Bàn về tôn giáo, chính trị và xung đột quốc tế

Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị diễn ra trên 4 hình thái. Tương ứng với bốn hình thái này là bốn khả năng xung đột tôn giáo – chính trị.

Bàn về tôn giáo, chính trị và xung đột quốc tế

Bài viết của TS Luận Thùy Dương, Học viện Ngoại giao. Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4/2016.

Trong tiến trình phát triển của nhân loại, tôn giáo và tín ngưỡng đã trở thành một thành tố của sự phát triển. Bất cứ một tôn giáo nào, với hình thái phát triển của nó, cũng đều bao gồm: ý thức tôn giáo (thể hiện ở quan niệm về các đấng thiêng liêng với những tín ngưỡng tương ứng) và hệ thống tổ chức tôn giáo cùng những hoạt động mang tính chất nghi thức tín ngưỡng của nó. Tôn giáo đã và đang ảnh hưởng đến chính trị – xã hội theo hai cách: (1) định hình thế giới quan của các tín đồ; (2) các tổ chức tôn giáo tác động đến các tiến trình chính trị.

Tôn giáo và hệ thống chính trị có liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong khi nhà nước cung cấp các thể chế với nhiệm vụ thực thi quyền lực để bảo vệ công dân, duy trì trật tự xã hội và cung cấp các dịch vụ công khác, thì tôn giáo được coi là cơ sở để hình thành sự đoàn kết xã hội về mặt tâm lý. Các giáo hội và cộng đồng tôn giáo đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trở lại, và có ảnh hưởng nhất định đến chính trị của các quốc gia(1).

Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị diễn ra trên 4 hình thái. Tương ứng với bốn hình thái này là bốn khả năng xung đột tôn giáo – chính trị: (1) giữa tính chính đáng và bất chính; (2) giữa xu hướng thế tục hóa và thần thánh hóa chính trị; (3) giữa các nhóm tôn giáo trong phạm vi một quốc gia để giành quyền lực chính trị; và (4) giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo thiểu số và các giá trị có tính phổ quát hơn.

Ở hình thái thứ nhất, các tôn giáo cung cấp “chiếc ô thánh thần” để chính thức hóa quyền lực của nhà nước. Ở đây, tôn giáo và chính quyền là một, các viên chức quan trọng trong tôn giáo cũng là viên chức trong chính quyền và tôn giáo,được luật hóa (Thí dụ như Tòa thánh Vatican và Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran). Gần đây có sự xuất hiện cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng – Islamic State (IS), không do một cộng đồng đông đảo dân cư lập nên và bầu ra chính phủ, không được cộng đồng quốc tế công nhận, do vậy, bản thân nó đã không thể hiện tính chính đáng.

Tính chính đáng là một tài sản chính trị quan trọng của các nhà cầm quyền và các nhà hoạch định chính sách của một quốc gia. Nó có thể được sử dụng để hợp thức hóa quyền lực và để huy động sự ủng hộ của nhân dân với một quyết sách nhất định của chính phủ. Đây là một nhân tố quan trọng đối với sự ổn định của hệ thống quốc tế, hệ thống dựa trên cân bằng quyền lực và sự thừa nhận rộng rãi đối với những chuẩn mực và cấu trúc cơ bản của hệ thống quốc tế(2). Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào ranh giới giữa “chính đáng” và “bất chính” cũng thể hiện rõ ràng và vì thế trở thành nguồn gốc của nhiều xung đột quốc tế.

Ở hình thái thứ hai, các thiết chế chính phủ và các tổ chức tôn giáo đấu tranh với nhau để giành quyền lực trong xã hội. Trong các quốc gia này, các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo đều tìm cách kiểm soát lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng ở các vùng quyền lực, hoặc ở các vùng có tranh chấp. Thí dụ ở Hoa Kỳ, Canada và Pháp, hiến pháp cách ly tôn giáo và nhà nước, cho phép người dân tự do tín ngưỡng, không công nhận bất cứ tôn giáo nào để khỏi bị xem là thiên vị. Trường hợp của Ba Lan sau Chiến tranh thế giới thứ II lại khác, Nhà nước và nhà thờ tranh đấu gay gắt với nhau để giành quyền lực, gây nên sự bất ổn chính trị – xã hội dai dẳng. Ở những nước như thế, nhà nước phải sử dụng các công cụ cưỡng chế như hệ thống chính trị, quân đội và kinh tế để đè bẹp uy quyền của nhà thờ. Tuy nhiên, lại không thể kiểm soát được tính chính đáng đại chúng. Do đó, xung đột chính trị nội bộ dẫn đến xung đột xã hội là điều khó tránh khỏi.

Ở hình thái thứ ba, các tôn giáo cạnh tranh lẫn nhau để có được quyền lực và ảnh hưởng trong một quốc gia đa tôn giáo. Ở các nước này, tự do tôn giáo được pháp luật thừa nhận nhưngtrên thực tế, các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo lớn không chấp nhận sự bình đẳng. Thí dụ ở Ấn Độ,cạnh tranh giữa các tôn giáo, đặc biệt là giữa những người Ấn Độ giáo và Hồi giáo diễn ra rất gay gắt. Nền chính trị của nước này luôn chịu sự tác động nặng nề của xung đột tôn giáo.

Ở hình thái thứ tư, các nhóm tôn giáo cá biệt hoặc cực đoan tìm cách kiểm soát văn hóa – xã hội dân tộc hoặc tìm cách bảo vệ đặc trưng của họ trước các giá trị chung của văn hóa – xã hội dân tộc. Đây là sự đấu tranh giữa chủ nghĩa chính thống, cực đoan và các trường phái của chủ nghĩa hiện thực. Thí dụ, trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, sau Cuộc cách mạng Iran 1979, cùng với sự ra đời của Nhà nước Hồi giáo, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển rất mạnh. Lực lượng Hồi giáo cực đoan thúc đẩy tư tưởng bài phương Tây, dẫn đến cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ cuối năm 1979. Hệ quả là làm bùng nổ những quan điểm tiêu cực chống lại Hồi giáo ở Mỹ. Đặc biệt, sausự kiện nước Mỹ bị lực lượng Al Qaeda tấn công ngày 11-9-2001, sự nghi kỵ và chống Hồi giáo ngày càng gia tăng và lan rộng, nhất là tại Mỹ và các nước phương Tây. Được các nước phương Tây và đồng minh ủng hộ, Mỹđãphát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Đáp trả lại, Thủ lĩnh Al Qaeda là Osama bin Laden lập tức tuyên chiến bằng việc phát động “Thánh chiến Hồi giáo”.

Khi Mỹ và đồng minh mởcuộc chiến tranh Iraq năm 2003, lật đổ Tổng thống Saddam Husein (một tín đồ Hồi giáo theo hệ phái Sunni) và lập nên Chính phủ Hồi giáo hệ phái Shiite thì người Hồi giáo hệ phái Sunni lập tức bị truy bức ở khắp nơi. Họ bắt đầu tập hợp lực lượng, nổi dậy chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ và dòng Hồi giáo Shiite. Năm 2006, tổ chức ISI (Islam State of Iraq – Nhà nước Hồi giáo Iraq) ra đời, tuyên cáo nguyện giải phóng người Hồi giáo Sunni khỏi “sự áp bức của Hồi giáo Shiite và bọn ngoại bang”.

Đến ngày 29-6-2014, Abu Bakr al-Baghdadi đã đổi tên ISI thành IS (Islamic State -Nhà nước Hồi giáo), lấy ArRaqqah, Syria, làm thủđô. AlBaghdadi chủ trương tách rời sự lệ thuộc vào Al Qaeda, tự cho mình là tân vương Hồi giáo, mở rộng thánh chiến Hồi giáo Sunni ra toàn thế giới. Những nhà nước thế tục hoặc nhà nước Hồi giáo Shiite tại Trung Đông đều bị IS coi là đi ngược lại các nguyên tắc thánh khiết của đạo Hồi nên đều phải bị “Thánh trừng phạt”. Những người Hồi giáo Shiite đều bị IS coi là những kẻ phản đạo và sẽ bị trừng trị nếu không chấp nhận cải đạo sang Hồi giáo Sunni.

Như vậy, xung đột tôn giáo ở Iraq đã trở thành xung đột quốc tế ở khu vực Trung Đông, lan sang châu Mỹ, châu Âu, rồi khắp thế giới. Xung đột tôn giáo rất dễ bị quốc tế hóa và trở thành xung đột quốc tế do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, các giáo phái trong cuộc xung đột thường có mối liên hệ khá chặt chẽ với các nhóm sắc tộc, tôn giáo tương đồng sinh sống ở các quốc gia khác. Thứ hai, các lực lượng tôn giáo tham gia xung đột nội bộ thường có xu hướng tìm cách tận dụng các diễn đàn quốc tế để tuyên truyền về tính chính đáng, tìm kiếm sức ép quốc tế lên các chính phủ để đạt được mục đích đề ra. Thứ ba, sự lớn mạnh không ngừng của các phương tiện truyền thông quốc tế là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự truyền bá thông tin về các vụ xung đột trên khắp thế giới. Và sự thành công của một nhóm sắc tộc, tôn giáo trong hoạt động ly khai có thể khuyến khích các nhóm sắc tộc, tôn giáo tương tự ở các khu vực khác nổi dậy. Thứ tư, các xung đột này thường gây ra hậu quả về tị nạn quốc tế. Việc giải quyết những vấn đề của dòng người tị nạn khiến cho xung đột bị quốc tế hóa bởi quá trình này dính líu đến các quốc gia láng giềng và đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức quốc tế ví dụ như Cao uỷ Liên Hợp quốc về người tị nạn và các tổ chức phi chính phủ liên quan.

Nhóm tác giả Jonnathan Fox và Shmuel Sandler đã sử dụng bộ dữ liệu MAR (Minorities at Risk Dataset: bộ dữ liệu về các nhóm thiểu số có nguy cơ đe dọa) để phân tích tất cả các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo từ năm 1945 đến năm 2000 với sự tham gia của 337 nhóm thiểu số thuộc Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và một số tôn giáo khác trên thế giới(3).

Kết quả khảo sát cho thấy các nhóm thiểu số Hồi giáo thường thu hút sự can thiệp quân sự và chính trị nhiều hơn hẳn so với nhóm thiểu số theo đạo Thiên Chúa và các tôn giáo khác.

Bên cạnh đó, sự khác biệt trong quan điểm giữa nhiều quốc gia về khái niệm quyền tự do tôn giáo cũng là một trong những nguyên nhâncó khả năng gây ra các xung đột về quân sự và can thiệp về chính trị. Vấn đề tự do tôn giáo được các nước lớn triệt để sử dụng để lật đổ, loại bỏ những chính quyền “khó bảo”. Chẳng hạn, với lý do “can thiệp nhân đạo”, “bảo vệ người dân trước sự đàn áp tôn giáo”, Mỹ đã lãnh đạo NATO và các nước đồng minh tấn công Kosovo và Serbia năm 1999, Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003.

Tự do tôn giáo trong khuôn khổ các quyền con người cơ bản trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi gay gắt ở các diễn đàn đa phương và trong nhiều mối quan hệ song phương. Cho dù có sự thống nhất tương đối về mặt ngôn ngữ, nhưng không có sự đồng thuận về bản chất và giới hạn của quyền tự do tôn giáo cá nhân, cũng như cách áp dụng trong từng trường hợp cụ thể. Vì thế trên thực tế, vấn đề tự do tôn giáo trở thành công cụ chính trị để một quốc gia có thể phê phán tính chính đáng của một chính phủ khác hoặc tạo cớ để can thiệp.

Mỹ và các quốc gia phương Tây thường chính trị hóa những vấn đề tôn giáo trong quan hệ quốc tế để thâm nhập, gây ảnh hưởng trên chính trường quốc tế. Đáp lại, phản ứng của cộng đồng Hồi giáo, đặc biệt là IS đối với Mỹ và phương Tây rất quyết liệt, sẵn sàng đối đầu và xung đột. Phản ứng quyết liệt này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất, xung đột giữa hai cộng đồng tôn giáo xuyên quốc gia – Ki tô giáo và Hồi giáo có tính lịch sử lâu đời. Xung đột này có từ thời trung cổ, với các cuộc thập tự chinh do Giáo hội La Mã (thực chất là phong kiến cầm quyền phương Tây) phát động nhằm chống lại đạo Hồi. Chính từ đây sản sinh ra phong trào Hồi giáo chống lại phương Tây. Đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa, phương Tây lại nô dịch Trung Đông, biến vùng này thành thuộc địa, ra sức tuyên truyền, phát triển đạo Thiên Chúa… vào các vùng bảo hộ, vùng ảnh hưởng của họ. Khi mải mê “xuất khẩu dân chủ” sang các nước Trung Đông, các nước phương Tây đã phá vỡ thế cân bằng nội tại bên trong các nước như Iraq, Syria và Libya, tạo ra khoảng trống quyền lực cho mâu thuẫn tôn giáo và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan bùng phát, tạo ra sự bất ổn triền miên ở khu vực.

Nguyên nhân thứ hai, xu hướng Hồi giáo bạo lực cuồng tín đã có từ thế kỷ thứ VII. Chính lối tư duy độc giáo, một tôn giáo duy nhất nắm quyền kiểm soát ý thức hệở mỗi quốc gia đã khiến cho khu vực Trung Đông từ thời trung cổ đến nay, xung đột quyền lực tôn giáo trở nên quyết liệt, khác hẳn với truyền thống tôn giáo ở Đông Á thiên về đa thần, mềm mỏng, và khoan dung. Điều đó giải thích tại sao cho đến nay ở Trung Đông vẫn có một số nước theo chế độ quân chủ chuyên chế, áp dụng các quy tắc tôn giáo hà khắc đối với nhân dân.

Đó cũng chính là lý do, ban đầu khi tham gia thánh chiến, Al Baghdadi tự coi mình là một tín đồ trung thành của Al Qaeda do Ayman Al Zawahiri lãnh đạo. Nhưng khi đã vươn lên được vị trí chủ chốt, Al Baghdadi đã bác bỏ sự lãnh đạo của Al Qaeda và tuyên bố: “Tôi chọn sự lãnh đạo của Thánh Allah, không ai khác”. Tổ chức khủng bố IS tiếp tục lấn lướt Al Qaeda trở thành một dạng khủng bố kiểu mới, ngày càng dã man và khó lường, chưa từng có tiền lệ.

Nguyên nhân thứ ba, sự gia tăng những hành động quá khích như công bố các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad, chỉ trích kinh Koran, đốt kinh Koran… ở các nước phương Tây đã dấy lên làn sóng giận dữ từ các tín đồ cũng như các quốc gia Hồi giáo, bất kể hệ phái nào của Hồi giáo. Điều này khiến IS tập hợp thêm được lực lượng cho mình. Khi tuyên chiến chống lại Ki tô giáo, IS lôi kéo thêm được tín đồ Hồi giáo để thực hiện các mục tiêu là thiết lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất ở Trung Đông, tiếp theo là trên toàn thế giới. IS không chấp nhận khái niệm đường biên giới ở Trung Đông. Tham vọng của chúng còn là dẫn dắt tất cả tín đồ Hồi giáo trên thế giới tuân thủ theo nhà lãnh đạo tối cao Abu Bakr Al Baghdadi, người tự xưng là hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed. Điều này làm nên sự khác biệt của IS so với các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác, không chỉ đơn giản gây xung đột có nguồn gốc tôn giáo mà còn là vấn đề quyền lực chính trị toàn cầu. IS không theo đuổi việc tổ chức các hành động khủng bố gây tiếng vang mà theo đuổi việc thành lập một nhà nước Hồi giáo, thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ và các giá trị văn hóa, nhân quyền của các nước phương Tây trên toàn thế giới. Do đó, đẩy Mỹ và các nước phương Tây vào trận chiến dẫn đến nguy cơ xung đột trên toàn cầu.

Khu vực Đông Nam Á cũng là nơi mà xung đột tôn giáo diễn ra hết sức phức tạp. Các cuộc xung đột tôn giáo ở khu vực này xưa nay chủ yếu xảy ra giữa những người theo Hồi giáo và Phật giáo, giữa những người theo Hồi giáo và theo Thiên Chúa giáo, giữa những người Hồi giáo quá khích và Hồi giáo chính thống. Các cuộc xung đột tôn giáo trong khu vực chủ yếu liên quan đến những mâu thuẫn giữa những tôn giáo chính tại những quốc gia này với những tôn giáo là thiểu số hoặc xuất phát từ những yếu tố có liên quan đến vấn đề sắc tộc. Nhưng gần đây, ở khu vực này, đã xuất hiện các yếu tố cực đoan, quá khích trong xung đột tôn giáo… IS đã tuyển mộ và liên kết với các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở khu vực, có ý đồ xây dựng một nhà nước Hồi giáo thứ hai ở Đông Nam Á – nơi có số lượng tín đồ Hồi giáo đông thứ hai trên thế giới, tạo ra sự bất ổn ngày càng nghiêm trọng và đẩy nguy cơ xung đột khu vực bị quốc tế hóa lên cao.

Đối với Việt Nam, tuy là một đất nước có nhiều tôn giáo và cũng nằm trong khu vực Đông Nam Á; đặc điểm văn hóa cũng có những nét tương đồng, nhưng tình hình tôn giáo ở Việt Nam luôn ổn định và các tôn giáo có sự đoàn kết, hòa hợp cao, bởi Đảng, Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách đúng đắn về vấn đề tôn giáo.

———————————

Chú thích:

(1) Jonnathan Fox: Ethnoreligious Conflict in the late 20 century,Lexington Books, Lanham, 2002, tr.102.
(2) Henry Kissinger: A World Restored, Houghton Mifflin, Boston, 1957.
(3) Jonathan Fox và Shmuel Sandler: Bringing Religion into International Relations, Palgrave Macmillan, New York, 2006, tr.65.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , , , ,