⠀
Các công chúa nhà Nguyễn được gả chồng như thế nào?
Việc gả chồng cho các công chúa triều Nguyễn quả thật không đơn giản. Trong nhân gian lấy nhau thời xưa cũng đã phức tạp rồi. Có đến 6 cái lễ chính: từ Nạp Thái, Vấn sanh, Nạp cát, Nạp lệ, Thỉnh kỳ rồi cuối cùng là Nghinh hôn. Cứ nhân cái phức tạp này lên bốn năm lần may ra hiểu được cái phức tạp của việc gả chồng cho các công chúa. Nhưng nếu có điều gì dễ dàng thì chỉ có một điều: Các công chúa bảo đảm là có chồng, không người này thì người khác.
Gia đình Hoàng Gia
Vua Chúa ở ta cũng như bên Tầu không phải một vợ mà nhiều vợ. Bên Tầu, một vị Hoàng đế có số cung phi, cung nữ lên đến 10.000 thiếu nữ. Giả dụ cứ mỗi đêm, ông ăn ở với một cô nương thì phải mất mười ngàn đêm, tức là trên dưới 30 mươi năm mới xong hết một lượt. Điều mà vua chúa không ông nào làm nổi. Ba mươi năm chờ đợi để được một lần gặp gỡ, gặp xong thì đã già rồi(1).
Triều đình nhà Nguyễn không đến nỗi quá quắt như thế, nhưng không phải là không có khá nhiều chuyện loạn luân đã xảy ra(2). Tránh sao khỏi. Ngoài Hoàng Hậu, các vua đều nạp phi. Đời Minh Mạng, nhiều cung phi chỉ là cung nhân, một nghĩa có thể hiểu được họ chỉ là thị nữ, người hầu hạ trong cung. Vua nào cũng vợ nọ con kia mà nhiều vợ, nhiều cung tần thì dĩ nhiên nhiều dòng con khác nhau.
Thế Tổ Cao Hoàng đế, tức vua Gia Long có 13 Hoàng Tử, 18 Công Chúa. Trong đó, con thứ tư sau này là Vua Minh Mạng. Cộng chung là 31 người.
Thánh tổ Nhơn Hoàng đế, tức vua Minh Mạng thì nhiều con hơn. Có đến 78 Hoàng tử và 64 công chúa. Cộng chung là 142 người. ( Có nhiều sách chép nhiều hơn, đến 165-170 , chẳng hiểu những con số đó lấy ở tài liệu nào, căn cứ vào đâu ).
Hiến tổ Chương Hoàng đế, tức Thiệu Trị có 29 Hoàng Tử và 35 công chúa. Cộng chung là 64 người.
Dực Tôn hoàng đế, tức Tự Đức, không có con, chỉ nhận ba người con nuôi.
Tính chung cả bốn triều vua có tất cả 250 Công Chúa và Hoàng tử. ( Sách trích dẫn : Đại Nam liệt truyện, nhị tập, quyển đầu đến quyển 25, từ trang 79-203 )(3).
Nay chúng ta cứ giả dụ trong một thời gian là 30 năm sau, số này có vợ có chồng phải cộng thêm 250 người công chúa hoặc phò mã nữa. Con số cộng chung sẽ là 500 phò mã công chúa. Trung bình mỗi gia đình có bốn người con. Lấy trung bình mổi gia đình có 4 con là con số tối thiểu thôi. Con số sẽ lên đến 1000 người là các Hoàng tôn (tức là cháu trai, cháu gái vua ). Chúng ta tạm thời tính đến đây thôi, vì còn các Hoàng tôn sẽ lại tiếp tục lấy vợ, lấy chồng nữa. Chẳng hạn, con thái tử Bính, con vua Gia Long có 42 con trai, 31 con gái. Thái tử Miên Chi, con Minh Mạng 18 con gái, 13 con trai, TT Miên Tĩnh 10 con trai, 77 con gái, TT Miên Phú 27 con trai, 35 con gái. Thái tử Hồng phó, con Thiệu Trị có 16 trai, 29 con gái. Thái tử Quân Bắc 43 con trai, 24 con gái. Chỉ 6 thái tử thôi.. Con số con trai gái đã lên gần 400.
Các con trai gái này, nhất là trong các đời trước, hầu hết đều ghi * sinh mẫu là ai không rõ *
Bên cạnh đó còn có anh em, chị em với vua, với Hoàng hậu và cung phi. Đám người này được gọi chung là Hoàng thân công. Đổ đồng có thêm 250 cặp Hoàng thân công nữa, chưa kể những thê thiếp như sẽ nói sau. Mổi gia đình Hoàng thân công nhân cho bốn người một gia đình, ta có thêm 1000 người nữa. 1000 người con trai, con gái các người có tước công này được gọi là công tử nữ.
Sau cùng thì đến con cháu họ nhà vua thì được gọi chung là Tôn Thất. Bọn người này phải cộng thêm 1000 người nữa. Năm Minh Mạng thứ 4, 1823 có chỉ rằng các viên chức trong dòng họ Tôn Thất mà chưa có quan chức thì được gọi là Tôn Thất nhàn tản. Từ này ít người biết tới, vì có ai chịu nhận cái chức nhàn tản đâu.. ( Trích dẫn trong Khâm Dịnh Dại Nam Hội điên sử lệ. KDDNHDSL ).
Nếu cộng chung tất cả đám người thuộc dòng họ các vua kể trên, ta có khoảng 4000 người trong bốn đời vua. 4000 người này được nuôi ăn ở, tiền bạc, gạo thóc mà tuỳ theo cấp bậc sẽ có mức lương bổng rõ rệt(4).
Bên cạnh đó, đừng quên mấy ông anh em nhà vua hoặc anh chị em phía Hoàng Hậu đều cũng có vợ nọ con kia nên triều đình đã đặt ra là Phủ thiếp, tức là vợ các tước công.
Tất cã những thành phần trên đều không ai tự làm lấy các việc phục dịch hay tạp dịch nên phải có người hầu hạ, vì thế triều đình đã đặt ra Cung giám Viện, hay Viện quan giám mà đời Minh Mạng thứ 17, 1836 đã có dụ nay định cấp bậc Thái giám làm 5 cấp : Thủ đẳng, Thứ đẳng, Trung Dẳng, A đẳng và Hạ đẳng.. Con số người này bao nhiêu thì quả thực người viết không tính hết được. Chỉ biết rằng, khi một công Chúa đi lấy chồng, có phò mã rồi thì được cấp 50 người để phục dịch gồm lính canh, lính hầu do một viên đội trưởng chỉ huy, cộng với một số thị nữ. 50 người này đều được triều đình cấp lương bổng, nuôi ăn ở. Nếu chỉ tính số người phục dịch cho 250 Hoàng Tử, công chúa, con số này sẽ lên tới 12500 người. Bên cạnh đó là hàng quan lại từ Nhứt phẩm đến cửu phẩm, lại chia ra hàng quan văn, quan võ.
Thấp nhất và sau cùng là bọn lính Kinh. Lính kinh dùng để hộ vệ, hoặc hộ vệ loan giá đều được tuyển trong trong họ Tôn thất mà thôi.
Làm con tính sơ sài, tổng cộng lại cho thấy con số là chòm chèm 2 hai chục ngàn người đều được trả lương, nuôi ăn. Chỉ việc giải quyết, điều hoà con số người này cho ổn thỏa, công việc của một ông vua trong một ngày cũng đủ mệt rồi.
Việc lấy chồng cho các công chúa.
Chừng đó con gái mà tuổi tác chùng lập lên nhau, hoặc xấp xỉ nhau. Có nhiềâu trường hợp cung phi cùng sinh đẻ một năm. Vì thế, quanh năm ngày tháng, phải chọn được ngày tốt mà gả chồng. Theo lệ thường tuổi để đi lấy chồng thì Gái thập tam, nam thập lục. Nhưng cũng có lệ gái hơn hai, trai hơn một. Phần các công chúa định là cứ 16 tuổi thì gả chồng.. Một cái tuổi ngày nay cho là sớm, vì chưa có công danh sự nghiệp, mọi bộ phận sinh tử cho chuyện lấy vợ, lấy chồng mới ở dạng nhú lên như cái mầm , như cái nụ. Hoa thì chưa phải hoa, quả càng chưa phải quả. Ngay cả các bộ phận sinh dục của chính mình , nhiều công nương cũng chưa biết nó được dùng như thế nào và dùng vào việc gì. Lý thuyết là như thế, nhưng người viết thử làm một thống kê sơ sài cho thấy ít có công chúa nào lấy chồng vào đúng lúc 16 tuổi. Trong số 54 người con gái của Thánh Tổ, tức vua Minh Mạng, độ tuổi trung bình đi lấy chồng là 21 đến 24. Có trường hợp Hoà Mỹ công Chúa Trang Tính, con gái thứ 22 của Minh Mạng. Công Chúa đoan trang dịu dàng, lập chí không cẩu thả. Chỉ phải cái tội có cái thẹo ở góc trán bằng đồng tiền. Người ta khuyên công chúa lấy phấn bôi lấp đi. Công chúa không chịu. Tính lại hiếu đễ nên không việc gì lại không được mẹ chiều, mẹ càng yêu quý. Tiếc thương cho Công chúa là đã chết yểu, năm Thiệu Trị thứ bảy, vào lúc 23 tuổi.
Vì đông con gái như thế nên vua sẽ chỉ định một vị trong Hoàng tôn đứng ra làm chủ hôn và một vị thượng quan lo việc sắp xếp hôn sự gọi là chiếu liệu. Cả hai vị về thân thế và gia đình đều là những gia đình thuận hảo, gương mẫu về mặt đạo đức, không tai tiếng gì. Vị chủ hôn và viên thượng quan sẽ thiết lập một danh sách các phò mã tương lai trong hàng con cái Thượng quan trong triều. Ít lắm trong danh sách cũng phải có năm phò mã tương lai để dễ bề chọn lựa. Trước khi lập danh sách dâng lên vua, hai vị phải xem số tuổi hai người có hợp nhau không. VCị chủ hôn đem cả can chi năm tuổi của Công Chúa và can chi năm tuổi của phò mã như ( giáp tý, ất sửu vv� đưa xuống cho khâm thiên giám chọn ngày tốt. Gia đình của phò mã phải là thượng quan trong triều đình. Người ta chú trọng đến gia thế nhà phò mã hơn chính phò mã, vì thế phần đông các phò mã sức học đều không có gì, kể như không mấy người có ăn học hay đỗ đạt(5). Cho đến đời Thiệu Trị, không một công Chúa nào lấy chồng có ăn học, thuộc giới nho sĩ có cử nhân trở lên. Kể cũng là một điều lạ. Người có ăn học không thiếu, có thể chỉ thiếu gốc gác, con nhà. Còn một điều cũng không kém lạ là tất cả các công chúa này, không một ai lấy chồng có gốc gác miền Bắc. Người viết dò tìm quê quán các phò mã thì đương nhiên gốc miền Trung là nhiều rồi. Trong 64 phò mã, con rể Minh Mạng, gốc miền Nam có 10 người, còn lại đều gốc miền Trung. Không có ai đến từ miền Bắc cả. Đám trai đất Hà Thành dung mạo đều xấu xí quá chăng.
Những trở ngại khi công chúa lấy chồng.
Cái trở ngại chính là khi trong triều đình có tang chế. Một triều đình mà dòng tộc đông như thế, đám cưới xảy ra thường xuyên, nhưng đám tang cũng vậy. Nào mẹ vua, vợ vua rồi chính vua. Thái Hoàng thái hậu, mẹ vua Gia long và bà nội vua Minh Mạng rồi Tuyên Từ khánh hoàng thái Hậu, mẹ vua Minh Mạng và vợ vua Gia Long. Khi Minh Mạng chết thì những bà này còn sống. Chưa kể đến Hoàng thân, quốc thích. Nào là các hoàng tử công, hoàng tôn, quốc muội hoàng thân công, hoàng đệ, các công tử, các công chúa, các thiếp của hoàng tử, hoàng tôn, hoàng nữ, các hoàng muội, thái trưởng công chúa, các tả hữu tần ngự của tiên đế và đời trước, các phi tần ở đại nội, các công nữ, các phủ thiếp..và cuối cùng các dòng trong Tôn Thất. Chưa kể các lễ giỗ triền miên năm này qua năm khác. Tang phục thì có ngũ phục, có 5 bậc để trở : từ 3 năm, 1 năm, 9 tháng, 5 tháng, 3 tháng. Quanh năm giỗ chạp, ăn uống. Triều đình nhà Nguyễn đã có nhiều đại tang như Hiếu Khang Hoàng Hậu, Thưà Thiên Cao Hoàng Hậu, Thuận thiên Cao Hoàng hậu, rồi Hoàng đế Gia Long, Minh Mạng rồi Thiệu Trị. Lấy tỉ dụ làm mốc là khi Thiệu Trị mất năm 1847. Tính từ năm Gia Long lên ngôi 1802 đến năm 1847 là 45 năm..Trong 45 năm đó có ít nhất gần 10 đại tang. Trong đó có ba đại tang Hoàng Dế, năm đại tang Hoàng Hậu.
Năm Gia Long thứ thứ 6, tức năm 1807, Thánh tổ thiên nhiên Hoàng Hậu, vợ vua Minh mạng, mẹ vua Thiệu Trị, mất lúc mới 17 tuổi. Gia Long thứ 10, tức năm 1812, Hiếu Khang hoàng hậu mất. (mẹ vua Gia Long ). Dến 3 năm sau, vừa mãn tang Hiếu Khang hoàng hậu thì lại đến lượt đại tang Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu ( vợ thế tổ Hoàng Dế, tức Gia Long ), tức năm 1815. Năm 1820, đến lượt Gia Long thăng hà. Rồi Minh Mạng mất năm 1840. Thuận Thiên Cao hoàng hậu ( Vợ thứ của vua Gia long, 14 tuổi được tiến vào cung, phong là nhị phi ), mất năm 1846 và Thiệu Trị mất năm 1847. Rồi Hiến Chương hoàng hậu, vợ vua Thiệu Trị.
Luật tang chế lại khá khắt khe. Khi Hiếu Khang hoàng hậu mất, Chính vua Gia Long phải mặc áo sổ gấu trong 3 ba năm. Chị vua, mặc áo tang ba năm, con gái vua, mặc tang phục một năm. Hoàng Tôn, Hoàng Thúc mặc áo tang năm tháng.. Tả hữu cung tần đều mặc áo tang một năm. Các quan kinh văn võ từ Chánh tam phẩm trở lên, mặc áo tang vén gấu ba tháng. Quan kinh, chánh tam phẩm trở lên, cấm giá thú trong ba tháng. Việc để tang như thế ảnh hưởng trực tiếp đến việc lấy chồng của các Hoàng nữ. Mọi việc hôn sự phải được đình hoãn lại sau ba năm.
Chúng ta hãy làm một con tính nhẩm. Giả dụ vào đời Tự Dức, khi Cao Thiên Hoàng hậu mất vào năm thứ 6 đời Thiệu Trị, tức năm 1846. Giả dụ lúc đó con gái các vua Minh Mạng và Thiệu Trị vừa đến tuổi 16 để lấy chồng. Dĩ nhiên , họ phải để tang. Sau đó Thiệu Trị mất năm 1847. Như vậy, các Hoàng nữ phải lui lại đến năm 1850 mới được lấy chồng. Tuổi lúc đó không còn là 16 * l!abricot murissant * nữa. Có hơn 30 Hoàng nữ đến tuổi lấy chồng ở trong trường hợp này phải ngưng lại.
Đợi thêm 4, 5 năm nữa, tuổi tác các công chúa bây giờ là 21 tuổi * khá quá lứa * vào thời đó. Các Hoàng nữ bị coi như gái già, mà nếu là người dân giả có thể ế chồng. May là công chúa nên vẫn có thể chọn được phò mã.. Nhưng không phải dễ, vì phải chọn phò mã ở cái tuổi 22 là lý tưởng nhất. Nhưng con trai ở tuổi đó, nhiều người cũng đã lập gia đình rồi. Vì thế, thay vì chọn lựa phò mã trong các gia đình đại quan như luật lệ bắt buộc, họ đã phải chọn lựa xuống đến gia đình các quan từ tam phẩm trở xuống. Theo như dư luận thời đó truyền đạt ra đến dân gian là có nhiều trương hợp các ứng viên phò mã được chọn thấy Hoàng nữ quá già, hoặc đã không được đẹp đẽ gì cho lắm.. Các công tử này đành chỉ có một con đường thoát : Biết có thể bị nằm trong danh sách phò mã, họ đã đánh bài tẩu mã, trốn khỏi kinh đô Huế để tránh phải lấy công chúa già.
Nhưng như đã nói, con vua cháu chúa rồi trước sau cũng gả chồng được. Danh sách được đệ lên vua, vua duyệt, rồi khoanh đỏ vào đó. Khoanh vào ai thì người đó được. Số phận đã an bài không cách gì thay đổi được nữa. Thế là phò mã đã được chọn lựa. Công chúa biết được tên phò mã tương lai, vì tò mò cũng có, vì muốn biết xem dung nhan phò mã cũng có đã tìm đủ cách để xem mặt. Cách tốt nhất là nhờ bọn thị nữ đi điều tra tung tích, gia cảnh, chỗ ở nhà phò mã để xem mặt. Sau đó, nếu cơ hội thuận tiện thì chính Hoàøng nữ cũng tìm dịp để xem cho tỏ tường. Kể ra cũng là một giai đoạïn lý thú, hứng khởi và lý thú lắm. Lấy nhau kiểu đó mà sử sách đã để lại nhiều mối tình vợ chồng đằm thắm và keo sơn như trường hợp Quy Đức công chúa Vĩnh Trinh, biệt hiệu là Nguyệt Đình. Phò mã Thuận vâng lệnh triều đình đi công vụ vào Gia định chẳng may bị chết để lại tiếc thương cho công chúa. Công chúa đã làm biểu dâng lên vua, vua cũng cảm động khi đọc tờ biểu đó.
Khi vua đã chọn rồi thì phò mã không thể chối từ và Hoàng nữ cũng không thể nại ra bất cứ lý do gì để không lấy.
Nay hãy xem lại đạo dụ của Gia Long Long năm thứ tư : * Trước hết, nhà vua sai đại thần vợ chồng song toàn ấy đến trước mặt vua đem việc gả chồng cho công chúa bảo cho biết. Đại thần ấy bái mạng rồi lui ra, đến Thanh phong đường bảo quan mỗ ( giống như khi ta dùng chữ ông X.. ) rằng nay có chỉ vua ban, lấy công chúa là mỗ gả cho con thứ mấy quan mỗ, tên là mỗ.* ( KDDNHDSL, tập 8, trang 15 ).
Vậy là mọi chuyện đã quyết định xong. Đến ngày đã định, rước vua ngự tiện điện, bố của phò mã đem các quan viên trong họ, đều mặc áo chầu đến sân điện. Lậy năm lậy rồi nhận mệnh lui ra đứng theo ban. Cũng ngày hôm ấy, mẹ của phò mã đem các mệnh phụ trong họ đều mặc áo mầu đến cửa cung Khôn đức rồi cửa cung Trường Thọ làm lễ vọng bái. Riêng bố của phò mã thì liệu đường đến dinh công của chủ hôn xin chọn ngày tốt làm lễ ăn hỏi. Ong chủ hôn lại truyền cho Khâm thiên Giám chọn ngày tâu lên và truyền cho bố của phò mã biết.
Phần sính lễ mà gia đình phò mã phải lo liệu cho đủ gồm : Một lợn mổ ( Chắc thịt lợn luộc ), một lợn quay đến ngoài cửa Hữu Đoan nhờ tâu xin dâng lễ. Khi gặp vua thì lậy năm lậy, được mời ngồi ăn trầu, rồi bái biệt, lậy năm lậy nữa.
Đến ngày lễ hỏi, cha mẹ phò mã đem đem các mệnh quan, mệnh phụ đều mặc phẩm phục, đồ lễ vật như các thứ bò,lợn, trầu cau, lụa, đoạn, vàng bạc đến cửa dinh quan chủ hôn đợi. O đây không nói rõ mỗi thứ bao nhiêu. Nhưng theo L. Sogny, trong bài Cérémonial d!autrefois pour le mariage des princesses d!Annam trong Bulletin des amis du vieux Huế (BAVH ) có ghi rõ như sau :
Ngày dầu trong lễ Nạp Thái, phò mã dâng lên Tôn nhân Phủ 10 lạng vàng và 100 lạng bạc, hai mâm trầu cau. Lễ vấn danh dâng lên hai trâu, hai lợn thật to cộng với hai hũ rượu(6).
Ngày thứ hai, lễ Nạp Trưng, hai khúc sa tanh thêu, bốn khúc lụa gọi là * vân*, bốn khúc lụa gọi là *sa*, hai mâm trầu cau và hai bình rượu. Lễ Nạp cát gồm hai bò, hai dê, hai bình rượu.
Ngày thứ ba, gọi là lễ điện nhạn ( présents d!oies ) chim nhạn một đôi, một hộp đựng những tấm lụa những giải ngũ sắc, hai con ngỗng, cổ tiền 100 đồng(7).
Nhưng tất cả những phẩm vật này đều có tính cách tượng trưng, vì nó thay đổi từng đám cưới, từng gia cảnh và từng triều vua. Không nhất thiết, mổi lễ cưới phải có những phẩm vật nhất định. Cuối cùng là lễ thân nghinh hay đón dâu về nhà.
Hồi môn của công chúa.
Những con số trưng ra ở đây cho thấy tiền cho công chúa về nhà chồng là quá lớn và quá tốn kém cho triều đình. Luật định rằng con gái Hoàng Hậu đi lấy chồng thì cho tiền sắm tư trang, may mặc là 50.000 quan.. Con gái trưởng của vua
(8)là 30.000 quan. Con gái thứ của vua là 20.000. Xem ở trên, tiền ăn của vua ( Vua ăn một mình ) chỉ có 50 quan cho một tháng. Lương cho Hoàng quý Phi, vợ vua là 1000 quan- năm, chưa kể gạo. Các phi tần bậc 1 ( Có 7 bậc phi tần ) 300 quan – năm. Nữ cung, người hầu gái trong cung có 6 bậc, có 6 quan một tháng. Lính kinh có 2 quan- tháng. Chưa kể còn được cấp 50 người phục dịch đề được trả lương. Nếu tính con số số 250 công chúa , hoàng tử lấy vợ chồng, lấy 20.000 làm căn bản, chi phí sẽ lên tới 50.000.000 quan.
Cũng vì vậy, vào năm thứ , đời Thiệu trị có dụ rằng : * Đời xưa vua Nghiêu gả 2 con gái cho Ngu Thuấn ở Vi Nhuế chả nghe nói lễ cưới sang trọng. Hơn nữa đám cưới chỉ dùng hai da hươu làm lễ, xưa kia vẫn nói thế. Nay gả Hoàng nữ cho con các đại thần. Mà các đại thần thanh thận trung cần, trẫm vẫn biết sẵn. Vậy 6 lễ cưới ( các lễ nạp thái , vấn danh vv.. ) cho tùy theo cảnh nhà giầu nghèo mà sắm sửa, không nên ấn định lễ vật. Bộ lễ bàn định các thứ phẩm vật, chớ nên bầy đặt quá nhiều. Vậy các chủ hôn cần biết rõ *. ( KDDNHDSL, tập 8, trang 25 ).
Dụ ở trên kể là đã hay. Nhưng vẫn phải trích dẫn cho bằng được Nghiêu Thuấn để có giá trị thuyết phục, dù chỉ một việc nhỏ là các phẩm vật dẫn cưới. Phần gia giảm theo tinh thần dụ ở trên là muốn châm chước cho các quan đại thần , gia đình nghèo được tùy tiện, gia giảm trong phẩm vật dẫn cuới. Dụ ra đã đành, các quan đại thần có dám tuân theo hay không lại là chuyện khác. Thứ đến, phần của Hồi môn của triều đình thì hầu như vẫn định là như vậy không có gì thay đổi.
Lễ Thân nghinh
Lễ thứ sáu của đám cưới là lễ thân nghinh. Người viết đã bỏ qua năm lễ trên để dành chút giấy để nói về lễ này. Lễ thân nghinh nói đúng ra ngày lễ cưới bắt đầu bằng một đoàn kiệu từ phủ công chúa. Đoàn rước kiệu gồm vị chủ hôn và các mạng phụ (vợ quan đại thần và mạng quan ( vợ các quan ) được chỉ định trong đám rước kiệu công chúa. Kèm theo đó có 6 nữ quan và phò mã đứng chờ ở phía trái và đằng sau cung điện của công Chúa. Các mạng phụ mạng quan giúp công chúa lên kiệu và lúc đó, phò mã lên ngựa mở đường đi dầu trước kiệu của công Chúa, tiếp theo là người chủ hôn rồi đến các mạng phụ mạng quan. Sau cùng, đợi công chúa ra đi, các hòm nữ trang, các hòm của cải và phẩm vật đã chuẩn bị sẵn mới đem theo đến phủ đệ mới và được bầy ra.
Sau đó đi đến chỗ ở mới của Công Chúa . Đây là đặc đìểm cần ghi nhận. Vì chỉ có lễ đón dâu mới làm ở phủ đệ công chúa. Đến nơi, phò mã mở màn kiệu , đỡ công chúa xuống dẫn vào nhà khách. Tiếp đến là lễ Hiệp Cẩn. Hai người ăn cùng một miếng thịt và uống rượu ở hai cái tách được cưa làm đôi. Những mạng phụ được mời một bữa ăn nhẹ, sau đó ai nấy ra về.
Sáng hôm sau, công chúa được phò mã dẫn về ra mắt bố mẹ chồng. Sáng hơnm sau nữa. Lại đến bàn thờ tổ tiên bố mẹ chồng làm lễ gia tiên.
Năm ngày sau đó, Công Chúa và phò mã ăn mặc phẩm phục mới ra trình diện vua cha đến cung Từ thọ và đến trước vua làm lễ bái yết, sau đó đến cửa Hưng Khánh làm lễ chiêm bái. Cuối cùng mới cho phép về thăm nhà mẹ đẻ. Sau dó, hai người sẽ đến Tôn nhơn phủ để cảm tạ vị chủ hôn. Kể từ nay, chú rể được phong chức Phò Mã đô úy.
Một điều quan trọng đến kỳ lạ là từ nay, Phò mã không giống tất cả các người đàn ông trong triều đình được, phò mã không được quyền cuới thiếp hay vợ nhỏ.. Chỉ trừ khi công chúa không có con. Các con của hai người sẽ chỉ biết có họ mẹ mà không biết đến bố. Con trai trưởng của hai người được phong chức Vệ Uùy.. Còn các con khác của hai người thì không nhận được chức tước gì cả. Nếu công chúa không có con, con trai của vợ bé sẽ có chức Kiểm hiệu. Nguời ta gọi chung là * Mệ *
Về thủ tục giao tế bên ngoài đôi khi công Chúa được mời mà phò mã thì không. Vì vậy sau này, trong dân gian thường có câu nói : Phò mã tốt áo. Phải chăng để ám chỉ vai trò phụ thuộc của Phò mã đối với công chúa.
Việc cưới hỏi cho các công chúa triều Nguyễn theo tập quán cổ truyền chấm dứt vào năm 1907. Nó chấm dứt bằng đám cưới của công Chúa Tân Phong, chị vua Thành Thái. Từ sau đó, không còn lại công chúa nào để lấy chồng nữa. Như vậy, phải đợi đến con gái vua Bảo Đại. Nếu kể từ năm 1907, ít lắm cũng 50 năm sau, con gái vua Bảo đại mới đủ tuổi để đi lấy chồng.. Nhưng đến lúc đó, như chúng ta đã biết, mọi chuyện đã không còn như trước nữa rồi.
Cả một thời kỳ, cả một triều đại nhà Nguyễn đã đi qua. Viết lại những nét chính về việc cưới hỏi của các công chúa, cùng lắm chúng ta đạt được một vài kiến thức nhỏ nhoi về các tập tục chốn cung đình của thời đó. Đó chỉ là những bộ xương khô, xác ướp. Nhưng cái điều chính là đời sống các công chúa, con người của họ với những nỗi buồn, vui, những tâm trạng, những hoàn cảnh riêng tư thì vẫn là một tấm màn bí mật. Họ chả cho biết được gì, cũng chả có sách vở, tài liệu nào viết về họ. Chính sử chỉ cho biết được vài nét chính có tính cách tiểu sử. Một vài lời khen vu vơ, có cũng được không cũng chẳng sao.
Hình như mọi chuyện đã thay đổi cả rồi : Things are different now.
Theo NGUYỄN VĂN LỤC
Tags: Nhà Nguyễn, Hôn nhân