Bài học phũ phàng trong sách của học sinh tiểu học Pháp

Chúng ta vẫn luôn khen người Pháp là lịch thiệp, xã hội văn minh. Nhưng ngay trong bài đạo đức dành cho trẻ tiểu học, sách đã viết rất phũ phàng, phũ phàng đúng như cuộc sống có thể có.

Bài học phũ phàng trong sách của học sinh tiểu học Pháp

Trong buổi tọa đàm “Dạy con sống vững vàng” được Hội Quán Các Bà Mẹ và Trường Ngoại khóa Tomato tổ chức, tôi được cô Nguyễn Thúy Uyên Phương, Giám đốc đào tạo Tomato cho xem bài học trong cuốn sách giáo khoa “Công dân và đạo đức” tiểu học của Pháp. Cuốn sách giáo khoa này do ông Giám đốc điều hành của Unilever, khi sang Việt Nam đã mang theo và bỏ tiền túi ra dịch để tặng bạn bè đọc chơi!

Sự thật thường phũ phàng

Tôi xem một câu chuyện trong cuốn sách kể về cậu bé trông bầy em khi mẹ đi vắng. Cậu bé đã ráng hết sức để làm “cái công việc đáng sợ này”, cậu bày đồ chơi ra, nói với em như cách mẹ vẫn nói, ôm chặt em trước ngực cho khỏi rơi. Có lúc cậu đã muốn bạt tai em, nhưng lại nghĩ rằng thôi em đã biết gì đâu.

Bằng sự cao thượng của người anh cả, cậu rất cố gắng hết sức để cư xử như một người thực sự đã lớn. Và mẹ cậu về. Cái khoảng khắc mẹ mở cửa ra, bước vào nhà, cậu tin mẹ sẽ khen ngợi cậu. Nhưng khi nhìn đống chiến trường đã bày ra, bà chỉ thất vọng rên rỉ não nề!…

Chúng ta vẫn luôn khen người Pháp là lịch thiệp, xã hội văn minh. Nhưng ngay trong bài đạo đức dành cho trẻ tiểu học, sách đã viết rất phũ phàng, phũ phàng đúng như cuộc sống có thể có. Các bà mẹ Pháp cũng có thể phủ nhận sạch trơn công lao của bé. Ai cũng có thể sai!

Phần bài học trong sách rất rõ ràng: “Có những khi mà chúng ta phải có trách nhiệm với nhiều điều mà ta không lựa chọn. Cậu bé không chọn chăm sóc cháu, không chọn trông em. Không ai chọn được anh chị hay cha mẹ. Thế nhưng ta thấy trong sách vở và trong cuộc sống, nhiều người tự thấy mình phải có trách nhiệm trông nom các em hay chăm sóc cha mẹ.

Họ coi mình có trách nhiệm với tất thảy những người mà họ yêu mến, và cần đảm bảo cho những người đó. Luôn sống có trách nhiệm và chịu trách nhiệm là một điều khó chịu, đôi khi là mệt mỏi. Đó là một điều dũng cảm, mà ai cũng có thể coi đó là điều tự hào”.

Chúng ta luôn muốn trẻ học được những điều tốt. Chính tôi và nhiều người mẹ khác đã không ít lần ước ao “ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con”, bảo bọc con trong một môi trường vô trùng để giữ được niềm tin trong veo của con.

Tuy nhiên, “Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ”. Đúng thật như thế, khi phát hiện ra rằng đời không như là mơ sẽ là những cú sốc lớn đối với tất cả mọi người.

Làm cách nào để “chống sốc”?

Tôi cũng thường tự hỏi: Có nên cứ quăng con ra cho bầm dập với đời? Thế thì, làm sao chắc được, sau những cú sốc con còn lành lặn, con còn giữ nguyên vẹn tính Thiện mà mẹ mong muốn con có? Sau những va vấp, con sẽ thấy qua sông không lụy đò thì không thể qua được, thấy trái khoáy mà vẫn phải chịu.

Bạn bè mình bao nhiêu hi sinh mà giờ nó phủi sạch trơn? Người mình yêu tha thiết đã bỏ đi với người khác? Công việc mình gây dựng lao tâm khổ tứ giờ sụp như bong bóng xà phòng… Tất cả đều có thể xảy ra! Nếu trẻ chỉ được học những điều tốt, trẻ sẽ quay ngược lại nghi ngờ, sẽ không tin tất cả những điều ba mẹ dạy.

Ngay từ tiểu học, từ môn Đạo đức người Pháp đã dạy các bé cả 2 mặt của một vấn đề, cả mặt trái tấm huy chương. Nhưng kết luận vẫn luôn khẳng định là những điều tốt đẹp nên được lựa chọn.

Tôi nhớ tới câu chuyện về nữ vận động viên bơi đường trường Florence Chadwick bơi từ đảo Catalina ngoài khơi biển Thái Bình Dương về bờ biển California cách 26 dặm. Florence đã hai lần bơi qua eo biển nước Anh và nếu hôm nay thành công, cô sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi qua cả hai nơi này.

Nhưng sau 15 giờ bơi, lần đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của mình, cô đã bỏ cuộc và trèo lên thuyền cứu hộ. Những người khác ra sức thuyết phục cô tiếp tục nhưng cô vẫn bỏ cuộc. Sau này Florence rất tiếc khi biết lúc đó cô chỉ còn cách đích có nửa dặm. Khi các phóng viên hỏi vì sao cô bỏ cuộc, Florence đã trả lời: “Vì sương mù. Nếu tôi nhìn thấy đất liền, có thể tôi đã bơi về đích rồi”.

Nhìn được khó khăn, nhìn được thuận lợi, lường trước được cả kết quả xấu nhất, thì con sẽ không còn bị sốc nữa.

Tôi nghĩ, thử thách lớn nhất của con người ở thế kỷ 21 sẽ không phải là thú dữ săn đuổi như thời tiền sử, không phải cơn Đại hồng thủy để bạn lên thuyền Noar, không phải hàng triệu người chết vì chiến tranh như Thế chiến thứ Nhất, thứ Hai, không phải đói nghèo và bệnh tật như những năm 1945. Mà chính là phải vững vàng trước áp lực!

Thế nên, làm sao ta có thể che giấu con hoài? Con phải biết sớm một sự thật, rằng xã hội này thật rộng lớn, thật đa dạng, thật phức tạp. Cuộc sống là không công bằng. Có người tốt nhiều, có người xấu nhiều, có người lúc này tốt và lúc khác thì xấu.

Có người với người này thì tốt, với người khác thì xấu. Không có gì là mãi mãi, không có gì là bất biến, không có gì là đơn sắc. Điều đó sẽ làm con bạn mạnh mẽ. Và thì, con cần hiểu về cuộc đời, nhưng rốt cuộc vẫn nên chọn tin vào những điều tốt đẹp.

Bởi vì con sẽ trở thành cái mà con tin!

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , ,