Ảnh hưởng của Phật giáo trong pháp luật thời Lý

Đạo Phật đã ảnh hưởng trong pháp luật thời Lý không những về lòng từ bi, lòng khoan dung mà còn ảnh hưởng về cách đối xử với phạm nhân nữa. Đạo Phật rất tôn trọng giá trị của con người và vì giới cấm nói dối cũng được giữ gìn, nên không bao giờ dám kết tội ai một điều gì khi chưa nắm đủ yếu tố buộc tội; và do chỗ đó nên phải đối xử tử tế với người không có tội.

Ảnh hưởng của Phật giáo trong pháp luật thời Lý

Con người sống quy tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội. Do đó, trong một xã hội nào cũng phải đưa ra một số qui luật để mỗi cá thể sống trong đó tuân theo, và có như vậy thì xã hội mới có một trật tự, mới có một nếp sống tương hợp với tất cả mọi người. Những qui luật của xã hội có thể do một số người có đời sống đạo đức khả kính đưa ra để mọi người lấy đó làm ánh sáng soi tỏ các hành động của mình; nhưng thông thường những qui luật này được thể hiện dưới hình thức những luật lệ xã hội, các luật lệ xã hội này do những người đang nắm vận mệnh của quốc gia đặt ra. Người đang nắm quyền chủ tể của quốc gia bao giờ cũng muốn điều khiển quốc gia theo những định hướng của mình; nhất là bình định những rối loạn trong xã hội, và sau đó có thể cũng cố địa vị, ngai vàng của mình cho được lâu bền.

Khi ban hành một bộ luật, vị chủ tể quốc gia  đưa vào đó một quan niệm, một thái độ sống của mình trước cuộc đời, và nói đúng hơn là họ sẽ lấy một căn bản triết lý để làm nền tảng cho bộ luật của mình trước khi ban hành nó. Trong phạm vi bài này, chúng tôi sẽ tìm hiểu và xác định một căn bản triết lý của pháp luật triều Lý. Chúng ta đều biết rằng bất cứ một hệ thống tư tưởng nào, bất cứ một triết lý nào, hay nói hạn hẹp trong phạm vi ta đang nghiên cứu là một bộ luật nào ra đời cũng đều chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử, của xã hội lúc đó. Thật vậy, chính hoàn cảnh lịch sử sẽ tạo nên một quan niệm cai trị của vị chủ tể để thích ứng và đương đầu với thời cuộc.

Một bộ luật ra đời là do hậu quả của một hoàn cảnh lịch sử, lấy nền tảng qua một căn bản triết lý. Do vậy, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử của triều đại nhà Lý, và nguyên nhân ban hành bộ luật nhà Lý; rồi sau đó chúng ta sẽ xác định một căn bản triết lý cho bộ luật của triều đại nhà Lý.

Triều đại nhà Lý kéo dài từ năm 1010 đến năm 1225 trải qua chín vị vua là:

1* Lý Thái Tổ (1010 – 1028)
2* Lý Thái Tông (1028 – 1054)
3* Lý Thánh Tông (1054 – 1072)
4* Lý Nhân Tông (1072 – 1127)
5* Lý Thần Tông (1128 – 1138)
6* Lý Anh Tông (1138 – 1175)
7* Lý Cao Tông (1176 – 1210)
8* Lý Huệ Tông (1211 – 1224)
9* Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225)

Đây là một triều đại đáng lưu ý về mọi phương diện vì nó kéo dài hai trăm mười sáu năm (216 năm), với hai thế kỷ này, nhà Lý đã đặt một nền tảng vững chắc cho chính thể quân chủ và nền độc lập cho nước ta. Có thể nói nhà Lý đã đảm nhiệm một sứ mệnh lịch sử quan trọng trong quá trình tiến hoá của dân tộc Việt-Nam.

Vua Lý Thái Tổ đã sáng lập ra nhà Lý, nguyên là Lý Công Uẩn, thuở nhỏ đã vào sống ờ chùa từ năm lên ba, được nhà sư Lý Khánh Vân trú trì chùa Cổ Pháp nuôi nấng. Khi đến tuổi trưởng thành, ông vào phụng sự nhà Tiền Lê ở Hoa-lư, trong suốt thời gian này ông đem tất cả mọi khả năng để chu toàn các nhiệm vụ, ông có nhiều  đức độ đáng kính để đối xử với mọi người nên đã được nhiều người quý mến.

Nguyên Lê Long Đỉnh, vị vua cuối cùng của đời Tiền Lê, tính tình bạo ngược và ác độc. Lòng dân đã oán giận Long Đỉnh và chán ngán nhà Tiền Lê. Năm 1009, Lê Long Đỉnh bị bệnh mất giữa lúc nước nhà đang nguy ngập: nước Tàu lăm le xâm lăng, các phe phái tranh chấp ngôi vị, nhân dân mất niềm tin nơi nhà Tiền Lê. Bởi vậy nên thiền sư Vạn Hạnh và đại quan Đào Cam Mộc đã vận động các triều thần, tôn Lý Công Uẩn  lên ngôi vua.

Lên ngôi xong, ngài dời kinh đô từ Hoa-lư là nơi hiểm trở về đất Đại-la mà sau này đổi ra Thăng Long thành, là nơi trù phú rộng rãi và bao quát cả thiên hạ. Do chỗ xuất thân từ cửa chùa, nên Lý Công Uẩn rất hậu đãi và khuyến khích việc khuếch trương đạo Phật; và các vị vua sau cứ tiếp tục truyền nối công việc ấy cho đến năm 1224 khi công Chúa Chiêu Thánh lên ngôi tức là Lý Chiêu Hoàng thì quyền hành đã nằm trong tay của Trần Thủ Độ, để rồi trước thế lực quá mạnh của họ Trần, nhà Lý phải cáo chung từ năm đó.

Với cái nhìn tổng quát trên hai thế kỷ của triều đại nhà Lý, chúng ta nhận thấy nhà Lý đã lãnh hội và rút tỉa nhiều kinh nghiệm của các triều đại trước, nên các vua nhà Lý đã hết sức củng cố chính quyền trung ương để tạo một nền quản chủ vững chắc, và lập một nền độc lập hoàn toàn đối với Trung-hoa sau hơn một ngàn năm lệ thuộc dưới ách của người Tàu. Sau khi uy quyền đã vững mạnh, nhà Lý bắt đầu mở mang và kiến thiết quê hương xứ sở trong các lãnh vực văn học, tôn giáo, chính trị, kinh tế… Nhà Lý đã kiến tạo một công trình văn hoá vĩ đại và dồi dào cho dân tộc Việt Nam và tạo một niềm tin vào tinh thần tự lập của một dân tộc đang vươn mình lên khỏi sự lệ thuộc của nền văn hóa Trung-hoa. Đồng thời cho thấy một cá tính độc lập của văn hoá Việt-Nam đối với các nền văn hoá Á châu đương thời. Do những đặc điểm này, chúng ta sẽ thấy rõ vì sao mà nhà Lý đã vượt qua được mọi trở ngại và kiến tạo một sự phồn thịnh cho triều dại mình.

Về nội bộ, nhà Lý vẫn phải đối phó với nhiều cuộc nổi loạn, nhất là các cuộc âm mưu tiến chiếm vương quyền. Bất cứ triều đại nào cũng vậy, mối ưu tư của nhà cầm quyền là phải đề phòng mọi âm mưu đảo chính, mọi mưu toan lật đổ ngai vàng. Trong suốt triều đại nhà Lý đã xảy ra nhiều cuộc nổi loạn tại vương cung nhầm lật đổ nhà Lý; những cuộc nỗi loạn thường xảy ra vào lúc có một vị vua vừa băng hà. Có thể kể cuộc nổi loạn trong Vương triều tiêu biểu nhất là sau khi Lý Thái Tổ vừa băng hà (năm 1028), anh em Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương, Đông Chính Vương đem quân đại náo kinh thành. Nhưng nhờ có Võ Vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu dẹp tan được loạn này và thái tử Phật Mã mới lên ngôi tức vua Lý Thái Tông. Còn trong dân gian thì cũng có một vài cuộc nỗi loạn của các người Thổ ở vùng thượng du Cao-bằng, Lạng-sơn do giòng họ Nùng cầm đầu.

Về đối ngoại, nhà Lý phải đương đầu với nhiều mối lo âu lớn lao là nhà Tống lăm le thôn tính Việt-Nam. Nhờ binh chế Việt-Nam lúc bấy giờ đã tổ chức hoàn bị, và còn có các vị tướng lãnh tài ba là Lý Thường Kiệt đã áp dụng các phép dụng binh đặc sắc để chiến thắng quân Tống trong các trận đánh vào cuối năm 1075 tại Quảng-đông, tại Quảng-tây vào năm 1076. Và nhất là trận đại thắng quân Tống vào cuối năm 1076 khi nhà Tống cử binh sang báo thù, Lý Thường Kiệt đã làm tiêu hao binh lực của Tống, tạo ra một ưu thế cho Đại Việt để nghị hòa với quân Tống. Chúng ta còn thấy mộng mở mang bờ cõi của nhà Lý trong việc chinh phạt Chiêm-thành để mở rộng biên cương về phương Nam, điển hình là các cuộc chinh phạt Chiêm-thành vào các năm 1044, năm 1069, năm 1079 và năm 1082.

Nói tóm lại, chúng ta thấy các vua thuộc triều đại nhà Lý đã phải đối phó với những kẻ nội phản ở vương triều và vài cuộc nổi loạn của bọn người Thổ trong dân chúng, còn bên ngoài thì phải đối phó với nạn ngoại xâm của đế quốc Trung-hoa. Nhưng đồng thời nhà Lý cũng không quên việc mở mang bờ cõi về phía Nam bằng các cuộc chinh phạt Chiêm-thành. Ngoài việc củng cố  uy quyền Lý triều nói riêng và của nước Đại Việt nói chung, nhà Lý còn lo kiến thiết xứ sở trong mọi lãnh vực, đặc biệt đáng lưu ý nhất là dưới các triều Vua Thái Tổ (1010 -1028), Thái Tông (1028 – 1054), Nhân Tông (1072 – 1127), Anh Tông (]138 – 1175).

Trên kia chúng ta đã điểm qua những biến cố quan trọng của triều đại nhà Lý về quân sự và chính trị. Như đã biết, vua Lý Thái Tổ xuất thân từ chốn thiền môn nên hết lòng sùng mộ đạo Phật, và với sự hổ trợ của nhà Sư Vạn Hạnh nên Lý Thái Tổ đã từ chốn Phật đài mà bước vào chính trị để cuối cùng thu giang sơn về tay mình. Do lẽ đó, nên ngài đã đặc biệt ưu đãi và hết lòng phù trợ cho Phật giáo đạt đến chỗ phát triển cao nhất và các vua kế nghiệp vẫn tiếp tục việc tôn sùng Phật giáo. Vua Lý Thái Tổ đã xây gần hai mươi cảnh chùa. và sai Nguyễn Đạo Thành sang Tống thỉnh Tam Tạng kinh điển vào năm 10l8. Vua Lý Thái Tông đã cho lập chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột) với lối kiến trúc đặc biệt mà hiện nay vẫn còn di tích ở tại Hà-nội. Lý Thánh Tông xây tháp Bảo-thiên cao 12 tầng. Lý Nhân Tông đã cho xây trên một trăm cảnh chùa tại các nơi danh lam thắng cảnh khắp nước.

“Nếu ở Trung-hoa, đời Đường là đời Phật giảo được thịnh hành nhất, thì ở Việt-nam, đời Lý là đời Phật giáo được thạnh hành nhất.”  (Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, khoá V, trang 51).

Thêm vào đó, triều đình cũng đã thành lập một hệ thống tăng già rộng lớn từ triều đình trung ương ở thành Thăng-Long đến các thôn xóm nhằm mục đích hướng dẩn mọi tầng lớp quần chúng trong nhân dân, và nắm vững nhân tâm. Song song với mặt này, triều đình cần phải sử dụng một lớp người trí thức để giữ việc cai trị và phổ biến những văn thư và các hịch do triều đình trung ương ban hành. Nhưng số trí thức lúc bấy giờ hiếm hoi, mà các nhà sư phần lớn đều là những người thông thái và hiểu biết hơn cả, nên triều đình còn trưng dụng các nhà sư vào các dịch vụ hành chánh và làm việc như các quan lại. Ngoài công việc này, các nhà sư còn giữ một vai trò quan trọng trong việc giáo dục quần chúng ở khắp mọi nơi trong nước. Do đó, “mỗi ngôi chùa vào thời ấy là một nơi diễn dàn, một chốn học đường mà số người theo học không những là thường dân mà là cả những công hầu khanh tướng. Mỗi chùa có thể gọi là một trường đại học về tâm học. Ở đó có sự học hỏi nhất luật bình đẳng, không phân biệt sang hèn, già trẻ. Học trò không quản công lao gian khổ, các bực danh thần như Thái-uý Tô Hiến Thành và Thái-bảo Ngô Hoà Nghĩa cũng phải xin thụ giáo theo lễ, học với thiền sư núi Cao-dã, trải qua mười năm học mới được gặp mặt thầy. Người nào được thầy truyền cho tâm ấn mới là mãn nguyện”.  (Trần Thạc Đức, Phật giáo Việt-nam và hướng đi nhân bản đích thực, Sài-gòn 1967, trang 22-23).

Nói tóm lại, các vị cao tăng là tầng lớp trí thức quan trọng trong buổi đầu của thời kỳ độc lập, và tầng lớp này đã gây nhiều uy thế ảnh hưởng đến quần chúng trong xã hội Việt-Nam lúc bấy giờ về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá và trong phạm vi riêng biệt, chúng ta có thể nói là Phật giáo đã ảnh hưởng đến pháp luật của nhà Lý rất nhiều. Nói cách khác, luật pháp nhà Lý đã lấy đạo Phật làm nền tảng căn bản cho triết lý của bộ luật đương thời. Ai cũng biết rằng sự ra đời của một bộ luật của một nước về nội dung cũng như hình thức đều tuỳ thuộc vào chế độ chính trị đương thời của nước ấy. Sự tìm hiểu pháp luật đời Lý sẽ giúp ta thấu triệt được lịch sử của thời đại ấy cũng như mọi khía cạnh khác, là vì luật pháp là sản phẩm riêng của một thời đại và do sự kết thành của những sự kiện lịch sử của dân tộc ta trong giai đoạn đó.

Sau đây chúng ta sẽ xét về nguồn gốc phát sinh luật triều Lý, ảnh hưởng của triết lý Phật giảo đối với luật triều Lý và cuối cùng xét hiệu quả của pháp luật triều Lý sau khi được đem ra áp dụng.

I. Nguồn  gốc phát sinh bộ luật triều Lý

Duyệt qua các sử liệu còn lưu lại, chúng ta thấy những sử liệu về luật pháp triều Lý rất thiếu thốn. Bộ luật triều Lý không còn lưu lại, do đó chúng ta không thể tìm hiểu nội dung cũng như hình thức của bộ luật triều Lý một cách trực tiếp được. Chúng ta chỉ có thể tìm hiểu nội dung cũng như hình thức của bộ luật triều Lý một cách gián tiếp qua các quyển sách còn lưu lại sau đây:

Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, có lẽ được soạn vào khoảng năm 1821. Tác phẩm này cung cấp một nguồn tài liệu rất dồi dào về vấn đề luật pháp của các triều dại.

– Việt sử lược của một tác giả khuyết danh dưới đời Trần vào khoảng năm 1377. Đây là một tài liệu xưa nhất do người Việt-nam biên soạn, và cung cấp rất nhiều tài liệu về luật pháp nhà Lý.

– An-nam chí lược của Lê Tắc được soạn ra dưới đời Trần vào khoảng năm 1333. Tác phẩm này cũng đã cung cấp nhiều tài liệu về luật pháp đời Lý.

– Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên dựa vào Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu. Bộ sách này được viết vào cuối thế kỷ thứ 15, có lẽ soạn ra vào năm 1474. Tác phẩm này cũng giúp cho ta nhiều tài liệu đáng lưu ý về pháp luật đời Lý.

– Khâm-định Việt Sử Thông giám cương mục do cụ Phan Thanh Giản làm chủ biên, soạn xong vào năm 1859. Đây là tác phẩm sử học do các quan triều Nguyễn hợp soạn, cũng cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu để biết về tinh thần pháp luật triều Lý.

Và trong một số tác phẩm mới viết về triều Lý, đặc biệt đáng lưu ý là quyển Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn. Tác phẩm này đã được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1950 tại Hà-Nội và được tái bản lần thứ nhứt vào năm 1967 do Đại học Vạn Hạnh ở Sài-gòn ấn hành với nhiều điểm bổ sung mới mẻ của tác giả. Đây là một tác phẩm trình bày rất rõ ràng và đầy đủ về quá trình lịch sử ngoại giao và tôn giáo của triều đại nhà Lý; đồng thời tác phẩm này cũng cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu liên quan tới luật pháp triều Lý.

Ngoài ra, các quyển Dân luật khái luận và Cổ luật Việt-Nam của giáo Sư Vũ Văn Mẫu hiện đang dùng làm tài liệu giáo khoa cho sinh viên Đại học Luật khoa Sài-gòn (năm 1971) cũng đã ghi lại nhiều khảo cứu có giá trị về luật pháp đời Lý.

Theo Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã chép lại tại quyển số 33, thì nguyên nhân đã khiến cho vua Lý Thái Tông ban hành quyển Hình thư vào năm 1042 như sau:

Trước các cuộc cải cách quan trọng ở trong nước, các vụ án gia tăng gấp bội, vì vậy các quan giữ việc xử kiện, đã áp dụng luật một cách quá nghiêm khắc, nhiều khi đã trở nên bất công. Tình trạng ấy đã khiến vua Lý Thái Tông phải động lòng trắc ẩn và ra lệnh cho viên quan Trung-thư san định lại luật hình.”

Như vậy, vua Lý Thái Tông ( 1028 – 1054) đã ra lệnh cho viên quan Trung-thư san định bản Hình-thư bằng cách lấy những luật lệ cũ, châm chước với những phong tục tập quán đương thời để qui định lại các hình phạt và các cách điều tra phạm nhân. Ngoài ra, pháp luật bấy giờ còn định rõ những cấm lệ về việc mua bán nô lệ, sự trừng phạt các tội ăn trộm, tội thông gian với vợ của người khác, tội ăn trộm trâu bò, tội trộm của công. Cho đến đời Lý Thần Tông (1128-1138), triều đình lại hai ba lần hạ những dụ qui định việc mua bán và việc tranh tụng về điền thổ, những dụ này có thể nói là đã mở đầu cho nền luật hộ của Việt-Nam về sau này.

Thêm vào đó, sử liệu cũng đã có ghi chép rằng: “Vua Lý Thải Tông đã ban hành quyển Hình-thư vào năm 1042” (Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại Chí, 1821, quyển 33).

Qua những sử liệu trên, chúng ta nhận thấy rằng mặc dầu quyển Hình-thư không còn lưu lại nữa, nhưng có thể quyết đoán rằng quyển Hình-thư đã được vua Lý Thái Tông ban hành vào năm 1042, và có thể lấy đó làm bộ luật căn bản cho luật pháp triều Lý.

Triều đại nhà Lý đã trị vì trên hai thế kỷ (1010 – 1225), với thời gian cai trị lâu dài như vậy thì tất nhiên phải có một bộ luật để áp dụng. Hơn nữa. lúc ấy văn hoá nước ta đã mở mang và hiện còn lưu lại nhiều bài kệ và bài thơ của các vị thiền sư đời Lý, điều này chứng tỏ là lúc bấy giờ chúng ta đã sử dụng Hán tự để ghi chép. Nói tóm lại, dưới triều đại nhà Lý, dân tộc ta đã có một bộ luật thành văn và pháp luật triều Lý là pháp luật thành văn đầu tiên của dân tộc ta vậy. Đó là một nền pháp luật đã được đem thi hành trên khắp lãnh thổ nước Đại Việt lúc bấy giờ, có thể nói rằng bộ Hình-thư của vua Lý Thái Tông là một điểm son quan trọng trong lịch sử pháp quyền tại nước Việt Nam ta và bộ luật này chứng tỏ rằng bộ máy cai trị của triều đại nhà Lý đã có một cơ cấu khá hoàn bị.

II. Ảnh hưởng triết lý Phật giáo trong pháp luật triều Lý

Pháp luật thường lấy căn bản triết lý hoặc là pháp trị hoặc là nhân trị.

Đối với quan niệm pháp trị thì các nhà làm luật nghĩ rằng con người không có bản tính thiện và con người thường có lòng vị kỷ và vị lợi nên thường gây ra những xáo trộn trong xã hội. Do đó, để giữ trật tự trong xã hội, cần phải áp dụng luật pháp một cách nghiêm minh tức là phải đưa ra những hình phạt cứng rắn để sửa sai các việc vi phạm. Quan niệm pháp trị cho rằng càng nghiêm khắc và công minh thì những kẻ mưu toan phạm pháp sẽ sợ hãi và không dám vi phạm. Do đó trật tự xã hội được ổn định và con người sẽ được hạnh phúc.

Còn đối với quan niệm nhân trị, các nhà làm luật tin tưởng rằng con người có một bản tính thiện vốn sẵn có. Do đó chỉ cần tu dưỡng nhân cách và phát triển bản tính thiện ấy thì trật tự xã hội sẽ ổn định. Phái này cho rằng luật pháp là điều thừa và chỉ cần lấy lễ, lấy đạo đức, lấy tình thương để cảm hoá con người là đủ.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy cả hai quan niệm pháp trị và nhân trị đều có nhiều khuyết điểm khi áp dụng vào trong thực tế của xã hội con người. Chúng ta biết rằng pháp trị là một biện pháp rất cần thiết để tạo lập một trật tự, nhưng nếu áp dụng quá nhiều biện pháp khắt khe và sử dụng nhiều hình phạt cứng rắn thì nhiều khi con người không thể chịu đựng nổi mà đâm ra trở thành những kẻ hung dữ, đó là những mầm mống đi đến chỗ sa đọa và gây ra sự rối loạn trong xã hội. Phái nhân trị thì quá lý tưởng khi chú trọng vào lễ, nhạc để cảm hoá và hướng dẫn con người, nhưng trong thực tế khi áp dụng chính sách nhân trị cũng khó mà đưa đến kết quả tốt.

Có lẽ vì những khuyết điểm của quan niệm nhân trị và quan niệm pháp trị đã nêu trên mà nhà cầm quyền triều Lý đã áp dụng một luật pháp theo con đường chiết trung. Tức là khi thì nhân trị, khi thì pháp trị, tuỳ theo trường hợp mà áp dụng. Khi áp dụng con đường chiết trung, luật pháp nhà Lý đã chịu ảnh hưởng sâu xa của triết lý Bát-nhã của Phật giáo. Triết lý Bát nhã đưa ra quan niệm về trung đạo với quá trình biện chứng bát bất  để phủ nhận tất cả mọi cực đoan và không chấp nhất vào một quan điểm nào cả. Do đó, triết lý Bát-nhã đã đưa ra quan niệm “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào – Kinh Kim Cang). Hơn nữa, việc áp dụng khi thì nhân trị, khi thì pháp trị tuỳ theo trường hợp của luật pháp nhà Lý, đã cho chúng ta thấy rằng đó là đường lối của Phật giáo trong quan niệm “Khế lý và Khế cơ”  tức là phải tùy duyên mà áp dụng, tuỳ theo mỗi hoàn cảnh mà áp dụng những giáo lý cho thích ứng. Việc “thích ứng với hoàn cảnh” là một đặc điểm của pháp luật nhà Lý, vì nó không chấp vào tội mà chỉ xét xử  tội ấy trong một hoàn cảnh riêng biệt.

Tinh thần chiết trung của luật pháp nhà Lý có thể được soi sáng qua hai vụ xử án như sau:

-Theo Khâm-định Việt sử Thông giám Cương mục (được soạn dưới triều Nguyễn), chính biên. quyển ba, tờ II chép về luật lệ thời Lý: “Theo luật lệ định trước: phàm các quan chức, hể ai bỏ trốn, phạt 100 trượng, thích 50 chữ vào mặt và phải tội đồ. Quân lính đào ngũ mà cướp của cã, đồ vật của người khác, phạt 100 trượng, thích 30 chữ vào mặt. Người giữ trấn hay trại mà bỏ trốn cũng bắt tội như vậy. Quân lính bỏ trốn hơn một năm, phạt 100 trượng, thích 50 chữ vào mặt. Người nào bỏ trốn không theo xa giá khi vua đi chơi, phạt 100 trượng, thích 10 chữ vào mặt.

Nay định rõ lại điều lệ cấm: quân lính nào bỏ trốn thì khép vào một tội trong ba hạng tội lưu. Kẻ coi ngựa không được sai khiến làm việc cho mình, nếu kẻ nào vi phạm, phạt 80 trượng và bắt đi phối dịch.”

Đoạn văn trên cho thấy rõ tinh thần pháp trị trong pháp luật triều Lý.

-Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, quyển 2 chép: “Năm 1038. Lý Thái Tông thân chinh đi đánh giặc và bắt được Tồn Phúc cùng con trưởng là Trí Thông, một đứa con thứ là Trí Cao trốn thoát. Sau khi đem bọn Tồn Phúc về Thăng Long, có xuống chiếu cho rằng họ Nùng phản quốc nên ra lệnh xử tử.

Đến năm 1041, Nùng Trí Cao trở về chiếm lại đất cũ, đổi tên nước là Đại Lịch, Lý Thái Tông lại thân chinh đi đánh giặc một lần nữa và bắt được Nùng Trí Cao. Nhưng lần này nhà vua lại khoan hồng cho tên phản nghịch, và nói rằng thương tình vì cha là Tôn Phúc và anh là Trí Thông đều bị giết mà tha tội, cho giữ Châu Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho 4 động Lôi-hoả, Bình-an, Bà châu và Tư-lang nữa.”

Đoạn Văn trên cho thấy rõ tinh thần nhân trị trong luật pháp triều Lý.

Đó cũng là đặc điểm của dân tộc ta là “bên ngoài là lý, bên trong là tình”, lý và tình phải đi đôi với nhau thì việc áp dụng luật pháp mới không gây ra sự bất công quá đáng.

Thật vậy, theo kinh nghiệm thì có nhiều vụ án thật là tế nhị, nếu chỉ căn cứ hoàn toàn vào các bộ luật hiện hành để áp dụng và tuyên án thì thấy tội nhân sẽ gánh chịu những hình phạt e răng quá nghiêm khắc. Do đó cần phải chọn con đường chiết trung của đạo Phật, tức là ngoài việc căn cứ vào pháp luật hiện hành, còn nên lấy tình thương để quyết định việc tuyên án tội nhân.

Ngoài việc chịu ảnh hưởng tinh thần trung đạo của Phật giáo, luật pháp nhà Lý còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật ở các khía cạnh khác như sau:

Đạo Phật quan niệm phải lấy đức từ bi làm triết lý hành động trong đời sống đạo đức. Từ bi là một tình thương bao la không phân biệt giai cấp trong xã hội, người theo đạo Phật cần phải thương xót tất cả mọi người khi họ gặp cơn hoạn nạn. Chính lòng từ bi đã giúp cho ta cảm thương được những người đang gặp khốn khổ, và do đó, ta sẽ tìm cách giúp đỡ họ. Các vị Bồ-tát trong Phật giáo cũng đều vì lòng từ bi mà chấp nhận một hạnh nguyện là đi vào cuộc đời lầm than để cứu độ chúng sinh. Do chỗ thấm nhuần tinh thần của đạo Phật về đức hạnh từ bi, nên ta thấy ngay trong việc ban hành bộ Hình-thư, vua Lý Thái Tông đã biểu lộ rõ rệt lòng từ bi của mình đối với phạm nhân, khi thấy nhiều người có thể bị tội oan và phải nhận lãnh những hình phạt nặng nề nên ngài mới sai viên Trung-thư (quan Trung-thư, theo chế độ nhà Tống, là người chuyên dự thảo những kế hoạch để tâu lên vua về mọi việc cải cách, mọi việc tuyển bổ quan lại, và vận truyền các mệnh lệnh) biên soạn quyển Hình-thư. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Trước kia, trong việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai viên Trung-Thư san định luật lệ châm chước cho thích dụng với thời bấy giờ, chia ra môn loại, biên ra điều khoản, làm sách hình luật của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu.”

Đại Việt sử ký toàn thư đã cho chúng ta biết rõ rằng sở dĩ Hình thư được ban ra chỉ vì hình luật lúc bấy giờ không được thống nhất; do đó đã đưa đến nhiều hình phạt khắc nghiệt mà hậu quả là các tội nhân phải gánh chịu. Nhà vua cũng rất thương tội nhân, vì họ chỉ là nhũng người lầm lỡ mà phạm tội, chớ đâu có phải hầu hết tội nhân đều muốn gây ra tội ác để gánh chịu hình phạt và ngục tù đâu. Do đó việc ban hành Hình thư là một biện pháp thích nghi để chỉnh đốn lại những hình phạt xử bất công mà nhân dân nước ta lúc bấy giờ phải gánh chịu và hành động này có thể quả quyết là xuất phát từ lòng từ bi mà Đức Phật đã dạy bảo cho hàng Phật tử chúng ta tuân theo vậy.

Lòng từ bi còn được thấy rõ khi vua Lý Thánh Tông cảm thương cho các tội nhân phải chịu cảnh lạnh lẽo và đói khát nơi nhà giam, nên ngài đã truyền lệnh cung cấp đủ thực phẩm và chiếu mền cho họ. Tình thương này quả rất rộng lớn không còn bị ngăn cách bởi một biên giới nào nữa cả. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa đông năm Ất Mùi (1055), trời giá lạnh khủng khiếp, Lý Thánh Tông phán với các vị quan lại rằng: Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét run như thế này, ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao chịu đói lạnh khổ sở, chưa biết phải trái ra làm sao. Ăn không đầy bụng, mặc không đủ che thân, vì gió rét nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật lấy làm thương. Rồi vua truyền lấy chiếu cho tù nhân và cho mỗi ngày hai bữa ăn.”

Thật là một hành động hiếm có đối với các bậc vua chúa dưới thời đại quân chủ chuyên chế. Chúng ta thấy sống trong cung kín, nhà vua được hưởng biết bao nhiêu là tiện nghi dồi dào, nào là ăn những món cao lương mỹ vị, nào là có cung phi mỹ nữ, nào là có kẻ hầu người hạ. Nhưng nhà vua vẫn luôn luôn nghĩ đến hàng thứ dân, nghĩ đến đời sống của người dân coi có được sung túc không? Và ngay cả những tội nhân là kẻ đã gây ra xáo trộn trong xã hội mà vẫn được nhà vua thương xót và lo lắng cả đến việc ăn mặc nữa. Như vậy, vua nhà Lý đã đi sát với đời sống của nhân dân để tìm hiểu đời sống của họ và lo lắng cho họ.

Do chỗ thương xót các tội nhân, nên vua Lý Thánh Tông đã áp dụng nhiều biện pháp khoan hồng, vì ngài nghĩ rằng những kẻ phạm tội phần lớn là vì không hiểu rõ luật lệ nên họ mới phạm pháp. “Năm 1064, vua Lý Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Đông Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh; Thánh Tông chỉ vào con gái yêu mà nói với các quan rằng: Ta yêu con ta, như là cha mẹ dân yêu dân; vì dân không hiểu luật lệ nên mới bắt tội, ta lấy làm thương. Vậy từ rày về sau không kể tội nặng hay nhẹ, các người phải xử một cách khoan hồng cả.” ( Đại Việt sử ký toàn thư). Nhận xét của vua Lý quả thật là xác dáng. Trong thực tế, có nhiều vụ án mà phần lớn tội nhân khi ra trước vành móng ngựa đã hối tiếc vì mình không hiểu biết luật lệ nên mới phạm pháp.

Ngoài việc khoan hồng trong lúc xử án, nhà vua còn áp dụng các biện pháp đại xá và ân xá tội nhân trong các dịp khánh thành một ngôi chùa, một đền đài. Như năm 1010, cung Thúy Hoa làm lễ xong, xá thuế ba năm cho cả nước, những loại thuế thiếu năm trước đều được xoá bỏ, những tù binh người Mán bắt từ năm Cảnh Thuỵ (1008 – 1009) đều được phát quần áo và tha cho về quê quán. Trong nhiều trường hợp gặp thiên tai, nhà vua cũng ra lệnh cho ân xá tội nhân. Có năm, xảy ra những hiện tượng thiên nhiên lạ lùng như có sự xuất hiện của những vì sao lạ, nhà vua cũng coi đó là một duyên cớ để ân xá tội nhân. Thậm chí, nhiều khi nhà vua hạ lệnh xá tội một cách rộng rãi, ví dụ như trường hợp năm 1128, những tội nhân ở Đô hộ phủ đều được tha, lại xá tội cho cả 130 người bị biếm truất.

Sự khoan hồng còn được áp dụng đến mức triệt để khi nhà vua tha tội cho những kẻ nổi loạn để lật đổ vương triều nhà Lý. Đó là hành động xoá bỏ hận thù để thực thi chính sách “hoà giải” ngõ hầu cảm hoá được kẻ thù. Đây là một thái độ chính trị rất thích hợp trong hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ, vua Thái Tông đã tha tội chết cho Nùng Trí Cao là tên giặc đã âm mưu lật đổ vương triều nhà Lý (đã dẩn ở trên): “Đến năm 1041, Nùng Trí Cao … và Tư Lang nữa”.

Đối với tên tội phạm là Nùng Trí Cao đáng lẽ ra phải chịu hình phạt tử hình mà nhà vua lại tha tội chết, lại còn phong tước, ban ấn tín và cho thêm vài châu quận nữa, quả là một hành động “hoà giải” tuyệt mức vậy.

Ngoài ra, chúng ta nhận thấy nhà Lý còn tiết giảm các hình phạt xử tử có lẽ để thực thi giới cấm sát sanh trong ngũ giới cấm. Sát sanh là một trong điều mà đạo Phật ngăn cấm. Do ảnh hưởng này mà chúng ta thấy có nhiều vụ án đáng xử tử như vụ án vừa dẫn trên, hoặc những tội sát nhân lại được giảm xuống còn phạt trăm trượng, thích 50 chữ và phải tội.

Nhà Vua còn ấn định việc cho chuộc tội bằng tiền, chỉ trừ tội thập ác thì không được chuộc. Tội thập ác được qui định trong luật của đời Đường bên Tàu mà triều Lý đã dựa theo đó, gồm có mười tội ác như sau:

1. Mưu phản: Lật đổ nền cai trị của vua đương thời.
2. Mưu đại nghịch: Phá đền đài, lăng tẩm, cung điện của nhà vua.
3. Mưu bạn: Phục vụ cho nước địch, làm gián điệp (trong tiếng Hán Việt, bạn có nghĩa là phản quốc đi phục vụ cho nước địch).
4. Ác nghịch: Đánh hay giết Ông, Bà, Cha, Mẹ, Tôn thuộc.
5. Bất đạo: Vô cớ giết ba người cùng nhà.
6. Đại bất kính: Lấy trộm đồ tế lễ trong lăng tẩm, làm giả ấn vua.
7. Bất hiếu: Tố cáo hay chửi rủa Ông, Bà, Cha, Mẹ hoặc Ông, Bà, Cha, Mẹ chồng, không phụng dưỡng cha mẹ, tự ý bỏ nhà phân chia tài sản, cưới xin khi có tang Cha Mẹ, vui chơi trang sức trong khi tang chế, được tin Ông Bà và Cha Mẹ chết không chịu tang hoặc Ông, Bà, Cha, Mẹ còn sống mà nói dối là chết.
8. Bất mục: Mưu giết hay bán các thân thuộc, đánh hoặc cáo giác chồng, hay các tôn thuộc.
9. Bất nghĩa: Giết trưởng cơ quan của mình, giết quan lại tại chức, hoặc thầy dạy học, không để tang chồng, vui chơi bỏ tang phục để lấy chồng khác.
10. Nội loạn: Thông dâm với người trong họ phải để tang từ bực thứ tư trở lên, thông dâm với các vợ bé của Cha hay của Ông, và cả người đàn bà bằng lòng tư thông cũng bị tội.

Trong Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, chính biên, quyển 3 tờ b, đã ghi lại việc khoan hồng đã kể trên như sau: “Phàm nhân đản, người từ 70 tuổi trở lên, người có nhược tật (bệnh hoạn) và người có họ thân với nhà vua phải để tang nhau từ chín tháng trở lên, nếu phạm tội đều được cho chuộc tội, chỉ trừ người nào phạm vào tội thập ác thì không tha.”

Đạo Phật đã ảnh hưởng trong pháp luật không những về lòng từ bi, lòng khoan dung mà còn ảnh hưởng về cách đối xử với phạm nhân nữa. Đạo Phật rất tôn trọng giá trị của con người và vì giới cấm nói dối cũng được giữ gìn, nên không bao giờ dám kết tội ai một điều gì khi chưa nắm đủ yếu tố buộc tội; và do chỗ đó nên phải đối xử tử tế với người không có tội. Bởi vậy nên vua Lý Thánh Tông mới xét thấy cảnh khổ của các tù nhân đang bị giam cầm khổ cực trong khi tội vạ chưa xét rõ, và truyền đối đãi với họ rất tử tế: “Mùa Đông năm Ất Mùi (1055) …… .. mỗi ngày hai bữa ăn.” (đã dẩn ở trên).

Quan niệm về cách đối xử tử tế với người đang bị giam cầm mà chưa định tội lỗi bằng một phiên xử công khai đã cho ta thấy pháp luật triều Lý tôn trọng nhân quyền, đây có thể nói là bước đầu tiên công nhận nhân quyền trong lịch sử nước ta vậy. Quan niệm tôn trọng nhân quyền đã được Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền công nhận và đã ghi: “Phàm ai bị cáo về một tội phạm gì đều được đoán coi như là vô tội, cho đến khi tội trạng ấy được chứng minh rõ rệt trang một vụ xử công khai có đủ hết đảm bảo cho bị cáo về quyền bào chữa.” Quan niệm tôn trọng nhân quyền là một đặc điểm mới mẻ trong pháp luật hiện đại, như vậy chúng ta nhận thấy pháp luật triều Lý đã vượt qua thời đại, đó quả là một đặc điểm đáng lưu ý trong pháp luật nhà Lý. Có thể nói rằng do ảnh hưởng của triết lý Phật giáo về việc tôn trọng nhân phẩm của con người vậy.

Ảnh hưởng Phật giáo còn thấy rõ trong việc áp dụng quan niệm “Sám hối” vào chính sách hình sự để xử tội phạm nhận. Sám hối là quan niệm cho rằng một người khi đã phạm phải một lỗi lầm thì có thể ăn năn và cố gắng tìm cách chuộc tội với ước nguyện sẽ không tái phạm nữa. Chính sự hối cải sẽ giúp họ trở về đường ngay nẻo chánh và khiến họ có thể giúp được xã hội gây lại một trật tự ổn cố hơn. Do quan niệm về sám hối, chính sách hình sự của pháp luật triều Lý đã áp dụng chính sách cải hoá tội nhân, chính sách này được thể hiện một cách rõ ràng nhất qua chỉ thị của vua Lý Thánh Tông về việc xử các tội nhân một cách khoan hồng không kể nặng hay nhẹ: “Năm 1064, ….. .. một cách khoan hồng cả.” (đã dẫn ở trên)

Chính sách cải hoá tội nhân là một chính sách mới phát triển ở Âu Mỹ vào thời cận kim. Theo quan niệm của chính sách này thì các phạm nhân được coi như là một nạn nhân của xã hội. Do đó, đối với các phạm nhân, nhà cầm quyền không nên dùng những hình phạt quá nghiêm khắc như thể loại họ ra khỏi xã hội, nhà cầm quyền cần phải xét xử các phạm nhân như là một bệnh nhân cần phải được chữa trị, vì vậy, các sự trừng phạt phải được cân nhấc và ấn định một cách hợp lý và nhân đạo để giúp họ sám hối và hối cải tội lỗi.

III. Hiệu quả của pháp luật triều Lý

Nói tóm lại, pháp luật triều Lý đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo rất nhiều, nhất là ở các điểm khoan hồng và nhân đạo đối với phạm nhân. So sánh với các nền pháp luật trong thời đại đó, chúng ta thấy các nước phong kiến khác đều áp dụng những hình phạt rất nặng nề và ác nghiệt, nhất là đối với tội phản nghịch chống chế độ của vương quyền đương thời. Trong khi nền pháp luật triều Lý đã áp dụng một nền pháp luật nhuốm đượm một tinh thần rộng rãi và khoan dung. Đó là do sự ảnh hưởng lòng từ bi của đạo Phật, vì như chúng ta đã biết dưới thời Lý, Phật giáo được tôn sùng và ảnh hưởng sâu đậm vào các tầng lớp vua chúa, quí tộc cũng như trong dân chúng. Nhất là trong dân gian, Phật giáo có ảnh hưởng rất tốt, các hành động phi pháp được giảm bớt, hành vi tàn bạo ít dần, là do những quan niệm từ bi hỉ xả, và những hành động ăn năn, sám hối tội lỗi vẫn được thực hành luôn luôn trong đời sống hàng ngày. Do vậy, nên qua các triều đại Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông là những triều đại thịnh trị nhất, mà bằng chứng cụ thể là năm 1054, Lý Thánh Tông đã xuống chiếu đốt bỏ các hình cụ trừng phạt nhân dân, đó là biểu trưng cho một sự ổn định quốc gia mà luật pháp đã giữ một vai trò quan trọng vậy.

Nhờ áp dụng chính sách khoan dung trong pháp luật, nên triều đại nhà Lý đã thu phục được nhân tâm. Thật vậy, trong nhân dân ai ai cũng hướng về Lý triều với lòng khâm phục về chính sách cai trị dân, nên triều Lý đã kéo dài trên hai thế kỷ (1010 – 1225) và trong suốt hai thế kỷ đó đế nghiệp nhà Lý rất vững vàng, nhân dân sống trong cảnh ấm no và an lạc. Do đó, nên khi thời cuộc đổi thay, nhà Trần chiếm ngôi vua của họ Lý vào năm 1225 dưới thời Lý Chiêu Hoàng, triều Lý đã đi vào lịch sử, mà trong quần chúng nhân dân vẫn còn lưu luyến  tiền triều; trong dân gian, người dân đã diễn tả tâm trạng lưu luyến ấy qua hai câu ca dao sau đây:

“Trống chùa ai đánh thùng thùng,  
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng.”
(Ca dao)

KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu pháp luật triều Lý, chúng ta đã thấy được một quá khứ vinh quang của dân tộc trong suốt thời đại nhà Lý. Triều đại nhà Lý đã cho chúng ta thấy rõ một sinh lực dồi dào của truyền thống dân tộc là sẵn sàng hy sinh để chống lại sự xâm lăng và âm mưu thôn tính đất nước Việt Nam của ngoại bang.

Tinh thần chống ngoại xâm được biểu lộ rõ rệt trong việc Lý Thường Kiệt đem quân đánh ba châu Khâm, Liêm, Ung của Trung hoa mà dân chúng  Việt Nam đã khen tặng qua hai câu ca dao sau đây:

“Đem chuông đi đánh xứ người,
Chẳng kêu cũng đánh vài hồi lấy danh.”
(Ca dao)

Sài Gòn, tháng Giêng năm 1971.

Theo NGUYỄN VÍNH THƯỢNG / ĐẠO PHẬT NGÀY NAY

Tags: ,