Giới trí thức nửa mùa và tác hại của họ với xã hội

Giới trí thức nửa mùa thường có thái độ hung hăng khi bàn về các vấn đề xã hội. Họ cho rằng mình là giai tầng đứng trên quần chúng và nói chung là đứng trên tất cả mọi thứ khác nữa. Giai tầng này có thói kiêu ngạo tập thể đặc thù và rất mạnh.

Tác giả: Iu. F. Oleshuk, phó tiến sĩ sử học, cộng tác viên cao cấp Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga. Bài đăng trên tờ Tư tưởng tự do thế kỷ 21.

Trích bản dịch của Phạm Nguyên Trường

Ở nước Nga, trong thế kỷ 20 đã hình thành một tầng lớp xã hội, được coi là trí thức, nhưng trên thực tế lại không phải là như thế. Chính các đại diện của tầng lớp này, chứ không phải giới trí thức, đã đóng vai trò chủ  yếu trong những cuộc cải cách đầy tai họa hồi những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ vừa qua. Đấy là tầng lớp trí thức nửa mùa.

Theo tôi tầng lớp trí thức nửa mùa được hình thành từ một kiểu người đặc biệt và tương đối phổ biến. Trước hết đấy là người có học, có văn hóa, lại thường giữ chức vụ chứng tỏ những phẩm chất đó của anh ta. Nhưng nếu tiếp xúc lâu ta sẽ thấy: trình độ học vấn, kiến thức của anh ta không nhiều, nhu cầu văn hóa cũng thiếu hụt. Thực chất, dù có mang một vẻ hào nhoáng trí thức bên ngoài thì đấy cũng chỉ là một “kẻ thất phu” mà thôi.

Vâng, như một người trí thức, dĩ nhiên là anh ta quan tâm đến công việc xã hội. Tầm hiểu biết của anh ta dường như cũng vượt ra khỏi các nhu cầu và tính toán cá nhân nữa. Thế gọi là tầm hiểu biết. Thế gọi là có quan điểm về những chuyện đang xảy ra xung quanh! Thường là chỉ ở mức tán nhảm của mấy gã chợ trời mà thôi. Không cao hơn cũng không sâu hơn một tí nào.

Một đặc điểm nữa – cũng là đặc điểm phân biệt anh ta với người trí thức chân chính – hoàn toàn không biết tư duy độc lập về các đề tài xã hội. Không, tư tưởng thì có thể có trong đầu, nhiều nữa là đằng khác, nhưng tất cả đều không phải của mình, tất cả đều là học mót được. Thái độ thuần phục giữ vai trò chủ đạo trong giới trí thức nửa mùa, đấy là quan điểm thịnh hành chung cho cả giai tầng này. Họ theo nó một cách tự tin vì những người này không thể tự nghĩ ra được quan điểm nào khác để thay thế cho nó. Tạo ra thái độ thuần phục là một việc đơn giản. Giới trí thức nửa mùa có đặc điểm là bao giờ cũng phải có thần tượng, những người có uy tín, những nhân vật để mà tôn sùng. Trong nước Nga xã hội chủ nghĩa thời gian qua, khi mà giới trí thức nửa mùa hình thành và phát triển, thì thần tượng của họ thường là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và văn học- những người tích cực về mặt xã hội, có tinh thần phê phán- tranh luận về các vấn đề xã hội. Giới trí thức nửa mùa lĩnh hội quan điểm về hiện thực xung quanh từ những người như thế.

Một đặc điểm nữa của giới trí thức nửa mùa: thái độ hung hăng khi bàn về các vấn đề xã hội. Giới trí thức nửa mùa cho rằng mình là giai tầng đứng trên “quần chúng” và nói chung là đứng trên tất cả mọi thứ khác nữa. Giai tầng này có thói kiêu ngạo tập thể đặc thù và rất mạnh. Từ lâu họ đã tin tưởng rằng chỉ cần giao cho họ – giao cho những người đại diện của họ – quyền lực là mọi tai họa của đất nước sẽ được giải quyết ngay lập tức. Chứ còn gì nữa: họ chẳng phải là người truyền bá kiến thức đấy ư? Chẳng phải là những người có học nhất và thông minh nhất đang đứng trong đội ngũ của họ đấy ư?

Xin ghi nhận một tính chất nữa của giới trí thức nửa mùa: không chịu “tu thân’, đấy là nói theo cách ngày xưa. Không chịu đọc bất cứ một cái gì nghiêm túc, không chịu suy nghĩ một cách rốt ráo về bất cứ đề tài nào. Thường thì công việc tư duy độc lập được thay thế bằng việc nghe lỏm ý kiến và đánh giá của các nhân vật có uy tín và tuân theo một cách vô điều kiện. Có lẽ, ít nhất là một phần, sự lười biếng và thụ động về trí tuệ như thế là do giới trí thức nửa mùa thực sự tin rằng mình đã là trung tâm của kiến thức rồi. Nếu không cần cố gắng mà vẫn là trung tâm thì cố gắng để làm gì?

Cuối cùng, trí thức nửa mùa còn có đặc điểm nữa là tự ái về chính trị, một đặc điểm đương nhiên một khi người ta đã đánh giá mình cao đến như thế. Hóa ra là thế này: chúng tôi biết hết, chúng tôi có thể làm được tất – thế mà chúng tôi bị gạt ra khỏi quyền lực, ở đó chỉ toàn các “quan chức”, “toàn bọn quan liêu ngu dốt”, “tư duy hạn chế”. Đánh giá thấp về người khác và đánh giá quá cao về chính mình đã tạo ra thái độ tự ái về chính trị như một tâm trạng bền vững “nội tại” của giai tầng này. Đau đớn và phẫn nộ là thái độ thường trực của giai tầng đó.

Như vậy là trí thức nửa mùa chỉ là một kẻ giả danh trí thức. Hắn dùng bằng cấp, chức vụ và phô trương thái độ quan tâm đối với các vấn đề xã hội để đóng giả. Hắn đóng giả cả cách giải trí, cả thói đam mê mang tính phô trương về tất cả những gì gọi là “văn hóa” nữa. Đây hóa ra là chỗ dễ phân biệt trí thức nửa mùa nhất.

Thí dụ như trí thức nửa mùa lũ lượt đi nghe hòa nhạc trong nhạc viện. Đương nhiên là họ đặc biệt thèm khát được có mặt tại những buổi biểu diễn được mọi người chờ đợi – hiện diện tại những buổi biểu diễn của những diễn viên ngoại quốc hay nhạc sĩ tài danh. Nhưng sẽ thật thú vị nếu quan sát thái độ của đám trí thức nửa mùa này suốt buổi hòa nhạc đó. Họ cảm thấy cực kỳ chán nản! Đâu đâu cũng chỉ thấy những bộ mặt vô cảm, những ánh mắt đảo khắp khán phòng. Nhưng sau khi kết thúc thì đám đó lại nhiệt liệt vỗ tay, tỏ vẻ ngưỡng mộ, tôn kính diễn viên (nhạc sĩ). Có thể thấy bức tranh tương tự như thế trong một buổi triển lãm nghệ thuật có uy tín nào đó. Xếp hàng thì chen nhau, trong phòng thì uể oải, còn khi kết thúc thì lại tỏ ra ngưỡng mộ.

Xin đưa ra một phác thảo nữa – về khát vọng (giả tạo) của giới trí thức nửa mùa trong việc tìm hiểu hiện tình, nhu cầu và đặc điểm của đất nước. Nói rằng đấy là việc quan trọng thì trí thức nửa mùa lúc nào cũng sẵn sàng. Nhưng làm việc một cách nghiêm túc thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Thí dụ: cuối những năm 1980 có quyết định in toàn bộ tác phẩm của V. Kliuchevski (1) và S.Solovjov (2), hai nhà sử học lớn nhất của nước Nga trước cách mạng. Lạy Chúa tôi, tầng lớp trí thức nửa mùa đã bị kích động đến mức nào! Họ đã tỏ ra hân hoan, tuy có hơi sớm, đối với các tác giả, đặc biệt là đối với Kliuchevski, đến mức nào. Vì họ đã nghe nói ở đâu đó: đây là một nhà tư tưởng đặc biệt, một người hiểu rõ quá khứ của nước Nga. Thế là giới trí thức nửa mùa tìm mọi cách đăng ký mua. Mua bán trao tay, còn bọn đầu cơ thì hét giá đến 300 thậm chí 400 rub, một khoản tiền lớn thời đó. Mua được – rồi sao? Trong hàng chục người đã đăng ký (tất cả đều là những trí thức cả về học vấn lẫn địa vị, một số còn là những nhà hoạt động văn hóa nữa) tôi chưa thấy một người nào đọc! chưa một người nào! Mua về, đặt lên chỗ dễ thấy nhất – cho mọi người nhìn – thế là hết. Họ hết sức tự hào vì đã mua được những trước tác vĩ đại như thế. Lịch sử thì họ đã và vẫn đọc, nhưng không phải là thứ “nặng” như thế, chỉ là những cuốn sách phổ thông mà thôi.

Độc giả có thể thắc mắc: đấy có phải là một giai tầng không? Có phải là một lực lượng chính trị, lực lượng xã hội không? Có thể đấy chỉ đơn giản là những người có học vấn trung bình mà ở đâu, đất nước nào, xã hội nào chả có? Đúng thế, ở đâu cũng có. Nhưng ở nước ta từ nửa sau thế kỷ 20 họ đã tạo thành một lực lượng chính trị, lực lượng xã hội. Họ không còn là những cá nhân trôi nổi trong xã hội nữa. Tại sao?

Thứ nhất, họ đông đảo đến mức kinh ngạc. Lý do, theo tôi, là sự vội vã trong việc đào tạo hàng loạt, cụ thể là việc phát triển một cách ồ ạt, mang tính bề nổi các trường đại học – chuyên tu, tại chức… mà ngay chính quy hóa ra cũng “chưa đủ tầm”. Rất nhiều người có bằng đại học, mà cùng với bằng cấp là quyền lực tự coi là trí thức. Nhưng trên thực tế đấy chỉ là “nửa vời”. Thứ hai, điều này cũng không kém phần quan trọng, như đã nói bên trên, giai tầng này có thói kiêu ngạo chính trị: “Nếu có quyền chúng tôi có thể làm được hết”. Nguyên nhân của thái độ như thế không phải là điều bí mật. Một mặt, đấy là thái độ bất bình với môi trường sống đang ngày càng gia tăng trong toàn xã hội. Mặt khác, đấy là nhận thức cho rằng mình (do đông người và những quan niệm hời hợt) là một lực lượng mà “không có việc gì là khó” cả. Chỉ có những kẻ có suy nghĩ hời hợt mới có thái độ tự tin như thế vì họ quan niệm tất cả mọi thứ trên đời đều đơn giản… Do đó mà trong khoảng giao thời những năm 1980-1990 trong tâm trạng xã hội, bên cạnh tâm lý bất mãn chung đối với cuộc sống lại xuất hiện một xu hướng tự tin rất mạnh mẽ rằng dường như mọi việc đều cực kỳ đơn giản, có thể hoàn chỉnh và sửa chữa một cách dễ dàng. Niềm tin này chính dấu hiệu để phân biệt trí hức nửa mùa và cũng là ngọn cờ chiến đấu của họ.

Gorbachev rất tin tưởng vào những khuyến nghị về kinh tế của Viện Kinh tế và Giám đốc viện là Viện sĩ L. Albalkin – một chuyên gia rất sâu sắc và có uy tín. Một lần Albalkin đến Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế và cay đắng nói rằng Tổng bí thư giao cho ông lập tại Viện một nhóm các nhà kinh tế gia tài năng để tạo thành “túi khôn” cho cải tổ, nhưng sau khi đã lùng khắp cả nước ông vẫn không tìm được ai: “Tất cả đều là các cán bộ tuyên truyền và những người tố cáo chủ nghĩa đế quốc, còn công việc thì chẳng có ai hiểu gì”. Dĩ nhiên đấy là câu chuyện về giới trí thức nửa mùa trong lĩnh vực kinh tế học.
.

Giới trí thức chân chính – những người lao động trí óc nghiêm túc, có nhiều kiến thức và có thói quen suy nghĩ độc lập – hoàn toàn xa lạ với thái độ ngang tàng như thế đối với các vấn đề phức tạp và quan trọng. Nhận thức được rằng mọi việc đều phức tạp và thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng là việc khó khăn, giới trí thức cảm thấy lo lắng và lúng túng. Nhưng trí thức nửa mùa thì, xin nhắc lại, lao vào chiến đấu.

Giai đoạn “cải tổ” ban đầu đã trở thành chất xúc tác cho các hoạt động chính trị và cải cách của giới trí thức nửa mùa. Đất nước đang cần những thay đổi to lớn và nhanh chóng, đặc biệt là về kinh tế. M. Gorbachev, sau khi nhận thức được rằng những biện pháp thận trọng ban đầu sẽ không đem lại hiệu quả, buộc phải hướng về giới trí thức nửa mùa, phải dùng những kẻ đang khát khao những thay đổi như thế, mà cụ thể là những người làm việc trong lĩnh vực khoa học kinh tế và khoa học xã hội. Nhưng Gorbachev đã nhanh chóng bị rát mặt vì những lời cố vấn của họ. Là một người nhanh trí, ông lập tức nhận ra rằng những lời gợi ý và khuyến nghị của họ thường chỉ có tính cách nghiệp dư và chẳng mang lại kết quả gì, đằng sau cái vẻ khoa học và hiểu biết mang tính trang trí của các cố vấn thì tất cả những khuyến nghị đó chẳng có giá trị gì hết.

Nhân chuyện này tôi muốn quay lại với định nghĩa về giới trí thức. Người ta nói nhiều đến định nghĩa này đúng vào lúc giới trí thức nửa mùa bắt đầu ngoi lên. Giới trí thức nửa mùa đã đưa cuộc thảo luận đến kết luận rằng trí thức là người thiết tha với quyền lợi xã hội, chứ không phải quyền lợi cá nhân hạn hẹp, và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh xã hội. Cách nhấn giọng như thế là có thể hiểu được. Nó ngầm kêu gọi ủng hộ giới trí thức nửa mùa vùng lên chống lại hệ thống, tiến hành đập tan hệ thống. Nhưng xin suy nghĩ thêm về định nghĩa này. “Thiết tha với quyền lợi xã hội” có phải là người trí thức không? Thế thì Hitler cũng được coi là người trí thức: hắn chả “thiết tha” đấy ư! Không, “thiết tha” không thể là tiêu chí được, tiêu chí phải là phẩm chất của cách tiếp cận với các vấn đề xã hội. Kiểu người, phương pháp tư duy, tính nghiêm túc, chiều sâu, trách nhiệm trước các hành động (nó còn là tính đạo đức nữa), kiến thức rộng do lao động miệt mài mà có. Và có thể không phải là vô tình mà người trí thức, tầng lớp trí thức lúc đó đã không được giải thích theo cách đó. Tác giả hoàn toàn không nhớ một trường hợp nào như thế. Nếu có thì giới trí thức nửa mùa đã lập tức bị đẩy ra khỏi tầng lớp trí thức, một giai tầng có uy tín của xã hội, ngay từ lúc đó.

Trí thức nửa mùa mang danh trí thức là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm, chứa đầy tai ương. Khi họ làm những công việc bình thường thì tai họa không phải là lớn (mặc dù dĩ nhiên là vẫn có: kém hiểu biết bao giờ cũng kéo theo hậu quả tiêu cực). Nhưng khi trí thức nửa mùa bắt tay vào làm việc lớn (đúng hơn là kiên quyết giành lấy vì thái độ tự tin của mình) thì tai họa là không thể tránh khỏi.

Mười năm vừa qua đã làm giới trí thức nửa mùa rúng động một cách mãnh liệt nhất, nó đã yếu đi nhiều, đa phần đã “tan đàn xẻ nghé”, chuyển sang những mối bận tâm khác và sử dụng những khả năng khác. Nhưng không được đánh giá thấp “khả năng quay về” đỉnh cao quyền lực chính trị của giới trí thức nửa mùa. Dù chỉ là vì một nhóm, sau khi đã leo lên hồi cuối những năm 1980 – đầu những năm 1990 đang tìm mọi cách bám trụ, đã trở thành xu hướng hữu và cực hữu. Dĩ nhiên là trí thức nửa mùa đang và sẽ còn cố gắng thôi miên xã hội rằng họ biết cách giải quyết tất cả mọi vấn đề. Họ đang nói và còn tiếp tục nói một cách tự tin và xấc xược (hơn nữa, xin nhắc lại, chính họ – đúng hơn là nhiều người trong số họ – tin vào khả năng và sự đúng đắn của mình). Chỉ cần một phần dân chúng tin họ thì đấy sẽ là bi kịch không thể nào sửa chữa được.

Thật đáng tiếc là trong sự nghiệp cải cách, giới trí thức chân chính của chúng ta đã gần như bị giới trí thức nửa mùa say máu đỏ đen và xấc láo đẩy ra ngoài. Rất muốn tin rằng giới trí thức chân chính một lần nữa sẽ quay trở về với vai trò lịch sử của mình.

———————–

Chú thích:

(1) Kliuchevski V.O. (1841-1911) nhà sử học nổi tiếng người Nga.
(2) Solovjov S.M (1820-1879), nhà sử học người Nga, Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Moskva từ năm 1871 đến năm 1877

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG (2009)

Tags: