Bài học nửa que diêm trong thế kỷ 21

Bài học tiết kiệm hồi kháng chiến và thời bao cấp vẫn còn giá trị. Hồi đó, hiếm diêm hiếm cả đá lửa. Có người đã chẻ đôi từng que để dùng, như vậy giá trị sử dụng một bao diêm tăng gấp đôi.

Bài học nửa que diêm trong thế kỷ 21

Thấy một bạn trẻ đưa xe vào chỗ quy định mà vẫn chưa tắt khóa điện, có bác già nhắc: “Tắt máy đi chứ cháu! Phải nhớ tiết kiệm xăng dầu!”. Lời khuyên của bác khiến chúng ta liên hệ đến bao điều.

Khi giá xăng dầu tăng, không ít người phải tính toán làm gì để giảm thiểu tiêu phí năng lượng trong tiêu dùng và sản xuất, hoặc giả nghĩ về một nguồn năng lượng mới để thay thế.

Trên thế giới, không ít chính trị gia cũng từng tham gia vào việc này. Ví như Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi công chức mặc trang phục quần áo mát trong mùa hè và đủ ấm trong mùa đông để ít dùng máy điều hòa nhiệt độ. Thủ tướng Italia khuyến khích nhân dân dùng xe đạp đi phố thay ôtô. Thủ tướng Thụy Điển nêu gương đi công tác bằng xe lửa thay xe hơi. Ngành điện lực Australia yêu cầu người dân tắm nhanh để khỏi tốn nước, tốn điện. Ở ta, tiết kiệm năng lượng chưa được coi trọng.

Có lần Báo Commercial Daily (Hongkong) tính rằng: Năm 1973, một thùng dầu lửa mới chỉ 3 USD, năm 1980 đã là 34 USD, năm 1990 là 42 USD, 15 năm sau là 65 USD, năm 2010 là 100 USD.

Một chủ nhà băng Thụy Sĩ hỏi nhà địa chất lừng danh L. Campell, Giám đốc Trung tâm Phân tích tiêu thụ dầu lửa của Anh rằng: “Điều gì sẽ xảy ra khi thời đại dầu lửa kết thúc?”. Ông trả lời: “Thế giới sẽ đột biến, do tranh chấp nguồn dầu diễn ra ác liệt, vật giá leo thang, các nước phải điều chỉnh lãi suất và chính sách tiền tệ, theo đó khủng hoảng xã hội nảy sinh”.

Còn nhớ năm 1994, đổ một bình xăng Honda chỉ mất 5.000 đồng, nay phải gấp 12 lần. Vợ con bắt đầu cằn nhằn vì mất thêm tiền đổ xăng mà động một cái là xách xe ra chạy. Không khí gia đình dẫu chưa đến mức “xung đột” nhưng đã giảm yên bình.

Làm gì để bớt gánh nặng về nhu cầu năng lượng của mỗi gia đình, rồi đến cả quốc gia? Hóa ra bài học tiết kiệm hồi kháng chiến và thời bao cấp vẫn còn giá trị. Hồi đó, hiếm diêm hiếm cả đá lửa. Có người đã chẻ đôi từng que để dùng, như vậy giá trị sử dụng một bao diêm tăng gấp đôi. Hồi đó, dùng đèn dầu lạc hoặc dầu hỏa để học bài, đã không dám khêu to ngọn lửa, khi đi ra ngoài phải hạ ngọn lửa ấy xuống đến mức bé hơn hạt đậu, khi không học nữa thì tắt đèn ngay hoặc vặn nhỏ chỉ bằng hạt đỗ xanh, do vậy, một lít dầu dùng cả tháng. Hồi đó, thấy trăng sáng là mừng, ánh trăng giúp ông đi tát nước, giúp bà đi cấy đêm, giúp cả nhà ăn cơm tối trước thềm, vui vì đỡ được ít dầu mà lại thơ mộng.

Chuyện xưa cánh trẻ con nghe kể cứ như cổ tích rồi chúng hỏi: “Đất nước ngày ấy thuần nông, còn ngày nay công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tất tật đều cần năng lượng, vậy phải tính sao?”. Câu trả lời là những loại nhiên liệu được tiết kiệm giờ đây khác trước. Nhưng nguyên lý tiết kiệm thì không hề thay đổi. Lúc nào ta cũng phải sử dụng chúng hợp lý.

Nước Đức văn minh giàu có, thế mà vẫn có hướng dẫn sử dụng bếp gas chỉ nên cho ngọn lửa tỏa đủ đáy xoong. Xe dừng ở đèn đỏ ngã tư là tắt máy. Điều này, về ý nghĩa có khác gì trước đây tiết kiệm từng nửa que diêm từng lần quẹt bật lửa?! Hãy cố mà nhớ lấy hai từ “hợp lý” khi làm bất cứ công việc gì. Ý nghĩa triết học của nó ở chỗ: Cái gì hợp lý thì tồn tại và ngược lại.

Theo DƯƠNG QUANG MINH / NĂNG LƯỢNG MỚI (2013)

Tags: