Bài học Hồ Chí Minh: Có yêu dân mới được dân yêu

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thật – giả đang ngày càng bị pha trộn. Đây đó vẫn còn không ít vị lời nói không đi đôi với việc làm. Thậm chí, ngay cả khi nói, các vị đó cũng không cần để ý xem hiệu ứng tiếp nhận của người nghe thế nào; những điều mình nói có gần với mối quan tâm thường ngày, có gần với những quyền lợi sát sườn của họ không! Những lúc như vậy, càng thấy việc ôn lại những lời nói, việc làm của Bác cần thiết biết bao.

Bài học Hồ Chí Minh: Có yêu dân mới được dân yêu

Trước đây, trong một bài viết nhân Ngày sinh nhật Bác, tôi có nêu nhận xét: “Khi đây đó trên báo chí vẫn phản ánh có những cán bộ “nói không đi đôi với làm”, thậm chí miệng nói “thương dân”, “yêu dân” nhưng trong cách hành xử lại không có gì là trọng dân, là tin dân, thậm chí có những việc làm chà đạp lên danh dự và quyền lợi hợp pháp của dân, những lúc như thế, tôi càng muốn nhắc nhiều tới Bác, một lãnh tụ luôn hiểu dân, tin dân và rất thương dân. Vì tin nên mới yêu và nói theo cách ngược lại: Đã yêu thì phải tin”.

Đúng vậy, vì yêu dân nên trong Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình Ngày 2/9/1945 – một bản Tuyên ngôn được xem là “thiên cổ hùng văn”, là “chuẩn mực, súc tích đến từng câu từng chữ”, bên cạnh thông điệp gửi tới nhiều đối tượng, trong đó có chính phủ các nước Âu, Mỹ, có thể nói, đại đa phần nội dung của bản Tuyên ngôn là Người dùng để nói với đồng bào trong nước. Mà đồng bào ta lúc đó thì đại bộ phận ở vào tình trạng mù chữ. Giá trị của sự độc lập, tuy rằng ai cũng hiểu, cũng thấm thía, song độc lập từ đâu tới, độc lập cần phải tiếp tục được gìn giữ như thế nào, rồi thì những nỗi thống khổ trong quá khứ và vị trí thực tế của Việt Nam hiện nay ra sao… – tất cả những điều đó đã được người đứng đầu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phân tích thấu đáo bằng một ngôn ngữ thể hiện hết sức bình dị, dễ hiểu.

Ta có thể tìm thấy trong bản Tuyên ngôn không ít những câu, những chữ: “Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”; “Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”; “Sự thật là dân tộc ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.

Chúng ta sẽ khó tìm thấy trong ngôn ngữ diễn văn của các vị đại diện thời ấy những cách dùng chữ gần với lối nói hàng ngày, gần với cách cảm, cách nghĩ của đại chúng đến vậy (“thế là”, “chẳng những”, “giết nốt”, “chứ không phải”). Tất cả xuất phát từ nhu cầu muốn sẻ chia, tâm sự của vị lãnh tụ cách mạng với đồng bào thân yêu của mình. Nhà thơ Xuân Diệu quả là rất tinh tế khi trong bài tùy bút “Ngày độc lập 2/9/1945” đã phát hiện ra rằng: “Thì ra Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa hề đọc diễn văn với đồng bào. Chủ tịch tuyên ngôn là tuyên ngôn với ai chứ chẳng hề “tuyên ngôn” với đồng bào”.

Cũng vậy, tìm hiểu nội dung các bản Di chúc mà Bác đã viết từ năm Bác 75 tuổi đến năm Bác 79 tuổi, cùng việc nghiền ngẫm, phân tích những chỗ gạch xóa, sửa chữa của Bác trong những bản viết ấy, tôi rất xúc động khi nhận ra một điều: Là người trọn đời lo cho dân cho nước nên có những bản Di chúc mà về cấu trúc đã hoàn chỉnh, nhưng mỗi khi nảy ra ý kiến gì mới góp cho việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, Bác lại lấy bút ghi thêm đôi dòng ngoài bản Di chúc đã có. Bởi vậy với tôi, mặc dù bản Di chúc của Bác được Trung ương Đảng công bố năm 1969 là bản hoàn thiện nhất, có thể coi là một áng văn mẫu mực lưu truyền mãi muôn đời, song để hiểu thêm kích cỡ tâm hồn của Người, ta không thể không tiếp xúc với tất cả những bản Di chúc mà Người đã viết.

Vì gần dân, yêu dân nên Bác rất tin dân. Trong cuốn hồi ký “Nhớ lại một thời”, nhà thơ Tố Hữu từng kể rằng: Tháng 10 năm 1965, khi không quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ông được Bộ Chính trị cử vào công tác tại khu IV. Trước khi đi, ông đến xin ý kiến Bác. Khi Bác đặt câu hỏi: “Chú biết làm thế nào cho Đảng vững mạnh không?”. “Dạ, phải giáo dục thật tốt các cán bộ đảng viên”. “Ai giáo dục?” – Bác “vặn” lại. Đến đây, nhà thơ thực sự lúng túng, bèn thưa: “Xin Bác chỉ thị cho bọn cháu làm tốt”. Bác nói: “Không nên hỏi Bác, mà nên hỏi dân mới đúng”. Rồi Bác chỉ dẫn: “Chú nên bàn với các Tỉnh ủy, Huyện ủy cách làm này: Đến từng cơ sở làng, xã, họp dân lại, nêu câu hỏi rất đơn giản: “Ở làng ta, ai sản xuất giỏi” và mời dân phát biểu thẳng thắn. Họ sẽ chỉ cho mình biết những người ấy là ai. Rồi các chú xem lại, những đảng viên, cán bộ hiện nay, đã được bà con nhận xét thế nào? Ai được dân tín nhiệm… Những đồng chí được dân yêu mến, tin cậy nhất mới xứng đáng là người lãnh đạo của Đảng bộ. Trái lại, ai bị dân khinh ghét thì không thể là người lãnh đạo, cần thay đổi ngay”. Kể lại chuyện này, nhà thơ Tố Hữu đúc kết: “Đúng như Bác nói: Chỉ có dân mới biết được ai thật xứng đáng là cán bộ, đảng viên. Dân ta rất tốt, rất tinh, biết tin dân thì mới được dân tin”.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thật – giả đang ngày càng bị pha trộn. Đây đó vẫn còn không ít vị lời nói không đi đôi với việc làm. Thậm chí, ngay cả khi nói, các vị đó cũng không cần để ý xem hiệu ứng tiếp nhận của người nghe thế nào; những điều mình nói có gần với mối quan tâm thường ngày, có gần với những quyền lợi sát sườn của họ không! Những lúc như vậy, càng thấy việc ôn lại những lời nói, việc làm của Bác cần thiết biết bao.

Theo TƯỜNG DUY / CÔNG AN NHÂN DÂN

Tags: ,