Bàn về sách ngôn tình Trung Quốc

Không cần cực đoan đến mức ngăn sông cấm chợ, nhưng có lẽ đã đến lúc suy nghĩ về nền văn hóa đương đại của chúng ta, nơi đang hồn nhiên nhập khẩu ồ ạt các giá trị văn hóa từ phương Bắc.

Bàn về sách ngôn tình Trung Quốc

Nhiều năm trước, gần ngày sinh nhật, tôi nhận được một thùng sách gửi tới văn phòng. Thùng sách làm tôi sững người một chút: đó là tất cả những cuốn mà tôi đã tặng người yêu cũ của mình. Chúng tôi đã chia tay hơn một năm trước đó, và mỗi người khi ấy đã ổn định cuộc sống riêng.

Trong số sách ấy, có Haruki Murakami, có Phan Nhật Chiêu, có Hồ Anh Thái, có cả cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi. Người gửi đã vì lý do nào đó sau tận một năm mới quyết định trả lại toàn bộ kỷ niệm.

Nhưng trong thùng, có một cuốn sách mà tôi biết rằng mình chưa bao giờ mua, đọc hay tặng bất kỳ ai. Một cuốn sách được xếp nhầm vào thùng. Đó là một cuốn ngôn tình Trung Quốc. Loại sách tình ái giản đơn vốn là mốt trong suốt một thập kỷ qua. Tôi chưa bao giờ đọc ngôn tình Trung Quốc.

Cho dù là người gửi đã xếp những cuốn sách vào thùng với tâm trạng nào, thì việc xếp nhầm một cuốn không liên quan vào cũng thật “có vấn đề”. Hơn một năm trôi qua, cảm xúc và ký ức hẳn phải mạnh lắm người ta mới quyết định làm như thế. Vậy mà còn nhầm. Tôi không bao giờ liên lạc lại để biết tại sao lại có sự nhầm lẫn ấy. Và tôi chỉ tự rút ra kết luận rằng cuốn sách ấy tạo ra nhiều cảm xúc đến mức người đọc đã lẫn lộn nó với những kỷ niệm của chính mình – cô ấy đánh đồng nó với tình yêu quá khứ.

Từ năm ấy, tôi bắt đầu để tâm thị trường sách ngôn tình Trung Quốc như một viên sạn tồn tại trong ký ức, như thể là quyển sách Trung Quốc ấy đã rạch một vết lên kỷ niệm tình yêu của tôi. Và tôi phát hiện ra nó rất mạnh, đến mức có thể coi rằng một cuộc xâm lấn thị trường sách đã được tạo ra bởi ngôn tình Trung Quốc, nhiều không kể xiết, hơn bất kỳ thể loại nào, sách kinh doanh, lịch sử, tiểu thuyết phương Tây. Chuyện cũng giống như trên truyền hình, nơi mà ngoài phim tình cảm Hàn Quốc, thì chẳng còn gì có thể cạnh tranh với phim dã sử Trung Quốc.

Có một quan niệm khá phổ biến rằng văn hóa phẩm Trung Quốc đã đi vào thị trường Việt Nam bởi giá mua bản quyền rất rẻ. Nhưng quan niệm ấy không đúng: tôi đã hỏi những đầu nậu sách; hỏi những công ty chuyên mua bán bản quyền phim truyền hình và câu trả lời họ đưa ra là không có chuyện văn hóa phẩm Trung Quốc rẻ hơn các nước khác. Phim Trung Quốc không rẻ hơn phim Hàn. Sách Trung Quốc không rẻ hơn sách phương Tây. Thậm chí, có người trong nghề bảo tôi: có đầu sách ngôn tình, giá bản quyền còn đắt gấp rưỡi Harry Potter, tức là đầu sách bán chạy nhất lịch sử nhân loại.

Chỉ đơn giản là chúng ta, thị trường tiêu thụ văn hóa của Việt Nam, đã thực sự “nghiện” văn hóa phẩm của Trung Quốc. Chúng đa dạng về chủng loại, đề tài, gần gũi về mặt văn hóa, dễ tiếp thu về mặt diễn đạt. Chính thị trường đã quyết định tần suất phim ảnh và sách truyện Trung Quốc, chứ không phải các nhà cung cấp. Một dịch giả bảo tôi, có công ty lãi 1 tỷ đồng mỗi tháng chỉ nhờ sách ngôn tình.

Nhưng câu hỏi đặt ra, cũng giống như bất kỳ mặt hàng nào: việc phụ thuộc vào một nhà cung cấp nước ngoài liệu có tốt cho nền sản xuất trong nước hay không?

Trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, những hàng rào thuế quan được dựng lên một cách thẳng thắn để bảo hộ thị trường trong nước, để kích thích các nhà sản xuất nội địa. Nhưng trong văn hóa, không có một cơ chế nào như thế.

Và rốt cục thì chúng ta vẫn cứ mãi phải than phiền rằng học sinh Việt Nam thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt. Phụ huynh than phiền rằng, mua sách tham khảo cho con em giờ không thể tránh sách Trung Quốc, có quyển in cả cờ Trung Quốc. Thậm chí một nhà buôn sách bảo tôi rằng, nhiều cây viết trẻ bây giờ cũng sáng tác theo phong cách… Trung Quốc.

Tại sao một nhà văn Việt Nam lại phải viết tiểu thuyết lịch sử khi sách của họ gần như chắc chắn không thể bán được, và tại sao một công ty sách của Việt Nam lại phải đầu tư in quyển sách đó, khi mà họ làm sách Trung Quốc lãi hơn?

Tôi nhớ đến người Hàn Quốc. Họ sống cạnh một nền công nghiệp giải trí mạnh, Nhật Bản. Họ không muốn bị xâm lấn. Và mãi đến giữa thập kỷ 90, những hàng rào nghiêm ngặt vẫn được dựng lên cho việc nhập khẩu văn hóa Nhật. Hiệu quả của cái “cơ chế phòng vệ” ấy thì bây giờ ai cũng đã nhìn thấy. Đó chính là sự tự cường. Không cần phải nói thêm về nền công nghiệp sản xuất văn hóa phẩm của Hàn Quốc nữa. Nó không chỉ mang lại cho họ tiền tươi thóc thật, hình ảnh quốc gia, mà chưa bao giờ người Hàn ngừng gửi gắm vào những thước phim của họ niềm tự hào dân tộc, ngừng giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống, bằng phim ảnh.

Không cần cực đoan đến mức ngăn sông cấm chợ, nhưng có lẽ đã đến lúc suy nghĩ về nền văn hóa đương đại của chúng ta, nơi đang hồn nhiên nhập khẩu ồ ạt các giá trị văn hóa từ phương Bắc.

Tôi hỏi đầu nậu sách, rằng họ có nghĩ phong trào sách ngôn tình Trung Quốc gây ảnh hưởng mạnh lên giới trẻ không? Câu trả lời: Cái gì bây giờ ào vào là các bạn bị ảnh hưởng liền bởi cái đó, chứ không chỉ có sách Trung Quốc hay làn sóng Hàn Quốc. Vì các bạn đang đói, đói thứ có thể giải trí từ trong nước. Cái này, lỗi do ai?

Theo ĐỨC HOÀNG / VNEXPRESS (2014)

Tags: , ,