⠀
Hung Nô khiến Hán Cao Tổ sợ hãi, phải cống nạp vật phẩm, gái đẹp
Lúc sinh thời, Hán Cao Tổ Lưu Bang chỉ có duy nhất một lần đối đầu với quân Hung Nô, và đó là một thất bại nhục nhã nhất trong đời ông.
>> Người Hung Nô: Từ bộ lạc du mục đến đế chế hùng mạnh uy hiếp Trung Hoa |
Sau khi bình định toàn bộ phương bắc, Mặc Đốn vẫn không thôi mộng bành trướng lãnh thổ, nên đã khởi binh tiến đánh xuống phía Nam.
Vào thời điểm này, nhà Hán mới thành lập ở vùng Trung Nguyên. Nắm được mối nguy tiềm tàng của người Hung Nô, Lưu Bang đã cử tướng Hàn Vương Tín (tránh nhầm lẫn với danh tướng Hàn Tín) đóng quân ở Mã Ấp để tăng cường phòng thủ vùng biên giới phía bắc.
Năm 201 trước CN, Mặc Đốn xua quân vây đánh dữ dội Mã Ấp. Hàn Vương Tín chống không lại, phải đầu hàng Hung Nô. Thừa thắng, Mặc Đốn tiếp tục tiến quân xuống phía Nam và bao vây Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc).
Hán Cao tổ Lưu Bang sau khi nhận được tin dữ, đã đích thân cầm quân chống cự. Ông huy động tới 320.000 quân gồm binh mã, mãnh tướng, quân thần cùng tiến về biên giới.
Cuộc đọ sức đầu tiên giữa 2 bên diễn ra ở gần Phổ Dương với phần thắng thuộc về Lưu Bang. Quân Hán với trang bị tốt hơn và thiện chiến hơn đã đẩy lùi đạo quân tiên phong của Hung Nô về sát biên giới.
Nhận thấy đánh đôi công sẽ khó có thể thắng được quân Hán, Mặc Đốn liền dùng kế nghi binh. Lúc này trời đã trở đông, biết rằng những người lính từ vùng thảo nguyên phía nam khó có thể chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở cao nguyên phương Bắc, Mặc Đốn rút hết quân chủ lực và chỉ để lại ngoài tiền tuyến những người lính già yếu, nhằm dụ quân Hán vào sâu trong lãnh thổ Hung Nô.
Quả nhiên, Lưu Bang vì chủ quan nên quyết định tiến quân thần tốc xuống Bình Thành, bỏ mặc sự can ngăn của tướng Lưu Kính. Kỵ binh của quân Hán tiến nhanh đến mức bỏ xa đạo quân bộ binh vẫn còn ì ạch hành quân ở dưới Phổ Dương.
Nhận thấy đối phương đã mắc mưu, Mặc Đốn nhân cơ hội đạo quân của Lưu Bang còn mải đợi viện binh từ phía sau, lập tức tung đội kỵ binh tinh nhuệ của mình ồ ạt phản công. Quân Hán vốn đã rệu rã, uể oải bởi tiết trời lạnh giá, lại bất ngờ bị đánh úp nên nhanh chóng tan vỡ và bị quân Hung Nô bao vây ở núi Bạch Đăng.
Mặc Đốn liên tục điều động kỵ tấn công quân Hán ở cả phía đông nam và tây bắc núi Bạch Đăng. Quân của Lưu Bang bị vây khốn suốt 7 ngày 7 đêm, binh sĩ chết dần chết mòn vì đói khát, tưởng số tận đến nơi.
Nhưng may thay, một vị quân sư tên Trần Bình đã nghĩ kế giả trang làm người Hung Nô, bí mật đem vàng bạc, lụa là đến đút lót cho người vợ của Mặc Đốn, nhờ cô này dùng lời ngon ngọt khuyên nhủ Mặc Đốn lui binh và dàn xếp việc giảng hòa.
Kế sách của Trần Bình đã phát huy tác dụng. Mặc Đốn phần vì tin lời vợ, phần vì lo sợ viện binh của quân Hán sắp sửa đến nơi, nên đã chủ động mở vòng vây và để Lưu Bang có thể rút quân.
Bạch Đăng được xem như trận đánh khẳng định vị thế giữa 2 nước. Nhà Hán từ đó trở nên sợ hãi và thần phục Hung Nô, và đã nhiều lần chủ động cống nạp sản vật quý, phụ nữ đẹp cho Mặc Đốn để đổi lấy hòa bình.
Mặc Đốn tuy một mặt tiếp nhận các cống phẩm và phụ nữ của người Hán, song một mặt vẫn liên tục đem quân quấy rối vùng biên thùy giữa 2 nước. Nhà Hán dù rất tức giận nhưng đành bất lực.
Thậm chí, sau khi biết tin Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời, Mặc Đốn đã chủ động gửi cho Lã Hậu một bức thư với lời lẽ tinh tế nhưng không kém phần dâm dục, theo Sử ký của Tư Mã Thiên, bức thư có nội dung như sau:
“Ông vua cô độc buồn rầu, sinh ra ở nơi đầm lầy, lớn lên ở nơi thảo dã bò ngựa, mấy lần đến biên giới muốn chơi Trung Quốc. Bệ hạ thì buồn bã một mình. Hai chúa không vui, không có gì để giải buồn. Xin lấy cái có để đổi lấy cái không.”
Sau khi đọc bức thư, Lã Hậu đọc thư rất tức giận, định điều binh đánh Mặc Đốn. Các tướng can rằng:”Giỏi và vũ dũng như Cao Đế mà còn bị nguy khốn ở Bình Thành”, Lã Hậu mới nén giận, lấy tông thất nữ quyến phong làm Công chúa gả cho Mặc Đốn, tiếp tục giữ chính sách giảng hòa và nộp cống phẩm cho Hung Nô để yên bờ cõi.
Mặc Đốn đã tạo ra thời hoàng kim của Đế quốc Hung Nô trong ngót nghét tầm 100 năm, mà ít vị thiền vu nào khác có thể đạt được. Sau khi ông qua đời vào năm 174 trước CN, Đế quốc Hung Nô dần dần mất đi vị thế cực thịnh của mình, trước khi bị nhà Hán lấn lướt và đồng hóa không lâu sau đó.
Theo DÂN VIỆT
Tags: Trung Hoa cổ, Thế giới cổ đại, Hung Nô