⠀
Xung đột nguồn nước ở Việt Nam: Đi tìm lời giải cho bài toán khó
Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu khiến cơn khát “giọt nước, giọt vàng” xuất hiện thường xuyên ở nhiều vùng đất, qua đó châm ngòi cho những xung đột nguồn nước.
Một tương lai ngày càng khát
Chảy qua hai xã cạnh nhau là Đại Đồng và Đại Quang, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), suối Mơ và suối Thơ không chỉ có vẻ đẹp nguyên sơ thu hút nhiều du khách mà còn là nguồn cấp nước quan trọng cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, cuộc sống xoay quanh hai con suối không thơ mộng như cái tên của nó: “Hầu như năm nào ở đây cũng xảy ra xung đột nghiêm trọng vào mùa khô do khan hiếm nước. Cả hai xã đều cho rằng nguồn nước không được quản lý và phân bổ công bằng. Xung đột vẫn diễn ra hằng năm và vẫn chưa tìm được biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, kể lại sau chuyến khảo sát về tình trạng tranh chấp nước ở khu vực này vào năm 2019.
Thực tế, xung đột nước không phải là câu chuyện của riêng vùng suối Thơ, suối Mơ hay nhiều địa phương ở Việt Nam. Nghe có vẻ trớ trêu nhưng Việt Nam, một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc, đang phải đối mặt với vấn đề này. Một phần nguyên nhân chính là nguồn tài nguyên nước của Việt Nam phân bố không đồng đều về cả thời gian và không gian. Mặt khác, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, phần còn lại xuất phát từ các lãnh thổ bên ngoài biên giới. Nguồn nước lại phân bố không đều trong năm và không cân đối giữa các vùng, các lưu vực sông khiến cho việc sử dụng nước của các địa phương cho hoạt động kinh tế xã hội càng trở nên căng thẳng. Trong khoảng thời gian 7-9 tháng mùa khô, dòng chảy trên hệ thống sông suy giảm, tổng lượng nước cả mùa chỉ bằng khoảng 20-30% (khoảng 160-250 tỷ m3) so với lượng nước cả năm, trong khi nhu cầu sử dụng nước trong khoảng thời gian này rất lớn. Về mặt không gian, toàn bộ lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP.HCM, “mái nhà” của 80% dân số và hơn 90% hoạt động kinh doanh dịch vụ của cả nước nhưng chỉ có khoảng 40% lượng nước của cả nước, 60% còn lại thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sự chênh lệch này, kết hợp với hạn hán và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, khiến tài nguyên nước bị suy giảm. Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vào tháng 3/2021 của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho thấy, mực nước trung bình tháng hai ở lưu vực sông Cửu Long có xu thế giảm dần so với thời điểm cùng kỳ năm trước, 5, 10 và 20 năm trước. Tình hình càng đáng lo ngại khi hạn hán có xu hướng gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Theo một nghiên cứu dự báo của GS. Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng và Thủy văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), nếu nhiệt độ trong tương lai tăng lên 1,1 đến 2,6oC hoặc 2,6 đến 4,8oC (so với trung bình thời kì 1986-2005) đều dẫn đến sự gia tăng hạn hán ở khắp đồng bằng sông Hồng, Bắc miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long vào giữa và cuối thế kỉ 21.
Xung đột lợi ích vì nước
Việc tranh chấp nguồn tài nguyên được coi là “máu của sự sống” như nguồn nước là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) vào năm 2019, các vụ xung đột liên quan đến nước trên thế giới đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Đáng chú ý, điểm nóng không phải là khu vực nổi tiếng khan hiếm nước như châu Phi mà lại là châu Á – nơi có số lượng và tốc độ gia tăng xung đột cao nhất trong thời gian gần đây.
Xung đột nước đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, nhưng hạn hán khiến tình trạng này càng thêm nghiêm trọng. Trước đây, “hầu hết xung đột nước diễn ra trong một cộng đồng đơn lẻ, hoặc ở quy mô địa phương và giữa những người có cùng mục đích sử dụng nước. Xung đột giữa các bên sử dụng nước với các mục đích khác nhau ít xảy ra hơn và chủ yếu là do ô nhiễm nước chứ không phải do thiếu nước”, theo một công bố về xung đột nước ở Nghệ An của các nhà nghiên cứu ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào năm 2010. Nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi: ngược lên vùng Tây Bắc ở Sơn La, hay các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Nam, đến vùng đồng bằng sông Cửu Long đều xảy ra các tranh chấp do thiếu nước, thậm chí nhiều nơi còn dẫn đến xô xát, bạo lực.
Câu chuyện tranh chấp nước giữa Đà Nẵng và Quảng Nam trong những năm gần đây có lẽ là một trong những minh chứng rõ nét nhất về xu thế này. Cách đây 10 năm, khi công trình thủy điện Đăk Mi 4 đi vào hoạt động đã cắt dòng sông Đăk Mi để phát điện nhưng không trả nước về sông Vu Gia mà lại đổ về sông Thu Bồn, khiến cuộc sống của gần 2 triệu người dân ở vùng hạ lưu sông Vu Gia, nhất là thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng trầm trọng do thiếu nước. Nhiều người phải thức khuya dậy sớm để hứng nước, còn các cơ sở sản xuất phải thay đổi kế hoạch hoạt động để thích ứng với tình trạng thiếu nước. Các đợt hạn hán khiến nguồn nước càng thêm cạn kiệt, Đà Nẵng yêu cầu thủy điện phải trả nước lại cho dòng sông Vu Gia, còn Quảng Nam muốn đổ nước về sông Thu Bồn.
Ngoài phạm vi nội vùng, xung đột nước còn diễn ra ở quy mô xuyên biên giới. Đáng chú ý, các loại xung đột này đều xảy ra với Việt Nam – một trong những quốc gia nằm ở hạ nguồn lưu vực sông Mekong. Khi các đập thủy điện trên dòng Mekong được xây dựng ngày càng nhiều thì mâu thuẫn giữa thượng nguồn và hạ nguồn ngày càng lớn. Ngoài việc chặn nước, ảnh hưởng đến các quốc gia hạ nguồn trong mùa hạn, các đập thủy điện còn ngăn bùn cát, làm biến đổi dòng chảy, gây rối nhịp thủy văn và suy thoái hệ sinh thái trên toàn khu vực. Các quốc gia ở hạ nguồn đã nhiều lần yêu cầu sử dụng công bằng nước sông Mekong, minh bạch thông tin về các đập thủy điện nhưng cũng chẳng có gì thay đổi.
Việc mất an ninh nguồn nước kéo theo mối lo về nghèo đói và bất ổn xã hội. “Đợt hạn hán năm 2015 – 2016 đã khiến sản lượng gạo của Việt Nam giảm khoảng 1,29 triệu tấn, ảnh hưởng đến sinh kế của gần 2 triệu nông hộ nhỏ và hộ nghèo”, theo thống kê của tổ chức nông nghiệp Rikolto (Bỉ). Những người dân ở khu vực suối Mơ, suối Thơ cũng nằm trong số này: “Thông thường, mỗi vụ lúa tôi thường dẫn nước tưới vào ruộng khoảng 11 lần/vụ, nhưng năm 2015 tôi chỉ lấy được có sáu lần. Do vậy, những mảnh ruộng tưới bằng nước suối Thơ chỉ đạt sản lượng 4 tấn/ha vào năm 2015, giảm 1/5 so với năm trước”, một người dân kể lại. Nguy cơ mất an ninh lương thực cũng đe dọa gần một nửa dân số thế giới hiện nay: “Khoảng 3,2 tỷ người đang sống ở các khu vực nông nghiệp, hầu hết là các quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ở mức cao hoặc rất cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực”, theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO). Thậm chí, hàng triệu người ở các quốc gia Đông Bắc Phi như Somalia đang phải di cư do các đợt hạn hán hoành hành đã góp phần thổi bùng nạn đói nơi đây.
Đi tìm lời giải
Câu chuyện về xung đột nguồn nước trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu khiến chúng ta phải đặt câu hỏi “Liệu có thể làm gì để đối phó trước tình trạng khan hiếm nước đang ập đến”? “Liệu có giải pháp nào ổn thỏa”? Có lẽ, giải pháp nằm ngay chính mấu chốt của vấn đề, đó là cần phải có các biện pháp kỹ thuật về thu trữ nước. Nhưng điều đó có đủ? “Điều quan trọng là phải quản lý tài nguyên nước hiệu quả và xây dựng cơ chế chia sẻ nước công bằng cho cả con người và sinh thái trong cả hiện tại và tương lai”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhận xét. Dù các chính sách về quản lý và chia sẻ tài nguyên nước ở Việt Nam đã có từ lâu song việc thực thi vẫn còn khá hạn chế. “Vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam vốn phức tạp do sự chia sẻ chức năng và nhiệm vụ giữa nhiều bộ và cơ quan khác nhau, tạo ra nhiều thách thức trong quản lý tài nguyên nước tổng hợp. Trong khi đó, ở cấp độ địa phương, vẫn còn thiếu các quy định về việc chia sẻ nước cho các mục đích khác nhau nên thường dẫn đến xung đột nguồn nước”, theo công bố của PGS.TS. Huỳnh Văn Chương.
Một cơ chế chia sẻ nước chỉ hiệu quả và bền vững nếu có được sự đồng thuận từ tất cả các bên. Tuy nhiên, đây là bài toán nan giải vì chấp nhận chia sẻ cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng một phần lợi ích. Với xung đột nước ở lưu vực sông Mekong, các quốc gia hạ nguồn đã thành lập Ủy hội sông Mekong – các thành viên chính là Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và hai đối tác là Myanmar và Trung Quốc. Dù mục tiêu chính của cơ quan này là thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước bền vững song vì nhiều lí do, bao gồm sự thiếu hợp tác của các quốc gia thượng nguồn, việc chia sẻ công bằng tài nguyên nước ở lưu vực sông Mekong còn rất xa vời.
Tương tự, với dự án xây dựng cơ chế chia sẻ nước ở quy mô nhỏ như suối Thơ và suối Mơ, “nhiều lúc tôi nghĩ không thể thành công được vì rất khó thuyết phục các bên”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhận xét. “Ban đầu cả thủy điện và nhà máy nước không đồng thuận, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian đàm phán, dần dần họ cũng thấy được trách nhiệm với cộng đồng và chấp nhận hợp tác. Phải tìm cách để các bên thực sự đồng thuận thì mới có thể ngồi lại với nhau, chứ tự dưng mời các bên đến, phát biểu hoành tráng rằng đề nghị mọi người phải thế này thế kia, thì có khi còn làm xung đột cao trào hơn nữa. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp cận mềm dẻo và kiên trì, lắng nghe ý kiến của người chịu tác động, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp”.
Nhờ đó, một thỏa thuận giữa người dân, nhà máy nước và thủy điện ở khu vực suối Thơ – suối Mơ đã ra đời. “Trong đó, chúng tôi phân vai đầy đủ từ ban quản lý gồm đại diện các bên, tổ điều tiết nước có phó chủ nhiệm hợp tác xã của hai địa phương và cán bộ cấp nước. Cách điều tiết nguồn nước khá linh hoạt, bên nông nghiệp sẽ cắt cử một vài người tri điền đi kiểm tra các cánh đồng từ sáng sớm, chỗ nào thiếu nước thì sẽ thông báo, nhận được sự đồng thuận của các bên thì dẫn nước về tưới tiêu”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương kể lại. Cơ chế tuy đơn giản song lại phát huy hiệu quả lớn: “Kể từ khi triển khai, xung đột nước ở nơi đây đã chấm dứt. Chúng tôi cũng đề xuất họ nên trích ra một khoản kinh phí để duy trì hoạt động sau khi dự án kết thúc. Những năm vừa qua chúng tôi có hỏi thăm thì họ cho biết các bên vẫn hợp tác tốt”.
Đây cũng là cách giải quyết tranh chấp nước ở quy mô lớn hơn – giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Năm 2016, hai bên đã ký kết thỏa thuận phối hợp quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Vào đợt hạn năm ngoái, hai bên đã thống nhất xây dựng các đập ngăn tạm dòng sông Quảng Huế – một nhánh của sông Thu Bồn để chia nước về sông Vu Gia. Nhờ đó, nguồn nước tưới tiêu cho Quảng Nam và nước sinh hoạt cho Đà Nẵng được đảm bảo. “Đây là một ví dụ điển hình rất thú vị mà chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu và học hỏi”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhận xét.
Tuy vậy khi mở rộng quy mô giải pháp, giải quyết vấn đề xung đột nước ở tầm quốc tế thì câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Gần gũi với Việt Nam nhất là vấn đề nước trên dòng Mekong, nơi đã có cả một ủy hội sông Mekong liên quốc gia đã được thiết lập từ nhiều năm nay, với sự tham gia của nhiều quốc gia ven bờ Mekong và được hưởng lợi từ dòng sông hùng vĩ này. Nhưng cơ chế quản lý nước xuyên biên giới lại cần đến rất nhiều khung khổ quốc tế và cả sự tự nguyện của mỗi quốc gia để được vận hành. Do đó, đây vẫn là một câu chuyện dài mà sự hiệu quả trong cơ chế của nó sẽ còn bàn tiếp trong tương lai.
Dẫu nghĩ về một tương lai để cơ chế này thực sự phát huy tính năng của nó thì Việt Nam vẫn cần giải quyết những bài toán liên quan đến nước khác, nhất là khi hạn hán sẽ ngày một xuất hiện dày hơn. Bởi cơ chế chia sẻ nước sẽ mất tác dụng nếu tình trạng khan hiếm nước quá nghiêm trọng. Do vậy, “chúng ta cần áp dụng tích hợp nhiều biện pháp để thích ứng, chẳng hạn như chuyển đổi cây trồng, hoặc sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt, ưu tiên nước sông suối cho nông nghiệp”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nói.
Theo THANH AN / TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tags: Tài nguyên thiên nhiên, Nguồn nước, Xung đột xã hội