⠀
Vua hài Charlie Chaplin: Góc tối dữ dội của người chọc cười cả thế giới
Khán giả tôn thờ Charlie Chaplin (ở Việt Nam ông được biết tới với tên Vua hề Sác lô), nhưng với vợ con và bạn diễn, ông là con quỷ tàn nhẫn. Những chi tiết thú vị như thế vừa tiết lộ trong một cuốn tiểu sử viết về Chaplin.
“Xin chào mừng bạn tới với thế giới của Nam London trong thập kỷ cuối của thế kỷ 19” – cuốn tiểu sử của Peter Ackroyd viết về Charlie Chaplin mở màn bằng những lời như thế – “Mùi hương tràn ngập trong không khí tới từ dấm, phân chó, khói thuốc, bia… kết hợp thành cái mùi kinh tởm của đói nghèo”.
Tuổi thơ khốn cùng
Hai chữ “đói nghèo” ấy đã ám ảnh gần như toàn bộ tuổi thơ của Charlie Chaplin, xuất phát từ một gia cảnh vô cùng đặc biệt. Cha ông chết vì nghiện rượu ở tuổi 38. Mẹ ông bị tống vào trại thương điên trong 17 năm trời.
Cậu bé Chaplin không nơi nương tựa phải tự bấu víu lấy cuộc đời mà sống. Năm lên 7 tuổi, ông ở trong trại cứu tế. Năm lên 8, ông ở trường dành cho trẻ vô gia cư. Năm 9 tuổi, ông ngủ vạ vật trên các con phố ở Nam London.
Nhưng năm 26 tuổi, Chaplin trở thành một trong những người nổi tiếng nhất Trái đất. Với mức thu nhập 670.000 USD mỗi năm, ông còn là người kiếm được nhiều tiền nhất và giàu nhất khi đó.
Số phận dường như sẽ khiến Chaplin phải gia nhập hàng ngũ những kẻ vô gia cư, lang thang sống ở Nam London. Nhưng cuộc đời rẽ sang hướng khác nhờ một lần ông nhận được vai diễn một người hầu nhỏ tuổi trong gánh hát chuyên diễn vở Sherlock Holmes.
Dù vai diễn của Chaplin chỉ rất nhỏ, ông vẫn tìm cách thu hút sự chú ý của khán giả. “Cậu ấy thành công trong việc biến vai một người hầu nhỏ tuổi thành nhân vật được khán giả ưa thích” – một nhà phê bình nhận xét.
Chaplin đã gạch chân các nhận xét như thế về mình và lưu lại mọi bài phê bình trong suốt cuộc đời. Gánh hát trên mở đường để ông được gia nhập một gánh hát hài kịch quy mô lớn hơn và thêm lần nữa ông lại chinh phục khán giả với lối diễn rất tự nhiên không gượng gạo.
“Nước Mỹ, ta đang tới để chinh phục ngươi”
Ngoài sân khấu, cá tính dữ dội, không chấp nhận thỏa hiệp của Chaplin đã hình thành hoàn chỉnh. Ông chỉ trích toàn bộ gánh hát là kém cỏi và dù mới 14 tuổi, đã khiến họ cáu giận khi liên tục chỉ đạo, nói rằng họ phải diễn như thế nào để tạo tác động tốt hơn. Nhưng trên sân khấu, khán giả yêu mến Chaplin và ông cũng biết rất rõ cách thu hút sự chú ý của họ bằng những cách như trượt ngã hay khiến quần mình tụt xuống, thường là khi có ai đó đang diễn trên sân khấu.
Tham vọng của ông vô cùng lớn lao. Khi tới Mỹ cùng một gánh hát vào năm 1910, ông đã hét lớn với công chúng: “Nước Mỹ, ta đang tới để chinh phục ngươi. Mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ em sẽ nhắc tới tên ta – Charles Spencer Chaplin!’
Và ông đã làm được điều mình nói. Trong vòng chỉ 1-2 năm, ông đã chuyển từ gánh hát sang Công ty hài kịch Keystone, tham gia vô số bộ phim, có lúc tới 4 phim trong 1 tháng. Chỉ vài tháng kể từ khi gia nhập Keystone, ông đã được trao quyền thủ diễn chính trong phim. Rồi khi các bộ phim của mình bán chạy hơn hẳn những phim khác của Keystone, ông đòi quyền đạo diễn.
Vào năm 1915, Chaplin đã trở nên vô cùng nổi tiếng. Đã có những con búp bê, mũ, tất, bộ bài và kẹo cao su mang hình ông. Chúng được bán ở mọi ngóc ngách trên toàn cầu.
Truyện tranh thi nhau viết về ông. Trẻ em trên thế giới hát các bài hát về ông ở sân chơi. Người ta đồn rằng từ tiếng Anh duy nhất mà nhiều người sống ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ biết là “Charlee!”.
“Ông ấy, giống Shakespeare, đã không thể đánh giá được thế mạnh của việc là một nghệ sĩ (tài giỏi) do bản năng, trong những năm sơ khai của một loại hình nghệ thuật mới” – Ackroyd nhận xét.
Đã có lúc Ackroyd dành nhiều trang viết chỉ để so sánh Chaplin với văn hào Charles Dickens. Cả 2 đều có tuổi thơ cay đắng, đều trách mẹ, đều thích đàn đúm nhưng lại cực kỳ cô độc, đều khó kiểm soát bản thân, đều cực giàu nhưng sống trong nỗi sợ đột nhiên thành nghèo khó.
Trong một đoạn khác, Ackroyd so sánh giữa Chaplin và trùm phát xít Adolf Hitler, với 2 người sinh cách nhau có 4 ngày trong tháng 4/1889. Cả 2 đều có những ông bố nghiện rượu, từng sống đời lang thang, đều là những người có khả năng trình diễn gây hớp hồn kẻ khác, tiến lên nhờ động cơ thương thân, cáu giận rất nhanh và có chút hoang tưởng trong tính cách.
Họ còn giống nhau ở bộ ria mép, dù của Hitler là thật và Chaplin là giả. Chaplin từng đóng vai Adolf Hitler trong phim hài The Great Dictator của ông. Hitler được cho là đã xem phim một mình và xem lại rất nhiều lần.
Chaplin kết thúc bộ phim đó với một bài phát biểu nổi tiếng cổ súy cho tình yêu và sự khoan dung: “Chúng ta muốn sống vì hạnh phúc của người khác, chứ không phải sự khổ đau. Chúng ta không muốn sự thù ghét và khinh miệt người khác. Sự hiểu biết khiến chúng ta trở nên cay độc. Sự khôn ngoan làm chúng ta cứng rắn và tàn nhẫn. Chúng ta suy tính quá nhiều và cảm nhận quá ít”.
Cuộc sống chìm trong cô độc
Nói vậy nhưng trong đời tư, Chaplin lại là một “con quỷ” không khoan dung. Vợ đầu của ông, một cô gái trẻ mới 16 tuổi, đã ly hôn vì chồng quá tàn bạo. Khi bị buộc phải cưới người vợ thứ 2, một cô gái 16 tuổi khác đã lỡ mang bầu với mình, Chaplin từng nói rằng cô nên nhảy ra khỏi chuyến tàu đưa họ đi trăng mật để tự sát và qua đó sẽ “giải thoát cho nỗi khổ đau của bản thân”.
Phía sau nhân vật Charlie Chaplin dễ mến trên màn bạc là một người đàn ông không bao giờ sống ở nhà.”Ông ấy luôn sống trong vai diễn và không có vai diễn, ông trở nên lạc lối” – một người bạn cùng thời từng nhận xét – “Ông ấy không thể tìm thấy sự tĩnh tâm và trong những khoảnh khắc đau khổ, ông không có gì để dựa vào”.
Tất cả những người đàn ông nổi tiếng cùng thời, từ Thủ tướng Anh Winston Churchill cho tới thủ lĩnh chính trị Ấn Độ Mahatma Gandhi đều đã từng ăn tối cùng Chaplin. Ông thảo luận nghệ thuật với Picasso và vấn đề thất nghiệp với David Lloyd George. Nhà văn Pháp Marcel Proust từng tỉa ria mép theo phong cách Chaplin và V.I. Lenin từng nói Chaplin là người đàn ông duy nhất trên thế giới ông muốn gặp.
Nhưng với những người làm việc cùng, Chaplin là kẻ thật khó ưa. Trong mắt Chaplin, chẳng ai là đủ giỏi. Trong các phim làm cuối đời, ông cấm việc quay cận cảnh vào các diễn viên phụ bởi việc này sẽ khiến khán giả ít chú ý tới hoạt động diễn xuất của ông.
Minh tinh Marlon Brando, người từng làm việc với Chaplin trong phim A Countess From Hong Kong đầy thảm họa, gọi ông là “con người tàn nhẫn, đáng sợ… có thể là người ác độc nhất tôi từng gặp”.
Con cái trong cuộc hôn nhân thứ 4 tương đối hạnh phúc của Chaplin cũng sợ gặp ông. Chúng thường bị ông phạt nếu chỉ phạm một trong rất nhiều quy định ông đặt ra. Chúng không được xem TV và các bộ phim duy nhất được chiếu trong nhà là phim của ông. Theo Ackroyd, Chaplin còn không cho phép con cái coi nhẹ các thành tựu kiệt xuất của mình.
“Thói coi mình là trung tâm đó đã khiến ông ấy bị lưu đày vĩnh viễn (trong cuộc sống riêng) ” – Ackroyd nhận xét. Và như thế cuộc sống của “Vua hề Sác lô” đã không thể thoát nổi sự bất hạnh, nỗi buồn và cô độc như thời ông còn thơ ấu ở Nam London, bất chấp việc đã có tất cả.
Theo THỂ THAO & VĂN HÓA
Tags: Charlie Chaplin