⠀
Bí mật quanh những ‘hành động mafia’ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Năm 1967, tranh thủ tối đa sự hậu thuẫn của Mỹ và lực lượng rối rắm của đảng Dân chủ do chính mình lập ta, Nguyễn Văn Thiệu đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống dù chỉ nhận được 38% số phiếu ủng hộ. Và ông ta đã to tiếng tuyên bố thành lập cái gọi là nền đệ nhị cộng hòa ở Sài Gòn.
Xoay như chong chóng
Cuộc đảo chính sát hại anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu ngày 1/11/1963 rốt cuộc lại đẩy chính trường Sài Gòn vào một vòng xoáy “quần ngư tranh thực” mới giữa các viên tướng nhiều tham vọng. Chính vì thế nên trong hơn ba năm đã liên tục xảy ra những cuộc thanh trừng, chỉnh lý lẫn nhau giữa những kẻ đã chung tay xóa bỏ chế độ gia đình trị của họ Ngô.
Rốt cuộc là một chính phủ dân sự đã được lập ra để xóa đi cái tiếng xấu là đám tướng lĩnh của cái gọi là quân đội Sài Gòn lật đổ Ngô Đình Diệm không phải vì muốn xóa bỏ chế độ độc tài mà chỉ vì tư lợi. Tuy nhiên, chính phủ của thủ tướng Trần Văn Hương cũng đã không làm được gì đáng kể để vãn hồi trật tự ở Sài Gòn.
Nguyễn Văn Thiệu là một trong những người đã gặt hái được nhiều lợi lộc nhờ tham gia cuộc đảo chính ngày 1/11/1963. Từ ghế đại tá, ngay trong ngày 2/11/1963, ông ta đã được nhảy lên cấp thiếu tướng và là người đầu tiên trong đội ngũ quân nhân đảo chính được hưởng sủng lộc này với sự hỗ trợ đặc biệt của tướng Trần Thiện Khiêm, một trong những nhân vật trụ cột trong nhóm lãnh đạo đảo chính (theo nhiều nguồn tin, Trần Thiện Khiêm khi đó đã là một tay sai vô điều kiện của CIA).
Cũng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Trần Thiện Khiêm mà tới tháng 2/1964, khi nhóm tướng lĩnh chóp bu của quân đội Sài Gòn tiến hành “chỉnh lý”, Nguyễn Văn Thiệu đã được đưa vào chức Tham mưu trưởng liên quân. Rồi ông ta được đưa đi làm Tư lệnh Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật từ tháng 9-1964 đến tháng 1/1965… Trên cương vị đó, Nguyễn Văn Thiệu đã lặng lẽ “ngọa sơn quan hổ đấu” để đợi thời cơ.
Có thể nói là chính ở thời điểm đó, Nguyễn Văn Thiệu đã bộc lộ được sự khôn ngoan không tầm thường của mình để mặc dù tham gia cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 chỉ ở vai trò chiến thuật nhưng rốt cuộc, trong một thời gian ngắn, đã leo lên được vị trí hàng đầu trong bộ máy quyền lực ở Sài Gòn nhờ biết nhẫn nại náu mình đợi thời cơ để đòi hỏi cái giá hời nhất cho mọi sự dính líu của ông ta.
Và thời cơ đó đã tới vào ngày 18/1/1965, như một dư chấn sau âm mưu khủng bố bất thành của một nhóm tướng lĩnh và chính phủ của Thủ tướng Trần Văn Hương do yếu thế đã buộc phải cải tổ lại để chia thêm bốn ghế cho những nhân vật quân sự là những người người đã bày tỏ sự ủng hộ tướng Nguyễn Khánh khá rõ rệt.
Đó là Nguyễn Văn Thiệu (giữ chức Đệ nhị Phó thủ tướng), Trần Văn Minh, tức Minh nhỏ (Tổng trưởng quân lực), Linh Quang Viên (Tổng trưởng Tâm lý chiến) và Nguyễn Cao Kỳ (Tổng trưởng Thanh niên thể thao). Đó cũng là lần đầu tiên Nguyễn Văn Thiệu xuất hiện ở Sài Gòn với tư cách một chính trị gia, chứ không chỉ như một viên tướng trận thuần túy.
Cuộc chỉnh lý “nửa chừng xuân” này vẫn không làm yên cái chính trường vốn đang chất chứa quá nhiều mâu thuẫn và âm mưu. Dưới tác động của nhiều xung lực vật chất và ý đồ khác nhau, tại đây đã liên tục diễn ra biểu tình, thậm chí gần như bạo động chống lại chính phủ. Nhóm tướng lĩnh chóp bu của quân đội Sài Gòn tranh thủ thời cơ và ngày 27/1/1965, cái gọi là Hội đồng quân lực Sài Gòn đã ra tuyên cáo nêu rõ, mặc dù “quân đội đã trả quyền từ ngày 27 tháng 10 cho phía dân sự nhưng tình thế mỗi ngày mỗi rối ren”.
Và ngày 28/1, chính cái Hội đồng quân lực đó đã gây sức ép và quyết định đẩy ông Trần Văn Hương ra khỏi chức Thủ tướng và để ông Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh làm Quyền Thủ tướng. Rồi ngày 16/2/1965, tướng Nguyễn Khánh, lúc đó đang giữ ghế Tổng tư lệnh quân đội VNCH, đã ký quyết định tuyển nhiệm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và bổ nhiệm ông Phan Huy Quát làm Thủ tướng thành lập chính phủ mới. Nguyễn Văn Thiệu, đã được đeo lon trung tướng từ ngày 18-1-1965, với tư cách một chính khách của cộng đồng tín đồ Thiên chúa giáo tiếp tục được tham gia nội các…
Cách hành xử của tướng Nguyễn Khánh cũng vẫn không làm yên được không khí nóng bỏng của Sài Gòn. Tình hình ngày một rối như canh hẹ, khiến tướng Khánh đã bị chính các đồng đội nhà binh của mình nghi hoặc rằng, ông ta làm tung tóe mọi chuyện lên chỉ để tìm kiếm thêm cơ hội quay lại nắm quyền lực tối cao.
Thế là ngày 20/2/1965, Hội đồng quân lực lại họp và quyết định thay thế tướng Nguyễn Khánh bằng tướng Trần Văn Minh làm Tổng tư lệnh quân đội Sài Gòn. Lúc này, nhóm tướng lĩnh trẻ hơn như Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Cao Kỳ… cảm thấy mình cũng đã bắt đầu đủ lông đủ cánh nên bày tỏ thái độ chống lại tướng Khánh mạnh mẽ và công khai hơn.
Rốt cuộc ngày 22/2/1965, tướng Khánh được bổ nhiệm chức đại sứ lưu động và sau đó, đã phải rời khỏi Sài Gòn tha hương. Trong bối cảnh này, Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành con bài đắc dụng. Trong giai đoạn này, Nguyễn Văn Thiệu đã thể hiện rõ bản tính khôn ngoan và tráo trở của mình.
Ông ta đã biết khéo léo dụ thủ tướng Quát giao quyền hành lại cho quân đội để ông, với tư cách là người có quân hàm cao nhất trong số những người tham chính, có thể trở nên lãnh tụ tuyệt đối ở Sài Gòn. Khi tướng Mỹ Westmoreland tới gặp ông ta khi đang là Tổng trưởng Quốc phòng, ông ta đã làm ra vẻ vô tư và nói: “Các vấn đề chính trị phải để cho các chính trị gia giải quyết. Tôi chỉ là quân nhân thuần túy”.
Ngày 3/3/1965, Hội đồng quân lực đã công bố thành lập Uỷ ban thường vụ mà trong đó, chức tổng thư ký đã được dành cho Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu… Các chức vụ khác là: uỷ viên ngoại giao, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ; uỷ viên chính trị, Thiếu tướng Linh Quang Viên; uỷ viên an ninh, Thiếu tướng Phạm Văn Đổng; phụ tá tổng thư ký, Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao…
Năm ngày sau đó (8/3/1965), 1.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đã tới Đà Nẵng, nâng tổng số quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam lên 23 nghìn người (dưới chế độ Diệm, tổng số quân Mỹ tại đó là 17 nghìn).
Ngày 23/3/1965, Hội đồng quốc gia lập pháp ở Sài Gòn ra tuyên ngôn tán thành việc Mỹ gởi thủy quân lục chiến sang tham chiến tại Việt Nam. Tới ngày 5-5-1965, biết là không thể bám mãi vị trí cầm chịch nên Hội đồng quân lực đã tuyên bố tự giải tán để các viên tướng trở về với các đơn vị của họ. Ngày 25/5, Thủ tướng Phan Huy Quát cải tổ chính phủ nhưng những đấu đá nội bộ vẫn không chấm dứt.
Đến mức, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cũng phải thú nhận công khai rằng ông ta không thể ký bổ nhiệm các nhân vật mới như những ông Nguyễn Văn Thoàn và Nguyễn Trung Vinh vì lẽ những người giữ các vị trí đó từ trước dứt khoát không chịu từ chức… Không những thế, ngày 26/5, giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát lại bộc lộ công khai những bất đồng quan điểm về quyền hạn thay thế bộ trưởng.
Việc cải tổ nội các Sài Gòn lâm vào khủng hoảng, mặc dù Washington có vẻ như vẫn tín nhiệm chính phủ Phan Huy Quát. Cực chẳng đã, Phan Huy Quát đã phải yêu cầu quân đội đứng ra lãnh vai trò trung gian để giữ thế quân bình cho đến khi có một chính quyền dân cử… Các viên tướng trẻ đầy tham vọng như buồn ngủ gặp chiếu manh đã ngay lập tức tung hết các chiêu thức học được sau mấy chục năm phục vụ trong đội ngũ lính tẩy làm tay sai ngoại bang ra để thâu tóm quyền lực.
Và ở thời điểm này, sự tinh quái tháu cáy của Nguyễn Văn Thiệu đã trở nên đắc dụng. Ngày 11/6, trong cuộc họp của các viên tướng tại Sài Gòn để xét thư yêu cầu quân đội ra tay trợ giúp, Trung tướng Thiệu, người lúc đó đang giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng trong nội các của Thủ tướng Quát, đã tìm ra được một cách diễn giải khôn ngoan rằng, cuộc khủng hoảng đang diễn ra không do lỗi chính phủ mà do sự lỗi thời của các văn bản đã được thông qua sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Và ngay lập tức, cũng trong ngày 11/6, quốc trưởng, thủ tướng và hội đồng quốc gia lập pháp Sài Gòn đã cùng ra các tuyên cáo xác định rằng những cơ cấu và thể chế quốc gia hiện tại không còn phù hợp với tình thế nữa nên giao trả cho quân đội trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo quốc gia. Hội đồng quân lực đã ngay lập tức chấp nhận đơn từ chức của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát.
Tới ngày 14-6-1965, Hội đồng quân lực đã đứng ra thành lập Ủy ban lãnh đạo quốc gia với vị trí số một dành cho Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu như một lẽ dĩ nhiên, mặc dầu ở thời điểm đó, Nguyễn Văn Thiệu không hẳn đã là một con bài rõ nét trên bàn cờ Sài Gòn. Ngay cả chi nhánh CIA ở đây cũng chưa hiểu gì nhiều lắm về Nguyễn Văn Thiệu và chỉ mới hình dung ông ta như một viên tướng kín tiếng, đa nghi “trên cả mức hoang tưởng”…
Tiếp theo, ngày 19/6/1965, Nguyễn Văn Thiệu trở thành kẻ đứng đầu chế độ Sài Gòn qua chức Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Hơn hai năm sau, qua nhiều cuộc đấu đá quyết liệt và hiểm độc, thậm chí phải qua cả trò tranh cử giả hiệu dưới sự lũng đoạn của những đồng USD do Mỹ đổ vào, ngày 31/10/1967, Nguyễn Văn Thiệu đã leo lên được cái ghế tổng thống của cái gọi là nền đệ nhị cộng hòa.
Bắt đầu một giai đoạn mới trong đời sống chính trị Sài Gòn. Chưa ngồi ấm chỗ, Nguyễn Văn Thiệu, như Đỗ Mậu nhận xét, với nhiều toan tính và thủ đoạn, đã tìm đủ mọi cách để loại bỏ các đối thủ tiềm năng, kể cả Nguyễn Cao Kỳ, người về hình thức đang là đồng minh thận cận hàng đầu của mình. Và cũng như chính Đỗ Mậu nhận xét, Nguyễn Văn Thiệu đã tái lập ở Sài Gòn một chế độ Diệm không có Diệm…
Đấy cũng là một chế độ mà các tệ nạn, như nhận xét của những người đương thời, “hối mại quyền thế, tham nhũng, thối nát, trấn lột tiền bạc, bao che và thông đồng trong các dịch vụ buôn lậu ma tuý, vàng, đầu cơ phân bón, đầu cơ gạo… hoành hành tột độ…”. Cũng chính từ khi Nguyễn Văn Thiệu lên ngồi ở vị trí chèo lái con thuyền hậu đệ nhất cộng hòa ở Sài Gòn, sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của người Việt Nam càng trở nên rõ rệt và trắng trợn hơn.
Năm 1967, tranh thủ tối đa sự hậu thuẫn của Mỹ và lực lượng rối rắm của đảng Dân chủ do chính ông ta lập ta, Nguyễn Văn Thiệu đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống dù chỉ nhận được 38% số phiếu ủng hộ. Và ông ta đã to tiếng tuyên bố thành lập cái gọi là nền đệ nhị cộng hòa ở Sài Gòn. Nghe thì rất kêu nhưng chế độ mà Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu càng ngày càng phụ thuộc vào Washington, thậm chí còn hơn cả thời Ngô Đình Diệm.
Càng tham quyền lợi cá nhân, Nguyễn Văn Thiệu càng làm suy yếu đi những rường mối xã hội bình thường ở Sài Gòn. Trong bàn tay lèo lái của Nguyễn Văn Thiệu, mọi khái niệm dân chủ đều bị biến thành giả hiệu. Chính vì thế nên chiến thắng của ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống Việt Nam cộng hòa năm 1971 cũng đã chỉ là trò hề không hơn không kém dù tỉ lệ phiếu mà ông ta thu được là 94%…
Tiểu nhân đắc chí
Cũng phải nói rằng, trong đội ngũ những nhân vật một thời làm mưa làm gió trên chính trường Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu vẫn là kẻ đa mưu và bản lĩnh vào loại hàng đầu. Theo lời kể của Băng Ðình, cựu Trưởng phái đoàn Báo chí Phủ Tổng thống, và Thiếu tá Châu Bích, từng phục vụ nhiều năm tại Dinh Ðộc Lập, những người đã có nhiều cơ hội gần gũi với Nguyễn Văn Thiệu, thực ra ông ta cũng chỉ là một lính tẩy với lối sinh hoạt ăn sóng nói gió rất huỵch toẹt, không cần màu mè…
Nhưng đó cũng là một chính trị gia xu thời bậc nhất mà đến như Nguyễn Văn Ngân, người từng là phụ tá thân cận của ông ta trong ngót chục năm, cũng đã phải công nhận bằng những lời lẽ có vẻ như nhẹ nhàng nhưng lại rất chuẩn xác “một nhà chính trị thực tiễn mà hoàn cảnh và môi trường trưởng thành không thể tạo ông thành một kẻ tử đạo”!
Cái hoàn cảnh và môi trường trưởng thành đó là gì? Cũng theo ông Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Văn Thiệu đã sinh ra trong một gia đình trung nông, không đủ ruộng cày phải làm thêm ruộng rẽ của gia đình bà con. Lúc 5 tuổi đã phải đi giao cho bán bánh tét ngoài chợ, va đập với mọi thứ người chợ búa và sau này lớn lên, ở trong môi trường lính tẩy thực dân từ rất sớm nên đã trở thành một kẻ rất biết tranh hơn thua với những người khác và “luôn luôn đề cao cảnh giác trong mọi tình huống”.
Khi đã làm Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu, cũng giống như người tiền nhiệm xấu số Ngô Đình Diệm, vẫn không bao giờ tin hẳn ngay cả đối với các cộng sự cao cấp nhất trong bộ máy chính quyền của mình. Ông Nguyễn Văn Ngân kể: “Dưới thời ông Diệm cũng như ông Thiệu, Hội đồng tổng, bộ trưởng chỉ họp bàn những công việc có tính cách “routine” (sự vụ) hàng ngày. Ngay cả Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời đệ nhị cộng hòa cũng chỉ là “bình phong“ để ông Thiệu hợp thức hóa các quyết định của mình…”.
Làm việc dưới quyền điều hành của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ngay cả những nhân vật có vẻ như trọng yếu của chế độ Việt Nam cộng hòa như Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Trần Thiện Khiêm hay Phó thủ tướng, bác sĩ Nguyễn Lưu Viên… lắm lúc cũng có tâm trạng của những kẻ chỉ được chầu rìa…
Ông Nguyễn Văn Ngân cũng nhận xét, ông Thiệu là “người luôn luôn che giấu tư tưởng của mình và là chuyên viên khai thác tư tưởng của người khác… Cho đến lúc chết có những người vẫn không hiểu ý nghĩ thực sự của ông về họ như thế nào. Một bà nghị sĩ có cặp mắt và nụ cười rất lẳng vẫn ra vô thường xuyên dinh Độc Lập được xem là bạn thân của ông và ông Khiêm (tức Trần Thiện Khiêm, nguyên thủ tướng trong chính quyền Sài Gòn – TG), nhưng khi tôi làm việc riêng với ông, ít khi ông gọi tên bà ta mà gọi là “con điếm xịa”.
Một đại sứ Việt Nam cộng hòa được đánh giá là chuyên gia về các vấn đề Hoa Kỳ mà thực sự là nhân viên của cơ quan tình báo Mỹ, khi nhắc đến tên ông ta, mặt ông Thiệu thường đanh lại lộ vẻ khinh bỉ… Ông cực kỳ khinh ghét những thành phần trí thức khoa bảng là những người được xã hội ưu đãi về phương diện văn hóa lại làm gián điệp cho ngoại bang. Số người này rất nhiều, trong tất cả mọi ngành nghề, mọi lãnh vực: viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư đại học, cha cố, sư sãi, lãnh tụ chính đảng…
Người Mỹ cũng có kế hoạch trồng người và nuôi dưỡng như cộng sản (?!), nhiều nhân vật đã được móc nối từ lúc còn là du học sinh là thành phần được xem là ưu tú của quốc gia hoặc thuộc hạng con ông cháu cha, nhiều bằng cấp kể cả học vị tiến sĩ quốc gia thuộc các lãnh vực khoa học thực nghiệm đã được cấp phát một cách rộng rãi để khi trở về có thể chèo cao trong guồng máy chính quyền, hay chí ít để gây ảnh hưởng văn hóa…”.
Chính vì biết cách hành xử hư hư thực thực, khôn khéo ngụy trang và đánh lạc hướng đối với những người xung quanh, coi bất cứ ai dù thân cận đến mấy cũng có nhiều phần đối thủ hơn là phần bằng hữu, lại sẵn “bản lĩnh” gian trá được tôi luyện từ nhỏ nơi “kẻ chợ” nên Nguyễn Văn Thiệu đã lướt qua được nhiều cạm bẫy trên chính trường Sài Gòn đầy phản trắc. Nhưng rồi, khôn ngoan mấy cũng không thắng được mệnh giời!
Nguyễn Văn Thiệu rất đa nghi, ngay cả (hoặc đặc biệt là) đối với các quan thầy Mỹ. Có lẽ ông ta suốt đời bị ám ảnh bởi bi kịch chết thảm của anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu, nên lúc nào ông ta cũng lo, lỡ đâu không đáp ứng được hết các yêu cầu của quan thầy và tất yếu bị quan thầy thay ngựa giữa dòng và loại bỏ khỏi cuộc chơi khốc liệt này.
Cũng ông Nguyễn Văn Ngân đã phải công nhận: “Đồng minh Mỹ là một đồng minh bất trắc, khó tiên liệu, và ông Thiệu luôn ở trong tình trạng của người làm xiếc đi dây nguy hiểm. Có lần tôi lưu ý ông Thiệu về trường hợp Tổng Thống Magsaysay, Lý Thừa Vãn, Ngô Đình Diệm…, ông Thiệu nói với tôi là ông không có an ninh…”.
Cũng ông Nguyễn Văn Ngân nhận xét rằng, đối với Nguyễn Văn Thiệu, Mỹ là kẻ thù giấu mặt nguy hiểm hơn mọi kẻ thù khác. Ông ta không bao giờ tin tưởng vào những người liên hệ xa gần với Mỹ, dù đó là bà con của ông ta và được ông ta ủy thác đóng vai trò liên lạc viên với Mỹ…
Không tin bất cứ ai xung quanh mình, trong việc điều hành quân đội Việt Nam cộng hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng chọn cách “chia để trị”, nghĩa là ông ta để mặc cho các viên tư lệnh quân đoàn tự tung tự tác và chỉ chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ mình ông ta, làm nhòa đi vai trò điều phối của cơ quan Bộ Quốc phòng.
Sau này, khi đã lưu vong, chính Nguyễn Văn Thiệu trong một lần trả lời phỏng vấn cũng đã công nhận rằng, trên thực tế, mỗi viên tư lệnh quân đoàn là một “hòn đảo độc lập” và không có một guồng máy trung ương nào về việc dự thảo các kế hoạch chiến tranh một cách hữu hiệu tại Bộ Quốc phòng…”.
Trong cuốn The Final Collapse, Đại tướng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên cũng thừa nhận rằng, tất cả những quyết định về quân sự đều do Tổng thống Thiệu đưa ra và Bộ Tổng tham mưu là “hoàn toàn chỉ có tính cách cố vấn”…: Chính vì chán cảnh hữu danh vô thực như thế nên tướng Cao Văn Viên đã xin từ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam cộng hòa đến mấy lần…
Nhà nghiên cứu Đặng Văn Nhâm đã nhận xét rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và vợ là Nguyễn Thị Kim Anh “đã lợi dụng chức vụ nguyên thủ quốc gia và đệ nhất phu nhân để thực hiện nhiều dịch vụ phi pháp như: trấn lột tiền bạc của Nguyễn Cao Thăng (Theo thông tin của Đỗ Mậu, viết trong sách của mình, Nguyễn Cao Thăng nguyên là Giám đốc Hãng thuốc O.P.V., người Công giáo Phú Cam, từng làm dân biểu gia nô và Kinh tài cho anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu).
“Nhiệm vụ chính trị của Thăng là xây dựng cho ông Thiệu một quốc hội bù nhìn mà đa số phải là người Công giáo. Chính ông Thăng thay ông Thiệu để giao thiệp, mua chuộc, hướng dẫn và kiểm soát quốc hội để điều hướng định chế gọi là “dân cử” này ủng hộ đường lối của ông Thiệu. Khi ông Thăng bất thình lình chết vì bệnh ung thư thì phụ tá của ông Thăng trong dinh Độc Lập là ông Nguyễn Văn Ngân lên thay thế”.
“Ông Ngân là người Công giáo Nghệ Tĩnh, bà con của Linh mục Cao Văn Luận. Đúng như giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ đã nói trong tác phẩm “Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa”, hết Thăng rồi đến Ngân, họ chính là những người nắm giữ tay hòm chìa khóa của quỹ chi tiền cho các dân biểu, nghị sĩ và các lực lượng thân chính…”, tham nhũng, hối lộ, mua quan bán chức, chiếm đoạt công điền công thổ, mua chuộc dân biểu, nghị sĩ gia nô, dung túng bao che tội ác cho thân nhân, gia tộc, bọn tay chân bộ hạ để chia chác trong các dịch vụ: buôn bạch phiến, vàng và thuốc phiện, đầu cơ phân bón, đầu cơ gạo…”
“Chính những hành động mafia của Nguyễn Văn Thiệu đã tạo nên tệ trạng kiêu binh, kiêu tướng lộng hành, coi thường luật pháp quốc gia, áp bức hãm hại dân chúng của một số tướng tá trong quân đội Việt Nam cộng hòa, mà ảnh hưởng còn kéo dài mãi đến nay ở hải ngoại vẫn chưa dứt…”.
Theo VNTINNHANH
Tags: Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu