⠀
Xung đột Nga – Ukraina và bước ngoặt của trật tự kinh tế thế giới
Đã hơn một tháng kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraina bắt đầu bùng nổ, hai bên dường như đều chịu những tổn thất nặng nề. Theo thống kê, có khoảng 10 triệu người Ukraina phải di dời khỏi nơi ở của mình và đối với châu Âu, làn sóng tị nạn mới chỉ là phép thử đầu tiên.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, tác động toàn cầu của căng thẳng Nga – Ukraina là Ukraina bị thiệt hại, Nga bị trừng phạt và trật tự thế giới bị phá hủy.
Toàn cầu hóa đã trở thành một loại vũ khí. Toàn cầu hóa vốn đã làm cho thế giới trở thành một “ngôi làng” toàn cầu, nhưng hiện nay, do toàn cầu hóa, thế giới lại đang chứng kiến một cuộc xung đột trực diện giữa “sự vũ khí hóa đồng USD” và “sự vũ khí hóa hàng hóa”.
Ngay từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những lo ngại về “phi toàn cầu hóa” đã bắt đầu xuất hiện. Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bóng ma “phi toàn cầu hóa” lại nổi lên và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm gia tăng xu hướng phi toàn cầu hóa.
Tiếp đó, đại dịch Covid-19 bất ngờ hoành hành khắp thế giới trong hơn hai năm qua, tác động rất lớn vào xu hướng phi toàn cầu hóa, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về triển vọng của toàn cầu hóa kinh tế.
Cuối cùng, căng thẳng Nga – Ukraina và các biện pháp trừng phạt toàn diện mà phương Tây áp đặt lên Nga đã trở thành một phép thử mạnh cho xu hướng phi toàn cầu hóa quy mô lớn.
Trong một bức thư gửi các cổ đông, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink, tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã viết: “Căng thẳng Nga – Ukraina đã chấm dứt quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta đã trải qua trong 30 năm qua”.
“Vũ khí hóa đồng USD” trở nên phổ biến
Sau khi căng thẳng Nga – Ukraina xảy ra, phương Tây tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đưa ra một gói trừng phạt kinh tế chưa từng có. Có hai động thái chí mạng nhất.
Thứ nhất là việc phương Tây lần đầu tiên cấm một số ngân hàng Nga truy cập hệ thống thanh toán quốc tế của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), qua đó khiến hệ thống tài chính Nga mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế.
Thứ hai là việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) ở các nước phương Tây.
Đồng thời, Mỹ cũng đang thảo luận về khả năng đóng băng trữ lượng vàng trị giá 132 tỷ USD của Nga. Lần này, “vũ khí hóa đồng USD” diễn ra ở mức cao nhất.
Sở dĩ USD có quyền bá chủ là vì nó vẫn là đồng tiền dự trữ và thanh toán thương mại quan trọng nhất trên thế giới. Ít nhất một nửa giao dịch thương mại xuyên biên giới trên toàn cầu được thanh toán bằng đồng USD.
Đồng bạc xanh được các ngân hàng trung ương và thị trường vốn lựa chọn, chiếm khoảng 2/3 lượng phát hành chứng khoán và dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới.
Bất kỳ tổ chức tài chính nào cũng gần như không thể tham gia vào kinh tế toàn cầu nếu bỏ qua đồng USD. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng để hệ thống tài chính quốc tế vận hành ngày nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ Mỹ.
Hầu hết các giao dịch quốc tế được thanh toán bù trừ bằng USD bởi các ngân hàng đại lý của Mỹ ở New York. SWIFT là hệ thống nhắn tin xuyên biên giới chính được các ngân hàng sử dụng, trong đó các thành viên của hệ thống này gửi cho nhau 30 triệu tin nhắn mỗi ngày.
Một mạng lưới tài chính khác cũng có Mỹ đóng vai trò trung tâm là Hệ thống thanh toán bù trừ Liên ngân hàng quốc tế (CHIPS) do Hiệp hội Thanh toán bù trừ New York điều hành. Hệ thống này bù trừ các khoản thanh toàn trị giá xấp xỉ 1.500 tỷ USD mỗi ngày.
Những điểm này giúp Mỹ có được quyền “xét xử” ngoài lãnh thổ ở mức độ nhất định. Việc “vũ khí hóa đồng USD” có nghĩa là Mỹ dựa vào đồng USD, vốn là loại tiền tệ chính trong thanh toán quốc tế, để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia khác.
Mỹ đã nhiều lần sử dụng “quyền xét xử ngoài lãnh thổ” này. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, nước này đã bắt đầu sử dụng biện pháp trừng phạt chính là cắt đứt các kênh trao đổi và sử dụng đồng USD, cấm các tổ chức tài chính toàn cầu giao dịch với các đối tượng bị trừng phạt.
Washington sử dụng hệ thống SWIFT và CHIPS để giám sát các hoạt động tài chính toàn cầu bất thường. Nếu bị loại khỏi hai hệ thống này, bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ trở nên bị cô lập và cuối cùng là bị tê liệt.
Một phép thử mạnh mẽ, toàn diện?
Việc đóng băng dự trữ ngoại hối của BoR ở nước ngoài đã khiến ngân hàng này không thể có được vị thế đồng USD cần thiết trên thị trường ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng Ruble. Điều đó khiến tỷ giá đồng tiền giảm mạnh, buộc BOR khẩn cấp nâng lãi suất lên mức hai chữ số, đồng thời, việc giao dịch bằng đồng USD của người dân Nga và dòng tiền vốn ra vào Nga bị hạn chế.
Tuy nhiên, Nga không phải là Iran hay Afghanistan, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố các giao dịch khí đốt tự nhiên với tất cả “các nước không thân thiện” sẽ được thực hiện bằng đồng Ruble. Điều này đã giúp đồng Ruble tăng giá mạnh và giá khí đốt tự nhiên tăng nhanh.
Động thái trên có thể giúp Nga lách một số lệnh trừng phạt và thúc đẩy đồng nội tệ của mình, nhưng còn phải chờ xem biện pháp này sẽ có hiệu quả đến đâu. Đồng thời, quyết định này cũng có thể làm tổn hại đến khả năng thanh toán của Nga, khiến nhập khẩu giảm sút và kinh tế trở nên khó khăn hơn.
Nhưng chắc chắn vũ khí trong tay Nga chính là năng lượng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã loại trừ các ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Tình hình ở Nga và Ukraina cũng gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, khiến thị trường hàng hóa nói chung tăng giá mạnh. Giá cả nhiều mặt hàng khác nhau, bao gồm dầu thô, khí đốt tự nhiên, vàng, lúa mì, dầu cọ… đã đạt mức cao kỷ lục.
Đối với thị trường hàng hóa toàn cầu, xung đột Nga – Ukraina leo thang đang khiến nguồn cung càng trở nên khan hiếm hơn nữa. Đó chính là một “con bài” trong tay Nga.
Hiện nay, hãy xem nó như một cuộc đối đầu trực diện giữa quyền bá chủ USD và quyền bá chủ hàng hóa. Kết quả của cuộc đối đầu này sẽ là một phép tính cho quá trình phi toàn cầu hóa trên phạm vi toàn thế giới.
Đây không chỉ là một phép tính cho sự sụp đổ của nền kinh tế Nga, mà còn là một phép tính cho chính sự toàn cầu hóa.
“Phi toàn cầu hóa” là việc khó có thể tránh khỏi?
Ngày càng nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, căng thẳng Nga – Ukraina có thể là bước ngoặt trong sự phát triển của trật tự thế giới.
Trên thực tế, điều mà ai cũng biết trong lòng nhưng không muốn nói ra là, lý do khiến Mỹ trở thành người đi đầu cho quá trình “phi toàn cầu hóa” là vì nước này đã tương đối mất ưu thế.
Ban đầu là một trung tâm sản xuất và đổi mới công nghệ tiên tiến, sau đó chuyển dần các ngành công nghiệp sang các nước đang phát triển dưới hình thức xuất khẩu tư bản, Mỹ ngày càng giống một người sống bằng lợi tức, dựa vào ngành tài chính, tiêu dùng quá mức… do đó đã lập nên hàng loạt mệnh lệnh tài chính, quân sự và các mệnh lệnh quốc tế khác có lợi cho mình.
Khi căng thẳng Nga – Ukraina bùng nổ, Mỹ càng sử dụng những phương tiện để phô trương sức mạnh và phát huy tối đa việc “vũ khí hóa đồng USD”, thì điều đó càng nói với thế giới rằng họ không thể tin tưởng đồng USD cũng như hệ thống toàn cầu hóa hiện nay.
Xung đột địa chính trị có thể là nỗi đau, cọ xát và hỗn loạn mà sự điều chỉnh giữa trật tự cũ và mới mang lại.
Trên thực tế, mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế quốc tế hoặc quyền bá chủ của đồng USD luôn là chính đồng USD (hoặc nước Mỹ).
Căn cứ vào sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế từ trước đến nay, có thể thấy, vị thế của đồng USD phải đối mặt với ba mối đe dọa lớn:
Thứ nhất là chính sách đối ngoại biệt lập hoặc đơn phương do không thể cải cách các mâu thuẫn kinh tế trong nước, sự chia rẽ xã hội và phân cực chính trị ở Mỹ; thứ hai là việc “vũ khí hóa” đồng USD; thứ ba là tính độc lập trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày càng suy giảm, dẫn đến việc chuẩn hóa hoặc kéo dài không giới hạn việc nới lỏng định lượng.
Tình hình ở Nga và Ukraina có vẻ là bất ngờ, nhưng lại có một lịch sử tất yếu. Chúng ta đang ở giữa một chu kỳ kéo dài cả thế kỷ.
Những hiện tượng như phân cực giàu nghèo, chủ nghĩa dân túy, phi toàn cầu hóa, xung đột địa chính trị, tái thiết trật tự quốc tế đều là những hiện tượng không thể tránh khỏi trong chu kỳ kinh tế và xã hội hiện nay.
Theo BÙI PHÓNG / TTXVN
Tags: Kinh tế thế giới, Toàn cầu hóa, Tài chính, Xung đột Nga - Ukraina