Bên trong thinh lặng là sự bình yên

Ai đó từng nói, cuộc sống nhiều khi giống một cái hồ trong ngày lặng gió. Chỉ khi tâm chúng ta như thế, hoàn toàn tĩnh lặng, không gợn lăn tăn sóng, chúng ta mới có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu chân thực, để nhận ra mình không phải vịt con xấu xí. Tiếp nối với thiền định, niềm tin và tiếng nói nội tâm, chúng ta bước đi trên con đường chữa lành trước khi tìm thấy an yên và hạnh phúc.

Bên trong thinh lặng là sự bình yên

Sức mạnh của thinh lặng

Vào thời điểm mà công nghệ thâm nhập vào cuộc sống theo nhiều cách và chủ nghĩa duy vật gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta, ký giả Nicolas Diat đem tới văn đàn một làn gió mới về “Sức mạnh của thinh lặng”. Sự hối hả của nhịp sống hiện đại tạo ra quá nhiều tiếng ồn, nên việc tìm kiếm những khoảnh khắc yên lặng trở nên khó khăn và cần thiết hơn bao giờ hết. Cuộc trò chuyện với Đức Hồng y Robert Sarah, phía sau những bức tường kín đáo và linh thiêng của La Grande Chartreux (tu viện Carthusian nổi tiếng ở dãy núi Alps của Pháp) gợi mở cho chúng ta về cuộc cách mạng thực sự đến từ tĩnh lặng.

Sự khôn ngoan, tầm nhìn mới mẻ và lòng tận tụy đều phát sinh từ sự im lặng, nơi mà tiếng nói nội tâm vang lên trong sâu thẳm trái tim con người để thúc giục chúng ta thay đổi. Nhưng đối với nhiều người, việc bước ra khỏi vùng an toàn không hề đơn giản, bởi lẽ bản thân họ (và chính chúng ta) đều yêu quý những gì thân thuộc cùng cảm giác dè chừng khi phải đối diện điều lạ lẫm. Trong tư duy của nhà nghiên cứu Terri-Ann Russell, thế giới ồn ào chỉ là một cỗ máy khổng lồ, và con người như một con rối bằng thịt sinh học, bị cuốn vào, rồi dịch chuyển trong mối quan hệ qua lại vì lợi ích. Bất chấp những nỗ lực tuyệt vọng của nhiều người tìm mọi cách vẫy vùng để được giải thoát, hiệu ứng domino như nở rộ, kéo đổ chúng ta ngã vào cái vòng luẩn quẩn ấy.

Năm ngoái, thế giới bị phong tỏa, cuộc sống bình thường bị ảnh hưởng đáng kể. Trạng thái “tôi quá mệt mỏi” thống trị mạng xã hội, người dân ở hầu hết các châu lục đã và đang trải qua tâm trạng bất an, căng thẳng trước sự lây lan nhanh của các biến chủng mới, do bị mất việc làm, thu nhập giảm sút, hay chịu cảnh cách ly, nhập viện. Ranh giới giữa công việc và vui chơi bị xóa nhòa, đặc biệt đối với những người trẻ. Học sinh không trở lại trường lớp thực tế trong hơn một năm, sinh viên mới tốt nghiệp đang bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế và bản thân lực lượng lao động đang thay đổi. Ngay cả khi một số khu vực dần mở cửa, thì sự không chắc chắn vẫn ngự trị.

Nicolas Diat coi sự ồn ào, bất an và mỏi mệt ấy như một lời nguyền, rằng để giải phóng cuộc sống hay thoát khỏi nỗi bức bối, kìm kẹp thì chúng ta buộc lòng phải trải qua những bi kịch. Thảm họa như người thầy, dạy cho ta cách sống mạnh mẽ, những lối đi khôn ngoan để không lặp lại sai lầm. Chúng ta nên học cách biến lời nguyền thành phước lành, tựa mấy dòng viết đậm triết lý trong Sức mạnh của thinh lặng, rằng cơn đói buộc ta tìm kiếm thức ăn, nhưng ta rốt cuộc sẽ phải dần học cách tạo ra một cuộc sống đầy đủ chất dinh dưỡng để không bị đói và khó khăn dày vò thêm nữa. Đối diện với đau đớn, mâu thuẫn bằng hành động, đôi khi ta cần chút tĩnh lặng để cảm nhận sức mạnh xua tan ám ảnh, hận thù.

Con bướm màu cầu vồng

Trong những năm qua, Terri-Ann Russell đã nhận ra tiềm năng của tĩnh lặng, cho chúng ta đạt đến cảnh giới ngừng sợ hãi thất bại, cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Tĩnh lặng là thời điểm chúng ta cảm nhận nhiều hơn về các sự việc, hiểu rõ nhân – quả, nhìn rõ những gì bản thân làm chưa tốt. Tĩnh lặng cũng là cách thể hiện cảm xúc với người đối diện, khiến sự xao động trở nên bình tĩnh, khiến những cảm xúc tiêu cực chợt mất hút chẳng còn. Nhà hiền triết Socrates từng thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Ấy là vì tri thức tựa biển rộng, còn những điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước trong đại dương. Tĩnh lặng ban tặng cơ hội suy ngẫm, nhờ đó mà chúng ta có được những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, giác ngộ.

Trích lời văn hào Goethe, sự tĩnh lặng là sợi dây liên kết mọi thứ lại với nhau, nuôi dưỡng tài năng trong cô tịch. Khi chúng ta nhìn thấy đằng sau bức màn ngăn cách giữa thực tại vật chất và vô tận, điều ta tìm thấy là sự tĩnh lặng phi thời gian. Và trong sự tĩnh lặng, bình yên vĩnh cửu đó, mọi thứ đều hoàn hảo như nó vốn có. Chương 3, cuốn “Con đường chữa lành”, Terri-Ann Russell miêu tả những khoảnh khắc tĩnh lặng tựa “con bướm màu cầu vồng”, đem tự do tâm trí đến với thế giới xô bồ loài người.

Biểu tượng nói lên tất cả: con bướm mang đổi thay cho bất cứ nơi nào nó bay tới, còn cầu vồng tượng trưng một cuộc sống trật tự và hài hòa về cảm xúc. Bản chất của tĩnh lặng hướng chúng ta về tinh thần, mở ra cơ hội để bản thân nhìn thấy một thế giới mới của sự lặng im mênh mông. Nơi đó cất giấu mục đích thật sự của cuộc sống, là chốn ta tìm về với kết nối của người xưa đem lại nguồn kiến thức cùng sự thức tỉnh khỏi cám dỗ của những thứ ồn ào. Họ ở đó để giúp chúng ta đi trên đường đời hỗn độn mọi thứ, vực dậy bản ngã chúng ta sau khoảng thời gian loay hoay cùng nỗi cô đơn đến mức dễ tuyệt vọng.

Nhà tâm lý học Carl Jung miêu tả công cuộc kiếm tìm bản ngã trong tĩnh lặng mở rộng nhận thức ra bên ngoài bằng cách đi vào bên trong chính mình, thông qua việc “đóng cửa” với mọi thứ xung quanh chỉ để tập trung, nhẫn nại lắng nghe tiếng gọi nội tâm từ sâu thẳm. Khi ấy, con người thật của chúng ta hiện lên với tư cách “những sinh vật tâm linh” tạm thời cư trú trong cơ thể người. Loại bỏ mọi tiếng ồn, gạt bỏ cái tôi quá lớn, tập trung thiền định để kết nối với bản ngã cao hơn, cũng như kích hoạt “bộ nhớ di động” hàng nghìn năm được lưu trữ trong ADN, mỗi cá nhân có thể khai phá tiềm năng được giấu kín bấy lâu.

Quả cầu lặng im

Các chuyên gia đồng ý rằng chúng ta cần lựa chọn tĩnh lặng trở thành một phần trong cuộc sống của mình. Con đường chữa lành khuyến khích mọi người dành thời gian mỗi ngày để suy ngẫm. Tĩnh lặng không chỉ là không có tiếng ồn, mà là khiến bản thân sống chậm lại, duy trì hy vọng khi tâm trí muốn quay cuồng. Chúng ta hướng trái tim đang đập rộn rã trong lồng ngực về người thân yêu, tưởng nhớ đám rối ký ức cất kín từ ngày xưa, hay đơn giản chỉ cần tỉnh giấc thật sớm, ngắm nhìn mặt trời mọc trong không gian yên ắng, tận hưởng tia nắng đầu tiên của ngày mới.

Những khoảnh khắc vô giá ấy, không dễ tìm thấy, bắt đầu hành trình bước vào Quả cầu lặng im. Khi Terri-Ann Russell còn nhỏ, cô chứng kiến người ông thức dậy lúc bình minh và ngồi trong tĩnh lặng hoàn toàn trong một giờ. Đó là nghi lễ thiền định Mouna Vratham vốn được thực hành từ lâu trong truyền thống Ấn Độ giáo của Ấn Độ. Nhiều năm sau đó, trải nghiệm học tập và làm việc ở nhiều nơi khác nhau khiến cô nhận ra thực hành tĩnh lặng không chỉ đặc trưng ở bất kỳ tôn giáo hay nền văn hóa nào. Mục đích quan trọng nhất của việc “kiêng” nói trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày xoay quanh sự bình yên trong nội tâm, thúc đẩy con người biết lắng nghe, thấu hiểu hơn.

40 ngày thinh lặng của tu sĩ tại một tu viện dòng Phan Sinh ở Ý trở thành bài học đắt giá nhất, giúp Terri-Ann Russell trân trọng ký ức về người ông cùng Quả cầu lặng im đa lớp nghĩa. Giờ đây, một giờ tĩnh lặng mà Terri-Ann Russell thực hành mỗi sáng, bên trong quả cầu vô hình được dựng lên bằng niềm tin và sự kiên trì, quyết định cách cô muốn bước vào một ngày. Nhà nghiên cứu hiểu rằng tĩnh lặng là một sự đầu tư vào bản thân, để mỗi người hình dung cách kiểm soát 23 giờ còn lại, dù phải chấp nhận đối diện không ít khó khăn. Ngồi im trong thinh lặng, chúng ta phải tìm những cách khác để giao tiếp, giải mã quá trình suy nghĩ, đồng thời giữ cho thông điệp của mình thật đơn giản.

Cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, nhiều người trong chúng ta đã quên, hoặc thậm chí sợ sự tĩnh lặng. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy huyên náo, các thói quen hàng ngày tràn ngập những phiền nhiễu và trách nhiệm. Chỉ bằng một thay đổi nhỏ trong lối sống, Quả cầu lặng im sẽ đem tới bất ngờ trong cách tư duy nhìn nhận thế giới xung quanh sâu sắc, đa chiều hơn. Và đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ chạm tới sự thức tỉnh để sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc của hiện tại…

Theo LÊ NAM / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: