Bàn về tri thức và cái bí ẩn

Theo cách nào đó, bí ẩn là tên gọi chúng ta đặt cho sự thất vọng của mình khi bị giam hãm trong vòng luẩn quẩn của tri thức. Tại sao tồn tại thế giới này thay vì hư không? Câu hỏi ấy không thôi ám ảnh chúng ta và chúng ta thậm chí còn không thể trao cho nó một ý nghĩa. Hãy cho chúng ta, ít nhất, gọi nó bằng một cái tên.

Bàn về tri thức và cái bí ẩn

Bài viết của tác giả Pierre Darriulat, nhà vật lý hạt thực nghiệm người Pháp.

Biên dịch: Hải Ngọc – Ngọc Điệp. Hiệu đính: Thanh Xuân.

Vòng luẩn quẩn của tri thức

Những tiến bộ gần đây của khoa học sự sống(1) đã làm đảo lộn sâu sắc nhận thức của chúng ta trong hầu hết các vấn đề cơ bản của bản thể luận. Hầu như không có khái niệm, thuật ngữ nào của triết học truyền thống thoát khỏi tác động của chúng(2). Trong số những tiến bộ ấy, thứ gây bối rối nhất có lẽ là mô tả lý-hóa về hành động, suy nghĩ, cảm nhận và cảm xúc của chúng ta. Trong một thời gian dài, cách mô tả ấy làm chúng ta khó chịu: đó là sự xúc phạm đối với những quan niệm của chúng ta về ý chí tự do và sáng tạo thẩm mỹ. Tuy nhiên, những bước tiến trong lĩnh vực thần kinh học não bộ giờ đây đã làm cho cách mô tả ấy có thể chấp nhận được, và trở nên gần như hiển nhiên. Chúng đã dung hòa được giữa thuyết tiền định và ý chí tự do. Bộ não của chúng ta vẫn liên tục tự nó đưa ra các quyết định mà chúng ta không hề hay biết: không ngạc nhiên khi tiến hóa đã giữ lại cho bộ não năng lực tự đưa ra các quyết định một cách vô thức, bởi thiếu nó sẽ dẫn tới sự do dự quá lâu, mà điều ấy chẳng bao giờ tốt cho sự sinh tồn của các loài. Tuy nhiên, bộ não lại ưu tiên đưa ra một số ít những quyết định duy lý mà chúng ta có thể ý thức được: điều này trao cho chúng ta một quan niệm gần như duy tâm về bản ngã và sự tự do của mình. Sự tự nhận thức là thứ mà khoa học đòi hỏi ta phải xem xét lại, thậm chí còn hơn cả với vấn đề ý chí tự do. Bản ngã của chúng ta không chỉ bao gồm những gì chúng ta ý thức được mà còn cả bao gồm toàn bộ hoạt động của não: Tôi quả là kẻ đưa ra quyết định, nhưng quyết định của tôi lại tuân theo các quy luật tự nhiên. Nói như thế không có nghĩa là tôi biến thành con rối, bởi chẳng có ai giật dây ở đây. Chúng ta chẳng ngạc nhiên khi biết cơ bắp và ruột của mình phải phục tùng các quy luật tự nhiên, song quả là một chấp nhận nếu ngay cả bộ não cũng thế! Tuy nhiên, thứ bản ngã mà trước đây chúng ta hình dung về mình, thứ bản ngã có thể bị tác động từ bên ngoài (phía bên ngoài nào?) trong quá trình sinh sống, chỉ là ảo tưởng. Bản ngã mới thực ra được tạo nên bởi toàn bộ quá khứ của ta: tri thức, kinh nghiệm, suy nghĩ và những tương tác với môi trường. Và sự tuân theo luật lệ của tự nhiên không làm cho bản ngã trở nên vô trách nhiệm. Trái lại, chúng ta càng có trách nhiệm về hành động của mình hơn khi định kiến về một chiều kích siêu nhiên của bản ngã bị xóa bỏ, bởi kẻ chịu trách nhiệm ở đây không ai khác ngoài chính chúng ta, bao gồm tất cả những gì kiến tạo nên ta. Khoa học không hàm ý một luật tắc đạo đức cho sự vô trách nhiệm, nó đơn giản đòi hỏi chúng ta hãy nhún mình, khiêm nhường hơn một chút, thay vì tin vào một thứ đặc quyền siêu phàm.

Một tác động quan trọng nữa của khoa học sự sống là [làm rõ về] vòng luẩn quẩn của tri thức. Tất cả những gì ta biết được mã hóa trong thông tin mà não lưu giữ, một số thông tin trong đó có thể được truy cập một cách có ý thức theo dạng ký ức. Tri thức này bao gồm tất cả những gì có thể lướt qua tâm trí ta, những phát biểu như “2 + 3= 5” hay “2 + 3= 4”, thậm chí cả những sự kì cục điên rồ nhất mà trí não chúng ta có thể hình dung, những niềm tin và cảm xúc của ta. Chúng ta từng tin rằng sự đa dạng của những con đường mà tâm trí có thể đi đến sẽ làm chúng ta thoát khỏi thứ mà Hamburger từng gọi là cái cũi của tri thức khách quan(3). Khoa học đương đại đã phê phán ảo tưởng này. Thứ quan trọng không phải là bản chất của thông tin chứa trong não mà là nguồn gốc của chúng: tất cả những gì ta gọi là tri thức đều có cội nguồn từ những tín hiệu mà não tiếp nhận được trong quá trình sinh sống, dù đó là tín hiệu bên ngoài hay do ta tự tạo nên. Từ những tín hiệu như thế, não phát triển những khái niệm, hình ảnh và nhận định mà từ đó, tri thức được tạo nên. Chỉ tự mình nó sản sinh ra những thứ này; chỉ tự mình nó hình dung ra ý niệm về một bộ não tiếp nhận các tín hiệu và sinh ra những khái niệm, hình ảnh và phán đoán; tự mình nó nghĩ về ý nghĩa của những tín hiệu mà nó tiếp nhận được, xác định thế nào là một ý niệm, một hình ảnh, một phán đoán. Đấy chính là thứ cuốn tri thức lại thành một vòng luẩn quẩn: chỉ có bộ não mới có thể cung cấp ý nghĩa cho nhận định rằng tất cả những gì nó chứa đựng là kết quả của những tín hiệu mà nó nhận được từ thế giới bên ngoài, bởi vì chỉ có nó mới hình dung được một ý tưởng như thế, chính nó tưởng tượng nên ý nghĩa của các từ “tiếp nhận”, “tín hiệu” hay “thế giới bên ngoài”. Tất cả những gì nó có thể làm là kể một câu chuyện về cách nó kể một câu chuyện như thế nào.

Sự bất lực của tri thức

Tri thức của một người mang đức tin tôn giáo, điều mà anh ta tin mình chiếm lĩnh được nhờ sự khải thị, được xem là có cội nguồn từ thế giới khác, nơi mà tri thức không thể tiếp cận được: thế giới sở dĩ tồn tại vì nó là sản phẩm từ ý chí của Thượng đế; những gì mà Người nói, bên dưới lớp mặt nạ thoải mái, dễ chịu của những từ ngữ quen thuộc, mang tham vọng giải phóng chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn mà tri thức bị giam cầm. Song những gì mà Người nói lại là sản phẩm của hoạt động trí não, cũng là thứ không tránh khỏi bị giam cầm trong vòng luẩn quẩn của tri thức. Tôi nói đến người mang đức tin tôn giáo, nhưng tôi cũng có thể đề cập đến triết gia, những người cũng mang tham vọng giải phóng chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn. Nhưng những lẩn tránh mong cầu vượt thoát như thế cũng chỉ là một ảo tưởng: chúng ta không thể phớt lờ cái lằn ranh tách tri thức khỏi cái mà ta gọi là sự bí ẩn. Theo cách nào đó, bí ẩn là tên gọi chúng ta đặt cho sự thất vọng của mình khi bị giam hãm trong vòng luẩn quẩn của tri thức. Tại sao tồn tại thế giới này thay vì hư không? Câu hỏi ấy không thôi ám ảnh chúng ta và chúng ta thậm chí còn không thể trao cho nó một ý nghĩa. Hãy cho chúng ta, ít nhất, gọi nó bằng một cái tên.

Khoa học đưa ra một miêu tả đơn giản và sáng tỏ về thế giới, đến mức nó làm ta quên đi vòng luẩn quẩn của tri thức và làm ta phải quy hàng trước ảo ảnh của chủ nghĩa hiện thực: hẳn phải có một thực tại bên ngoài hắt những chiếc bóng trên vách hang [phải có lý do gì đó thế giới mới tồn tại thay vì chẳng có gì]. Trong quá trình không ngừng đấu tranh để nhận thức về cái thế giới mà nó muốn lý giải với chúng ta, phần lớn nỗ lực của khoa học dành cho việc khám phá hơn là phát kiến [các quy luật tự nhiên vẫn ở đó, khoa học chỉ làm nhiệm vụ khám phá, chứ không phát kiến ra chúng]. Đối với các nhà vật lý khi nhận ra giả thuyết của mình sai lầm, phải có cái gì đó nói “không” [phải có phản ví dụ nào đó chứng minh giả thuyết đó sai] như d’Espagnat(4) nhận xét. Câu chuyện mà khoa học kể với chúng ta có thể không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, nhưng nó lại hấp dẫn một cách quỷ quyệt và chúng ta nên được lượng thứ vì đã trót tin vào một thế giới mà mình gọi là “thực”, một thế giới thậm chí vượt trên cả thực. Nhưng chỉ tri thức không thôi sẽ không thể tạo hình được cho ảo ảnh của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa có tham vọng cấp cho những từ như “thực” và “tồn tại” một ý nghĩa sâu sắc hơn những gì nằm trong vòng luẩn quẩn của tri thức. Dirac, Wigner, Einstein, Chandrasekar đều băn khoăn tại sao Vũ trụ lại có thể hiểu được?(5) Nhưng logic học và toán học được chúng ta dựng lên chính là để miêu tả thế giới. Chúng ta dựa vào tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả kỳ diệu của chúng? Các nhà vật lý buộc phải đầu hàng trước ảo ảnh về một hiện thực siêu nghiệm bên ngoài và đành chấp nhận nó [sự tồn tại của thế giới] như một thứ hiển nhiên.

Phá bỏ những định kiến

Không chỉ khoa học sự sống mới làm đảo lộn triết học siêu hình mà vật lý học, ở phạm vi nào đó, nhỏ hơn [so với khoa học sự sống], cũng tác động lên nó. Các cuộc cách mạng diễn ra ở các ngành này trong thế kỷ vừa qua làm chúng ta nhận ra đời sống của các lý thuyết vật lý ngắn ngủi đến thế nào. Ngay sau khi ra đời, vật lý lượng tử, thuyết tương đối hẹp và thuyết tương đối rộng đã cần phải được thay thế bởi một lý thuyết vật lý mới có nhiều điều trái với trực giác hơn nhiều so với những lý thuyết lạc hậu trước đây. Những đảo lộn như vậy giải phóng chúng ta khỏi những định kiến từng gắn với những khái niệm về lý thuyết và quan sát, trừu tượng và cụ thể, lẽ thường và chân lý. Người ta phê phán các lý thuyết là quá trừu tượng, bởi thật khó nhọc để rũ bỏ điều dễ hiểu ta vốn đã quen, mà thực chất chính là các lý thuyết ta từng tiêu hóa: tính hiện thực của nó, ngay cả khi được chia sẻ bởi số đông, vẫn cứ mang tính chủ quan. Các lý thuyết vật lý sắp xếp các dữ liệu mà não ta thu nhận: chúng thay thế mớ hỗn độn những hình ảnh và khái niệm thành những tập hợp đơn giản, dễ xử lý hơn. Không có khác biệt cơ bản giữa việc một đứa bé lọt lòng nhận ra khuôn mặt người mẹ của mình, việc người nguyên thủy gọi vật thể hình đĩa màu đỏ lặn xuống biển mỗi chiều là mặt trời, với việc một sinh viên học về trọng lực của những vật rơi tự do và đặt tên cho cái được gọi là khối lượng: tất cả ba sự việc này đều nhằm xây dựng một lý thuyết giúp đơn giản hóa cách chúng ta định dạng thế giới. Việc anh sinh viên sử dụng toán học để làm công việc ấy không phải là điều quan trọng. Khoa học luôn sẵn sàng sửa đổi những nền tảng cơ sở mà nó được xây dựng nên nếu cơ sở mới cho phép nó tổng quát hơn hoặc chính xác hơn. Như là một hệ quả đương nhiên, nó từ bỏ tham vọng đạt đến bất kỳ chân lý tuyệt đối nào.

“Điều bí ẩn không nằm ở chỗ thế giới thế nào, mà chính ở sự tồn tại của nó… Phương thức đúng đắn trong triết học là chẳng nói gì ngoài những điều tự nhiên để nói, đó là, những mệnh đề của khoa học tự nhiên – thứ chẳng liên quan gì đến triết học. […] Còn đối với những gì không thể nói, ta nên im lặng.”

Ludwig Wittgenstein, Tracatacus Logico-philosophicus

.

Những tiến bộ mới đây của khoa học hành tinh lại giáng một đòn trí mạng vào vai trò trung tâm của loài người trong Vũ trụ mà chúng ta từng ngộ nhận. Mặc dù không biết chính xác sự sống xuất hiện trên Trái đất như thế nào, nhưng chúng ta đã thu thập đủ các manh mối để có cái nhìn hợp lý về vấn đề này. Trong môi trường nước, bắt đầu từ một vài nguyên tố chính, chúng ta biết làm thế nào để tổng hợp protein và các màng xuất hiện, đây là cơ sở của các tế bào sống. Hơn nữa, chúng ta biết rằng sự tồn tại của các hành tinh quanh các ngôi sao là kết quả tự nhiên của những cơ chế điều khiển quá trình hình thành chúng. Chúng ta đã phát hiện ra một số lượng lớn các hành tinh này, một số trong đó có thể “sống được”: đến nay ta có thể nghĩ rằng có nhiều hành tinh có thể có sự sống. Còn quá sớm để đánh giá xác suất có tồn tại sự sống hay không trên các ngoại hành tinh nhưng ta hoàn toàn có thể cho rằng có nền văn minh ít nhất cũng phát triển như chúng ta, thậm chí phát triển hơn, tồn tại − hoặc đã từng tồn tại và đã biến mất− ở một nơi nào đó trong Vũ trụ.

Tôi xin tạm dừng liệt kê những bước tiến khoa học đã làm đảo lộn triết học siêu hình truyền thống. Những nhận thức mới về vị trí càng lúc càng ít trung tâm hơn của con người trong Vũ trụ, cũng như ánh sáng mà khoa học soi rọi cho ta thấy về vòng luẩn quẩn chủ quan của tri thức, và sự dung hòa giữa thuyết tiền định và ý chí tự do, cùng cái nhìn xét lại nghiêm khắc đối với cảm quan của ta về bản ngã, chừng đó cũng đủ cho thấy tác động sâu sắc của chúng. Sự trình bày vắn lược của tôi có thể đem lại một ấn tượng sai lầm về một thứ khoa học gần như đã hoàn thiện. Hoàn toàn không phải như vậy. Khoa học sự sống và vật lý học vẫn còn, có lẽ trong một thời gian dài, nhiều việc phải làm ở phía trước. Người ta nói về Thuyết Vạn Vật [lý thuyết giải thích toàn bộ các quá trình vật lý của Vũ trụ] khiến ta mỉm cười khi nhận thấy sự vô tri của con người có thể mênh mông đến mức độ nào. Tuy nhiên, ngày nay ta không còn có thể bỏ qua những luận điểm mới khi giải quyết những vấn đề mà tôi đề cập đến. Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng những ràng buộc bởi sự liên tục của tiến hóa của các loài tới người hiện đại (homo sapiens) và từ thai nhi cho đến khi trưởng thành, sự phức tạp và tính mềm dẻo vốn đặc trưng cho hoạt động não bộ. Lảng tránh điều này là không thể được.

“Tại sao tồn tại thế giới này thay vì hư không?”

Vòng luẩn quẩn của tri thức khiến ta không thể giải đáp, thậm chí không thể đưa ra ý nghĩa cho những câu hỏi như Tại sao tồn tại thế giới này thay vì hư không? Song, đây chính xác là những băn khoăn của những triết gia. Nhưng hãy khoan không kết luận rằng khoa học đã lên án siêu hình và khiến nó lung lay. Trái lại, tuy không thể giải đáp nhưng khoa học hé lộ chiều sâu và làm chúng ta ý thức được sự bất lực của tri thức trong việc tường minh bí ẩn này. Dẫu vậy, mặc dù hoàn toàn tôn trọng Wittgenstein và ý thức được về vòng luẩn quẩn của tri thức, chúng ta vẫn không thôi bị ám ảnh bởi chiều sâu không dò nổi của cái bí ẩn và có một nhu cầu khó cưỡng muốn nói về nó, đem nó vào trong đời sống của mình. Thật vậy, chúng ta không thể giả vờ bỏ qua lời bình luận đáng suy nghĩ của Leibniz(6) rằng có “một lý do trong Tự nhiên tạo nên thế giới vật chất, chứ không phải hư không, phải tồn tại”. Một lý do, có thể ta đang đòi hỏi quá nhiều, nhưng chúng ta không thể chấp nhận rằng chẳng có cái gì, chỉ có hư vô trong thế giới. Vì nếu như thế, chúng ta đã chẳng có ở đây để tranh luận. Cogito ergo sum… Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại.

Ai thấy nhất thiết phải làm rõ sự bí ẩn này có thể mang một cảm quan về thứ đạo lý được hình thành trên nền tảng của những định đề bên ngoài vòng luẩn quẩn của tri thức. Ngược lại, những người khác có thể chấp nhận một cách nhẹ nhàng về tính phi lý của điều kiện con người, vốn ngăn chúng ta hiểu được vì sao thế giới này tồn tại. Cuối cùng, theo mạch tư duy của Camus(7), lại có những người nghĩ “hạnh phúc và sự phi lý là hai đứa con của Trái đất, chúng không thể chia tách được khỏi nhau” và rằng “cuộc chiến vươn đến những tầm cao cũng đủ để lấp đầy trái tim con người, chúng ta phải nghĩ rằng Sisyphus là kẻ hạnh phúc”.

Chính trên nền tảng triết học siêu hình, khoa học mới thể hiện được sức tác động mạnh mẽ nhất của nó. Để tiếp cận vấn đề này một cách vui vẻ hơn, đã đến lúc cần nói một ngôn ngữ chung: chúng ta không thể gạt đi những gì mà những người khác đã dạy ta. Với Wilson(8), đã đến lúc cần bảo vệ sự giao thoa và sự độc đáo của tri thức; với Snow(9), cần khắc phục sự ngộ nhận cho rằng khoa học và nhân văn là hai hình thức văn hóa xung đột nhau. Người ta không thể nhìn rõ hơn khi đeo miếng bịt mắt. Hãy đừng làm chúng ta khó khăn trong việc đón nhận những ý tưởng mới bằng việc để cho sự vô tri cho phép ta đeo tấm mặt nạ tự phụ của chủ nghĩa hoài nghi thời kỳ khai sáng (enlightened skepticism). Những tiến bộ khoa học thôi thúc chúng ta xem xét lại một cách sâu sắc những khái niệm mà chúng ta từng tranh cãi. Đây là cái giá cần trả để có thể “tái khám phá tâm trí”, điều mà Searle(10) kêu gọi, và để nhận thấy nhiều phán đoán thấu đáo hơn, hứa hẹn xuất hiện trên lằn ranh tách biệt khoa học và cái bí ẩn. Triết học siêu hình sẽ lấy lại được sự sang trọng của nó; văn chương, thi ca, nghệ thuật sẽ tiếp tục cho phép ta lang thang trên những lằn ranh này với hy vọng đón bắt được một cơn gió mát lướt qua; câu chuyện triết học, theo truyền thống của nó, sẽ vẫn là một hướng dẫn viên tuyệt vời hộ tống chúng ta trong chuyến đi dạo chừng nào nó còn đóng vai trò như một nhà tư vấn. Theo cách này, triết học có cơ hội hồi sinh.

——————————-

Chú thích:

1. Với rất nhiều nhà sinh học tài năng mà chúng ta đã quen thuộc như S.J. Gould, R. Dawkins, E.O. Wilson trong nghiên cứu về Lý thuyết tiến hóa, F. Crick, F. Jacob, J. Monod trong lĩnh vực nghiên cứu gen và sinh học phân tử, A.R. Damasio, Y. Dudai, G.M. Edelman, C. Frith, J. A. Hobson, R. M. Restak, S. Rose, D L. Schacter, W. Singer, L. R. Squire trong nghiên cứu về thần kinh não bộ
2. Văn bản này lấy lại nhiều ý tưởng từ Darriulat, “Réflexions sur la Science Contemporaine” [Những suy tư về khoa học đương đại], EDP Sciences, Les Ulis, 2007, and “Knowledge and Mystery: The Impact of Contemporary Science on Metaphysics” [Tri thức và cái bí ẩn: Tác động của khoa học đương đại đối với siêu hình học], Journal of Philosophy, Science and Law, Vol. 10, 2010, University of Miami, www.miami.edu/ethics/jpsl.
3. Jean Hamburger, Le Miel et la Ciguë, Editions de Seuil, 1986.
4. Bernard d’Espagnat, Le Réel Voilé, Fayard, 1994.
5. S. Chandrasekhar, Truth and Beauty, Aesthetics and Motivations in Science [Chân lý và cái đẹp: Mỹ học và những động lực trong khoa học], University of Chicago Press, 1987
6. Gottfried W. Leibniz, Principes de la nature et de la grâce fondés en raison,1718.
7. Albert Camus, Le Mythe de Sisyphe [Huyền thoại Sisyphe], Gallimard, 1942
8. Edward O. Wilson, Consilience, L’Unicité du Savoir [Giao thoa, sự thống nhất của tri thức], Robert Lafont, 2000.
9. Charles P. Snow, The Two Cultures and the Scientific Revolution [Hai hình thức văn hóa và cách mạng khoa học], Cambridge University Press, 1961.
10. John R. Searle, The Rediscovery of the Mind [Sự tái phát hiện tâm trí], MIT Press, Cambridge,1992.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,