5 vụ nghe lén nổi tiếng do Liên Xô tiến hành thời Chiến tranh Lạnh

Trong trò chơi nghiệp vụ với phương Tây, tình báo KGB (Liên Xô) cao tay hơn, cấy được nhiều rệp nghe lén vào cơ sở của đối phương trong thời gian dài.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Leonid Shebarshin – từng đứng đầu Tổng cục 1 của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), nói rằng “Những thành công lớn của chúng tôi sẽ chỉ được công bố sau khi chúng tôi hứng chịu một thất bại lớn. Thành công thực sự của chúng tôi sẽ được công khai hóa không sớm hơn 50 năm nữa.”Các chiến dịch tình báo thành công của Liên Xô dường như đã là chuyện của dĩ vãng, còn cơ quan tình báo hiện nay của Nga dường như không được thành công bằng.

Chiến dịch “Thông tin Thời đại chúng ta”

Tình báo Xô viết tiến hành chiến dịch này vào đầu thập niên 1930, khi mục tiêu quan trọng nhất của họ là các tổ chức lưu vong chống Liên Xô. Đa số các tổ chức này đều bị theo dõi, thậm chí có những tổ chức do điệp viên Xô viết tạo ra.

Tổ chức Chiến binh Lưu vong Trắng của Liên minh Toàn quân sự Nga (ROVS) nằm ngoài tầm với của Moskva trong thời gian dài. Nhưng rồi xuất hiện một nhân vật với bí danh Ivanov, cùng một ngôi nhà ở Paris đóng vai trò trụ sở ROVS. Một điệp viên của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (viết tắt tiếng Nga là NKVD) đã liên lạc với Ivanov vào năm 1929 và ông này đồng ý giúp đỡ NKVD.

Bắt đầu vào tháng Giêng 1934, các thiết bị nghe lén lâu dài đã được cài đặt để theo dõi các cuộc nói chuyện tại trụ sở ROVS. Điều này giúp tình báo Xô viết thu thập chi tiết về hoạt động của tổ chức Nga kiều này.

Mối liên hệ với Ivanov tạm thời bị gác lại vào thời điểm ngay trước lúc Đức Quốc xã chiếm đóng Pháp, nhưng Ivanov vẫn bị lộ tẩy. Mật vụ Đức Gestapo truy nã Ivanov và bắt giữ ông vào tháng 6/1942. Hai năm sau ông bị chúng xử bắn. Mãi đến cuối thập niên 1980 người ta mới phát hiện ra rằng Ivanov là Sergei Nikolaevich Tretyakov, một thành viên hàng đầu của cộng đồng người Nga lưu vong.

Nghe lén Tổng thống Mỹ Roosevelt ở Tehran

Trước hội nghị lãnh đạo Đồng minh ở Tehran, phía Đức đã xây dựng một kế hoạch ám sát các lãnh đạo Liên Xô, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, tình báo Xô viết đã kịp thời bóc trần kế hoạch của phát xít Đức.

Một nhóm do điệp viên Xô viết Gevork Vartanian phụ trách đã lật tẩy tất cả các phần tử Quốc xã đóng ở Iran. Kết quả, hơn 400 điệp viên Đức đã bị sa lưới chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị tam cường này. Vì mục đích an toàn, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã ở lại bên trong Đại sứ quán Liên Xô mặc dù Đại sứ quán Anh chỉ nằm bên kia con phố.

Sau đó, Đại tá KGB Oleg Gordievsky – kẻ đào tẩu sang phương Tây, đã mô tả vụ này như thể NKVD muốn lừa Franklin D. Roosevelt sang nơi ở của công dân Liên Xô nhằm mục đích nghe lén các cuộc hội thoại của người Mỹ.

Tuy nhiên, các tài liệu được giải mật vào năm 2000 chỉ ra rằng Roosevelt có thể đã chủ động lựa chọn Đại sứ quán Liên Xô do muốn tránh để cho lãnh tụ Stalin có lý do để nghĩ rằng Mỹ và Anh đang có mưu mô đằng sau lưng Liên Xô. Là một chính trị gia dạn dày kinh nghiệm, Roosevelt hẳn là thừa hiểu rằng cả người Anh và Liên Xô đều sẽ nghe lén ông. Do vậy, ông có thể đã kiềm chế để không bộc lộ quá nhiều bí mật.

Rệp điện tử cài vào Quốc huy Mỹ

Mối quan hệ Xô-Mỹ xấu đi nhanh chóng sau khi kết thúc Thế chiến 2, nên thông tin về Mỹ trở nên đặc biệt có giá trị đối với Moskva. Tình báo Nga do đó đã đưa Đại sứ quán Mỹ ở Moskva vào tầm ngắm. Một mẹo đặc biệt đã mang lại cho họ thành công lớn.

Một con rệp điện tử mang tên Chrysostom (nghĩa là Miệng vàng) được gửi tới Đại sứ quán Mỹ. Con rệp này được cấy trong một món quà của Đội Thiếu niên Tiền phong Liên Xô, đó là bản sao một tấm Quốc huy Mỹ khắc bằng gỗ. Món quà lưu niệm đẹp đến nỗi Đại sứ Mỹ đã treo nó lên tường văn phòng của mình.

Nhờ có Chrysostom, trong 7 năm, chính phủ Liên Xô biết được các kế hoạch của Đại sứ Mỹ trước cả khi chúng tới được bàn làm việc của Tổng thống Mỹ.

Chrysostom tồn tại qua 4 đời đại sứ Mỹ ở Liên Xô. Đồ đạc thay đổi nhưng con rệp điện tử này vẫn ở nguyên trên tường phòng làm việc của Đại sứ. Cuối cùng người Mỹ cũng phát hiện ra con rệp vào năm 1952, khi họ điều biến được tín hiệu radio của nó. Ban đầu người Mỹ còn không nhận thấy con rệp được giấu bên trong hình đại bàng trên Quốc huy Mỹ.

Con rệp không có pin, đó chỉ là một buồng cộng hưởng với mặt trước linh hoạt đóng vai trò như bộ phận điều chỉnh ánh sáng vào máy ảnh, có tác động thay đổi kích cỡ của buồng này khi sóng âm thanh tác động vào nó. Rệp này được vận hành bằng sóng radio từ một tòa nhà bên kia phố.

Các con rệp ở Moskva và hơn thế nữa

Vào tháng 1/1983, trong khi sửa một máy điện báo tại đại sứ quán nước mình ở Moskva, người Pháp phát hiện ra một thiết bị lạ cấy bên trong, được thiết kế để chuyển thông tin sang một lưới bên ngoài. Một cuộc điều tra cho thấy KGB đã và đang chặn thu các bức điện của các nhà ngoại giao Pháp kể từ năm 1978. Năm 1984, một kỹ thuật viên thuộc tình báo Xô viết đã cấy các con rệp vào 30 máy đánh chữ dành cho Đại sứ quán Mỹ ở Moskva. Cơ quan tình báo KGB cũng tích cực cài rệp điện tử vào tòa đại sứ Mỹ mới ở Moskva khi tòa nhà này trong quá trình xây dựng vào năm 1979.

Một số yếu tố của các thiết bị nghe lén đã được gắn vào trong kết cấu tòa nhà, khiến cho người ta cực kỳ khó phát hiện ra các thiết bị đó. Tuy nhiên, người Mỹ vẫn phải xoay sở để tìm ra vài con rệp như thế.

Người Liên Xô không giới hạn việc cài rệp điện tử vào đất Nga. Các điệp viên Xô viết ở Beirut đã cấy một thiết bị thu âm trong văn phòng Đại sứ Ạnh vào tháng 1/1966. Vào tháng 2 cùng năm đó họ đã đặt máy nghe lén đối với văn phòng nhân viên Cơ quan Tình báo Mật (của Anh, viết tắt là MI6). Đây là chiến dịch Ruby.

Kết quả là, năm đó tình báo Liên Xô đã bóc gỡ được hơn 50 điệp viên MI6 ở Trung Đông và Ai Cập, và nhận diện được 6 người mà Anh cấy vào KGB, Tổng cục Quân báo Liên Xô (GRU), và cơ quan an ninh Tiệp Khắc.

Vào cuối năm 1969, đội KGB ở New York đã cài máy nghe lén tại phòng hội nghị của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, giúp nhóm KGB này tiếp cận được mọi thứ được thảo luận ở đó trong 4 năm.

Đôi tai Cuba của Liên Xô

Vào ngày 25/4/1975, với sự phê chuẩn của chính phủ Cuba, Liên Xô bắt đầu xây dựng một trạm chặn thu tín hiệu radio trên cơ sở tòa nhà GRU ở Lourdes, vùng ngoại ô thủ đô La Havana. Trạm này được trang bị một antenna cố định dài 12m và một thiết bị thu động dài 7m lắp trên xe tải.

Các antenna này chặn bắt các tín hiệu sóng vi ba gửi từ vệ tinh Mỹ xuống cũng như kiểm soát liên lạc giữa các tháp truyền phát vi ba.

Với hỗ trợ của người Cuba, Liên Xô có khả năng bố trí thiết bị nghe lén nhằm vào Mỹ và chặn thu các tín hiệu radio gửi đi trên lãnh thổ nước này. Liên Xô thỉnh thoảng nâng cấp các thiết bị trong trung tâm của họ và vào thập niên 1990 họ có khả năng theo dõi vệ tinh liên lạc.

Nikolai Leonov, nguyên là trưởng cục phân tích của KGB, nói: “Lượng thông tin thu thập được với sự giúp đỡ của trung tâm là khổng lồ. Thậm chí cả đàm thoại qua điện thoại giữa các trạm bên đường cũng bị theo dõi, chưa nói tới các sự kiện lớn như là phóng tên lửa và khả năng theo dõi đường bay của tên lửa”.

Nga đã đóng cửa căn cứ Lourdes vào năm 2002. Một vài hãng truyền thông đồn đoán rằng Nga có thể khôi phục lại hoạt động ở Cuba nhưng cho đến nay đấy vẫn chỉ là đồn đoán.

Theo VOV

5 vụ nghe lén nổi tiếng do Liên Xô tiến hành thời Chiến tranh Lạnh

Tags: , , ,