Áp lực y tế và kinh tế của tình trạng dân số ‘chưa giàu đã già’

Già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh, nhiều hơn so với các nước phát triển, tuy nhiên chúng ta lại không có thời gian để chuẩn bị cho một xã hội “dân số già”.

Tăng chi phí y tế

Theo số liệu báo cáo về tình hình thực hiện công tác dân số của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế mới được công bố cho thấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ở mức khá cao, hơn 73 tuổi, nhưng số năm khỏe mạnh của nguời cao tuổi ở nước ta thấp, chỉ được 64 tuổi; đặc biệt, có 67,2% số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.

Như vậy, mỗi người có khoảng gần 10 năm cuối đời (trung bình khoảng 11 năm đối với nữ giới và khoảng tám năm đối với nam giới) không được khỏe, sống chung với các bệnh tật.

Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính như: Mạch vành, huyết áp, tiểu đường, ung thư… Ngoài ra, còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bình quân mỗi người cao tuổi có ba bệnh và tỷ lệ đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa cao. Tình trạng này, không chỉ làm suy yếu khả năng lao động, giảm thu nhập mà còn làm tăng chi tiêu y tế.

Chi phí điều trị mỗi năm dành cho người cao tuổi thường cao gấp 8 đến 10 lần người trẻ. Do vậy, chăm sóc sức khỏe vừa là nhu cầu, vừa là thách thức lớn đối với người cao tuổi.

Theo ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, một trong những xu hướng của thế giới trong thế kỷ 21 là sự bùng nổ dân số cao tuổi, tức là số người từ 60 tuổi trở lên tăng rất nhanh. Cùng chung xu hướng này, ở nước ta cũng đang diễn ra quá trình già hóa nhanh chóng.

Theo đó, năm 2011, người cao tuổi Việt Nam chiếm 10% tổng số dân, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có gần 11,5 triệu người từ 60 tuổi trở lên (tương ứng khoảng 11,86% số dân). Theo dự báo, đến năm 2038, tức là chỉ sau khoảng 27 năm, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20%, khi đó nước ta được gọi là có “dân số già”.

Đáng chú ý, để tăng gấp hai lần tỷ lệ người cao tuổi, tại các nước phải mất rất nhiều thời gian, như ở Mỹ là 69 năm, Australia 73 năm, Thụy Điển 85 năm, Pháp 115 năm…

Điều này cho thấy, già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh, nhiều hơn so với các nước phát triển, tuy nhiên lại không có thời gian để chuẩn bị cho một xã hội “dân số già”.

Cũng theo thống kê, ở nước ta chỉ có khoảng 25% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội, còn lại trên 70% người cao tuổi không hề có tích lũy vật chất, vẫn phải tự lao động kiếm sống.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đang đè nặng lên vai khiến cho việc tận hưởng cuộc sống an nhàn, sum vầy cùng con cháu còn xa vời với nhiều người cao tuổi.

Lấp “khoảng trống về an ninh thu nhập cho người cao tuổi”

Già hóa dân số gây ra hậu quả cơ bản là thiếu lao động bổ sung cho tương lai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số là do mức sinh ngày càng giảm dẫn đến số trẻ em ngày càng ít đi và kết quả là, trong tương lai, lực lượng lao động, những người làm ra của cải vật chất cho xã hội sẽ bị thiếu hụt.

Già hóa dân số dẫn đến nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi hưu nên xã hội cần trao cơ hội hoạt động kinh tế phù hợp cho người cao tuổi.

Nguy cơ khuyết tật và bệnh tật luôn gia tăng theo độ tuổi. Tuổi càng tăng thì tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm bệnh càng dài.

Điều này đòi hỏi phải chăm sóc người cao tuổi nhiều hơn. Sự hỗ trợ người cao tuổi ngày càng khó khăn, nhất là ở khu vực thành thị.

Sự gia tăng nhanh chóng số người cao tuổi đặt gánh nặng lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình gây tình trạng căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng ngược đãi người cao tuổi.

Già hóa dân số dẫn đến tình trạng số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, cùng với mức độ sinh giảm dẫn đến nguy cơ suy giảm dân số.

Với nhiều nỗi lo và áp lực cả kinh tế và y tế nên già hóa dân số là một lĩnh vực rất cần sự quan tâm sâu sát của các nhà hoạch định chính sách.

Giải pháp đặt ra là cần xây dựng khung pháp lý và chính sách để bảo vệ quyền của các cá nhân khi về già, trao quyền và giúp người cao tuổi hòa nhập xã hội trong các môi trường phát triển, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, cơ hội việc làm và đảm bảo tài chính.

Cần phát triển hệ thống chăm sóc toàn diện bao gồm cả chăm sóc tập trung và chăm sóc cộng đồng. Chú trọng đến các nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương, yếu thế như người cao tuổi là dân tộc thiểu số, người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi là nạn nhân bạo lực gia đình.

Đặc biệt, công tác hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng về vấn đề già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi cũng như truyền thông cho công chúng về vấn đề già hóa thông qua cách tiếp cận theo vòng đời mang tính chuyển đổi về giới.

Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc người cao tuổi.

Tại Hội thảo “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không bỏ lại ai phía sau” vừa diễn ra, chuyên gia chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra các khuyến nghị các giải pháp nhằm đưa tới những giải pháp hiệu quả nhất cho người cao tuổi.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi sẽ ngày càng tăng, song điều đáng lưu ý là vẫn còn những khoảng trống về an ninh thu nhập cho người cao tuổi.

Hiện mức hỗ trợ hưu trí cho người cao tuổi còn thấp; phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi ở mức khiêm tốn là những khoảng trống cần thu hẹp để cải thiện thu nhập cho người cao tuổi. Thực tế hiện nay, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ cao hơn một chút so với chuẩn nghèo.

Phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,15% GDP.

Đây là mức rất thấp so với các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế-xã hội tương đồng.

Mức này chưa bảo đảm cho những đối tượng được hưởng để có thể thoát nghèo; trong khi đó điều kiện tối thiểu mức hưởng ít nhất phải đủ để họ có thể trang trải chi tiêu.

TS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giải pháp hiện nay vẫn là nguồn lực.

Bởi hiện nay, Việt Nam đang thiếu bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng có kinh nghiệm; hệ thống viện dưỡng lão có chăm sóc y tế còn ít. Nguồn nhân lực chăm sóc người già chủ yếu dựa vào người nhà và ngày càng giảm.

Qua khảo sát 610 người hơn 80 tuổi sống tại ngoại thành Hà Nội cho thấy khá nhiều cụ sống một mình; gần 28% cần trợ giúp trong sinh hoạt như ăn uống, mặc quần áo…

TS. Nguyễn Trung Anh đề xuất, để chăm sóc toàn diện cho người già và tiến tới đáp ứng nhu cầu khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, các bệnh viện cần thành lập khoa lão để tiếp nhận điều trị cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, cần thành lập thêm hệ thống viện dưỡng lão có chăm sóc y tế, trung tâm chăm sóc ban ngày cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, xây dựng các khu nhà ở, chung cư có hệ thống chăm sóc, tiện ích dành riêng cho người già…

Ngoài ra, cần thêm nhiều dịch vụ cho người già như: dọn nhà, giặt giũ, đi chợ, trợ giúp bữa ăn, dịch vụ vui chơi giải trí cho người già…

Các chuyên gia cũng nêu rõ, cùng với hệ sinh thái, môi trường sống trong lành, lý tưởng, người già sẽ khỏe hơn nếu được ở chung một cộng đồng người cao tuổi. Bởi khi có những người bạn đồng niên, người cao tuổi sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, từ đó giúp nâng cao cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ý kiến của GS.TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng già hóa dân số là xu hướng chung của thế giới. Đó là quy luật không thể nào cưỡng được.

Để giải bài toán này, GS. Nguyễn Đình Cử khuyến nghị cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi… Về kinh tế, phải nâng cao năng suất lao động để bù đắp cho người già.

Về chăm sóc sức khỏe, phải giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh. Để thích ứng với già hóa dân số, người cao tuổi cần chủ động bảo đảm tài chính, đủ chi trả cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống của mình.

Doanh nghiệp cần cung cấp hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi; tạo việc làm, sử dụng lao động cao tuổi; hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi”, GS.TS. Nguyễn Đình Cử nêu.

Theo BÁO ĐẦU TƯ

Tags: , ,