10 hậu quả khủng khiếp của việc lạm dụng đồ ngọt

Liệu đường có thực sự nguy hại tới sức khỏe? Câu trả lời sẽ đến ngay dưới đây.

>> Những điều cần phải biết về sự nguy hiểm của đường với sức khỏe
.

1. Mỡ hóa nội tạng

Đường fructose được nạp vào cơ thể sẽ được gan trực tiếp xử lý và lưu trữ dưới dạng mỡ. Nếu liên tục nạp fructose trong thời gian dài, xung quanh gan sẽ liên tục tích lũy một lượng mỡ xấu. Vì thế, chẳng cần đến rượu, căn bệnh gan nhiễm mỡ sẽ mau chóng tìm đến bạn.

Làm sao để tránh?

Hãy ngừng uống các loại nước giải khát đóng lon vốn chứa lượng lớn chất làm ngọt cho dù không phải đường nhân tạo. Điển hình có Coca Cola và Pepsi, ngoài nguyên liệu đường mía truyền thống, nước ngọt của 2 thương hiệu này đều chứa một lượng lớn siro ngô với hàm lượng fructose cao. Ngay cả những món sinh tố hoa quả có vẻ rất tốt cho sức khỏe cũng cần được cân nhắc kỹ trước khi nạp vào cơ thể. Bởi về bản chất, fructose chính là loại đường chính tạo nên vị ngọt trong trái cây.

Để kiểm soát lượng fructose hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo nhận được những vitamin có lợi từ trái cây, tốt nhất hãy ăn trực tiếp thay vì chế biến cầu kỳ. Bởi lẽ làm vậy sẽ giúp giữ lại hàm lượng chất xơ có tác dụng giữ cân bằng và duy trì lượng đường fructose ở mức ổn định.

2. “Bán đứng” cho bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu đăng trên tập san khoa học PLoS One, 150 calo đến từ lượng đường trung bình nạp vào cơ thể mỗi ngày sẽ làm tăng tỷ lệ mắc tiểu đường lên 1,1%.

Làm sao để tránh?

Hạn chế các thức uống chứa nhiều đường nhân tạo sẽ là câu trả lời đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết những lon nước đường họ thường uống chỉ chiếm chưa tới 1/3 lượng đường được nạp vào cơ thể mỗi ngày. Lúc này, hãy tự học cách đọc kỹ thành phần trước khi bỏ món hàng ngon lành đó vào giỏ. Phần lớn những “chất độc” ngọt ngào này đang nằm ngoan ngoãn ngay bên trong… tủ lạnh nhà bạn: sốt cà chua, đồ ăn để lạnh, thịt bò khô, sữa chua hay thậm chí… bánh mỳ.

3. Bóp nghẹt tim

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ đã khẳng định, tiểu đường và các bệnh tim mạch có liên quan mật thiết với nhau: Đau tim và đột quỵ chính là 2 nguyên nhân đầu bảng dẫn đến tử vong ở những bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2, chiếm tới 65% các ca tử vong.

Làm sao để tránh?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, phụ nữ chỉ nên dùng 20 gram đường mỗi ngày bên cạnh 36 gram ở đàn ông và 12 gram ở trẻ em. Tuy nhiên, hạn mức này bao gồm lượng đường có trong tất cả các loại thực phẩm nạp vào cơ thể mỗi ngày, tức là nếu đã lỡ cho bé uống 1 lon nước giải khát chứa 12 gram đường, hãy cố gắng đừng để bé ăn thêm bất kỳ loại thực phẩm có đường nào khác, kể cả bánh mỳ.

4. Làm rối loạn cholesterol

Giữa đường và cholesterol trong cơ thể luôn tồn tại một sự liên quan đáng bàn. Một nghiên cứu trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ chỉ ra rằng, những người thường xuyên nạp lượng đường lớn vào cơ thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ cholesterol và mỡ triglyceride trong máu ở mức nguy hiểm. Thêm vào đó, quá nhiều đường sẽ ép gan sản sinh thêm nhiều cholesterol xấu trong khi ức chế khả năng tự phục hồi của cơ thể.

Làm sao để tránh?

Hãy dậy sớm và ăn sáng tử tế. Bỏ bữa sáng cũng là nguyên nhân khiến bạn ngày một béo phì dù vẫn đang trong kế hoạch giảm cân. Ăn sáng đầy đủ cũng giúp duy trì lượng đường huyết trong máu ở mức ổn định.

5. Dẫn đến tiểu đường type 3

Nhà nghiên cứu thần kinh học Suzanne de la Monte từ Đại học Brown đặt ra thuật ngữ “tiểu đường type 3” sau khi nhóm nghiên cứu của bà trở thành những người đầu tiên tìm ra mối liên hệ giữa tình trạng kháng insulin, chế độ ăn nhiều chất béo và bệnh Alzheimer. Trong thực tế, công trình của bà đặt ra giả thuyết Alzheimer là một loại bệnh chuyển hóa, trong đó khả năng sử dụng glucose và sản xuất năng lượng của não bộ bị hư hỏng. Nói cách khác, Alzheimer cũng giống như bệnh tiểu đường trong não.

Làm sao để tránh?

Hãy cảnh giác trước những danh tính khác nhau của “kẻ tội đồ” mang tên đường bằng cách kiểm tra kỹ bảng thành phần. Các nguyên liệu có đuôi “–ose” đều là những dạng đường khác nhau, bên cạnh những biến thể đường khác như nước sốt hoa quả hay mật mía.

6. Gây nghiện

Giống như ma túy, đường giải phóng và kích thích sản xuất các chất có khả năng đem lại sự thư thái cho não bộ. Như để bào chữa cho sự tương đồng này, người ta thường tìm đến đồ ngọt để làm lành vết thương trong tâm hồn mà không hề hay biết, đường đơn thuần chỉ là một chất gây nghiện có vị ngọt. Ở một thí nghiệm với chuột bạch, chúng thường tỏ ra “tăng động” và vui vẻ khi được bơm một lượng đường lớn vào cơ thể. Và khi “cơn say” qua đi, chúng lại lâm vào cảnh bồn chồn lo lắng kéo dài cho đến khi được tiếp thêm đường.

Làm sao để tránh?

Hãy thực sự kiên nhẫn nếu muốn cai nghiện đường. Phải mất ít nhất 1 tuần cho tới vài tháng, thậm chí hàng năm để các chồi vị giác trên lưỡi thích nghi với sự giảm sút vị ngọt dần dần trong chế độ ăn. Nếu cai nghiện thành công, bạn thậm chí khó có thể nếm lại những loại bánh kẹo mình từng mê mệt vài tháng trước đó.

7. Biến thành “quái thú”

Đường sẽ khiến bạn chết đói. Không tin ư? Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn quá nhiều đường sẽ làm tê liệt khả năng báo hiệu độ no của cơ thể đến não bộ, và vì thế bạn sẽ tiếp tục ăn không ngừng vì… chưa thấy no. Đường fructose cũng có khả năng dẫn đến tình trạng kháng leptin – 1 loại hormone điều chỉnh cảm giác thèm ăn và quá trình trao đổi chất. Khi đó, bạn sẽ vẫn có cảm giác thèm ăn cho dù đã ăn quá mức cho phép.

Làm sao để tránh?

Thay vì tìm đến một thanh chocolate đạt chuẩn với khẩu vị của bạn, hãy tự thưởng cho mình một loại chocolate hữu cơ với ít nhất 70% cacao. Khi cảm thấy quá thèm đồ ngọt nhưng không muốn ăn đường, hãy đi bộ trong khoảng 15 phút. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, 15 phút đi bộ sẽ làm giảm sự thèm khát đồ ngọt của cơ thể tới 12%. Dù đang làm gì đi nữa, hãy cố gắng vận động thường xuyên. Đừng ngồi lì một chỗ để nuôi lớn con “quái vật hảo ngọt” bên trong bạn.

8. Biến thành “xác sống”

Cơn đói cồn cào giục bạn nhanh tay vớ lấy một thanh kẹo và ăn ngấu nghiến. Chỉ trong vài phút, cơ thể bạn như lập tức được bơm đầy nhiên liệu. Nhưng chưa tới 30 phút sau, bạn sẽ gần như cạn kiệt toàn bộ nguồn năng lượng vừa có. Thay vào đó, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ.

Khoa học đã chứng minh, chính cơ chế tiếp năng lượng một cách “giả tạo” này sẽ khiến cơ thể không ngừng muốn nạp thêm đường, và vì thế sa vào một vòng quay luẩn quẩn. Chưa hết, đường còn được chứng minh là thủ phạm làm tăng serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng làm não bộ thư giãn và tạo cảm giác buồn ngủ. Quả là một cặp đôi tăng cân hoàn hảo!

Làm sao để tránh?

Hãy bỏ thời gian nghiên cứu trên mạng để tìm ra cho mình những loại thực phẩm thay thế hoàn hảo. Tạm quên đi hãng bánh ngọt yêu thích, hãy thử một sản phẩm tương tự của một thương hiệu khác có bảng thành phần “sạch sẽ” hơn. Chắc hẳn cơ thể sẽ biết ơn bạn vô cùng mà không cần phải vật vã cai ngọt.

9. “Bẻ ngược” nụ cười

Chúng ta thường tìm đến đồ ngọt để có tâm trạng khá hơn, nhưng thực chất bạn sẽ phải hứng chịu hậu quả ngược nếu tiếp tục dùng nhiều đường về lâu dài. Nhằm chứng minh sự liên đới giữa bệnh trầm cảm và việc ăn nhiều đồ ngọt hay thức ăn nhanh, một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Public Health Journal đã được tiến hành với sự tham gia của gần 9.000 người. Sau 6 năm thực hiện, những người có thói quen ăn nhiều đồ ngọt phải đối mặt với nguy cơ trầm cảm lên tới 40% so với những người nói không với đồ ăn vặt.

Làm sao để tránh?

Bạn không cần phải loại bỏ đường hoàn toàn khỏi thực đơn hàng ngày. Chỉ cần “thuần hóa” cơn thèm ngọt khi đói, bạn sẽ nhanh chóng có một chế độ ăn lành mạnh và đối xử tốt hơn với cơ thể. Nếu không thể sống thiếu bánh ngọt, hôm nay hãy ăn cho đã rồi nói lời tạm biệt vào ngay ngày hôm sau. Hãy tự đề ra một kế hoạch ăn kiêng nghiêm khắc, như chỉ có 1 ngày được ăn kem trong tuần hay mỗi ngày chỉ được ăn 3 viên kẹo thay vì 10 viên như lúc trước.

10. Tàn phá nhan sắc

Lượng đường trong máu có liên quan mật thiết đến lượng protein có khả năng tạo ra những phân tử có hại AGEs (nhóm hợp chất hữu cơ có liên quan mật thiết đến biến chứng của bệnh tiểu đường). Những vị khách không mời này sẽ tấn công và phá hủy protein ở gần, bao gồm các sợi protein có trong collagen và elastin. Đây là 2 yếu tố giúp củng cố và duy trì khả năng đàn hồi của da. Quá nhiều đường sẽ khiến những sợi protein sẽ trở nên khô giòn, dễ đứt gãy, đồng nghĩa với việc da có thêm nhiều nếp nhăn và dần “xập xệ”.

Chưa hết, AGEs còn làm suy giảm collagen và vô hiệu hóa các enzyme có khả năng chống lão hóa tự nhiên cho cơ thể. Đây còn là thủ phạm khiến da dễ chịu thương tổn do ánh nắng mặt trời, mở đường cho việc tàn phá và làm da lão hóa sớm.

Làm sao để tránh?

Cảnh giác là không thừa với những chất tạo ngọt, kể cả những chất đến từ tự nhiên. Chẳng hạn, hãy tự nhắc nhở bản thân không nên dùng quá 1 thìa cà phê mật ong mỗi ngày để tránh mọi nguy cơ không tốt do đường gây ra.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: ,