Xung quanh quan niệm về cái đẹp

Trong từng nền văn hóa địa phương, lúc nào cũng tồn tại một quan niệm cụ thể và nhất định về cái đẹp và một điều chắc chắn, không cái đẹp nào có thể sánh với cái đẹp tự nhiên và không bàn tay nào có thể sánh với thượng đế trong việc tạo ra cái đẹp hoàn mỹ.

Xung quanh quan niệm về cái đẹp

Với không ít người, ngoại hình đẹp phải là khuôn mặt trái xoan với “hệ thống” tỉ lệ cân đối và nước da sáng. Nhưng với người khác ngoại hình đẹp là thân hình đầy đặn (có phần “dư dả”) và đặc biệt nước da phải ngăm ngăm đen.

Còn nữa, cái đẹp còn tùy thuộc nền văn hóa. Nói cách khác, không có mẫu số chung khi đánh giá cái đẹp ngoại hình. Tuy nhiên, cũng có vài yếu tố nhất định tạo nên tiêu chuẩn chung cho cái đẹp và được đa số chấp nhận. Trong thời văn hóa toàn cầu, thử tìm xem tiêu chuẩn chung toàn cầu của cái đẹp được cả phương Đông lẫn phương Tây chấp nhận dựa vào thước đo nào…

Khi sáng tác thiên tình sử giữa Shiva và Parvati, thi hào cổ đại Ấn Độ Kalidasa hình dung cái đẹp khác hẳn các cô người mẫu ốm nhom bây giờ. Với Kalidasa, nàng Parvati là cô gái khêu gợi với thân hình nẩy nở đầy nữ tính. Trong nhiều thế kỷ kể từ thời Kalidasa, ngoại hình “màu mỡ” là tiêu chuẩn sắc đẹp số một Ấn Độ. Hình ảnh cái đẹp chuẩn mực – như nàng Parvati – xuất hiện khắp nơi trong đời sống văn hóa Ấn.

Nói cách khác, với người Ấn Độ, phụ nữ đẹp phải là người có khuôn ngực đồ sộ, dáng đi chậm và đặc biệt đôi môi tròn căng mọng. Nếu theo dõi các cuộc thi hoa hậu thế giới hằng năm, hẳn bạn sẽ nhận ra rằng hoa hậu Ấn Độ luôn có thước đo theo “chuẩn Parvati”. Trong thực tế, chuẩn Ấn Độ cũng là một trong những chuẩn được nhiều nền văn hóa khác chấp nhận.

Trong hàng triệu năm, quan niệm cái đẹp có chức năng nhất định trong tiến hóa, đặc biệt là vai trò giúp chọn bạn tình.

Ngày nay, quan niệm cái đẹp tất nhiên tiếp tục duy trì chức năng trên nhưng sự đánh giá về cái đẹp giữa các nền văn hóa bắt đầu xích lại gần nhau. Một gương mặt hoàn hảo trong thời truyền hình cáp và Internet (ở đây, xin dược nhấn mạnh tính hỗ trợ phổ quát của phương tiện truyền thông) không nhất thiết là gương mặt Á Đông hay phương Tây. Nếu hiện diện chuẩn Đông – Tây trong khuôn mẫu hòa hợp, “tính toàn cầu” của cái đẹp càng được chấp nhận ở tỉ lệ cao. Siêu mẫu Ấn Độ Saira Mohan là một trong những người hiếm hoi đạt chuẩn mực chung này.

Hiện là người mẫu cho nước hoa Chanel, hãng thời trang Calvin Klein và hãng đồ lót Victoria’s Secret, Saira Mohan có nét đẹp truyền thống Ấn Độ như gốc gác của cha, nhưng cô cũng có cặp mắt tròn và làn da sáng di truyền từ người mẹ (mang ba dòng máu Pháp – Ireland – Canada). Saira Mohan là một “chuẩn Parvati” có giá trị toàn cầu. Tại Ý, Anh, Pháp, người ta rung động trước Saira Mohan. Tại Trung Quốc. Thái Lan, Singapore, người ta cũng bàng hoàng trước Saira Mohan. Cô là đại diện của thứ chuẩn phổ quát, bất chấp ranh giới văn hóa.

Cần nhấn mạnh, tiêu chuẩn sắc đẹp thay đổi ít nhiều qua dòng thời gian và quan niệm cái đẹp cũng bị ảnh hưởng bởi đà bùng nổ của công nghiệp thời trang và công nghiệp mỹ phẩm. Ít nhiều, các nhà thiết kế thời trang và giới tiếp thị mỹ phẩm đã khuôn định tiêu chuẩn sắc đẹp thời đại. Trong nhiều năm, phụ nữ châu Á luôn ao ước mình có làn da sáng, miệng nhỏ, mũi thẳng, tóc dài đen mượt và mặt trái xoan. Giờ đây, có không ít cô gái châu Á muốn mặt mình dài hơn một chút và gò má hơi ”có góc có cạnh”.

Quan niệm cái đẹp đúng luôn đóng vai trò nhất định trong quá trình tiến hóa. Điều này đã đúng, đang đúng và sẽ đúng. Theo khảo sát khoa học, nữ giới có ngoại hình xinh đẹp hoặc dễ nhìn thường dễ xin việc và được lợi thế khi chọn lựa bạn tình. Đó cũng là một trong những lý do hình thành sự bùng nổ công nghiệp thẩm mỹ. Hàn Quốc hiện có hơn 1.200 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ (tỉ lệ bình quân đâu người cao nhất thế giới).

Doanh số mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp tăng đều đều và ào ạt. Các mặt hàng như Botox (thuốc chống nhăn da, do hãng Allergan sản xuất) bán chạy như tôm tươi. Riêng tại Mỹ (năm 2003), doanh thu công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ đã vọt lên 6,9 triệu USD (tăng 226% so với năm 1997). Tất nhiên, phụ nữ châu Âu và chị em châu Á không nhường bước Mỹ trong cuộc chạy đua sắc đẹp, bất chấp vô số trường hợp “lợn lành chữa thành lợn què” mà báo chí từng báo động xanh báo động đỏ gần như hàng ngày.

Do vậy, muốn biết chính xác tiêu chuẩn chung của cái đẹp được nhìn nhận phổ quát toàn cầu như thế nào, chỉ cần đến các thẩm mỹ viện.

Trở lại với quan niệm cái đẹp toàn cầu. Một cách tổng quát, cái đẹp toàn cầu là cái đẹp có các chi tiết thích hợp với nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, trong từng nền văn hóa địa phương, lúc nào cũng tồn tại một quan niệm cụ thể và nhất định về cái đẹp và một điều chắc chắn, không cái đẹp nào có thể sánh với cái đẹp tự nhiên và không bàn tay nào có thể sánh với thượng đế trong việc tạo ra cái đẹp hoàn mỹ.

Theo THỂ THAO

Tags: ,