng cách giành lại phần lãnh thổ đã mất trong những thế kỷ trước. Nghe như ảo tưởng, nhưng không phải là không thể, nhất là khi chiến tranh gần kề. Dùng một số biện minh lịch sử và ngôn ngữ, ông gọi người Thượng là “người Chăm ở vùng cao”, và toàn bộ Tây Nguyên là một phần của nước Champa cổ đại. Ông ta xem lý tưởng của người Thượng là của mình và đồng ý hỗ trợ. Nghiêm trang và thận trọng, nhưng vẫn có chút cuồng loạn, ông ta có phần giống Đại úy Ahab [nhân vật trong tiểu thuyết Moby Dick].

Năm 1964, cuộc nổi dậy đầu tiên của FULRO chống lại Việt Nam Cộng hòa đã có sự nhúng tay của Kosem, và có lẽ cả người Pháp. Việc cố tình sử dụng bạo lực đã đặt FULRO vào một con đường không thể quay đầu. Nhưng đến năm 1966, Sihanouk đã bắt đầu lo sợ FULRO vì tiềm năng tiến hành đảo chính của tổ chức này. Ông điều Kosem đi nơi khác và để FULRO suy yếu.

Thất bại của cuộc nổi dậy thứ hai đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa nhóm ôn hòa, những người chủ trương đàm phán với Sài Gòn, và nhóm hiếu chiến vẫn hy vọng giành được quyền tự chủ thông qua chiến đấu. Nhận thấy rằng nhà lãnh đạo của họ, Y-Bham Enuol, đang nghiêng về phía đàm phán, các phiến quân trẻ đã thực hiện một cuộc “đảo chính” vào năm 1968, đưa nhà lãnh đạo lớn tuổi về quản thúc tại Phnom Penh và giải giáp những người theo ông. Hàng ngàn người ôn hòa đã đi bộ về Việt Nam và tái hòa nhập dần với xã hội, chỉ còn lại các phiến quân vũ trang – khoảng 200 người Thượng và trí thức trẻ người Chăm – ở lại căn cứ trong rừng của FULRO, phía đông Campuchia.

Tháng 03/1970, Sihanouk bị phế truất, thay thế bằng một vị tướng thân Mỹ. Sang tháng 05, các phiến quân FULRO còn lại, một số người sống cùng vợ, đã bị tấn công bởi lính Bắc Việt.

Trong hai đêm, họ đã chiến đấu chống lại những đợt tấn công dữ dội, nhưng khi nhận ra đêm thứ ba sẽ là đêm cuối cùng của mình, họ bèn tìm cách rút lui theo các nhóm nhỏ trước lúc bình minh. Vượt 100 dặm rừng ngay trong đêm, họ lẩn trốn lực lượng Bắc Việt trong hai tuần với rất ít thức ăn và nước uống. Bằng cách đi theo âm thanh của chiến trường, cuối cùng họ đã gặp lực lượng Mỹ đang xâm nhập Campuchia. Người Chăm, những cư dân miền xuôi mới lần đầu làm quen chiến trận, đã mất gần một nửa quân số, còn người Thượng không mất ai.

Các phiến quân sống sót đã được đưa vào Quân đội Campuchia. Nhóm người Thượng đóng quân trên một con sông để bảo vệ Phnom Penh, vốn cũng đang bị bao vây. Dần dần lực lượng Bắc Việt rút lui, bị đẩy lùi bởi không quân Mỹ (trong khi lực lượng Cộng sản Campuchia, Khmer Đỏ, vẫn đang tập hợp lực lượng ở các tỉnh). Thế nên, trong khoảng ba – bốn năm tiếp theo, cuộc sống tương đối bình thường ở Phnom Penh. Các lãnh đạo người Thượng chuyển đến sống ở thành phố, chia sẻ hai biệt thự và gửi con cái họ đến trường, một vài đứa là lần đầu tiên trong đời. Y-Bham Enuol cũng xin các phóng viên giúp ông ta đến Mỹ.

Năm 1973, tôi là một trong những phóng viên đó. Tôi đã rời Quân đội Hoa Kỳ để hoàn thành chương trình đại học, và sau đó theo đuổi các lớp tiền y sĩ, nhưng bí ẩn FULRO vẫn cứ mãi ám ảnh. Cuối cùng, tôi đã dùng đến tấm thẻ báo chí: cộng tác viên của tờ Harpers. Phát ngôn viên của FULRO, ba phiến quân trẻ, đã thẳng thắn nói về chuyện cuộc cách mạng của họ đang bị đình trệ. Campuchia, khi ấy đã là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa, không còn có thể được sử dụng như một căn cứ chống Việt Nam.

Hai năm sau, Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ. Một lần nữa, những lính người Thượng đóng ven sông phải rút lui vào ban đêm, lần này là qua vùng đầm lầy nước ngập tận cổ, để trở lại thành phố. Đủ điều kiện để tị nạn ngoại giao, họ tập hợp vợ con đến tị nạn tại Đại sứ quán Pháp. Nhưng, như những người đã chứng kiến “Cánh đồng Chết” vẫn nhớ, Khmer Đỏ chẳng màng gì khái niệm tị nạn và yêu cầu trục xuất mọi cá nhân không sở hữu hộ chiếu nước ngoài.

Ngày 21/04/1975, khoảng 150 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em người Thượng đã ra khỏi cổng sứ quán để bước vào địa ngục. Nhiều nhà quan sát ghi nhận sự bình tĩnh và trang nghiêm của họ, một điều khó thấy vào khoảng thời gian ấy. Người ta không biết rõ thực sự điều gì đã xảy ra sau đó. Nhiều khả năng là hầu hết những người này đã bị sát hại.

Hai người đã may mắn trốn thoát trước khi Campuchia lao xuống vực thẳm. Một người là Les Kosem, được phái đi làm nhiệm vụ ngoại giao một tuần trước đó, nhưng cũng qua đời trong năm tiếp theo. Người kia là một trong ba phát ngôn viên của phiến quân mà tôi đã gặp, Y-Bhan Kpor, người đang trải qua khóa huấn luyện quân sự ở Mỹ. Tôi đã trở thành một trong những người bảo trợ cho anh ta, và buộc phải cho anh biết rằng người Thượng đã bị trục xuất khỏi Đại Sứ quán.

Sau vài năm, anh ta lên đường tìm vợ con, rồi chúng tôi mất liên lạc. Khoảng 30 năm sau, tôi nhận được một email từ một nhà nhân học ở Campuchia. Y-Bhan đang tìm tôi. Tôi đến Campuchia và gặp lại anh ta đang làm nông dân trên vùng đất đỏ, cô độc một mình.

Anh ta mất 18 năm mới trở lại được Campuchia. Trong quãng thời gian đó, anh làm công nhân đóng chai cho nhà máy Coca-Cola ở Atlanta, làm quản đốc ban đêm ở Tulsa, Oklahoma, rồi làm ở xưởng sản xuất lốp xe, tìm kiếm nhân chứng ở Paris, những người đã ở trong Đại Sứ quán ngày ấy, và chờ đợi mòn mỏi trong một trại tị nạn ở Malaysia. Về lại Campuchia, anh ta gia nhập đoàn quân tìm kiếm người mất tích.

Anh ta tìm được một cựu tướng Khmer Đỏ, người đã đánh chiếm Phnom Penh và dành nhiều đêm uống rượu liên tục với ông ta đến tận sáng, nhưng chẳng thu được thông tin gì. Bất kỳ thông tin nào anh ta thu được cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng (như “một người lính Khmer Đỏ đã bắt vợ anh hát trước khi sát hại cô ấy), và điều đó còn đau đớn hơn cả sự im lặng. Sau ba năm, anh ta bỏ cuộc.

Gần đây, Y-Bhan đã gắng tìm gia đình mình thêm một lần nữa, với sự giúp đỡ của Ủy ban Sự thật Campuchia, nơi công bố danh sách người tị nạn ở Đại Sứ quán, với 78 cái tên, chủ yếu là trẻ em, xác định mỗi cá nhân sẽ khoảng bao nhiêu tuổi ngày nay. Danh sách đã được công bố hai lần, trên toàn quốc, nhưng anh ta không nhận được phản hồi nào.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,