25 cuốn sách làm thay đổi lịch sử thế giới

Tất cả những ai đọc sách đều biết rằng một cuốn sách có thể làm thay đổi cuộc đời mình. Nhưng với cuộc đời của cả một thế hệ thì sao? Liệu một cuốn sách có thể làm thay đổi được tương lai hay không?

25 cuốn sách làm thay đổi lịch sử thế giới

Miriam Tuliao, trợ lý giám đốc bộ phận phát triển các sưu tập cốt yếu tại Thư viện Công cộng New York, đã giúp chúng ta lập nên một danh sách gồm 25 cuốn, 25 tựa sách có một tầm ảnh hưởng rất lớn đã làm thay đổi tiến trình của lịch sử.

Dưới đây là danh sách những tác phẩm này, chúng được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

“Aesop’s Fables” (Truyện ngụ ngôn Ê-dốp) – Aesop

Được cho là có xuất phát điểm vào khoảng giữa những năm từ 620 đến 560 trước Công nguyên

“Aesop’s Fables” là tập hợp những câu truyện mang ý nghĩa răn dạy người nghe các bài học trong trường đời. Những câu truyện ngụ ngôn này thường được cho rằng là của một nô lệ Hy Lạp thời cổ đại và người kể lại có tên là Aesop (tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn còn tranh cãi về nguồn gốc của những câu truyện ngụ ngôn này).

Cho đến nay, những câu truyện ngụ ngôn của Aesop vẫn còn là những bài học quan trọng về đạo đức và đã có một tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nền văn học và trong những câu truyền miệng phổ biến, ví như “sói đội lốt cừu”, “ba lần gặp sói”, “ngỗng đẻ trứng vàng” và nhiều truyện khác nữa.

“The Analects of Confucius” (Luận ngữ) – Confucius (Khổng Tử)

Được cho rằng Khổng Tử và các học trò đã biên soạn đâu trong khoảng từ năm 475 đến năm 221 trước Công nguyên

Còn được biết dưới cái tựa đơn giản là “Sách văn tuyển” hoặc “Luận ngữ”, cuốn sách này là tập hợp những lời nói của người đương thời và tư tưởng của Khổng Tử – triết gia người Trung Quốc – về cách sống của người quân tử mà như Khổng Tử viết trong sách là “cách làm người”.

“Luận ngữ” gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên, và các thiên không có liên hệ với nhau.

Ngày nay, “Luận ngữ” vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến nền triết học và đạo lý phương Đông, nhất là ở Trung Quốc.

“Anne Frank: The Diary of a Young Girl” (Nhật ký Anne Frank) – Anne Frank

Xuất bản năm 1947

Cuốn sách là một tập hợp những trang nhật ký của Anne Frank, một thiếu nữ đã cùng với gia đình lẩn trốn bọn lính quốc xã chiếm đóng Hà Lan trong hai năm. Lính Đức đã phát hiện ra gia đình cô và họ bị bắt vào năm 1944. Anne Frank chết vì bệnh sốt phát ban tại trại tập trung Bergen-Belsen.

Kể từ khi được phát hành, “Nhật ký Anne Frank” đã được dịch sang hơn 60 ngôn ngữ và vẫn còn là một trong những tài liệu quan trọng về Thế chiến thứ II ở châu Âu được biết đến nhiều nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất.

“The Art of War” (Binh pháp Tôn Tử) – Sun Tzu (Tôn Tử)

Được viết trong khoảng thời gian từ năm 600 đến năm 500 trước Công nguyên

“Binh pháp Tôn Tử” là bộ binh thư của Tôn Tử (tên tục là Tôn Vũ) – thượng tướng quân, đồng thời cũng là quân sư của Ngô Vương. Bộ binh pháp được tôn xưng là Tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại, bao gồm 13 thiên, mỗi thiên đề cập đến một lĩnh vực trong quân sự, ví dụ như về cách dùng gián điệp, phán đoán tình huống, tu dưỡng tướng soái,…

Ngày nay, cuốn sách vẫn còn có một tầm ảnh hưởng rất lớn ở cả phương Đông lẫn phương Tây, những bài học của nó về làm thế nào để khôn khéo hơn đối thủ không những được áp dụng trong quân sự mà còn trong cả kinh doanh và thể thao.

“Bury My Heart at Wounded Knee” (tạm dịch: Hãy chôn trái tim tôi trên trận địa Wounded Knee) – Dee Alexander Brown

Xuất bản năm 1970

“Bury My Heart at Wounded Knee” viết về những sự kiện xảy ra của thổ dân da đỏ ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đặc biệt là về sự bất công và bất tín của chính phủ Hoa Kỳ cũng như về việc các thổ dân bị ép phải di chuyển đến vùng đất mới.

Cuốn sách này được tái bản liên tục và đến nay đã được dịch sáng 17 thứ tiếng. Thông qua những hồ sơ lưu trữ của chính phủ và những bản báo cáo của thống đốc bang, Brown đã và sẽ tiếp tục tiết lộ về cuộc tàn sát cả một tộc người trong nỗ lực “giành lấy” miền tây nước Mỹ.

“The Communist Manifesto” (Tuyên ngôn Cộng sản) – Karl Marx & Friedrich Engels

Xuất bản ngày 21/2/1848

Đây là tác phẩm của hai nhà lý thuyết cộng sản nổi tiếng nhất trong lịch sử. Cuốn sách bàn đến cuộc đấu tranh giai cấp, những vấn đề trong chế độ tư bản và khả năng tiềm tàng của chủ nghĩa cộng sản trong tương lai.

Mặc dầu bản tuyên ngôn không gây ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng nó đã có tiếng vang đối với giai cấp vô sản trên khắp châu Âu, Mỹ và Nga với lời kêu gọi “Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại!” Ngày nay, nó vẫn còn tiếp tục gây tác động đến các đảng phái chính trị và được nghiên cứu trên toàn thế giới.

“A Dictionary of the English Language” (Từ điển tiếng Anh) – Samuel Johnson

Xuất bản năm 1755

Hợp tuyển này bao gồm 4.000 mục từ điển hình nhất, thú vị nhất và có sức hấp dẫn mang tính lịch sử nhất trong tiếng Anh. Nó trải rộng từ trang phục, thực phẩm đến khoa học, tình dục và nhiều lĩnh vực khác nữa, tất cả đều có cách phát âm gốc và dẫn các ví dụ từ tác phẩm của Shakespeare và Milton.

”A Dictionary of the English Language” được Jane Austen, Charles Dickens, ba chị em nhà Brontë và nhiều nhà văn khác nữa sử dụng, do đó nó không chỉ có ảnh hưởng trong nền văn học cổ điển mà còn tiếp tục là lựa chọn của các nhà văn, học giả, chính trị gia và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu tiếng Anh.

“The Feminine Mystique” (tạm dịch: Bí ẩn tâm lý nữ giới) – Betty Friedan

Xuất bản năm 1963

Hồi đó, khi mà hầu khắp phụ nữ được xã hội công nhận đều sẽ trở thành những bà nội trợ thỏa mãn với công việc của mình, Betty Friedan đã công khai phản đối nền văn hóa, việc quảng bá những quan điểm mới và tình trạng ghét bỏ giới nữ trong tác phẩm “The Feminine Mystique” của mình – một cuốn sách tập trung khai thác nội tâm rối loạn của những người phụ nữ trên đất Mỹ.

Cuốn sách đã nhen lửa cho làn sóng nữ quyền lần thứ hai thông qua những lời khuyến khích phụ nữ phải biết nhìn xa vượt hẳn ra ngoài cuộc sống hôn nhân và chức năng làm vợ, làm mẹ của mình và thách thức những tiêu chuẩn đạo đức truyền thống về thói gia trưởng.

“Hiroshima” – John Hersey

Xuất bản năm 1946

Được sáng tác bởi nhà văn đoạt giải Pulitzer John Hersey, “Hiroshima” kể về cuộc đời của sáu con người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật vào ngày 6/8/1945. Ký ức của sáu người này cho người đọc biết về những sự mất mát lớn lao, nỗi kinh hoàng khủng khiếp và lòng dũng cảm khôn cùng.

40 năm sau, Hersey trở lại Hiroshima để tìm kiếm những người sống sót mà ông đã phỏng vấn hồi đó và tìm hiểu số phận của họ. Cuốn sách sẽ tiếp tục có tác động đến những thế hệ trong tương lai về việc suy tính xem có nên sử dụng bom nguyên tử trong các cuộc chiến trên thế giới hay không và những hệ quả của sự thiêu hủy hàng loạt bởi một vụ nổ hạt nhân trong thế giới thực sẽ là như thế nào.

“How the Other Half Lives” (tạm dịch: Nửa kia sống thế nào?) – Jacob Riis

Xuất bản năm 1890

Khoảng thời gian vào cuối thế kỷ 19 không phải là thời điểm tốt cho giai cấp vô sản ở New York. Họ sống trong những tòa chung cư dơ dáy, và nhà báo Jacob A. Riis đã giao cho mình nhiệm vụ phải làm sao cho giới thượng lưu và trung lưu thấy được những điều kiện hiểm nguy mà người nghèo phải đối mặt hàng ngày là nhiệm vụ thông qua những biểu đồ, các bản phác họa, những số liệu thống kê và những bức hình chụp của mình.

“How the Other Half Lives” không những đã hối thúc việc thực thi những biến chuyển rõ rệt trong các trường học, công xưởng bóc lột sức lao động của nhân công và các tòa chung cư ở khu Lower East Side mà còn là nền tảng cho nghề viết báo “xoi mói” trong tương lai.

I Ching: The Book of Change (Kinh Dịch: Quyển Kinh về biến dịch)

Khởi nguyên vào thiên niên kỷ thứ 3 hoặc thứ 2 trước công nguyên

Còn được biết với cái tên ngắn gọn “Kinh Dịch”, tác phẩm này được coi là một lời sấm và là một cuốn sách kinh điển rất lâu đời của người Trung Hoa.

Điểm mấu chốt trong Kinh Dịch ấy là có thể nhận thức được bằng giác quan – không chỉ Khổng giáo và Lão giáo có chung căn nguyên ở đây mà cho đến nay mọi người trên toàn thế giới vẫn còn sử dụng nó để gieo quẻ dự đoán tương lai.

“Incidents in the Life of a Slave Girl” (tạm dịch: Những việc xảy ra trong đời một nữ nô lệ) – Harriet A. Jacobs

Xuất bản năm 1861

Câu chuyện kể của cô nô lệ này là những lời mô tả tỉ mỉ theo thời gian về chính cuộc đời nô lệ của Jacobs. Tác phẩm đưa ra những bằng chứng rõ ràng về nạn ngược đãi giới tính kinh hoàng mà những nữ nô lệ phải đối mặt: bị cưỡng hiếp, áp lực phải thực hiện giao cấu từ lúc còn rất nhỏ tuổi, mang bán con mình và mối quan hệ giữa những nữ nô lệ với bà chủ của mình.

“The Jungle” (tạm dịch: Rừng rậm) – Upton Sinclair

Xuất bản năm 1906

“The Jungle” mô tả cuộc sống nghèo khổ trong các nhà xưởng Chicago cực kỳ sinh động – điều kiện làm việc khốn nạn, nỗi kinh hoàng của “lò sát sinh”, cảnh bần cùng cơ cực và nỗi tuyệt vọng là những thứ mà người công nhân phải thường xuyên đối mặt hàng ngày.

Upton Sinclair, một nhà báo người Mỹ, viết cuốn sách nhằm nâng cao nhận thức cho những di dân đến Mỹ. Tác phẩm đã khích động quan điểm quần chúng và dẫn đến một cuộc điều tra nhà nước bắt buộc và sau cùng dẫn đến sự biến chuyển trong các điều luật về thực phẩm thuần túy.

The King James Bible (Thánh Kinh Vua James)

Hoàn tất năm 1611

Cuốn thánh kinh Vua James là một bản dịch tiếng Anh cuốn Kinh Thánh Cơ Đốc được đặc biệt thực hiện cho Giáo hội Cơ đốc Anh với nỗ lực nhằm phản ánh cơ cấu của giáo hội mới và đức tin của giáo hội dành cho một tu sĩ được phong chức.

Mặc dù lúc khởi thủy cuốn thánh kinh được dịch là để dành cho Giáo hội Cơ đốc Anh, nhưng bản dịch đã gây ảnh hưởng đến các giáo phái mới, chẳng hạn như Giáo hội Trưởng lão, giáo phái Quaker, Tin Lành và những thuộc địa của Anh ở tân thế giới. Hiện nay, cuốn thánh kinh vẫn còn được coi là một kỳ công đầy ấn tượng trong thơ ca, trong các áng văn xuôi cũng như về dịch thuật.

“Narrative of the Life of Frederick Douglass” (tạm dịch: Câu chuyện kể về cuộc đời của Frederick Douglass) – Frederick Douglass

Xuất bản năm 1845

Là một trong những tự truyện của một cựu nô lệ được nhiều người biết đến nhất, “Narrative of the Life of Frederick Douglass” mô tả cuộc đời nô lệ của chính Douglass, sự đấu tranh giành lấy tự do cho bản thân và những điều khủng khiếp mà “ông chủ” của ông đã thực hiện với ông.

Cuốn sách có ảnh hưởng về cơ bản đến phong trào bãi nô ở Mỹ, đến nền chính trị ở Anh và Ireland – là hai nơi sau này, Douglass đã diễn thuyết công khai về câu chuyện kể của mình.

“On Liberty” (Bàn về tự do) – John Stuart Mill

Xuất bản năm 1859

Điều gì trong bài tiểu luận ngắn của triết gia người Anh John Stuart Mill đã khiến cho tác phẩm này trở thành một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất về việc đem lại sự tự do cho từng người để có được sự phồn vinh của tất cả mọi người và cuối cùng là nhằm có được sự tiến bộ xã hội. Trong tác phẩm của mình, Mill nhấn mạnh tầm quan trọng của mỗi cá nhân cũng như sự độc lập của họ đối với chính thể.

“On Liberty” vẫn có một tầm ảnh hưởng rộng lớn đến môn khoa học chính trị, triết học và những câu hỏi nó đặt ra về bản chất sự tự do của mỗi cá thể trong một xã hội dân chủ vẫn còn mang tính cấp thiết và vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay.

“On the Origin of the Species” (Nguồn gốc muôn loài) – Charles Darwin

Xuất bản năm 1859

Trong chuyến du hành tới quần đảo Galapagos, Charles Darwin đã phát hiện ra một trong những phát hiện khoa học quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ 19 – Thuyết tiến hóa.

“On the Origin of Species” không những là nền tảng cho ngành sinh học tiến hóa, mà khái niệm tiến hóa và chọn lọc tự nhiên vẫn tiếp tục có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các học thuyết khoa học hiện đại, đến nền chính trị và trong các buổi thảo luận chính thức về tôn giáo, nhất là ở Mỹ.

The Qur’an (Kinh Coran)

Được cho rằng có khởi nguồn vào năm 500 hoặc 600 công nguyên.

Là giáo lý chính yếu của đạo Hồi và được 1,6 tỉ người Hồi trên khắp thế giới đi theo, Thánh kinh Coran được coi là những lời phán truyền của Thánh Alah được tiết lộ cho nhà tiên tri Muhammad (người sáng lập ra đạo Hồi) cách đây 1.400 năm.

Cuốn kinh mô tả những hành động của nhiều nhà tiên tri và những nhà truyền giáo, bao gồm cả những người được nhắc đến trong Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước, chẳng hạn như Adam, Noah, Abraham, Jacob, Moses, và cả Jesus cùng với những môn đồ của Ngài.

“The Republic” (Cộng hòa) – Plato

Xuất bản lần đầu tiên vào khoảng năm 380 trước Công nguyên

“The Republic” được viết dưới dạng đối thoại (hỏi đáp) với Socrates. Phần được biết đến nhiều nhất trong tác phẩm phần Những lời phóng dụ của Plato về cái hang, ở đó tác giả bàn về những ảnh hưởng của nền giáo dục và vai trò của triết gia.

Với những chủ đề về bản chất của sự công bằng, đặc điểm của một nhà nước lý tưởng và phẩm chất nào làm nên một công dân tốt, đến nay, “The Republic” vẫn là một trong những tác phẩm triết học và học thuyết chính trị có tầm ảnh hưởng đến tư duy lớn nhất.

“The Rights of Man” (tạm dịch: Quyền con người) – Thomas Paine

Xuất bản năm 1791

Trong “The Rights of Man” Paine đưa ra lý lẽ biện hộ rằng cách mạng lật đổ nền chính trị phổ biến sẽ được chấp nhận khi nhà cầm quyền không đảm bảo an toàn cho dân chúng hoặc không bảo đảm được quyền lợi tự nhiên của họ, và ông cũng mang đến tư tưởng rằng cách tốt nhất để ngăn chặn cảnh bần cùng là phải thông qua các chương trình có tính can thiệp ví như trợ cấp xã hội và lương hưu cho người cao tuổi.

Trong một vài năm đầu tiên sau khi phát hành, có khoảng trên 100.000 bản (chưa tới 200.000) được tiêu thụ và hiện nay tác phẩm của ông vẫn còn được rất nhiều người tìm đọc. Về sau, những tư tưởng của ông cũng được dùng đến trong các phong trào giành độc lập ở Ireland, Scotland và xứ Wales.

“The Second Sex” (tạm dịch: Giới tính thứ hai) – Simone De Beauvoir

Xuất bản năm 1949

Có ảnh hưởng vô cùng lớn đến làn sóng nữ quyền lần thứ hai, “The Second Sex” cùng một lúc len lỏi qua lịch sử, triết học, kinh tế học, sinh học và những môn học khác nhằm phân tích xem một người “phụ nữ” là như thế nào và tại sao họ lại bị coi là thứ cấp.

Tác phẩm đã chi phối cả một thế hệ nữ giới thời đó thông qua tư tưởng rằng nét nữ tính của một người phụ nữ bị áp đặt bởi một nền văn minh lấy nam giới làm gốc và cho tới nay, nó vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến các phong trào của phụ nữ trên khắp thế giới.

“Silent Spring” (tạm dịch: Mùa xuân im lặng) – Rachel Carson

Xuất bản năm 1962

“Silent Spring” là tác phẩm viết về những hệ quả có hại của thuốc trừ sâu đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người, đồng thời nó cũng kết tội nền công nghiệp hóa chất vì đã lan truyền thông tin không chính xác.

Cuốn sách được công nhận rộng rãi trong việc mở màn cho phong trào bảo vệ môi trường ở Mỹ hiện nay, khuyến khích những thay đổi mang tính cách mạng trong những điều luật ảnh hưởng đến bầu không khí, đất đai và các nguồn nước của chúng ta.

“Tao Te Ching” (Đạo Đức Kinh) – Lao Tzu (Lão Tử)

Được sáng tác trong khoảng từ năm 600 đến 400 trước Công nguyên

Lão Tử là một viên quan trông nom tàng kinh các của triều đình nhà Chu. Ông được coi là người đã viết nên bản văn triết học bàn về việc sống một cuộc đời giản dị và hành động hướng tới lợi ích cao cả hơn.

“Đạo Đức Kinh” không những là khai tổ của Đạo giáo mà nó còn có những mối ràng buộc chặt chẽ với Khổng giáo, đạo Phật nói riêng và cả nền văn hóa Trung Hoa nói chung.

The Torah: The Five Books of Moses (Ngũ Thư: Năm cuốn kinh của Thánh Moses)

Khởi nguồn trong khoảng từ năm 600 đến 400 trước Công nguyên

Ngữ Thư là pháp điển của Do Thái giáo, điển hình là năm cuốn thánh kinh đầu tiên chứa đựng những lời răn dạy của Chúa Trời được viết bằng ngôn ngữ Hebrew chính thống [ngôn ngữ của người Do Thái].

Ngũ Thư (hay “Kinh Cựu Ước”, theo cách gọi của người Cơ Đốc giáo) không chỉ là tài liệu minh chứng quan trọng nhất về những tập tục của người Do Thái mà nó còn có ảnh hưởng sâu sắc đến các tôn giáo, lịch sử và nền văn hóa trên thế giới trong hơn 2.500 năm qua.

“1984″ – George Orwell

Xuất bản năm 1949

Viết về một thế giới không tưởng vô cùng tệ hại gần 40 năm sau Thế chiến, “1984” theo chân nhân vật chính Winston Smith trên bước đường anh cố gắng trốn thoát khỏi cơ quan kiểm duyệt, tuyên truyền và nhà nước áp bức của xã hội theo thuyết vị lai nơi anh đang sống.

Tác phẩm của Orwell có ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ Anh, nó đưa ra những khái niệm mới như Đại ca, Phòng 101, người bị quên lãng, thói ba phải, tối nghĩa và Ban An ninh về văn hóa và tư tưởng. Trong năm 2013, với tình trạng có rất nhiều rò rỉ trong hệ thống giám sát, doanh thu bán hàng của tác phẩm này tăng nhảy vọt, tới 7.000% .

Theo BOOKAHOLIC.VN / BUSINESS INSIDER 

Tags: