Xu hướng toàn cầu hóa trước thách thức tái cấu trúc hiện nay

Một loạt cú sốc trong vòng 15 năm – đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau đó là đại dịch COVID-19, và giờ là cuộc xung đột ở Ukraina – đã tạo ra một câu chuyện khác về toàn cầu hóa.

Xu hướng toàn cầu hóa trước thách thức tái cấu trúc hiện nay

Tác giả: Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Biên dịch: Bùi Toàn.

Cấu trúc kinh tế quốc tế được xây dựng sau năm 1945 dựa trên một ý tưởng mạnh mẽ: sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là rất quan trọng, góp phần đảm bảo hòa bình thế giới và thịnh vượng toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới WB và tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO được thành lập với mục tiêu đối phó với ba thập kỷ bất ổn không ngừng trước đó, khi thế giới bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, cuộc Đại suy thoái và chủ nghĩa chính trị cực đoan. Đó cũng là thời kỳ phi toàn cầu hóa, trong đó các quốc gia rút lui khỏi các tổ chức thương mại toàn cầu và trở nên cô lập. Trong đống đổ nát của Thế chiến II, các chính phủ đã tìm cách xây dựng một hệ thống mới, bằng cách liên kết các quốc gia trong một mạng lưới quan hệ kinh tế dày đặc, nhằm chấm dứt sự hỗn loạn và chia rẽ trong lịch sử.

Suốt quãng thời gian 75 năm, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã nhận ra sức mạnh của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Các quốc gia dỡ bỏ các rào cản thương mại, mở cửa nền kinh tế của họ với nhau. Trên thực tế, thành tích của họ rất ấn tượng. Hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn đi đôi với sự thịnh vượng toàn cầu đang gia tăng, tỷ lệ nghèo đói giảm chưa từng thấy và một thời kỳ hòa bình kéo dài bất thường giữa các cường quốc. Kể từ năm 1990, tỷ lệ dân số thế giới sống trong cảnh nghèo cùng cực đã giảm 3/4. Tâm điểm của bước nhảy vọt về phúc lợi con người này là khối lượng thương mại toàn cầu tăng gấp 20 lần, giúp nâng thu nhập bình quân đầu người lên gấp 27 lần trong sáu thập kỷ qua.

Tầm nhìn kinh tế này hiện đang bị tấn công và những thành tựu của nó đang gặp nguy hiểm. Một loạt cú sốc trong vòng 15 năm – đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau đó là đại dịch COVID-19, và giờ là cuộc xung đột ở Ukraina – đã tạo ra một câu chuyện khác về toàn cầu hóa. Dòng suy nghĩ mới này cho rằng toàn cầu hóa không làm cho các quốc gia mạnh hơn về kinh tế mà đẩy họ vào tình thế phải đối mặt với rủi ro. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không còn được coi là một ưu điểm nữa mà là bất lợi. Điều mà quốc gia đang mong muốn giờ đây là sự độc lập, sự hội nhập tốt nhất chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ các quốc gia.

Nhưng phá bỏ toàn cầu hóa kinh tế và các cấu trúc hỗ trợ sẽ là một sai lầm. Bởi vì, bất chấp những lời hoa mỹ về sự độc lập, các quốc gia và người dân cần dựa vào thương mại toàn cầu hơn bao giờ hết trong thời đại “đa khủng hoảng” này. Hơn nữa, hợp tác quốc tế, bao gồm cả về thương mại là cần thiết để giải quyết những thách thức đối với lợi ích toàn cầu, như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng cũng như đại dịch. Toàn cầu hóa chưa kết thúc, và sẽ không thể kết thúc, bất kỳ ai cũng không nên mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng toàn cầu hóa cần phải được cải thiện, tái định hình cho phù hợp với xu hướng hiện tại và tương lai.

Sự kết thúc của một kỷ nguyên?

Xu hướng xa rời hội nhập kinh tế đã định hình lại các chính sách thương mại ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Nhưng các sự kiện trong vài năm qua đã thúc đẩy xu hướng này. Căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ và Trung Quốc, bằng việc áp đặt các chính sách thuế ăn miếng trả miếng. Đại dịch và xung đột ở Ukraina đã bộc lộ những lỗ hổng thực sự trong thương mại toàn cầu, gây ra tình trạng thiếu hụt sản phẩm và tắc nghẽn nguồn cung, gây tổn hại cho các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình. Nói về “tách rời” ngày càng trở nên phổ biến. Gần đây, các chính phủ đã ban hành ngày càng nhiều hạn chế xuất khẩu, đặc biệt đối với những hàng hóa được coi là chiến lược, chẳng hạn như chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng. Họ cũng đã hồi sinh các chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.

Những gì người ta đang nói về phi toàn cầu hóa lại mâu thuẫn với dữ liệu thương mại. Trên thực tế, thương mại hàng hóa toàn cầu đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Hơn 3/4 thương mại đó được thực hiện theo các điều khoản chính sách cơ bản “tối huệ quốc” mà các chính phủ mở rộng cho tất cả các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho thấy rằng quy tắc đa phương vẫn đóng vai trò quyết định trong thương mại quốc tế. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tổng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 691 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn 24% so với năm 2019. Tỷ lệ đầu vào hàng hóa trung gian được sử dụng để sản xuất các hàng hóa khác – trong xuất khẩu thế giới gần như không thay đổi, cho thấy rằng sự chuyển dịch hàng loạt của các chuỗi cung ứng quốc tế là chưa rõ ràng. Các doanh nghiệp vẫn đưa ra quyết định tìm nguồn cung ứng dựa trên những cân nhắc về chi phí và chất lượng. Các giải pháp chính sách công nghiệp có thể thay đổi tính toán này, nhưng không phải trong một sớm một chiều.

Kinh nghiệm sau khi trải qua đại dịch COVID-19 cũng cho thấy sức mạnh của thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa thị trường. Đầu đại dịch, khi nhu cầu về các sản phẩm y tế như khẩu trang, găng tay và gạc mũi tăng đột biến, một số thời điểm sự gián đoạn nguồn cung đã trở nên tồi tệ hơn do hạn chế xuất khẩu đối với những hàng hóa đó. Nhưng thương mại toàn cầu nhanh chóng trở thành một phương tiện quan trọng để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp thiết yếu, từ thiết bị bảo vệ cá nhân đến cuối cùng là vắc xin. Ngay cả khi giá trị hàng hóa thương mại toàn cầu giảm gần 8% vào năm 2020, giá trị thương mại các sản phẩm y tế vẫn tăng 16%. Kinh doanh khẩu trang vải tăng gần gấp 5 lần. Sau khi vắc xin COVID-19 được phát triển, hàng tỷ liều đã được sản xuất trong chuỗi cung ứng xuyên suốt 19 quốc gia. Nếu không có thương mại, quá trình phục hồi sau đại dịch – từ cả cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trước mắt và hậu quả là cuộc khủng hoảng kinh tế – sẽ chậm hơn nhiều.

Nói cách khác, bất chấp xu hướng phi toàn cầu hóa ngày càng tăng, người dân và các doanh nghiệp vẫn dựa vào thương mại hơn bao giờ hết. Những người ủng hộ phi toàn cầu hóa đang kêu gọi phá vỡ khoảng 30% tổng sản lượng thương mại toàn cầu, động thái này chỉ làm tăng thêm áp lực giảm sức mua của người dân trên toàn thế giới. Sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại đã giúp các nền kinh tế khởi sắc và khắc phục hầu hết tình trạng thiếu hụt do đại dịch gây ra, rõ ràng vấn đề cơ bản không phải là sự phụ thuộc lẫn nhau mà là sự tập trung quá mức của một số mối quan hệ thương mại đối với một số sản phẩm quan trọng. Và nếu mục tiêu là các mạng lưới cung ứng linh hoạt hơn, ít bị các đối thủ sử dụng làm vũ khí cạnh tranh, thì có một cách tốt hơn để tiến lên phía trước.

Cần phải “tái cấu trúc toàn cầu hóa” thay vì “phi toàn cầu hóa”

Các chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn, phi tập trung hơn và đa dạng hơn –WTO gọi là “tái cấu trúc toàn cầu hóa” – cung cấp một lộ trình dẫn đến sự phụ thuộc lẫn nhau mà không bị lệ thuộc quá mức. Những vấn đề bộc lộ trong ba năm qua có thể biến thành cơ hội để mang lại cho các quốc gia và cộng đồng cho đến nay vẫn chưa được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong một số lĩnh vực, việc tái cơ cấu dòng vốn đầu tư toàn cầu có vẻ không thể tránh khỏi, một số chính sách công nghiệp sẽ kéo các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài quay trở lại thị trường nội địa. Nhưng ngoài một số ngành quan trọng liên quan đến an ninh chính trị quốc gia, các biện pháp như vậy có thể phải trả giá đắt về kinh tế. Các nhà nghiên cứu tại WTO đã ước tính rằng nếu thế giới chia thành hai khối kinh tế riêng biệt, việc giảm thương mại toàn cầu, mất đi lợi thế từ chuyên môn hóa, quy mô của nền kinh tế giảm sút sẽ làm giảm thu nhập thực tế trong dài hạn trung bình ít nhất 5% so với xu hướng hiện tại. Thiệt hại về sản lượng sẽ lớn hơn nhiều so với thiệt hại do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 gây ra. Các nước thu nhập thấp có thể sẽ chứng kiến thu nhập thực tế giảm tới 12%, giáng một đòn mạnh vào triển vọng phát triển của họ.

Hơn nữa, việc tái cơ cấu dòng vốn đầu tư toàn cầu quy mô lớn có thể phản tác dụng bằng cách làm cho chuỗi cung ứng kém linh hoạt hơn, bằng chứng là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng đang diễn ra. Những cú sốc nguồn cung tiêu cực có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn trong những năm tới khi các thảm họa tự nhiên như hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt tàn phá sản xuất và vận tải. Đóng cửa thương mại sẽ làm tăng khả năng các nước phải đối mặt với những cú sốc như vậy. Ngược lại, một nền kinh tế thế giới tái cấu trúc toàn cầu hóa sẽ cung cấp cho các quốc gia nhiều lựa chọn cung cấp bên ngoài hơn do đó sẽ có khả năng phục hồi cao hơn.

Vào năm 2022, Hoa Kỳ đã tận mắt chứng kiến rằng chỉ riêng hoạt động sản xuất trong nước không thể đảm bảo khả năng phục hồi nguồn cung khi nước này gặp phải tình trạng thiếu sữa bột trẻ em. Gần như tất cả sữa công thức được bán ở Hoa Kỳ đều được sản xuất trong nước và khi một trong bốn nhà sản xuất lớn phải ngừng sản xuất vì một trong các nhà máy của họ vì nhiễm vi khuẩn, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đã xảy ra sau đó. Biện pháp giảm thiểu cuộc khủng hoảng thương mại đó là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã phải cho phép nhập khẩu sữa công thức trên cơ sở tình trạng khẩn cấp.

“Friend shoring” khái niệm chuyển sản xuất sang các đồng minh địa chính trị, cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh. Bất cứ khi nào ai đó đề xuất “friend shoring,” chúng ta sẽ luôn đặt câu hỏi, “Ai là bạn?” Lịch sử có rất nhiều ví dụ về những người bạn cư xử không thân thiện, đặc biệt là khi liên quan đến xuất khẩu của nhau. Căng thẳng thương mại có thể nảy sinh ngay cả giữa các đồng minh.

Hướng tới “thương mại xanh”

Nhưng trường hợp tái cấu trúc toàn cầu hóa còn đi xa hơn những thực tế như vậy. Nó xuất phát từ thực tế là thế giới cần thương mại quốc tế để vượt qua những thách thức cấp bách nhất hiện nay, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng và chiến tranh. Người ta thường nói rằng các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu. Tuy nhiên, hợp tác về thương mại thường bị bỏ qua trong danh sách các giải pháp đó.

WTO đang làm phần việc của mình để khắc phục thiếu sót đó. Tháng 6 năm ngoái, tại Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 12, 164 thành viên của tổ chức đã đồng ý cắt giảm hàng chục tỷ USD ưu đãi nghề cá có hại, giúp giảm bớt áp lực đối với nguồn cá biển bị khai thác quá mức đồng thời đưa ra giải pháp thúc đẩy sinh kế của hàng triệu người phụ thuộc vào đại dương. Các thành viên cam kết không áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm thiết yếu, trừ khi có lý do chính đáng về sức khỏe công cộng, an ninh quốc gia hoặc bảo vệ môi trường. Họ cũng cam kết duy trì nguồn cung cấp thực phẩm, y tế trên khắp thế giới, giúp đảm bảo nguồn cung tránh biến động giá cả. Khi xung đột ở Ukraina làm gián đoạn nguồn cung ứng lương thực, thức ăn chăn nuôi và phân bón, WTO đã tăng cường giám sát các chính sách thương mại liên quan, kêu gọi các thành viên tuân thủ cam kết giữ cho thị trường luôn được mở. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 5 năm 2023, 63 trong số khoảng 100 biện pháp hạn chế xuất khẩu mà các quốc gia đã áp dụng đối với thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vẫn còn hiệu lực. Mặc dù còn nhiều vấn đề cần cải thiện, nhưng mọi thứ đang đi đúng hướng.

Sự cấp thiết hiện hữu của biến đổi khí hậu là một lĩnh vực khác mà thương mại có thể – sẽ phải – là một phần của giải pháp. Thương mại thường được miêu tả là tác nhân gây hại cho môi trường, với những lo ngại về khí thải liên quan đến vận chuyển, vận tải hàng không và vận tải đường bộ đã nảy sinh các sáng kiến “mua hàng địa phương”. Đúng là giao thông vận tải, giống như các lĩnh vực sử dụng phát thải nhiều cacbon khác, cần phải giảm lượng khí thải, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực nghiên cứu các loại nhiên liệu thay thế, chẳng hạn như Hydro xanh và Amoniac xanh, để cung cấp năng lượng cho các tàu chở hàng. Nhưng điều mà các nhà phê bình bỏ lỡ là thế giới không thể giảm phát thải cacbon nếu không có thương mại. Đây là một kênh không thể thiếu nếu như họ muốn các công nghệ xanh có thể được phổ biến trên diện rộng, các quốc gia có thể tiếp cận hàng hóa, dịch vụ mà họ cần để phục hồi sau các thảm họa tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lợi thế cạnh tranh và hiệu quả quy mô do thương mại quốc tế kết hợp cùng chuỗi giá trị tạo ra là rất quan trọng để giảm chi phí của các công nghệ năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu không phát thải ròng.

Hơn nữa, thương mại quốc tế có thể giúp giảm lượng khí thải liên quan đến hàng hóa bằng cách cho phép các quốc gia chuyên môn hóa. Giống như các quốc gia có thể gặt hái lợi ích kinh tế bằng cách tập trung vào những gì họ có lợi thế, thế giới có thể thu được những lợi ích về môi trường nếu các quốc gia tập trung vào những lĩnh vực mà họ có lợi thế “xanh”. Từ quan điểm toàn cầu, việc nhập khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng từ những nơi có nguồn năng lượng phát thải carbon thấp hoặc các sản phẩm sử dụng nhiều nước từ những nơi có nguồn nước dồi dào là điều hợp lý. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho thấy rằng nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào đã đưa Mỹ Latinh và Ca-ri-bê vào vị trí thuận lợi để sản xuất Hydro xanh.

Tuy nhiên, lợi thế về môi trường này chỉ có tác dụng khi có các chính sách khuyến khích phù hợp, sao cho chi phí môi trường của một hoạt động cụ thể được tính đến – “nội tại hóa” – theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế học: kết hợp (chi phí) như một phần của cấu trúc định giá, đặc biệt là chi phí xã hội do sản xuất và sử dụng sản phẩm. Ở đây cũng vậy, hợp tác về thương mại đóng một vai trò quan trọng. Khi nhiều chính phủ thực hiện các hành động nghiêm túc về khí hậu, sự khác biệt trong chính sách của họ có thể làm phát sinh xung đột thương mại nghiêm trọng và lo ngại về mất khả năng cạnh tranh. Nếu những căng thẳng này không được kiểm soát, các quốc gia có thể sử dụng các công cụ thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp của mình nhằm tự vệ hay trả đũa đối thủ cạnh tranh. Điều này làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp, làm giảm động lực đầu tư vào các ngành phát thải cacbon thấp. Các rào cản thương mại gây kém hấp dẫn đầu tư khiến chi phí giảm phát thải Cacbon tăng lên – điều hoàn toàn ngược lại với những gì thế giới đang mong muốn. Các chính phủ có thể tránh kịch bản này bằng cách đạt được sự hiểu biết chung về cách đánh giá và so sánh mức độ tương đương giữa các chính sách khí hậu của nhau – cho dù đó là chính sách thuế, quy định hay hỗ trợ – nhằm giúp ngăn ngừa xung đột thương mại liên quan đến các giải pháp khí hậu. WTO cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế và Ngân hàng Thế giới, đang nghiên cứu các phương pháp tiếp cận tiềm năng có thể cung cấp thông tin cho khung định giá carbon toàn cầu.

Thương mại cũng có thể giúp thế giới đạt được các mục tiêu về môi trường bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều thành viên WTO đang xem xét cải cách, giảm các ưu đãi mà chính phủ dành cho các nhà sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch, một số đang xem xét điều chỉnh các hàng rào thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ môi trường như công nghệ quản lý ô nhiễm nước và không khí. Song song với những nỗ lực này, một số thành viên đang thực hiện các bước táo bạo để khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh. Mặc dù WTO đưa ra bộ quy tắc hỗ trợ các nỗ lực giảm phát thải Cacbon, nhưng tổ chức này cũng khuyến khích các thành viên thực hành theo cách không phân biệt đối xử hoặc dẫn đến các cuộc chạy đua ưu đãi mà các đối tác thương mại bị tổn hại. Có nhiều cách hỗ trợ để trở nên xanh, bao gồm hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới công nghệ, mà không làm suy yếu một sân chơi bình đẳng.

Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Thương mại từ lâu đã là một động lực mạnh mẽ để xóa đói giảm nghèo. Toàn cầu hóa cho phép các quốc gia nghèo hoặc có thị trường nội địa nhỏ tận dụng nhu cầu bên ngoài để xuất khẩu lao động và các nguồn lực, thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, dịch vụ.

Trong những thập kỷ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, thương mại đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa hơn một tỷ người thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực. Đây không chỉ là câu chuyện đi lên về kinh tế của Trung Quốc. Tỷ lệ dân số toàn cầu sống với mức thu nhập dưới mức 1,9 USD một ngày đã giảm từ 36% năm 1990 xuống còn khoảng 9% vào năm 2018. Nếu không tính Trung Quốc, tỷ lệ đó trong cùng kỳ vẫn giảm đáng kể, giảm từ 28% xuống còn 11%. Kết quả của sự bùng nổ này là mức sống tăng lên đáng kể ở hầu hết mọi nơi. Trong một phần tư thế kỷ tính đến năm 2019, khoảng cách thu nhập giữa các nước nghèo và thu nhập ở các nền kinh tế giàu bắt đầu thu hẹp lần đầu tiên sau 200 năm kể từ Cách mạng Công nghiệp.

Nhưng những xu hướng này đang bị xáo trộn bởi đại dịch và xung đột ở Ukraina, Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng có khoảng 90 triệu người nữa vào bị đẩy vào tình cảnh nghèo đói cùng cực. Các nền kinh tế giàu có được tiếp cận sớm với vắc xin và các nguồn lực để giải cứu nền kinh tế của họ thông qua các gói kích thích tài khóa lớn, một lần nữa lại bỏ xa các nước nghèo. Nếu không có thương mại toàn cầu, sẽ không thể đưa quá trình phát triển và xóa đói giảm nghèo trở lại đúng quỹ đạo.

Thế giới đang cần một mô hình thương mại khác, chúng ta cần tái cơ cấu lại mô hình thương mại toàn cầu, bởi vì không phải tất cả mọi người và không phải tất cả các quốc gia đều được chia sẻ đầy đủ trong tiến trình của những thập kỷ gần đây. Mặc dù các xu hướng tổng thể là ấn tượng, nhưng đằng sau những con số lại là một bức tranh đen tối hơn. Nhiều quốc gia nghèo – đáng chú ý nhất là ở Châu Phi – bị bỏ lại phía sau các quốc gia khác, ngay cả trong thời kỳ hội nhập trước đại dịch. Nhiều người nghèo, thậm chí là nhiều khu vực ở các nước giàu cũng bị tụt lại phía sau.

Ngay cả khi bất bình đẳng kinh tế giữa các quốc gia và toàn bộ dân số toàn cầu giảm, thì bất bình đẳng trong nhiều nền kinh tế tiên tiến vẫn gia tăng. Thương mại là một trong nhiều yếu tố tác động, bao gồm cả những thay đổi về công nghệ có lợi cho người lao động lành nghề, việc tự động hóa hay thế nhiều công việc sản xuất bằng máy móc. Các lựa chọn chính sách về thuế, lao động và chống độc quyền cũng định hình những thay đổi này, đó là lý do tại sao sự bất bình đẳng gia tăng nhiều hơn ở một số quốc gia này so với các quốc gia khác. Khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, sự phục hồi thị trường lao động chậm chạp được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa cực đoan dân túy, thương mại và các vấn đề về nhập cư dễ dàng trở thành đối tượng để đổ lỗi. Những biến động chính trị trong những năm gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm bớt tác động của những thay đổi về thương mại và các thay đổi về công nghệ đối với sinh kế của người dân. Bằng cách đưa ra các chính sách an sinh xã hội, xây dựng thị trường lao động tích cực, các chính phủ có thể đảm bảo rằng lợi ích từ thương mại được chia sẻ rộng rãi trong khi các tác động xấu của chúng được làm dịu đi.

Chắc chắn có thể đưa nhiều người, nhiều khu vực hơn từ vùng biên của mạng lưới sản xuất thương mại toàn cầu đến với dòng chảy chính. Điều này đã bắt đầu diễn ra. Các công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa cơ sở cung cấp của họ để theo đuổi mục tiêu tiết kiệm chi phí và quản lý rủi ro tốt hơn. Bangladesh, Campuchia, Maroc, Việt Nam đang mở rộng sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Từ Barbados đến Bali, Ohio, các hoạt động dịch vụ từ xa đang tạo cơ hội, thổi luồng sinh khí mới vào các cộng đồng đang gặp khó khăn.

Đưa quá trình tái cấu trúc toàn cầu hóa này đi xa hơn để bao trùm nhiều địa điểm hơn thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ sẽ mang lại lợi ích đáng kể. Nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo ở các khu vực của Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, những khu vực có môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô tốt nhưng thiếu kết nối với các các ngành kinh tế toàn cầu đầy năng lượng. Tái cấu trúc sẽ dẫn đến sự hòa nhập kinh tế xã hội lớn hơn cho các bộ phận xã hội có tỷ lệ nghèo đói và thiếu việc làm cao. Nó sẽ làm tăng cường chiều sâu, sự an toàn và tính linh hoạt của chuỗi cung ứng.

Một hệ thống thương mại đa phương, cởi mở và mạnh mẽ là cần thiết cho làn sóng tăng trưởng định hướng thương mại tiềm năng tiếp theo này. Nhưng quá trình tái cấu trúc toàn cầu hóa sẽ khác với quá trình công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu đã làm biến đổi Đông Á. Với những tiến bộ trong tự động hóa làm cho ngành chế tạo không còn tạo ra nhiều việc làm so với trước đây, các ngành dịch vụ sẽ phải đóng vai trò chính bên cạnh ngành chế tạo, sản xuất nông nghiệp và chế biến. Ngành dịch vụ ngày càng trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại, mở rộng nhanh hơn thương mại hàng hóa. Điều này đặc biệt đúng đối với các dịch vụ được cung cấp bằng kỹ thuật số – mọi thứ từ phát trực tuyến trò chơi điện tử đến tư vấn qua hội nghị truyền hình. Thương mại xuyên biên giới trong các dịch vụ này tăng trung bình 8,1% từ năm 2005 đến năm 2022, so với 5,6% đối với hàng hóa. Vào năm 2022, xuất khẩu dịch vụ chuyển giao kỹ thuật số đạt giá trị 3,8 nghìn tỷ USD, tương đương với 12% tổng giao dịch hàng hóa và dịch vụ, tăng từ 8% một thập kỷ trước đó.

Để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc toàn cầu hóa này, cơ chế thương mại quốc tế sẽ cần phải thích ứng bằng cách đặt ra các quy tắc rõ ràng về thương mại kỹ thuật số và thúc đẩy hợp tác sâu hơn về thương mại dịch vụ. Những lỗ hổng trong các quy tắc thương mại hiện tại – hoặc thiếu xót những quy tắc toàn cầu được chia sẻ – giảm thiểu những chi phí giao dịch không đáng có đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ. Các thành viên của WTO đã và đang thực hiện các bước đi đúng hướng. Vào năm 2021, một nhóm các thành viên chiếm hơn 90% thương mại dịch vụ toàn cầu đã đạt được thỏa thuận về việc giảm các rào cản pháp lý đối với thương mại dịch vụ, gần 90 thành viên, bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, hiện đang đàm phán một thỏa thuận cơ bản, một bộ quy tắc toàn cầu cho thương mại kỹ thuật số. Các sáng kiến khu vực nhằm hạ thấp các hàng rào thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối, chẳng hạn như Khu vực Thương mại Tự do Lục địa Châu Phi (AFCFTA), cũng rất hữu ích.

Cuối cùng, việc duy trì hòa bình và an ninh là đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay. Việc sử dụng các chính sách thương mại như một loại vũ khí trong các mối quan hệ ngày càng tăng đã đặt ra nghi ngờ về quan điểm lâu nay rằng thương mại mang lại hòa bình. Có thể hiểu được sự lo lắng của các quốc gia về việc trở nên phụ thuộc vào các đối thủ tiềm tàng đối với những hàng hóa quan trọng. Nhưng như đã được làm rõ, việc hạn chế thương mại đối với một số đối tác đi kèm với chi phí cơ hội: giá cao hơn, các lựa chọn thị trường xuất khẩu giảm đi, phân bổ nguồn lực kém hiệu quả hơn và xuất hiện các lỗ hổng nguồn cung mới.

Trong khi đó, các thị trường sâu rộng và đa dạng sẽ khiến việc vũ khí hóa thương mại quốc tế trở nên khó khăn hơn, bằng cách giảm sự phụ thuộc của các quốc gia vào bất kỳ nguồn cung cấp duy nhất nào. Khi xung đột ở Ukraina cắt đứt gần như toàn bộ lúa mì nhập khẩu của Ethiopia, Ethiopia đã có thể bù đắp thiếu hụt bằng hàng nhập khẩu từ Argentina và Hoa Kỳ. Châu Âu đã bù đắp cho sự thất thoát khí đốt qua đường ống của Nga bằng việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ các nguồn khác. Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, việc phân tán cơ sở sản xuất cho mọi loại hàng hóa sẽ đồng nghĩa với việc giảm bớt các rủi ro và hạn chế trong quá trình giao thương. Một điều kiện tiên quyết để tái cấu trúc toàn cầu hóa là một nền kinh tế toàn cầu rộng mở và có thể dự đoán được, gắn liền với một hệ thống thương mại đa phương mạnh mẽ, dựa trên các quy tắc.

Lực lượng vì hòa bình

Thương mại quốc tế không phải là viên đạn bạc có thể giải quyết mọi vấn đề về an ninh cũng như không phải là gót chân Achilles của cấu trúc an ninh hiện tại. Từ bỏ nhiều lợi ích đi kèm với thương mại quốc tế sẽ là hành động điên rồ. Thực sự có những vấn đề với hệ thống thương mại hiện tại, nhưng kịch bản đi ngược lại gần như chắc chắn mang lại kết quả tồi tệ hơn: khó có thể tin rằng an ninh quốc tế sẽ trở nên tốt hơn nếu các cường quốc hàng đầu không có lợi ích chung trong sự ổn định, thịnh vượng của nhau và không tham gia chung các tổ chức quốc tế. Thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc mang lại lợi ích to lớn cho người dân cũng như doanh nghiệp ở cả hai quốc gia, nó gắn kết các siêu cường với nhau, cả song phương và trên các diễn đàn quốc tế, tạo động lực hợp tác nếu có thể, đồng thời còn giúp tránh xung đột.

Cạnh tranh chiến lược là một thực tế của thế giới hiện đại. Nhưng thế giới đó sẽ trở nên không thể sống được nếu không có sự hợp tác chiến lược. Cuộc họp cấp bộ trưởng của WTO vào mùa hè năm ngoái đã mang lại hy vọng rằng cả hai có thể đồng hành cùng nhau. Các hiệp định đạt được ở đó có sự ủng hộ của tất cả các thành viên WTO. Họ đã làm việc trên các đường đứt gãy địa chính trị và chính sách, mỗi người đều nhận thức được lợi ích quốc gia trong việc củng cố hệ thống thương mại toàn cầu.

Trong ba phần tư thế kỷ, kể từ khi thế giới lần đầu tiên chấp nhận hợp tác đa phương về thương mại, hệ thống thương mại toàn cầu đã củng cố sự phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới. Nó đã đạt được mục tiêu ban đầu là giúp các chính phủ duy trì thị trường mở trong thời kỳ hỗn loạn. Trước những cú sốc lớn, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho đến đại dịch, thế giới đã không lặp lại vòng xoáy của chủ nghĩa bảo hộ và suy thoái những năm 1930, thay vào đó, lấy cung và cầu xuyên biên giới làm động lực phục hồi.

Ngày nay, hệ thống thương mại đa phương là một phần của giải pháp cho những thách thức lớn toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, xung đột đến chuẩn bị cho đại dịch. Và một WTO được cải cách, phù hợp với thế kỷ 21, là cần thiết hơn bao giờ hết, với các quy tắc làm nền tảng cho sự ổn định, khả năng dự đoán và tính cởi mở của hệ thống thương mại toàn cầu. Nếu 15 năm qua đã dạy cho chúng ta bất cứ điều gì, thì đó là những cuộc khủng hoảng không lường trước chắc chắn sẽ ở phía trước và nếu không có lực lượng thương mại ổn định, thế giới gần như chắc chắn sẽ khó có thể vượt qua.

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: ,