Xe kéo tay – hoài niệm xưa hay dấu ấn một thời nô lệ?

Chiều chiều các phu xe ra cột cờ Thủ ngữ, gác càng xe chờ đợi khách thừa lương. Họ được coi là một trong những giai tầng thấp kém nhất trong xứ thuộc địa và từ “cu-li xe kéo” khiến người nghe liên tưởng đến sự dốt nát, nghèo nàn cùng cực trong xã hội.

Xe kéo tay – hoài niệm xưa hay dấu ấn một thời nô lệ?

Thời tuổi trẻ, mỗi khi có việc đi đâu phải dùng đến xích lô, ngồi trên nệm ấm, nghĩ đến bác phu xích lô gò mình đạp xe dưới tưng bừng nắng lửa mà không khỏi chạnh lòng. Vậy mà cách đây hàng trăm năm, cha ông chúng ta đã có một thời gian dài làm kiếp “ngựa người”, ôm càng xe chạy lúp xúp dưới lòng đường, còn ngất ngưởng phía sau là “ông Tây”, “bà Đầm” hay thầy thông, thầy ký…Dù muốn dù không, chiếc xe kéo cũng đã hiện diện trong lịch sử dân tộc như dấu ấn của một thời nô lệ, như chứng tích về nỗi hận niềm đau của nhiều thế hệ người Việt Nam chưa hề được hưởng hạnh phúc của đời sống độc lập tự do. Bài viết này như một hồi ức tưởng nhớ về những kiếp đời bất hạnh đó.

Theo những tài liệu hiện có, xe kéo xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào những năm cuối thập niên 1860 như một phương tiện tự chế dành cho những phú ông không còn đủ sức lực đi bằng chính đôi chân của mình. Từ cái nôi đó, nó nhanh chóng có mặt tại nhiều nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Madagascar, Ấn Độ và vào Việt Nam vào những năm đầu thập kỷ 1880. Tại đây, từ rickshaw do những người sử dụng tiếng Anh dùng để gọi chiếc xe kéo đã được thực dân Pháp chuyển thành từ pousse-pousse và cũng từ đó, tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận hình thành một đội ngũ những công nhân được người Việt gọi là phu kéo xe, còn thực dân Pháp gọi là coolies-pousse.

Nghe đâu việc nhập xe kéo vào Việt Nam là sáng kiến của một viên chức Pháp tên Bonnal, sau là quyền Thống sứ Bắc kỳ (1886-1887). Lúc đầu, việc khai thác loại phương tiện chuyên chở này được dành độc quyền cho những người có “máu mặt”, song theo Claude Bourrin, tác giả quyển Le vieux Tonkin 1890-1894 (Xứ Bắc kỳ những năm 1890-1894), tại Hà Nội, độc quyền khai thác xe kéo bị bãi bỏ từ ngày 31.12.1890. Cũng từ ấy, người ta ít thấy những chiếc xe kéo tồi tàn, những bác phu xe ăn mặc nhếch nhác. Thay vào đó là những chiếc xe mới có tên là Les Tonkinois (người Bắc kỳ), cao ráo, bánh sơn đỏ, thùng xe sơn xanh, có một ô sơn trắng dành để kẻ tên và số đăng ký màu đỏ. Người phu xe cũng ăn mặc quần áo trắng, trông sạch sẽ gọn gàng hơn trước. Xe kéo của những chủ nhân người Hoa thì khác. Bánh xe sơn màu trắng hoặc màu xanh lơ, người phu xe mặc áo cổ màu xanh dương, đỏ hay xanh lục. Những nhà giàu có sắm hẳn một chiếc xe kéo, nuôi luôn người phu xe trong nhà để điều động mỗi khi cần đi đâu. Người ta kể rằng xe của các vị quan to, ngoài người phu xe cắm cúi chạy, còn có một lính hầu chạy theo bên cạnh, tay cầm sẵn xe điếu để khi cần, quan dừng lại bên đường, rít một hơi thuốc. Các bà mệnh phụ cũng thế, nhưng thay vào chỗ điếu cày là tráp đựng trầu cau.
Tại Nam kỳ, xe kéo xuất hiện chậm hơn, nhưng chỉ sau 5 năm so với Hà Nội, chứ không phải 15 năm như có tài liệu đã nhầm. Trong bức thư đề ngày 20.1.1888, một người Âu tên Fabre xin với viên Đốc lý Sài Gòn (thị trưởng) và Hội đồng thành phố cho được độc quyền khai thác xe kéo tại thành phố. Bức thư cũng cho biết tại thành phố Chợ Lớn, một Hoa kiều vừa được viên Đốc lý cho phép khai thác loại xe mới mẻ này. Tháng 3.1888, Hội đồng thành phố qui định giá cước một cuốc xe là 5 xu, mỗi giờ chạy là 12 xu. Đến tháng 8 năm 1892, một người Nhật tên Tokamath lại được khai thác độc quyền xe kéo trong 4 năm. Từ đó, xe kéo trở thành phương tiện kiếm sống của nhiều người Việt được xếp vào thành phần “cu-li” (coolie: phu, người lao động không có tay nghề). Chiều chiều các phu xe ra cột cờ Thủ ngữ, gác càng xe chờ đợi khách thừa lương. Họ được coi là một trong những giai tầng thấp kém nhất trong xứ thuộc địa và từ cu-li – xe kéo khiến người nghe liên tưởng đến sự dốt nát, nghèo nàn cùng cực trong xã hội.

Về hình thức, những chiếc xe kéo đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn có bánh bằng sắt, chạy khua trên mặt đường và hành khách bị xóc trên những quãng đường xấu. Về sau, để cải tiến, người ta chế ra loại bánh cao su đặc, chạy êm hơn. Số phu xe ngày càng nhiều, họ cố trang trí xe cho bắt mắt, bọc nệm để chỗ khách ngồi được êm hơn.

Khoảng năm 1907, một phụ nữ người Âu tên Gabrielle M. Vassal có chồng là một bác sĩ ngạch thuộc địa làm việc ở Khánh Hòa (Nha Trang), nên ngay sau đám cưới, bà đã rời Pháp, theo chồng đến Khánh Hòa để sinh sống. Trong tác phẩm “Mes trois ans d’Annam “Ba năm ở Việt Nam” do nhà Hachette (Paris) xuất bản năm 1912, nữ tác giả này tỏ ra ngạc nhiên trước những người bản xứ gầy gò có thể nhanh nhẹn kéo chiếc xe trên chở những vị khách người Âu thể trọng nặng gấp hai lần họ. Bà cũng từng chứng kiến những thú vui ngày Tết của người bản xứ trong đó có cả cuộc đua dành cho các phu xe kéo.

Trước đó, trong thời gian mới đến Sài Gòn, chờ trở ra nhiệm sở của chồng ở Khánh Hòa, Vassal có những dịp nhìn ngắm phố xá Sài Gòn cùng sinh hoạt của những con người bản xứ ở đó. Bà đã miêu tả sinh hoạt một buổi chiều Sài Gòn đầu thế kỷ 20 như sau:”Người ta gặp nhiều người dân bản xứ trên đường phố. Từng nhóm người lũ lượt đi về nhà, ngày làm việc đã hết. Trong số họ, các thầy thông ngôn dễ nhận ra bởi những mái tóc cắt ngắn, khăn đội đầu gấp nhiều nếp một cách hoàn hảo, quần dài trắng, giày cổ thấp và vớ đen. Những người “nhà quê” (nguyên văn: nhaqués) mặc áo màu xanh sẫm, đôi khi vá chằng vá đụp đến nỗi không còn thấy một chút vải nguyên gốc nào cả…..

Những phụ nữ bản xứ ở giai cấp cao hơn thì đi xe kéo, người thì quấn khăn quàng bằng lụa màu sáng trên đầu, kẻ thì giắt cây trâm vàng trong cái búi tóc đen nhánh….”
(Sđd – trang 13).

Nhưng có lẽ sinh động nhất là đoạn văn sau đây tả cảnh người phu xe kéo chở khách vào ban đêm trên một trong những đường phố náo nhiệt của Sài Gòn xưa:”Chúng tôi ngồi ăn tối trên sân thượng của nhà hàng Continental. Mặc dầu đêm đã khuya nhưng những chiếc bàn chất đầy rượu mạnh và thức uống lạnh vẫn còn đông khách. Con đường im ắng nhưng đồng thời cũng rất náo nhiệt. Những chiếc xe kéo chạy êm ru trên những chiếc bánh bằng cao su, đôi chân trần của người phu xe nện đều đều xuống đất mà không làm phát ra một tiếng động nhỏ nào…. (trang 15)

* * *

Đầu thập niên 1910, những “xe kéo tự động” (pousse-pousse automobiles) ra đời nhưng vẫn không làm mất đi hình ảnh chiếc xe kéo chạy bằng sức người trên đường phố Sài Gòn và Hà Nội. Sau thế chiến thứ nhất, chiếc xe đạp xuất hiện, một trong những người Việt Nam đầu tiên biết đi xe đạp là cụ Trương Duy Toản, tác giả tập truyện Phan Yên Ngoại Sử xuất bản năm 1910. Những năm đầu thập niên 1930, chiếc xích lô ra đời, người phu xe lao động thoải mái hơn và khách đi xe cũng cảm thấy an toàn hơn so với ngồi xe kéo. Song đến thời điểm ấy, xe kéo vẫn còn tồn tại và cụm từ “xích lô-xe kéo” vẫn song hành với nhau để chỉ những người dân ít học, đem mồ hôi đổi lấy miếng cơm. Kể từ thập niên 1940 trở đi, xe kéo mai một dần, những người nay thuộc lớp tuổi 60 trở lại không còn có dịp tận mắt nhìn thấy chiếc xe kéo, có chăng chỉ trên những trang sách cũ.

Theo LÊ NGUYỄN / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: