Bài học từ ‘địa ngục tăng thiết giáp’ của Nga ở Grozny 1994

Để có được lực lượng tăng thiết giáp hùng mạnh như ngày hôm nay, quân đội Nga không thể quên những hình ảnh kinh hoàng tại “hỏa ngục” Grozny, nơi mà hàng trăm xe tăng và ngàn xe bọc thép bị tiêu diệt.

Bài học từ ‘địa ngục tăng thiết giáp’ của Nga ở Grozny 1994

Cuộc chiến Chechnya lần thứ I là một cuộc xung đột giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Chechnya Ichkeria, từ tháng 12/1994 đến tháng 8/1996. Đỉnh điểm của cuộc chiến là trận tàn phá thủ đô Grozny.

Tháng 12/1994, lực lượng tăng thiết giáp chủ lực mạnh nhất khi đó là T-80B, T-80BV, BMP2… cùng hàng nghìn binh sĩ Nga ồ ạt tiến vào thủ phủ Grozny của Chechnya. Khi tung vào trận đánh, giới quân sự Nga đều cho rằng với lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu, quân đôi Nga dễ dàng đè bẹp nhóm phiến quân đang đòi ly khai tại đây.

Tuy nhiên, thay vì giành chiến thắng dễ dàng, gần 1.000 lính Nga đã tử trận và khoảng 200 xe tăng – thiết giáp bị phá hủy chỉ trong hai ngày. Các xe tăng T-80 cũng chịu thất bại nặng nề, nhiều cỗ xe tăng số 1 Quân đội Nga bị phá hủy tan tành.

Với chiến thuật đánh táo bạo cùng với các loại súng chống tăng của Liên Xô, phiến quân Chechnya đã khiến lực lượng tăng thiết giáp Nga đổ gục. Chính giới quân sự Nga cũng bất ngờ và bối rối vì họ không hiểu tại sao ngay cả dòng xe tăng “quốc bảo” T-80 cũng biến thành những đống sắt vụn cháy đen khi tấn công vào thủ phủ của lực lượng ly khai.

Grozny là thủ đô của nước Cộng hòa Chechnya, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa và đầu mối giao thông của nước cộng hòa nên có nhiều công trình kiến trúc to lớn và vững chắc.Lợi dụng địa hình đô thị, các phiến quân ẩn nấp và dùng vũ khí chống tăng bao gồm tên lửa và súng RPG các loại nhắm vào xe tăng Nga.

Bị chống trả quyết liệt, các chỉ huy tăng thiết giáp Nga lại càng bối rối với môi trường tác chiến đô thị, điều đó khiến cho thiệt hại lại càng tăng cao. Một số chỉ huy đã ra lệnh rút ra ven thành phố và từ đó nã hỏa lực dữ dội vào nội đo hòng đè bẹp phiến quân ly khai. Tuy vậy mỗi khi họ quyết định tiến vào nội đô thì lại gánh chịu tổn thất nặng nề.

Các phiến quân ly khai dưới quyền chỉ huy của các tướng lĩnh được đào tạo dưới thời Liên Xô tỏ ra rất kinh nghiệm. Họ sẵn sàng lăn xả vào lực lượng quân sự Nga vốn có không ít là các tân binh mới được huấn luyện vội vàng để tung ra chiến trường. Lúc đó giới quân sự Nga có phần chủ quan vì cho rằng ưu thế vượt trội hoàn toàn về lực lượng khiến họ có thể tiến vào đè bẹp phiến quân ly khai chỉ trong thời gian ngắn.

Ngay cả khi sử dụng tới sự hỗ trợ của không quân, quân Nga vẫn không thành công khi giành lại quyền kiểm soát các khu vực cố thủ của phiến quân đòi ly khai.

Các xe tăng Nga thường có một lỗi chết người là góc nâng và hạ pháo hạn chế. Pháo tăng không thể bắn trả các phiến quân tấn công vào nó từ các tầng cao hay từ các tầng hầm.

Phiến quân Chechnya thường thành lập nhiều toán chiến đấu cơ động, mỗi toán có 3-4 người, trong đó 1 người mang súng chống tăng cá nhân, một người trang bị súng máy hoặc súng bắn tỉa có nhiệm vụ tiêu diệt bộ binh, chia cắt bộ binh với xe tăng, số còn lại hỗ trợ và tiếp đạn. Các toán chiến đấu này len lỏi ẩn nấp trong các ngõ hẻm, tầng hầm hoặc các tầng 2-3 của nhà cao tầng chờ đến khi tăng thiết giáp vào tầm ngắm mới nổ súng vào những điểm hiểm yếu như: nóc xe, sườn xe, cửa lái xe…

Có trường hợp nhiều toán phối hợp với nhau, một toán bắn vào xe đi đầu, một toán bắn vào xe đi cuối làm cho đội hình tăng thiết giáp rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” rồi lần lượt bắn hạ từng chiếc một.

Một số xe tăng bị tiêu diệt sau 6-7 phát đạn RPG-7, cá biệt có xe tăng bị trúng đến 20 đạn chống tăng các loại trước khi phát nổ. Các xe thiết giáp BTR và BMP trở thành mồi ngon cho hỏa lực dày đặc của phiến quân, hầu hết các xe thiết giáp đều bị tiêu diệt.

Các chỉ huy tăng thiết giáp Nga chủ quan, khinh địch không có sự phối hợp tác chiến trước trận đánh. Các binh sĩ ngồi trong xe bọc thép BMP, BTR, không chịu rời khỏi xe để tiêu diệt các mối đe dọa ẩn trong những tòa nhà cao tầng, là những nguyên nhân dẫn đến thất bại của lực lượng tăng thiết giáp Nga.

Mãi sau này khi Nga thay đổi chiến thuật, bất ngờ tiêu diệt thủ lĩnh quân ly khai Dudaev, lúc này lực lượng phiến quân mới suy yếu và Nga mới giành lại thế chủ động và chiến thắng trên chiến trường…

Chính thất bại tại Grozny đó đã giúp quân đội Nga rút ra những bài học xương máu để cái tiến các thế hệ tăng – thiết sau này và xây dựng học thuyết tác chiến đô thị phù hợp với tình hình mới và trở nên hùng mạnh như ngày nay.

Theo AN NINH THỦ ĐÔ

Tags: , , ,