Vladimir Ilyich Lenin: Người đưa chủ nghĩa Marx từ lý luận thành hiện thực

Là nhà cách mạng, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, Vladimir Ilyich Lenin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho nhân loại.

Vladimir Ilyich Lenin tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov. Như các nhà cách mạng khác, Lenin từng có tới 148 bí danh, phổ biến nhất là Tulin, Petrov, Meyer… Các nhà sử học cho rằng, tên Lenin có thể liên quan tới con sông Lena ở Siberia.

Ông sinh ngày 22/4/1870, ở Simbirsk, nay là thành phố Ulianovsk bên bờ sông Volga, cách thủ đô Moskva khoảng 893 km về phía Đông, trong một gia đình nhà giáo tiến bộ. Cha Lenin là ông Ilya Nikolaevich Ulyanov, hiệu trưởng trường trung học và là một người có tư tưởng tiến bộ. Mẹ Lenin là bà Maria Alexandrovna Ulyanova, con của một gia đình bác sĩ. Bà biết nhiều ngoại ngữ, am hiểu văn học nghệ thuật…

Con đường chông gai

Mùa Hè năm 1877, khi Lenin bảy tuổi, gia đình rời Simbirsk (Ulyanovsk ngày nay) chuyển đến thành phố Kazan. Cũng trong thời gian này, anh cả của Lenin bị bắt, sau đó bị xử tử hình vì tham gia vào vụ mưu sát Nga hoàng Aleksandr III. Cái chết của người anh trai đã gây xúc động mạnh trong tâm trí Lenin và đã thôi thúc ý chí cách mạng của Lenin sau đó. Tuy nhiên, để đấu tranh chống chế độ chuyên chế, đầy rẫy bất công khi đó, Lenin muốn tìm một con đường khác với con đường mà người anh cả đã đi.

Sau khi tốt nghiệp xuất sắc bậc trung học, Lenin được tùy ý lựa chọn vào thẳng một trường đại học của nước Nga. Thế nhưng, vì là em ruột của một tội phạm tử hình, nên Lenin bị cấm nhập học ở thủ đô Saint Petersburg và phải xin vào học khoa Luật của Đại học Tổng hợp Kazan.

Tại đây, Lenin tích cực tham gia nhóm cách mạng trong sinh viên, trở thành thành viên chủ chốt của Hội đồng hương bí mật Samarsko-Simbirskoe. Lenin bắt đầu nghiền ngẫm các tác phẩm của Karl Marx. Do tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên, tháng 2/1887, Lenin bị trường Đại học Tổng hợp Kazan đuổi học và phải rời khỏi Kazan. Tháng 10/1888, sau khi hết án phạt, Lenin trở lại Kazan và gia nhập nhóm Marxist tại đây.

Mặc dù không được theo học trực tiếp, nhưng với tư chất thông minh cùng với nghị lực rất cao trong việc tự học, chỉ trong vòng hai năm miệt mài đèn sách, năm 1891, Lenin đã hoàn thành tất cả các môn học của chương trình bốn năm khoa Luật trường Đại học Kazan, với tư cách thí sinh tự do.

Đến năm 1893, Lenin chuyển về Saint Petersburg và sau đó thành lập Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân vào tháng 8/1895. Tại đây, Lenin đã gặp Nadezhda Krupskaya, một nữ thành viên trong nhóm Marxist. Hai người yêu nhau và trở thành bạn đời chung thủy, sát cánh trên con đường cách mạng.

Đêm 9/12/1895, do bị tố giác, Lenin bị cảnh sát bắt. Sau 14 tháng cầm tù, tháng 2/1897, Lenin đi đày ba năm ở làng Shushenkoe, miền Đông Siberia. Trong thời gian lưu đày, Lenin đã viết 30 tác phẩm, trong đó có cuốn “Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở nước Nga”, một trong những tác phẩm quan trọng bậc nhất của ông.

Khi thời hạn lưu đày ở Siberia kết thúc năm 1900, Lenin hăng hái bắt tay vào việc tập hợp những người Marxist thành lập chính đảng cách mạng. Tuy nhiên, do chính quyền Nga hoàng cấm Lenin sống ở Thủ đô và các thành phố lớn, Lenin phải ra nước ngoài để tiếp tục hoạt động trong thời gian gần 17 năm và chỉ bí mật về nước chỉ đạo cách mạng thời gian ngắn vào năm 1905.

Ngày 16/4/1917, Lenin bí mật trở lại Petrograt (Saint Peterburg khi đó) để trình bày bản Luận cương Tháng Tư nổi tiếng. Đây là một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu Toàn bộ chính quyền về tay Xô Viết. Ngày 23/10/1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của Lenin được Hội nghị ủy ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua. Tối ngày 6/11/1917, Lenin đến Cung điện Smolnyi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đêm ngày 7/11/1917 (vào tháng Mười theo lịch Nga), Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng.

Từ lý luận thành hiện thực

Lenin đã lãnh đạo thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, đưa Đảng Cộng sản lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Lenin chính là người Marxist đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Marx vào thực tiễn nước Nga.

Dưới ngọn cờ của Lenin, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành. Tên tuổi vĩ đại của Lenin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu. Tuy nhiên, chính sách cộng sản thời chiến đã bộc lộ những sai lầm tạo ra tình trạng khủng hoảng vô cùng trầm trọng cho nước Nga Xô Viết. Kịp thời phát hiện ra sai lầm đó, tháng 3/1921, Đại hội X Đảng Cộng sản Nga thông qua “Chính sách kinh tế mới” (NEP) do Lenin khởi xướng, đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, giữ chính quyền Xô Viết non trẻ đứng vững và nước Nga xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh. Sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, gợi mở lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan.

Ngay từ giai đoạn đầu, Lenin đã viết: “Chúng ta không hề coi lý luận của Marx là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”. Lenin đã trở thành một mẫu mực về giải quyết thỏa đáng mối quan hệ biện chứng giữa trung thành và sáng tạo, giữa bảo vệ và phát triển học thuyết Marxist.

Bên cạnh đó, Lenin còn có những đóng góp phong phú, toàn diện về nghiên cứu các quy luật và phạm trù của phép biện chứng duy vật, về nghệ thuật quân sự, về bài học bảo vệ cách mạng, về nhà nước, về Đảng kiểu mới và xây dựng Đảng… Những đóng góp từ thực tiễn cách mạng và lý luận sâu rộng, phong phú của Lenin đã góp phần đưa học thuyết của Marx trở thành Chủ nghĩa Marx-Lenin.

Sự giản dị của một vĩ nhân

Mặc dù rất ngưỡng mộ anh trai mình nhưng Lenin không tán thành con đường đấu tranh theo lối ám sát các quan chức trong bộ máy của Sa hoàng. Ông nhận ra vai trò của quần chúng và lựa chọn con đường thức tỉnh họ, phát huy sức mạnh “dời non lấp bể” của họ để thay đổi hiện thực xã hội.

Trong 54 năm cuộc đời, Lenin đã để lại một di sản đồ sộ gồm 55 cuốn sách dày tập hợp các tác phẩm nghiên cứu, lời kêu gọi, văn bản chỉ đạo và bài phát biểu, thể hiện khả năng liên tưởng và khái quát hóa siêu việt trong việc nhìn nhận các hiện tượng tự nhiên, xã hội và cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân.

Nhân cách của Lenin thể hiện rõ đặc biệt trong giai đoạn ông đi đày ở Siberia, hoạt động cách mạng ở nước ngoài và cả khi đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của nước Nga Xô-viết. Các đồng chí của Lenin nhận xét ông là con người giản dị, không chút quan cách, sống thanh đạm… Trong mắt đại văn hào Maxim Gorky, một người bạn thân của ông thì: Lenin trông không có vẻ gì của một vị lãnh tụ cả.

Không chỉ sống trong sáng, giản dị, Lenin còn rất gần gũi với quần chúng và đặc biệt khiêm nhường. Kể cả khi vươn tới đỉnh cao lý luận, ông không chút tự kiêu. Ngược lại, ông phân tích kỹ lưỡng về bệnh kiêu ngạo để cảnh tỉnh các đảng viên cộng sản.

Năm 1918, Lenin bị ám sát bằng ba phát súng ở cự ly rất gần. Vết thương trầm trọng đe dọa đến tính mạng, khiến ông bất tỉnh. Khi hồi phục lại một chút, ông lại lao ngay vào làm việc. Lenin là linh hồn của phong trào Bolshevik và Cách mạng Nga. Ông làm việc không ngừng nghỉ, tới 14-16 tiếng mỗi ngày. Hết lãnh đạo Cách mạng tháng Mười, lại lo đối phó với cuộc nội chiến do lực lượng Bạch vệ phát động. Vừa đương đầu với cuộc can thiệp vũ trang của các nước đế quốc, vừa phải xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Tất cả những điều này, cộng với các vết thương trầm trọng do bị ám sát trước đó, đã bào mòn sức khỏe của Lenin. Dù vốn rất tráng kiện và chịu khó tập thể thao, Lenin đã qua đời vào ngày 21/1/1924 ở làng Gorki, Moskva.

Trước khi ra đi, Lenin từng bày tỏ nguyện vọng được an nghỉ cạnh mẹ mình và người em gái trong khu nghĩa trang ở quê nhà. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Xô-viết sau các cuộc họp bàn đã quyết định gìn giữ thi hài Lenin. Quá trình này diễn ra trong nhiều tháng, kế đó là việc xây dựng lăng mộ vĩnh viễn tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva.

Kể từ đó, thi hài Lenin được đặt tại Quảng trường Đỏ cho tới nay, ngoại trừ bốn năm chuyển tới vùng Siberia xa xôi để tránh các cuộc tấn công từ Đức quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc.

Năm 1990, Lăng Lenin được đưa vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO cùng Điện Kremly và Quảng trường Đỏ ở Moskva, trở thành “ví dụ điển hình của Liên Xô về kiến trúc tượng đài mang tính biểu tượng” và là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của đất nước.

Vào ngày Lenin qua đời 21/1 hàng năm, dòng người vẫn đổ về Lăng Lenin ở Quảng trường Đỏ của thủ đô Moskva. Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta đến đặt hoa, tổ chức mít tinh tại các tượng đài Lenin tưởng nhớ Nhà lãnh đạo Xô Viết kiệt xuất, lãnh tụ của giai cấp vô sản, và di sản to lớn của Người cho lịch sử đương đại của nước Nga và thế giới.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: ,