Bàn về vấn đề gian lận, trốn thuế ở các nước đang phát triển

Một trong những vai trò quan trọng của nhà nước là thu thuế và sử dụng tiền thuế để trang trải chi phí cho các dịch vụ công và xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế xã hội. Để hoàn thành tốt vai trò này, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia đều phải đối mặt và đưa ra các giải pháp ngăn chặn hành vi gian lận và trốn thuế. Bài viết trình bày những lý luận về gian lận và trốn thuế ở một số nước trên thế giới và đề xuất các giải pháp ngăn chặn hành vi gian lận và trốn thuế để áp dụng tại Việt Nam.

Bàn về vấn đề gian lận, trốn thuế ở các nước đang phát triển

Tác giả: ThS Nguyễn Huy Hoàng, Trường Đại học Luật và kinh doanh Quốc tế (TLBU) tại Seoul, Hàn Quốc.

Theo thống kê của Trường đại học Oxford, trong năm 2005, tỷ lệ mức thuế mà nhà nước thu được trên GDP của các nước phát triển đạt 35%, trong khi ở các nước đang phát triển, con số này chỉ khoảng 15%, và ở các nước nghèo nhất thì chỉ đạt 12%(1). Khoảng cách này xuất phát bởi thực tế là, nhu cầu cho các dịch vụ công thường cao hơn ở các nước phát triển, tỷ lệ thuận với thu nhập cao của người dân, đồng thời cũng phản ánh sự yếu kém của các nước đang phát triển trong khả năng nâng cao nguồn thu cần thiết cho việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ công. Trong đó, yếukém trong việc ngăn chặn hiện tượng gian lận và trốn thuế là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến yếukém trong việc huy động thuế(2).

Nghiên cứu về các nguyên nhân gian lận, trốn thuế góp phần tìm giải pháp khắc phục hành vi vi phạm pháp luật này ở Việt Nam.

1. Khái niệm gian lận và trốn thuế

Từ điển Luật học Việt Nam đưa ra định nghĩa thuế là “khoản thu của ngân sách nhà nước không hoàn trả và không mang tính đối giá, do cơ quan quyền lực nhà nước quy định“(3). Còn các học giả nước ngoài đưa ra định nghĩa thuế là “khoản thu bắt buộc, không mang tính trừng phạt, đối với cá nhân và tổ chức, do cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm thực hiện các mục tiêu chung“(4).

Như vậy, các học giả trong nước và các chuyên gia nước ngoài có sự khác biệt nhất định trong việc định nghĩa khái niệm “thuế”, nhưng một nội dung vẫn được hoàn toàn thống nhất, đó là đều khẳng định thuế gắn liền với nhà nước, và quyền thu thuế thuộc về nhà nước, từ đó, gián tiếp khẳng định nghĩa vụ nộp thuế của người dân.

John A. Kay xác định trốn thuế là một hành vi giấu giếm giao dịch hoặc che đậy bản chất thật sự của giao dịch trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ pháp lý về tài chính đối với nhà nước; trong khi gian lận thuế diễn ra khi các sự kiện của giao dịch được thừa nhận công khai nhưng nội dung đã được sắp xếp theo cách sao cho kết quả tính thuế khác đi so với khi áp dụng đúng các quy định của pháp luật(5).

Jame Alm và Jorge Martinez-Vazquezl xác định gian lận thuế là hành vi bất hợp pháp và cố ý bởi các cá nhân và các doanh nghiệp để giảm khoản tiền thuế phải nộp theo nghĩa vụ pháp lý của mình bằng cách báo cáo thu nhập, doanh số hoặc tài sản thấp hơn thực tế hay khai khống các khoản khấu trừ… Trốn thuế là tìm cách cắt giảm các nghĩa vụ thuế thực tế phải nộp, chẳng hạn bằng cách tách nhỏ các khoản thu để xuống dưới ngưỡng tính thuế, hay tìm cách hoãn thuế(6)…

Với hai cách định nghĩa trên, có thể nhận định trốn thuế là hành vi trái pháp luật và cố ý, nhằm không thực hiện hoặc tránh phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước; gian lận thuế là hành vi trái pháp luật nhằm cắt giảm khoản tiền thuế phải nộp theo quy định của pháp luật. Điều 200 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015 đã quy định rõ về tội danh trốn thuế, khẳng định ghi nhận của pháp luật về tính chất nguy hiểm của loại hành vi này đối với xã hội.

2. Các nguyên nhân của tình trạng gian lận, trốn thuế

Có nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân của tình trạng gian lận, trốn thuế.

David Tumanyan(7) đã cho rằng nguyên nhân của tình trạng gian lận, trốn thuế bao gồm các yếu tố: a) Sự tồn tại của nền kinh tế ngầm (shadow economic); b) Sự tham nhũng; c) Vai trò quản lý yếu kém của các cơ quan thực thi pháp luật; d) Thiếu thốn kinh phí, nhân lực, kỹ thuật và công nghệ trong quản lý thuế.

Nền kinh tế ngầm là hệ thống sản xuất, kinh doanh không được khai báo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì vậy, nhà nước cũng không có cơ sở để tiến hành thu thuế. Đồng lương nhà nước quá thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tham nhũng lan tràn, do các cán bộ thuế dễ trao cho người nộp thuế những ưu thế trái pháp luật nhằm tìm kiếm tư lợi…

Quan điểm khác cho rằng hiện tượng gian lận, trốn thuế tồn tại do ba nguyên nhân chính:

– Không có sự tin tưởng vào chính phủ: người dân thường không có một ý tưởng rõ ràng về vai trò và chức năng của chính phủ và thấy không có ý nghĩa trong việc thanh toán thuế, vì họ tin rằng “nhà nước chỉ lấy đi tiền của họ mà không làm gì cho gia đình và doanh nghiệp của họ”.

– Mức thuế suất cao: một mức thuế suất cao có thể sẽ làm nản lòng những người nộp thuế. Nhiều quốc gia đang phát triển có mức thuế suất cao, lại luôn thay đổi pháp luật về thuế khiến đây trở thành một trở ngại cho sự tăng trưởng kinh tế.

– Quản lý hành chính về thuế yếu kém: các cơ quan thực thi pháp luật ở các nước đang phát triển thường có những điểm yếu sau đây: thiếu kinh phí, nhân sự kém chất lượng, không có khả năng tiến hành các cuộc kiểm tra quy mô lớn… Trốn thuế có thể là phản ứng tự nhiên đến từ sự yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, các quan điểm kể trên còn tỏ ra chưa bao quát được hết các nguyên nhân của tình trạng gian lận và trốn thuế, theo đó bao gồm:

Thứ nhất, những yếu kém tồn tại bên trong hệ thống pháp luật.

Nguyên nhân này thể hiện trên ba phương diện. Một là tỷ lệ thuế suất không hợp lý mà người nộp thuế đang phải chịu. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của hai nhà khoa học Micheal G. Alligham và Agnar Sandmo đã cho thấy mối liên hệ có thật giữa thuế suất và tình trạng gian lận, trốn thuế; theo đó, thuế suất cao sẽ khiến tỉ lệ gian lận, trốn thuế tăng, vì khi đó, nghĩa vụ đóng thuế của người dân đã trở thành gánh nặng thuế khóa, nên trốn thuế, gian lận thuế trở thành cách thức duy nhất để đảm bảo nguồn thu nhập đủ cho các nhu cầu thiết yếu của bản thân, gia đình và công việc của họ(8). Hai là xác suất bị phát hiện sau khi trốn thuế cũng ảnh hưởng đến quyết định nộp thuế hay né tránh thuế. Đây là biểu hiện trực tiếp cho sự nghiêm minh của pháp luật thuế đang được thi hành. Nếu mọi hành vi gian lận và trốn thuế đều bị nhanh chóng phát hiện sẽ làm nản lòng những đối tượng đang có ý định thực hiện hành vi này. Ba là mức hình phạt phát sinh sau khi hành vi gian lận, trốn thuế bị phát hiện. Một mức hình phạt nghiêm khắc sẽ khiến người nộp thuế phải cân nhắc cẩn trọng hơn giữa hậu quả bất lợi khi bị phát hiện và lợi ích có được khi trốn thuế.

Thứ hai, mức độ tham nhũng trong xã hội cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng gian lận và trốn thuế.

Nguyên nhân này được biểu hiện trên hai phương diện. Một là nếu việc hối lộ các viên chức thực thi pháp luật về thuế (như nhân viên thuế, hải quan, cảnh sát…) nhằm cắt giảm lượng tiền thuế phải nộp dễ dàng và ít tốn kém hơn so với việc nộp thuế thì sẽ không có người nộp thuế nào muốn đóng đầy đủ khoản thuế của mình nữa. Hai là tình trạng tham nhũng tràn lan sẽ khiến người dân mất niềm tin vào bộ máy nhà nước. Một khảo sát xã hội học của Robert W. McGee tại 13 nước châu Á về quan niệm đạo đức của người dân đối với hành vi trốn thuế đã cho kết quả đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ người ủng hộ việc trốn thuế tăng cao rõ rệt với giả thiết là tình trạng tham nhũng tràn lan của các quan chức(9).

Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã gắn liền khái niệm gian lận, trốn lậu thuế với các khái niệm về nền kinh tế ngầm.

Nền kinh tế ngầm của một đất nước không chỉ bao gồm các hoạt động bất hợp pháp mà còn có cả các thu nhập không được khai báo từ sản xuất hàng hoá và dịch vụ hợp pháp. Theo số liệu ước lượng của Schneider và Enste về 76 quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế chuyển đổi và các nước OECD thì kích thước trung bình của nền kinh tế ngầm dao động từ 12% GDP ở các nước OECD, đến 23% cho các nền kinh tế chuyển đổi và đến 39% cho các nước đang phát triển(10). Như vậy, nền kinh tế ngầm lớn hơn ở các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi; đồng nghĩa với việc một lần nữa khẳng định tình trạng thất thu thuế cao ở những nước này. Gian lận và trốn lậu thuế không hoàn toàn tương đồng với nền kinh tế ngầm, nhưng sự thật không thể phủ nhận rằng sự tồn tại nền kinh tế ngầm chính là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trốn thuế. Gánh nặng thuế khóa đã được nhắc đến ở trên là một trong những yếu tố như vậy; hay sự không hài lòng của người dân đối với việc cung cấp các dịch vụ công của bộ máy nhà nước (thủ tục phức tạp, tốn kém, tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu…) cũng là nguyên nhân của việc họ từ chối hoạt động trong nền kinh tế chính thức với sự quản lý của pháp luật nhà nước.

3. Giải pháp cho tình trạng gian lận, trốn thuế

Một là, không ngừng hoàn thiện các quy định của pháp luật về thuế cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của đất nước.

Các luật thuế nên tạo ra một môi trường thuận lợi cho quản lý thuế. Nếu pháp luật thuế của một quốc gia yếu, nhiệm vụ quản lý hành chính để chống lại hành vi gian lận, trốn thuế sẽ trở nên quá khó khăn. Do đó, pháp luật về thuế cần phải được xem xét một cách định kỳ để phản ánh kịp thời sự thay đổi của môi trường kinh tế. Thuế suất cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế đất nước của từng giai đoạn. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính Phủ Việt Nam về việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng là một sự điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời góp phần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế đúng quy định pháp luật.

Hai là, tăng cường việc thực thi nghiêm minh pháp luật về thuế.

Để thực hiện công tác này thực chất là thực hiện công tác tổ chức cán bộ thực thi pháp luật về thuế, sao cho số lượng đủ để thanh tra, kiểm tra được rộng khắp các loại hình, các khu vực, lại có chất lượng đủ cao cho phù hợp với yêu cầu luôn thay đổi của nền kinh tế. Ngoài ra, một phần quan trọng là phải nâng cao được ý thức trách nhiệm của người cán bộ, để họ không thông đồng với người nộp thuế nhằm gian lận, trốn lậu thuế. Công tác cải cách tư pháp, nhằm nâng cao khả năng điều tra, khám phá và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thuế, vừa nhằm trừng trị mà còn để răn đe các hành vi vi phạm cũng có ý nghĩa rất quan trọng.

Ba là, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật thuế cho người dân.

Thách thức lớn đối với việc tuân thủ pháp luật thuế ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là sự thấp kém của văn hóa thuế. Đây chính là nguyên nhân góp phần duy trì hiện tượng gian lận, trốn lậu thuế.

Cần phải tăng cường thực hiện các chương trình giáo dục pháp luật, tuyên truyền pháp luật về thuế cho người dân. Chương trình này cần phải được thiết kế để tiếp cận với những người nộp thuế hiện tại và cả những người sẽ đóng thuế trong tương lai. Giáo dục cho những người nộp thuế hiện tại biết được thủ tục tiến hành các hoạt động thuế như đăng ký mã số thuế, nộp hồ sơ báo cáo thuế… để cả họ và cơ quan nhà nước thuận lợi hơn trong việc thực hiện công việc; nhưng xây dựng một nền văn hóa thuế lành mạnh trong tương lai, với những công dân ý thức được rõ trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và cộng đồng còn có ý nghĩa quan trọng và lâu dài hơn. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục thuế trong hệ thống giáo dục ở các quốc gia đang phát triển hiện đang trong tình trạng rất đáng lo ngại và khẩn cấp. Việc giáo dục ý thức pháp luật về thuế cũng nên chú trọng đến việc công khai bản án và hình phạt của những đối tượng vi phạm nghiêm trọng thông qua các phương tiện truyền thông. Việc xây dựng hình ảnh trốn thuế là xấu xa và trái đạo đức có thể khiến nhiều người đang có ý định vi phạm phải ngần ngại.

Bốn là, tăng cường giải quyết nền kinh tế ngầm ở mỗi quốc gia.

Đối với các hành vi kinh doanh bất hợp pháp, lực lượng cảnh sát là nòng cốt, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan, biên phòng… nhằm trấn áp các hoạt động tội phạm này; còn đối với các nguồn thu nhập không khai báo, các cơ quan quản lý hành chính về thuế cần tập trung vào các tổ chức sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, cá nhân tự kinh doanh hay thu nhập vãng lai vì đây là các nguồn thất thu thuế chủ yếu. Việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế các giao dịch ngầm, giao dịch bất hợp pháp.

————————

Chú thích:

(1) Clemens Fuest and Nadine Riedel: “Tax evasion, tax avoidance and tax expenditures in developing countries: A review of the literature”, Report prepared for the UK Department for International Development (DFID) version June 19th, 2009, Oxford University Centre for Business Taxation, tiếng Anh, tr.1
(2) Xem them:Jonathan Ivinson: “Evasion fiscale: chercher la cause ou punir ?”, tạp chí Le Temps, số ngày 26/03/2008, tiếng Pháp, tr.24
(3) Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp: “Từ điển Luật học”, Nxb Tư pháp, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, năm 2006, tr.734.
(4) Stuart P.Green: “What is Wrong with Tax Evasion?”, Rutgers School of Law-Newark Research Papers Series Paper No: 045, tiếng Anh, tr.1
(5) John A.Kay: “The anatomy of Tax avoidance. In Income Distribution: Limits to redistribution”; Proceedings of the 31st symposium of the Colstor Research Society. University of Bristol. John Write and Sons Ltd, tiếng Anh, tr. 135-148.
(6) Jame Alm and Jorge Martinez-Vazquez: “Societal Institutions and Tax Evasion in Developing and Transition Countries”: A paper prepared for a Public Finance in Developing and Transitional Countries Conference. Georgia State University, tiếng Anh.
(7) Robert W.McGee and Tatyana B. Maranjyan: “Tax evasion in Armenia: causes, cure and policy implication”, Andreas school of business working paper series, Barry University, 02/2006, tiếng Anh, tr.6
(8)Micheal G. Allingham and Agnar Sandmo: “Income Tax Evasion: A Theoretical Analysis”. Tạp chí Journal of Public EconomicsVol1, No 3-4, 1972, tr. 323-338.
(9) Robert W. McGee: “Ethics and Tax Evasion in Asia”, 2006 AIB Southeast Asia Regional Conference.
(10) Friedrich Schneider, Dominik Enste:“Shadow Economies: Size, Causes, and Consequences”.Tạp chí Journal of Economic Literature, 2000

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,