Bộ mặt thật của nền báo chí phương Tây đã bị lột trần tại Ukraina ra sao?

Phương Tây vẫn đả kích nhiều quốc gia về một nền báo chí bị chính quyền chi phối, như thể đó là một dấu hiệu phản dân chủ. Nhưng thực tế, hôm nay, báo chí phương Tây đã và đang bị chi phối nặng nề, với sức mạnh tuyên truyền (propaganda) còn khủng khiếp không kém thời Quốc xã.

Bộ mặt thật của nền báo chí phương Tây đã bị lột trần tại Ukraina ra sao?

Tác giả: Nhà báo Hà Quang Minh. 

Gần đây, có một vài bài viết, phỏng vấn nhiếp ảnh gia Nick Út trong xu hướng báo chí chủ lưu hướng tới kỷ niệm 30/04. Tất nhiên, câu chuyện vẫn được nhắc tới trong các bài viết này vẫn xoay quanh cô Kim Phúc, nạn nhân chiến tranh lừng danh với biệt danh “Cô gái Napalm”. Bức ảnh chụp năm 1972 của Nick Út không chỉ đơn thuần là một tác phẩm báo chí xuất sắc, đoạt giải thưởng uy tín. Nó vượt trội những thứ tầm thường kia bởi đã góp phần rất lớn vào việc đánh thức lương tri trước những nạn nhân chiến tranh huỷ diệt.

Nửa thế kỷ trôi qua, “Vietnam Napalm Girl” vẫn sừng sững đó như một tiêu chuẩn của báo chí. Sự vững chãi của vị thế ấy khiến chúng ta đặt câu hỏi: “Ở Ukraina hôm nay, đâu rồi những “Nick Ut” và đâu rồi những “Napalm Girl tương tự”?”.

Để trả lời câu hỏi này, mỗi người cần tự đi tìm lấy đáp án cho mình. Song, ở cương vị một người làm báo, một người mua báo nước ngoài đọc mỗi ngày trong suốt hơn 17 năm qua, tôi dám xác quyết: Ukraina hôm nay là một minh chứng hùng hồn cho sự thất bại của báo chí.

Trên trang 15 tờ New York Post số ra ngày 27/4, ở mục “Xâm Lược” có bài viết mang tiêu đề “Buộc phải quật mộ” (Force to Dig grave). Choán nửa trang báo là tấm ảnh chụp cô gái nhỏ ôm di ảnh trước huyệt mộ với chú thích “Một cô gái, 13 tuổi, tên Maria, ôm di ảnh cha mình trong khi các thường dân đang khai quật nghĩa địa tập thể ở Mariupol”. Bài viết và tấm ảnh ấy có khả năng gây chấn động những ai đọc nó. Còn gì bi thảm hơn khi hình dung ra một quang cảnh chết chóc, khi những người dân khai quật các mộ chôn để đồng bào mình đi tìm xác thân nhân. Nhưng cơ bản, ở thời đại hậu sự thật (post-truth) này, khi mà fact và fake (dữ kiện và giả nguỵ) lẫn lộn, truth và trash (thực tế và rác rưởi) lẫn lộn, tỷ lệ sự thật của bài báo và tấm ảnh kia là bao nhiêu? Sau khi chụp Kim Phúc, Nick Út lập tức đưa cô Phúc vào viện Củ Chi và dùng quyền năng báo chí để áp lực họ buộc phải cấp cứu cho Kim Phúc ngay chứ không chở về Sài Gòn như yêu cầu của y bác sỹ. Còn ai chụp tấm ảnh trên New York Post kia, và vô vàn tấm ảnh đang được đăng tải đầy rẫy mỗi ngày trên báo chí chủ lưu về chiến tranh Ukraina?

Bài báo trên New York Post được viết bởi Evan Simko-Bednarski, phóng viên New York Post. Trước ngày bài báo lên trang 1-2 hôm, Evan vẫn còn đang… ở Mỹ và chăm chỉ đăng twitter chuyện nên sơn lại xe màu gì và sửa mái nhà của mình ra sao. Vậy dữ kiện ở Mariupol và mồ chôn tập thể anh ta lấy ở đâu? Ngôi mộ tập thể được viết trong bài này nằm ở Nghĩa trang Krym Cổ, phía Nam thị trấn Staryi Krym, thuộc vùng ngoại vi Mariupol. Đồng tác giả đứng tên trên bài viết là Nika Sakhnazarova. Nghe tên, tưởng cô này người Đông Âu nhưng hoá ra là biên tập viên của New York Post ở Anh. Và ở thời điểm bài viết được đăng, cô ấy cũng không ở Bucha, Ukraina mà thay vào đó đi xem Harry Style biểu diễn ở Festival âm nhạc Coachella, California.

Có rất nhiều bài báo kiểu như vậy đã được đăng tải suốt 9 tuần diễn ra chiến tranh. Đặc điểm chung của chúng đều là tác phẩm báo chí đồng tác giả với đa số cái tên rất Ukraina. Tra cứu kỹ, chúng ta sẽ thấy các tác giả phương Tây đều không ở vùng chiến sự. Họ ngồi salon ở tại bản quốc hoặc nếu có ở Ukraina, họ ở những khu vực không có tiếng súng. Chủ yếu, họ tập trung nhiều vào các cuộc họp báo của quan chức chính phủ Ukraina. Một phần vì họ không thể vào các điểm nóng khi chính phía Ukraina cấm báo chí nước ngoài thâm nhập. Điển hình như trường hợp của ký giả Regis Le Sommier của tờ Le Figaro (Pháp) khi ông định tiếp cận trại lính đánh thuê Yavoriv gần Lviv chẳng hạn. Lãnh đạo quân sự (người Mỹ) ở đó đã đuổi ông đi lập tức khi biết ông là phóng viên với lời nhắn “Người Ukraina chắc chắn không đón tiếp cánh báo chí các ông”. Một phần khác, các nhà báo phương Tây không sẵn lòng lao vào điểm nóng ở Ukraina. Không phải họ sợ mà bởi họ mang một nhiệm vụ về một thực tế thông tin kiểu khác.

Nếu quan sát báo chí chủ lưu 9 tuần rồi, chúng ta càng thấy rõ hơn việc báo chí phương Tây chỉ đăng tải, phỏng vấn về các nhân vật Ukraina, tuyệt nhiên không tiếp cận các nhân vật phía Nga. Các phát ngôn của các nhân vật phía Nga chỉ được đăng tải lại từ các họp báo, tuyên bố trước một hội đàm nào đó, và đăng tải rất ngắn gọn, thiếu bối cảnh. Sự thao túng thông tin là thấy rõ.

Trên truyền hình, các phóng viên chiến trường cũng chỉ xuất hiện tại các đô thị không còn tiếng súng nữa. Các điểm nóng họ được tiếp cận đều là khi nó không còn nóng, chỉ còn đống đổ nát. Và xem cách họ đứng giữa đường phố, quảng trường dẫn chương trình của mình, chúng ta nhận ra không gian xung quanh quá yên tĩnh, thậm chí vẫn có những người dân Ukraina đi qua đi lại, thi thoảng có cả cảnh một gia đình đẩy theo cả cái xe nôi trẻ em. Và họ vẫn nói về “Đây là diệt chủng” (This is Genocide), đúng theo ngôn ngữ mà Zelensky và Biden vẫn ra rả hàng ngày.

Có hai cuộc chiến ở Ukraina lúc này: Một cuộc chiến có thật và một cuộc chiến được tô vẽ ra từ báo chí. Ở cuộc chiến thứ hai này, rõ ràng báo chí đã thất bại nặng nề khi rời xa nhiệm vụ cao cả của mình.

Phương Tây vẫn đả kích nhiều quốc gia về một nền báo chí bị chính quyền chi phối, như thể đó là một dấu hiệu phản dân chủ. Nhưng thực tế, hôm nay, báo chí phương Tây đã và đang bị chi phối nặng nề, với sức mạnh tuyên truyền (propaganda) còn khủng khiếp không kém thời Quốc xã III hay dưới chế độ Cộng sản. Đừng nghĩ rằng báo chí tư hữu là báo chí sẽ công tâm, đứng về phía sự thật. Như cái cách Elon Musk mua Twitter chẳng hạn. Có công cụ ấy, Musk sẽ chi phối tuyên truyền trên Twitter theo hướng có lợi cho riêng mình trước mắt, mà lợi ích ấy chắc chắn sẽ luôn gắn liền với lợi ích của một thế lực chính trị.

Nhiều lúc, tôi chỉ muốn cất lên câu hỏi với chính những phóng viên truyền hình nước ngoài rằng “Các bạn có tin vào chính điều mình đang nói?”.

Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK 

Tags: ,