Bài học xương máu từ đại dự án tái tạo rừng 4 thập kỷ của Trung Quốc

“Great Green Wall”, hay có thể gọi là “Vạn Lý Trường Thành Xanh” của Trung Quốc, là một trong số ít các chiến dịch thuộc dự án “Billion-Tree Project” nhằm tái tạo rừng và hệ thống thảm thực vật đã đạt được những kết quả khá khả quan. Tuy vậy, không ít những thất bại và kinh nghiệm xương máu dần được đúc kết hẳn sẽ khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm…

Những bài học xương máu từ đại dự án tái tạo rừng của Trung Quốc

Góc nhìn từ trên cao tại khu vực sa mạc đang được “xanh hóa”​

Hằng năm, cứ vào mùa xuân, tất cả người dân Trung Quốc thuộc đủ mọi tầng lớp, từ các quan chức chính phủ, cho đến các nhà sư phạm, công nhân viên chức cùng với các học sinh, sinh viên… đều sẽ trải qua những chuyến dã ngoại và tham gia các hoạt động “trồng rừng”. Các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng sẽ lần lượt xuất hiện với tư cách “đại sứ trồng rừng”. Giới truyền thông thì nhiệt liệt tuyên dương các gương mặt tiêu biểu trong việc thực hiện công tác trồng rừng. Đây chính là một trong những chiến dịch “gây rừng” đã từng được chính phủ Trung Quốc sử dụng nhằm thực hiện các dự án tái tạo mảng xanh tại quốc gia này.

Dự án Rừng phòng hộ ba khu vực phía Bắc được triển khai từ năm 1978 với mục đích bảo vệ các khu vực lãnh thổ ở phía bắc-tây bắc-tây nam, cũng chính là ba khu vực hằng năm đều chịu ảnh hưởng của các trận bão cát từ Sa mạc Gobi quét qua. Mục tiêu đề ra là cho đến trước năm 2050, toàn quốc thực hiện trồng mới khoảng 35 triệu hecta cây xanh – tạo thành khu rừng có diện tích tương đương lãnh thổ nước Đức – trải dài qua khắp vùng lãnh thổ phía bắc.

Trong suốt 4 thập niên tiếp theo kể từ khi dự án được chính thức tiến hành, việc trồng cây đã trở thành một trong những giải pháp được cả giới tư nhân và nhà nước ưa chuộng với hy vọng có thể phòng chống hiện tượng biến đổi khí hậu. Kể từ đây, các dự án “phủ xanh Trung Quốc” bởi các cánh rừng bạt ngàn trải dài khắp lãnh thổ dần được hình thành và định hình chi tiết, với những kết quả ban đầu khá khả quan, góp phần quan trọng để vạch ra hướng đi tiếp theo cho các dự án tương tự.

“Dục tốc bất đạt” và hậu quả kèm theo…

Mặc dù kế hoạch trông rừng quy mô lớn này được đề ra với quãng thời gian để hoàn thành là 72 năm, chính quyền các địa phương lại muốn mau chóng có thể thu hoạch kết quả. Để đáp ứng “tham vọng” này, loại cây họ chọn để trồng phần lớn là các cây gỗ dương, loại cây mau phát triển và có thể chịu được khí hậu lạnh, khô. Chính yếu tố này cùng với những yếu kém trong việc triển khai quy hoạch, sự đòi hỏi phi thực tế của chính quyền địa phương, cũng như việc thiếu hụt các kiến thức liên quan đến trồng rừng, chăm rừng… đã khiến công tác thực hiện dự án diễn ra không mấy suôn sẻ, các bất cập, khó khăn dần xuất hiện và ngày càng dày đặc hơn.

Vào những năm 1990, một số lượng lớn các cây này đã chết dần do chịu ảnh hưởng của loại Bọ cánh cứng sừng dài châu Á (Asian longhorn Beetle), một loại bọ ưa thích những cây gỗ mềm, bao gồm cả các cây họ dương. Việc chỉ trồng duy nhất một giống cây đã tạo tiền đề cho sự xuất hiện của các loại động vật thiên địch cũng như các bệnh dịch khác. Chính quyền đã phải đốn bỏ hàng trăm cây bị hư hại, một phần số lượng gỗ đã được đóng thành các loại nội thất và được bày bán trên thị trường thương mại quốc tế. Kế hoạch trồng cây vẫn được thực hiện, các loại cây trồng đôi khi cũng được lựa chọn đa dạng hơn.

Viễn cảnh tồi tệ hơn có thể xảy ra chính là, việc trồng các cây ngoại lai ở những vùng đất khô cằn – cũng chính là cách Trung Quốc đang áp dụng – sẽ khiến khả năng sống sót của cây bị suy giảm, đồng thời khiến tình trạng khan hiếm nước trở nên trầm trọng hơn và có thể phá hoại đến các hệ sinh thái trong khu vực và vùng lân cận.

Những dấu hiệu khả quan

Tỉ lệ rừng thực sự đã gia tăng từ 12% lên đến 22% kể từ năm 1978. Kế hoạch trồng thêm cây xanh và mở rộng các khoảng xanh đô thị ở Trung Quốc có lẽ lại thành công hơn nhiều. Từ năm 2004, có khoảng 170 thành phố đã khởi động chiến dịch “thành phố rừng” – “xanh hóa” các khu vực ngoài trời và nỗ lực cắt giảm sự ô nhiễm. Trung bình, mỗi thành phố đều xây dựng thêm khoảng 13.000 hecta công viên/cây xanh mỗi năm.

Điểm sáng điển hình nhất của kế hoạch này chính là tại Hùng An Tân Khu (Xiong’an New Area). Cách Bắc Kinh khoảng 130km về phía tây nam, Hùng An Tân Khu được chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn để thực hiện dự án Millennium Forest – dự án trồng rừng với hơn 100 giống cây đặc tuyển. Khoảng 3.400 hecta cây non sẽ được trồng vào mùa thu này ở Hùng An Tân Khu. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiến trình trồng cây gây rừng nhằm hoàn thành kế hoạch phủ xanh 40% diện tích đất đô thị tại 7/10 thành phố vào cuối thập kỷ này.

Kinh nghiệm và các kế hoạch tương lai

Nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang dần rút ra được bài học từ các sai lầm trồng rừng trước đó. Giai đoạn hai của dự án giúp kiểm soát bão cát tại khu Bắc Kinh-Thiên Tân đang kêu gọi dành ra 85% đất chuyên dụng để trồng rừng nhằm tách biệt phần đất bị bạc màu, cho phép thảm thực vật được hồi phục và phát triển tự nhiên. Tuy vậy, vấn đề đặt ra chính là, liệu rằng cách làm này có khả thi hay không khi mà phần lớn lớp dinh dưỡng trên bề mặt đất đã biến mất.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng kịp thời nhận thức được tầm quan trọng của cộng đồng dân cư (sống xung quanh các khu vực được chọn) trong quá trình thực hiện các dự án trồng rừng. Tổ chức Alashan – một tổ chức từ thiện hoạt động với mục đích chống lại hiện tượng sa mạc hóa, đã chuẩn bị một dự án tái tạo mảng xanh khi lên kế hoạch cho trồng khoảng 100 triệu cây Haloxyons – loại thực vật tuy nhỏ bé và trông khá mong manh, thế nhưng khả năng thích nghi tại môi trường sa mạc khắc nghiệt với nguồn dinh dưỡng nghèo nàn lại chính là lý do khiến nó được chọn để tiến hành gieo trồng ở vùng Alxa thuộc Nội Mông Cổ.

Alashan đã ngỏ ý “kêu gọi” hợp tác với cư dân ở khu vực đó trong việc chăm sóc thảm xanh này. Điều kiện đặt ra chính là, trong vòng ba năm, họ sẽ phải chăm sóc vườn cây này, và họ đương nhiên sẽ được trả công khi 65% giống cây có thể tồn tại. Hơn thế nữa, người dân cũng có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách thu thập quả nhục thục dung (Herba Cistanche) để đem bán hoặc có thể tự sử dụng (đây là một trong số các vị thuốc đông y).

Tổ chức Alashan cũng đã cho người tìm hiểu trước các điều kiện liên quan tại khu Nội Mông Cổ. Dù vấp phải một số lời chỉ trích, nhưng nhóm người thực hiện khảo sát thông qua những kinh nghiệm tích lũy được sau một thời gian sinh sống tại đây cho biết, cư dân ở khu vực này vẫn muốn có thể trồng rừng lại, hoặc là một loại thực vật bất kỳ nào đó, còn hơn là để một vùng đất rộng lớn bị sa mạc hóa, trơ trọi nứt nẻ.

Chuyên gia ngành khoa học môi trường cũng nhận xét về việc trồng cây độc canh trên diện tích đất bạc màu vẫn tốt hơn việc để trống và lãng phí đất, nhưng nếu có thể trồng xen canh các loại cây chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều, bởi quần thể sinh vật đa dạng sẽ giúp phát triển các chức năng của hệ sinh thái. Một nghiên cứu được thực hiện dựa trên điều kiện này đã chỉ ra: khả năng “giam giữ carbon” của khu vực chỉ có cây độc canh trung bình đạt khoảng 12 tấn carbon/hecta, trong khi đó với cùng một diện tích khu vực nhưng hệ sinh thái cây cối đa dạng có thể “giữ” đến 32 tấn carbon/hecta.

Sau tất cả những điều trên, Trung Quốc vẫn vô cùng tự hào với những nỗ lực nhằm phục hồi rừng mà họ thực hiện đã có thể được coi là thành công. Đây chính là một trong những cách thức “giải quyết vấn đề dựa trên môi trường tự nhiên”. Chính bởi những điều ấy, các “Vạn Lý Trường Thành xanh” đã dần trở thành chủ đề chính trong các cuộc thảo luận diễn ra vô cùng sôi nổi.

Những công trình trồng rừng dài hạn và đầy tốn kém của Trung Quốc đã phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những khó khăn mà ta sẽ phải đối mặt khi muốn tái tạo và chăm sóc một khu rừng, nhấn mạnh rằng công việc này có tính chất vô cùng phức tạp và đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ vô cùng.

Theo TINH TẾ / BLOOMBERG

Tags: ,