Báo Mỹ: Việt Nam đã mang lại hòa bình cho Campuchia. Mỹ phải thừa nhận điều đó

“Khi người Việt Nam vào Campuchia, tôi đã khóc. Tôi khóc vì hạnh phúc, vì cuộc sống của mình đã được cứu…”, một nhân chứng của thời kỳ diệt chủng Khmer Đỏ chia sẻ.

Một cô bé Campuchia ôm một chú chim bồ câu – biểu tượng của hòa bình, trong lễ kỉ niệm ngày chế độ Khmer Đỏ sụp đổ. Ảnh Reuters.

Sự hiện diện của quân đội Việt Nam, theo lời đề nghị của lực lượng cách mạng Campuchia, đã đặt dấu chấm hết cho ách cai trị của bè lũ Pol Pot, chấm dứt những cuộc tàn sát tập thể diễn ra mọi nơi.

Chẳng có ai hiểu rõ được niềm hạnh phúc này bằng chính những người trong cuộc – những người hàng ngày phải sống giữa những đói khổ, đòn roi và chết chóc suốt 4 năm trời.

“Ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”

Teeda Butt Mam vẫn còn nhớ như in cảm giác sung sướng ngập tràn, khi mọi chuyện cuối cùng cũng kết thúc. Năm Pol Pot lên nắm quyền kiểm soát Campuchia, cô mới là một nữ sinh 15 tuổi, được ăn học đầy đủ, và xuất thân trong 1 gia đình trung lưu tại thành phố Phnom Penh.

Chia sẻ trên báo Mỹ New York Times, Teeda Butt Mam tâm sự: dưới chế độ Khmer Đỏ, từ một người luôn tràn đầy sự tự hào, cô trở nên sợ hãi bản thân, giấu giếm những giấc mơ, không dám bày tỏ bất cứ thái độ hay cảm xúc nào khác, ngoài sự phục tùng. Khmer Đỏ sẽ giết bất cứ ai thể hiện sự phản đối hay buồn khổ.

Nhưng, “nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi không phải là cái chết, mà là chúng tôi phải chịu đựng bao nhiêu trước khi bị chúng giết…

Khi người Việt Nam vào Campuchia, tôi đã khóc. Tôi khóc vì hạnh phúc, vì cuộc sống của mình đã được cứu… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chính phủ mới xây dựng lại đất nước. Chúng tôi muốn tìm lại cuộc sống đơn giản, chậm rãi, nơi chúng tôi lớn lên và được yêu thương”, Teeda Butt Mam chia sẻ.

Teeda Butt Mam cho rằng không thể phủ nhận những thay đổi lớn lao mà Việt Nam đã mang tới cho đất nước cô.

“Tôi tham dự một nhóm hóa trang thành các xác chết, nhảy múa tự do trong tiếng vỗ tay và âm thanh truyền thống – thứ định hình chúng tôi là ai. Chúng tôi nhảy dưới ánh trăng, quanh đống lửa. Chúng tôi hân hoan đón mừng điều kì diệu đã cứu cuộc đời mình. Vào lúc ấy, tôi cảm thấy tinh thần và tâm hồn đã quay trở về với cơ thể yếu ớt này. Một lần nữa, tôi đã được làm người”.

Niềm vui rộn rã của những người thoát khỏi bàn tay Khmer Đỏ đã thôi thúc cô bé 15 tuổi Somaly Lun phải chạy về vùng tự do, nơi có sự hiện diện của những người lính Việt Nam. Lúc ấy, Khmer Đỏ đã thất thế, phải dạt về cố thủ ở một khu vực nhỏ, nơi Somaly và gia đình cô đang sống, và tìm cách giết nhiều người Campuchia nhất có thể.

Trốn chạy dưới sự truy đuổi gắt gao của Khmer Đỏ, gần 1 tuần không ăn uống, Somaly như vỡ òa khi cuối cùng cũng tới nơi muốn tới, tìm được mẹ và anh chị em của mình. “Chúng tôi cứ thế khóc. Đó là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”, cô nói.

Cũng là người may mắn sống sót qua chương đen tối nhất của Campuchia, Ronnie Yimsut, kiến trúc sư đang làm việc cho Bộ Nông nghiệp Mỹ, thẳng thắn bày tỏ:

“Rất nhiều người đã sống sót và vượt qua chế độ Khmer Đỏ chắc chắn sẽ có chung quan điểm với tôi, rằng Việt Nam đã giúp giải phóng Campuchia. Đương nhiên, cũng dễ hiểu nếu những người không trải qua giai đoạn đó có thể sẽ nghĩ khác”.

Mẩu bánh mì và những nụ cười rạng rỡ

Trốn chạy về phía có sự hiện diện của các chiến sĩ Việt Nam không chỉ là mong muốn của dân thường, mà còn là suy nghĩ của ngay cả những binh lính không thể chịu được chế độ cai trị bạo tàn của bè lũ Pol Pot.

Ông Sin Khin, hiện là cố vấn cao cấp của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, người từng trải qua những ngày tháng làm việc tới lao lực, trước khi trở thành binh lính phục vụ cho Khmer Đỏ, là một trong số đó.

Trên Tạp chí Southeast Asia Globe, ông đã kể lại giây phút chạm mặt với những người lính Việt Nam khi chạy qua biên giới Campuchia vào Việt Nam năm 1977 để tìm kiếm sự giúp đỡ. “Họ đưa chúng tôi một cái bánh mì”. Không quát nạt, không bắt bớ, tất cả những gì được trao đi là nụ cười và những cái bắt tay của cả 2 phía.

Mong mỏi đất nước mình có thể trở về những ngày tháng yên bình trước đây, ông Sin Khin đã gia nhập lực lượng giải phóng Campuchia, mà sau này trở thành Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia – do ông Heng Samrin, ông Hun Sen và ông Chea Sim thành lập tại vùng rừng núi Snuol.

“Đầu tiên, tôi chẳng mấy hi vọng. Nhưng trong tim, tôi vẫn hạnh phúc. Rồi khi gặp được rất nhiều binh lính trong rừng ở Snuol và người Việt Nam đến để giúp đỡ họ, tôi có niềm tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng”, ông Khin nói.

Không chỉ cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm và đồ uống, những người lính tình nguyện Việt Nam “luôn ở tuyến đầu”, hỗ trợ các chiến sĩ Campuchia chiến đấu, ông Khin chia sẻ.

“Dưới thời Pol Pot, [người dân Campuchia] không có tiền bạc, gia đình, trường học. Chỉ có một màu duy nhất: màu đen. Khi chế độ của hắn ta sụp đổ, người dân Campuchia đã rất hạnh phúc. Khi thấy những người lính Việt Nam, họ giống như được tái sinh”.

Trong một bài viết đăng tải trên tờ Chicago Tribune (Mỹ) năm 1990 phê phán của chính quyền Mỹ đối với Campuchia vào thời điểm đó, cây viết bình luận William Pfaff đã ghi nhận rằng sự can thiệp của Việt Nam thực chất đã mang lại hòa bình và sự hồi phục về kinh tế cũng như xã hội cho Campuchia.

Bài viết khẳng định rằng chính Việt Nam đã có công chấm dứt tội ác bạo tàn của chế độ Khmer Đỏ, lật đổ Pol Pot và chế độ man rợ của hắn trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chính quyền Mỹ lại không công nhận điều này và phản đối việc quân đội Việt Nam giúp đỡ giải phóng Campuchia.

Theo bài viết, việc Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia lẽ ra phải được [Mỹ] thừa nhận là một bước tiến nữa trong việc duy trì hòa bình ở khu vực Đông Dương.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , ,