Vụ phi công chiến đấu Trung Quốc lái máy bay trốn sang Liên Xô năm 1990

Sự kiện Vương Bảo Ngọc cho máy bay J-6 hạ cánh xuống sân bay Liên Xô đã gây ra sự kinh hoàng và tác động lớn vượt xa vụ Mathias Rust hạ cánh trên Quảng trường Đỏ.

Vụ phi công chiến đấu Trung Quốc lái máy bay trốn sang Liên Xô năm 1990

Chiều ngày 25/8/1990, 1 chiếc máy bay J-6 của đội bay thuộc trung đoàn không quân tỉnh Hắc Long Giang mất tích không lâu sau khi cất cánh vào lúc khoảng 12 giờ trưa. Người lái máy bay là Vương Bảo Ngọc.

Lúc ấy, khả năng được mọi người suy đoán nhiều nhất là tai nạn máy bay. Bởi lẽ hôm ấy đội bay này tiến hành tập bay tầm thấp kỹ thuật đặc biệt, là một bài tập khó và độ rủi ro lớn, dễ xảy ra tai nạn.

Giả thiết phi công lái máy bay bỏ trốn có vẻ không hợp lý, vì khi đó điều kiện để phi công này lái máy bay sang các quốc gia xung quanh Trung Quốc đều rất khó. Quốc gia gần Trung Quốc nhất có Triều Tiên và Hàn Quốc.

Triều Tiên là nước bạn hữu hảo, dù ai trốn sang đây thì cũng có thể dẫn độ về Trung Quốc. Còn con đường trốn sang Hàn Quốc coi như đã bị bịt kín. Trốn sang Đài Loan thì máy bay J-6 không đủ lượng xăng để bay xa thế.

Như vậy hướng cuối cùng là Liên Xô, nước ở phía Bắc Trung Quốc. Nhưng từ tháng 5/1989, sau khi Tổng Bí thứ đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev thăm Bắc Kinh, Trung Quốc và Liên Xô đã thực hiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao nên khó có chuyện phi công Trung Quốc trốn sang Liên Xô.

Khả năng phi công Trung Quốc Vương Bảo Ngọc bỏ trốn được xem là rất thấp.

Thế nhưng sự việc tưởng như không thể ấy lại đã xảy ra. Ngay tối hôm đó, Thông tấn xã IRAR TASS phát đi bản tin nói vào 12h45 phút chiều hôm đó, một chiếc máy bay quân sự Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Knevchev ở gần Vladivostok, phi công yêu cầu được sang Mỹ tị nạn chính trị.

Ngay sau đó, cơ quan Không quân Trung Quốc lập tức khởi động dự án đối phó tình hình khẩn cấp. Một mặt báo cáo ngay lên cấp trên sự kiện chính trị nghiêm trọng này; một mặt Không quân TQ thành lập Nhóm công tác tới ngay đơn vị có Vương Bảo Ngọc để điều tra giải quyết vấn đề.

Sau khi xảy ra vụ đào tẩu nói trên, mọi người bất giác nghĩ ngay tới sự kiện máy bay nước ngoài hạ cánh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow ngày 28/5/1987.

Tối hôm ấy một thanh niên Tây Đức mới 19 tuổi tên là Mathias Rust lái chiếc máy bay thể thao hạng nhẹ kiểu Cessna 172B Skyhawk vượt qua hệ thống phòng không của Liên Xô được coi là tốt nhất thế giới, hạ cánh như một trò đùa ngay trên Quảng trường Đỏ, làm cho chính quyền Liên Xô sửng sốt, lúng túng và tức giận. (>> Mathias Rust: Gã ‘trẻ trâu’ làm 300 sỹ quan Liên Xô mất chức)

Theo đánh giá của Mỹ, Liên Xô hồi ấy có 14 nghìn bệ phóng tên lửa phòng không, 10 nghìn giàn ra-đa phòng không và 2.100 máy bay tiêm kích sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào. Đặc biệt hệ thống phòng không xung quanh thủ đô Moscow lại càng kín kẽ hơn bất cứ ở đâu, một giọt nước cũng không thể lọt vào đây, có thể ngăn chặn được mọi vụ tấn công hạt nhân.

Thế mà một tay lái máy bay không chuyên mới có lý lịch 40 giờ bay lại dễ dàng chọc thủng lưới phòng không chặt chẽ nhất thế giới của Liên Xô bình yên vô sự hạ cánh giữa trái tim thủ đô Liên Xô – điều đó không thể không làm các nhà lãnh đạo Liên Xô lo ngại.

Ngày 30/5, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô họp khẩn cấp, ra quyết nghị cách chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh lực lượng phòng không không quân Liên Xô Aleksandr Koldunov; Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái Sergey Sokolov 75 tuổi cũng bị cho về hưu. Từ sau Thế chiến II, những quyết định như vậy cực kỳ hiếm khi xảy ra tại Liên Xô. Sau đó khoảng hơn 300 sĩ quan bộ đội phòng không bị bãi chức.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên Xô nói Mathias Rust đã xâm phạm bầu trời Liên Xô và do đó bị bắt giam để xét xử. Hôm sau Giám đốc Hãng Thông tấn TASS nói sự kiện Quảng trường Đỏ không ảnh hưởng tới mối quan hệ Liên Xô với CHLB Đức, và nói: “Nên cảm ơn Mathias Rust đã nhắc nhở chúng tôi chú ý tới các lỗ hổng trong hệ thống phòng không”.

Lần này phi công Trung Quốc Vương Bảo Ngọc lái máy bay trốn sang Liên Xô chắc hẳn sẽ làm thế giới ngạc nhiên.

Hôm 25/8/1990, Vương Bảo Ngọc lái máy bay cất cánh bình thường, tiến hành tập bay kỹ xảo ở độ cao thấp. Sau khi tới tọa độ quy định, anh ta ngoặt sang bên phải, bay với độ cao 100 mét được một thời gian thì vượt biên giới.

Thoạt tiên Vương Bảo Ngọc định bay thẳng tới sân bay Ugrov của Liên Xô nhưng khi đến nơi mới phát hiện sân bay đang sửa chữa nên không thể hạ cánh. Vương bay tiếp đến sân bay quân sự Knevchev. Do bay cực thấp nên rất tốn xăng, khi đến sân bay này thì xăng đã sắp cạn.

12 giờ 45, máy bay hạ cánh. Vương lái máy bay ra khỏi đường băng ngoặt vào bãi đỗ máy bay, tắt máy rồi mà vẫn chưa thấy phía Liên Xô để ý đến mình. Vì không có thang nên Vương không thể xuống đất, đành mở nắp cửa máy bay để thông gió. Lúc này Vương mới thấy bộ đồ bay ướt đẫm mồ hôi.

Khoảng 10 phút sau thì thấy một binh sĩ Liên Xô tiến lại, Vương bèn giơ tay vẫy, lúc này phía Liên Xô mới chú ý tới chiếc máy bay lạ này. Người lính kia liền quay lại, chắc là về báo cáo cấp trên. Lát sau, một chiếc ô tô chạy đến. Một sĩ quan và mấy binh sĩ xuống xe. Khi xác nhận đây là máy bay Trung Quốc, họ hết sức ngạc nhiên. Dẫu vậy, họ vẫn lắp cầu thang, giúp Vương Bảo Ngọc ra khỏi máy bay.

Sự kiện Vương Bảo Ngọc hạ cánh trên sân bay Liên Xô đã gây ra sự kinh hoàng và tác động lớn vượt xa vụ Mathias Rust hạ cánh trên Quảng trường Đỏ. Đó là vì năm xưa khi Mathias Rust bay vào không phận Liên Xô đã bị bộ đội phòng không Liên Xô phát hiện và có phản ứng ngay, còn lần này khác hẳn, tính chất nghiêm trọng thể hiện ở chỗ một chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc dễ dàng hạ cánh xuống sân bay của Liên Xô mà hệ thống phòng không của Liên Xô không có bất cứ phản ứng nào cả.

Vì vụ việc này mà một loạt tướng lĩnh cấp cao của Liên Xô và một số sĩ quan có trách nhiệm trực tiếp đã bị cách chức.

Trong thời gian dài trước khi đào tẩu, Vương Bảo Ngọc giả vờ tỏ ra tiến bộ trong công tác và học tập, thực ra Vương đã bí mật chuẩn bị mọi việc cho ngày trốn chạy. Lợi dụng các dịp huấn luyện và diễn tập, Vương thu thập, ghi nhớ, nghiên cứu kỹ số liệu và đường bay tới sân bay của các nước xung quanh Trung Quốc.

Ngày 25/8, cuối cùng Vương Bảo Ngọc đã có dịp lợi dụng chuyến bay huấn luyện để thực hiện nguyện vọng của mình. Trước khi lên máy bay, Vương tặng chiếc đồng hồ đeo tay của mình cho người đồng đội giao máy bay lại cho mình.

Sau khi xảy ra vụ Vương Bảo Ngọc lái máy bay bỏ trốn sang Liên Xô, Trung Quốc và Liên Xô lập tức khởi động trình tự tiếp xúc ngoại giao nhằm giải quyết thỏa đáng sớm nhất vụ rắc rối này bằng con đường ngoại giao.

Ngày 26/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham và người cùng cấp phía Liên Xô là Sevarnatdze đến Khác-bin, Trung Quốc gặp nhau bàn bạc khẩn cấp.

Qua bàn bạc, hai bên nhất trí quyết định xử lý vụ này một cách nhẹ nhàng. Phía Liên Xô tích cực ủng hộ và phối hợp giải quyết vấn đề do Trung Quốc nêu ra là dẫn độ người lái máy bay về Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẽ cho một chiếc TU-154 sang sân bay Knevchev dẫn độ Vương Bảo Ngọc về Trung Quốc và đưa chiếc máy bay J-6 mà Vương lái sang Liên Xô về TQ.

Hai bên thỏa thuận ranh giới chính thức bàn giao người là cửa khoang chiếc máy bay TU-154 của Trung Quốc.

Riêng về chiếc máy bay J-6, vì Vương Bảo Ngọc hạ cánh một cách cưỡng ép nên thân máy bay bị xước nhẹ, hai tấm cánh giảm tốc không trở về vị trí cũ được, nhưng sân bay này là sân bay của máy bay ném bom, không có cơ sở sửa chữa máy bay.

Và trung đoàn phó không quân Trung Quốc đã quyết định tự lái chiếc máy bay J-6 có hai cánh giảm tốc mở này về Trung Quốc một cách an toàn.

Vương Bảo Ngọc sau khi bị dẫn độ về nước lập tức bị khai trừ đảng tịch, quân tịch, phải nhận án tử hình vì tội phản bội tổ quốc.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,