Bóng đá và tiền bạc: Hành xử thế nào mới đúng?

Chưa bao giờ ở Việt Nam lại có một đội bóng nhận được sự chào đón và vinh danh của người hâm mộ như đội tuyển U23. Nhất là các trụ cột của đội như Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Lương Xuân Trường…

Ngay lập tức, các cơ hội làm giàu cũng mau chóng ùa tới với các cầu thủ, từ các khoản thưởng tiền và hiện vật lớn, từ các lời mời chào quảng cáo. Chỉ vài ngày sau khi trở thành sao, Bùi Tiến Dũng đã xuất hiện trên một bảng giá quảng cáo đắt giá. Theo đó nếu nhãn hàng nào muốn thuê anh quảng cáo trên một dòng trạng thái Facebook sẽ cần nạp 2.500 USD. Giá của một video livestream trong một giờ đồng hồ là 5.000 USD, giá của một lần tham gia sự kiện là 10.000 USD. Trong khi trước giải đấu, hẳn còn có ít người nhớ tên cầu thủ của Thanh Hóa này.

Mặc dù sự vụ đang bị CLB sở hữu Bùi Tiến Dũng lên tiếng vì cho rằng vi phạm hợp đồng, và có thể sẽ còn là tâm điểm của một cuộc tranh biện về pháp lý kéo dài. Tuy nhiên, với đa số người dân, lần đầu tiên họ chứng kiến chuyện kiếm ra tiền dễ dàng như thế.

Có khá nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc kiếm tiền của các cầu thủ. Một số người cho rằng cầu thủ nên tích cực kiếm tiền từ quảng cáo hay bất cứ cái gì có thể khai thác từ tên tuổi và hình ảnh của họ. Bởi đời làm nghề này rất ngắn, chỉ độ 30-35 tuổi là họ phải về hưu. Một luồng ý kiến khác cực kỳ quan ngại rằng tiền và danh vọng sẽ làm hư hỏng các cầu thủ. Mà tấm gương tày liếp trong vụ bán độ kiếm tiền của danh thủ Văn Quyến và Quốc Vượng vẫn còn nóng hổi. Hai người này từng có thể coi là giàu có. Văn Quyến sau 2 năm nhận án treo và không được đá bóng đã mất hết cả cơ hội tỏa sáng trên sân cỏ. Còn Quốc Vượng thì sau khi thụ án 4 năm, chỉ có cơ hội chơi bóng đá phong trào và đi bốc vác để kiếm thêm tiền nuôi vợ con.

Theo tôi, cả hai luồng ý kiến này đều có lý của nó. Nhưng cần làm sao cho đúng thì là cả một vấn đề.

Việc gia tăng kiếm tiền cho cầu thủ là cần thiết. Bởi về nguyên tắc, các em không nên bán rẻ nhân cách, danh dự, còn sức lao động có thể bán với giá nào tốt nhất tùy vào thương lượng theo các hợp đồng đã ký với câu lạc bộ (nếu có điều khoản phù hợp). Còn nếu không ràng buộc với CLB, thì cần có người đại diện để giao dịch mà người này hiểu rõ luật và có kinh nghiệm thương mại. Cũng cần chọn ra cách ra giá và các điều kiện hợp lý nhất, không nên để bị lợi dụng. Muốn làm được việc này, cũng cần sự học hỏi.

Tiếp theo, làm ra tiền với các em đã là rất khó, nhưng giữ tiền và tiêu đúng mức, đúng lúc, không hoang phí và không sa đà vào ăn chơi còn khó hơn vạn lần. Vì vậy, những cầu thủ vốn chỉ đeo đuổi sự nghiệp thể thao từ nhỏ, cần học cách quản lý tài chính sao cho hiệu quả nhất. Chuyện này không thể tự nhiên mà biết, cũng không thể phó thác cho ai đó hoàn toàn nếu không muốn mất tất cả.

Song tôi và nhiều người yêu quý các em có lẽ đồng một quan điểm: vào thời điểm này, các cầu thủ U23 tốt nhất đừng đặt nặng đồng tiền. Vì đúng là các em vừa mang vinh quang về cho Tổ quốc, song chẳng có vinh quang nào tồn tại mãi mãi. Danh vọng cũng vậy, sẽ rất mau chóng tiêu tan nếu các em không duy trì được thực lực lâu dài trên sân cỏ. Và đá bóng thì không phải là nơi biểu diễn và chơi chiêu như trong giới showbiz. Một cầu thủ giỏi muốn được lòng người hâm mộ cần đá bóng thật hay.

Thày của các em, HLV Park Hang-seo cũng đã cảnh báo về sự nổi tiếng quá nhanh trong bóng đá như con dao hai lưỡi, thường khiến cảm xúc của các em bay bổng và không giữ nổi mình. Kinh nghiệm xương máu mà ông đã trải qua chính là hồi ông làm trợ lý HLV dẫn dắt đội Hàn Quốc vào bán kết World Cup. Khi đội tuyển trở về, cả nước Hàn Quốc cũng chào đón tưng bừng và nồng nhiệt. Nhưng chỉ một năm sau đó, giới hâm mộ nước này cũng dần quên đi mọi chuyện, và mau chóng chuyển sang các mối quan tâm khác.

Những gì các cầu thủ cần làm bây giờ là rời nhanh khỏi chốn thị phi, quay về với sân bãi và chăm chỉ tập tành, học hỏi. Còn khi đóng vai “người nổi tiếng”, các em hãy nhớ đó cũng là gánh nặng lớn trên vai. Hãy học cách mà thày các em là ông Park Hang-seo đang làm. Ông chơi bóng từ nhỏ, song vẫn có bằng đại học, và sống cả một đời vì bóng đá từ khi là một cầu thủ, một tiền đạo giỏi cho tới khi là một huấn luyện viên giỏi. Ông không thiếu tiền, song sống không xa hoa, khiêm tốn và biết ơn người khác, hiếu đễ với cha mẹ, thương yêu gia đình. Nhìn vào ông, các em sẽ không thấy một tay chơi, một kẻ dư tiền mà chỉ thấy một người hiền hòa và thân thiện từ ánh mắt tới cử chỉ, diện mạo, một người có học. Đó là một con người đặc biệt giàu có các giá trị tinh thần.

Theo NGUYỄN ANH THI / VNEXPRESS

Tags: , ,