Bao giờ mới dẹp được bệnh phô trương hình thức ở cơ quan công quyền?

Năm nào cũng thế, khi những ngày cuối cùng ùa về, các cuộc họp tổng kết hoạt động của năm cũ, xây dựng kế hoạch, định hướng cho năm mới lại được khắp nơi tổ chức.

Tùy vào phẩm hàm, chức phận, quy mô của mỗi cuộc tổng kết có khác nhau. Tuy nhiên, ở không ít cơ quan, hoạt động này ngày càng phô trương về hình thức mà chất lượng không ngừng kém đi, đến độ người ta phải tự hỏi có cần phải tổ chức chúng một cách rình rang, tốn kém đến thế không?

Ở không ít cuộc tổng kết, người tham dự đều được “chiêu đãi” nghe một bảng tổng kết dài lê thê được chuẩn bị từ trước. Thường thì người đứng đầu sẽ thay mặt cả cơ quan mình đọc để cử tọa được tỏ tường về thành tích, thuận lợi, hạn chế, khó khăn để rồi đề xuất phương hướng, kiến nghị với cấp trên. Thôi thì tổng kết đủ cả các mặt từ chuyên môn đến văn thể, từ tổ chức đến phong trào, từ phòng cháy đến chữa cháy, từ công đoàn đến thanh niên. Việc đọc hết báo cáo này chí ít cũng phải mất một giờ.

Trong khoảng một giờ ấy, dường như ngoài người đọc, chả mấy ai quan tâm đến nội dung báo cáo. Thì năm nào chả thế, chưa đọc câu trước người ta đã đoán được câu sau rồi. Thành tích luôn nổi bật, năm nay bao giờ cũng phải tốt hơn năm trước.

Tôi từng được đọc nhiều báo cáo của không ít xã miền núi, nơi gần như chính phủ phải bao cấp 100% kinh phí cho bộ máy chính quyền cơ sở, hoạt động buôn bán không đáng kể. Ấy thế mà người ta vẫn cứ nói về toàn cầu hóa, khu vực hóa, rồi thì xung đột đâu đó ở trời Tây để rồi khiên cưỡng quy kết đó là những trở ngại cho việc chỉ đạo, hỗ trợ người dân sản xuất trên địa bàn mình quản lí.

Bố cục của báo cáo tổng kết bao giờ cũng phải tuần tự theo các mục đã được quy định. Điều này cũng hợp lí bởi nó tiện cho việc tổng hợp khi được chuyển lên cấp trên. Có điều, nếu đặt báo cáo tổng kết 5 năm liền của bất kì cơ quan nào, người ta không khó khăn gì để nhận ra chúng giống nhau đến kì lạ về mặt nội dung. Dường như ở nhiều mục, người ta chỉ việc thay đổi số năm, còn thì giữ lại từng con chữ, dấu phẩy. Cũng không hiếm ngoại lệ khi có báo cáo được chuẩn bị ẩu đến mức số năm chưa được sửa hết, số liệu của năm trước vẫn dùng cho cả năm sau, mặc cho 365 ngày đã trôi qua với bao biến chuyển.

Với những cuộc tổng kết ấy, cấp trên trực tiếp bao giờ cũng cử người đại diện xuống dự, thôi thì đủ cả ban bệ, nhất quyết là không thiếu thành phần nào. Trong khoảng vài phút đầu kể từ khi chủ tọa đọc báo cáo, người ta có vẻ chăm chú lắng nghe, rồi thì bắt đầu rầm rì trao đổi nhỏ to, tin nhắn, điện thoại, lướt mạng.

Sau màn đọc báo cáo, luôn có một vài người trong cơ quan được mời phát biểu nhận xét về nội dung đã báo cáo. Thường thì đây là những nhân vật thân quen, đạt tầm chuyên gia phát biểu bởi cuộc họp nào cũng chỉ quẩn quanh họ được chỉ định cho ý kiến. Vị nào cũng bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc khẳng định quán triệt, ủng hộ, hài lòng với bản báo cáo hết sức chi tiết, rõ ràng. Vị nào cũng ca ngợi sự chèo lái tài tình của thủ trưởng, ban lãnh đạo, bất chấp bao khó khăn vẫn đưa tập thể băng băng về đích vượt chỉ tiêu mà năm trước đề ra. Rồi thì như một công thức định sẵn, họ kết thúc bài phát biểu của mình bằng việc hướng về lãnh đạo cấp trên để đề xuất, kiến nghị. Đa phần là kiến nghị tăng kinh phí, tăng biên chế cho hoạt động “đặc thù” của cơ quan mình.

Rồi thì cũng đến phiên đại biểu dự hội nghị tổng kết được mời phát biểu. Hiển nhiên là vị nào cũng khẳng định rất phấn khởi trước thành tích của đơn vị, rồi thì động viên, hứa hẹn, khẳng định, cam kết, chỉ đạo và hy vọng. Thông điệp nào cũng chung chung đến độ họ có thể giữ nguyên lời phát biểu ấy cho bất cứ cơ quan trực thuộc nào.

Không hiếm khi có vị chu đáo mang theo hẳn một bài phát biểu được đánh máy rõ ràng và rồi khi được mời, họ trang nghiêm, dõng dạc đọc từng câu, từng chữ đã được chau chuốt, nhất quyết không bỏ sót một dòng nào. Không ít lần, có vị vì được mời đi họp nhiều chỗ quá, đọc nhầm văn bản vốn được viết cho đơn vị khác bởi vô tình thò tay lấy nhầm túi!

Rồi thì hoa, rồi thì phông màn, hoa quả, bánh kẹo tràn ngập. Chả cơ quan nào tiếc triệu bạc để in lấy một pa nô cho buổi tổng kết. Thế mới sang, mới hoành tráng. Dù cho chỉ vài tiếng sau, những tấm bảng ấy trở thành phế phẩm. Thực tình thì tôi tự hỏi, phòng họp nào cũng có máy chiếu, nếu muốn sang, sao không gõ mấy dòng trên máy tính, chiếu lên trong buổi lễ, thích hoa nào, màu nào, nhạc gì chỉ thao tác vài cú nhấp chuột, lãng phí thế kia để làm gì?

Vẫn chưa hết. Ở nhiều địa phương, một buổi tổng kết thành công bao giờ cũng gồm phần “lễ” và “hội”. Phần lễ thì chỉ mất chừng 1-2 giờ trong khi phần “hội” thì luôn mở đến lúc cả chủ và khách không thể nâng cốc thêm nữa. Mà nào chỉ có ăn, có uống. Sau ẩm thực thì cần phải có giải trí, có thư giãn…

Chính phủ đã ban hành nhiều quy định cụ thể nhằm hạn chế việc tổ chức hội nghị tổng kết lãng phí, rườm rà, nặng về hình thức. Tuy nhiên, dường như việc thực hiện chủ trương đúng đắn này ở không ít nơi vẫn chưa nghiêm túc, nhiều khi mang tính đối phó. Đã đến lúc mỗi ngành, mỗi cơ quan cần nghiêm túc nhìn lại thực trạng này, dũng cảm thay đổi theo hướng tiết kiệm và thiết thực hơn. Có như thế, các buổi tổng kết sẽ không còn bị nhấn chìm trong những tiếng thở dài.

Theo NGUYỄN CÔNG THẢO / VĂN NGHỆ CÔNG AN

Tags: