Bi kịch của những ‘dư luận viên’ Trung Quốc bị đất nước quay lưng

James Liu từng rất yêu nước và luôn bảo vệ Trung Quốc trước những lời chỉ trích trên mạng. Nhưng quê hương lại “quay lưng” với anh giữa đại dịch.

Bi kịch của những ‘dư luận viên’ Trung Quốc bị đất nước quay lưng

Du học sinh Trung Quốc, ở Đại học Stony Brook, đi trên phố New York, hồi tháng 4. Ảnh: The New York Times.

Liu, du học sinh 21 tuổi vừa tốt nghiệp một trường đại học ở vùng trung tây nước Mỹ, luôn coi mình là một người yêu nước.

Anh từng cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ khi xem duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc, sự kiện cho thấy quốc gia từng bị xem là lạc hậu giờ đây hùng mạnh đến mức nào. Anh cũng nổi da gà khi xem “Chiến lang 2”, bộ phim hành động bom tấn của Trung Quốc kể về một cựu binh tả xung hữu đột giải cứu đồng hương mắc kẹt ở nước ngoài.

Khi Trung Quốc gần đây đối mặt làn sóng công kích trên mạng xã hội, Liu là một trong nhiều du học sinh ở nước ngoài tích cực lên tiếng bảo vệ quê hương. Anh lên án biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, cho rằng đây là âm mưu chia cắt đất nước Trung Quốc thống nhất. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi nCoV là “virus Trung Quốc”, Liu đã nỗ lực nhắc nhở những người dùng cách gọi này trên Twitter.

“Tôi từng là một tiểu phấn hồng thực thụ”, Liu nói, đề cập đến cụm từ được dùng để chỉ những người trẻ Trung Quốc yêu nước, xem mạng xã hội như chiến trường chống lại những ai chỉ trích, nói xấu quê hương. Nhưng sau đó, Liu phát hiện đất nước mà anh hết lòng bảo vệ không muốn anh quay về.

Liu là một trong nhiều người Trung Quốc bị mắc kẹt ở nước ngoài giữa COVID-19, bởi các chuyến bay bị hủy hoặc giá vé quá đắt. Bắc Kinh đã hạn chế các chuyến bay quốc tế và đề nghị người Trung Quốc ở nước ngoài không hồi hương, bởi họ sợ rằng những người như Liu sẽ mang nCoV về quê hương.

Nhiều người ở Trung Quốc cũng lên mạng yêu cầu du học sinh Trung Quốc không trở về, vì sợ họ sẽ đe dọa tới thành công của cuộc chiến chống COVID-19 ở nước này.



Lần đầu tiên trong đời, Liu cùng rất nhiều người Trung Quốc khác ở nước ngoài gặp rắc rối vì một trong những nguyên tắc chính trị nền tảng của đất nước: lợi ích quốc gia phải được đặt trên nhu cầu cá nhân. Điều đó nghe có vẻ hợp lý, nhưng nó đi ngược lại với quan niệm ở những quốc gia tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, như ở Mỹ, nơi Liu theo học.

Trong trường hợp này, du học sinh và lao động Trung Quốc ở nước ngoài trở thành bộ phận thiểu số được kỳ vọng sẽ chấp nhận hy sinh vì lợi ích của số đông. Điều này khiến họ bị xếp chung nhóm với những người chỉ trích chính phủ và người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, những người họ từng đối đầu trên mạng, Li Yuan, bình luận viên của NYTimes, nhận định.

Nhiều người thuộc nhóm “tiểu phấn hồng” đang suy nghĩ lại về tình yêu mà họ dành cho Trung Quốc. “Cảm xúc của tôi ngày càng phức tạp. Đất nước mà tôi yêu không muốn đón tôi về”, Liu viết trong bài đăng Weibo hồi giữa tháng 5.

Liu chia sẻ anh cảm thấy tổn thương khi đọc nhiều bài đăng trên mạng xã hội chỉ trích các du học sinh. “Bạn có thể tưởng tượng nổi cảm giác nếu một ngày có ai đó nói điều mà bạn rất tin tưởng không còn đúng nữa?”, Liu nói.

Daisy Leng, sinh viên trao đổi năm 3 tại Đại học Troy ở Alabama, cũng bị mắc kẹt ở Mỹ vì không mua được vé máy bay về Trung Quốc, dù đã hoàn thành khóa học. Chia sẻ trên Weibo, Daisy cho viết cô rất yêu đất nước và từng không ngừng đấu tranh chống lại người dám bôi nhọ Trung Quốc. Nhưng sau 4 lần chuyến bay bị hủy vì hạn chế của chính phủ, cô thực sự thất vọng.

“Trái tim tôi đã nguội lạnh rồi”, cô đăng bài lên mạng xã hội kèm theo biểu tượng trái tim tan vỡ.



Liu và Leng là hai trong số hơn 1,4 triệu học sinh, sinh viên Trung Quốc đang sống ở nước ngoài tính tới ngày 2/4, trong đó gần 1/3 ở Mỹ. Nhiều người trong số họ không vội vã trở về quê vào tháng 2 hay tháng 3 bởi khi đó tình hình COVID-19 ở Trung Quốc còn rất tệ. Nhiều người khác muốn hoàn thành xong kỳ học hơn là trở về nhà và học trực tuyến khi bị lệch múi giờ. Một số khác nghe theo yêu cầu không về nước của chính phủ.

Khi COVID-19 tấn công phần còn lại của thế giới, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc đã hạn chế tần suất chuyến bay quốc tế tới nước này. Các hãng hàng không Trung Quốc vẫn bay ra nước ngoài với số lượng hạn chế. Nhiều sinh viên Trung Quốc đã vào tài khoản Weibo của cơ quan quản lý hàng không để cầu xin hoặc phản đối việc hủy chuyến bay và giá vé cao.

“Đối với họ, Trung Quốc giống như giấc mơ đẹp không thể chạm tới”, Li Yuan nói.

Các du học sinh này được cho thuộc về thế hệ có tinh thần dân tộc lớn nhất kể từ khi Trung Quốc mở cửa với thế giới hơn 4 thập kỷ trước. Họ không tiếp nhận các tư tưởng nước ngoài dù tiếp xúc với văn hóa và ngôn ngữ của nước đó. Thậm chí, họ hầu như chỉ sử dụng mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là WeChat, dù đang sống ở nước ngoài.

Bắc Kinh cũng luôn biết cách khuấy động tinh thần yêu nước của họ, theo Li Yuan. Thành công của “Chiến lang 2” là một minh chứng, khi bộ phim có tầm ảnh hưởng lớn tới nhiều người như Liu. Gần cuối phim, một dòng chữ hiện lên trên mặt sau tấm hộ chiếu Trung Quốc màu đỏ có nội dung: “Công dân Trung Quốc, đừng bao giờ bỏ cuộc khi gặp nguy hiểm ở nước ngoài! Hãy nhớ rằng quê hương luôn ở phía sau các bạn!”

Đối với nhiều du học sinh, dòng chữ này giờ nghe thật trống rỗng. “Trong thế giới thực, không có bất kỳ chiến lang nào tới giải cứu bạn”, một du học sinh Trung Quốc ở Nhật Bản đăng trên Weibo.

Theo VNEXPRESS / THE NEW YORK TIMES

Tags: , ,