⠀
Vụ nổi loạn của hành khách trên tàu S.S. America năm 1978
Khoảng 3 giờ sáng 2/7/1978, những người có mặt trên tàu S.S America đã nhận ra hành trình biển sắp tới sẽ là thảm họa.
Cơn ác mộng trên tàu
Khi tỷ lệ tội phạm tăng vọt và nền kinh tế ì ạch, thành phố New York là nơi khó sống trong năm 1978. Đó là lý do tại sao nhiều người New York muốn thoát khỏi thành phố trong kỳ nghỉ hè và họ quan tâm tới mẩu tin quảng cáo về chuyến du lịch trên tàu S.S.America của công ty Venture Cruise Lines.
Đây là một tàu biển cũ đã được phục chế đẹp long lanh như mới. Công ty Venture cam kết hành khách được ăn uống thỏa thuê trên tàu, nhưng điều hấp dẫn chính là giá vé. Giá vé cho hành trình 2 đêm chỉ là 99 USD, thấp đến mức khó tin.
Nhưng khi đã lên tàu để bắt đầu hành trình, hành khách không thể tin mình đang ở trong tình huống khốn khổ thế nào. Nhiều người phát hiện ra hệ thống ống nước hỏng khiến khoang tàu ngập nước. Giường thì thiếu ga trải và cả đệm.
Nhà vệ sinh thì không dội được nước. Trong khi hành khách tuyệt vọng đi quanh tìm một chỗ để nghỉ ngơi thì họ thấy gián và chuột lúc nhúc. Một hành khách nói tàu S.S.America không khác gì một thùng rác trên biển.
Điều khiến sự giận dữ của hành khách biến thành hỗn loạn là ít nhất 100 người đã trả tiền nhưng không tìm thấy cabin của mình. Vô gia cư ở giữa biển, họ tập trung vây văn phòng của người quản lý và bắt đầu hô to: “Chúng tôi muốn xuống”.
Tình hình trên tàu nhanh chóng xấu đi. Hành khách giận dữ đấm nhau với thủy thủ đoàn. Cảnh sát cảng đã phải lên tàu. Lúc đó, tàu America đang thả neo gần đảo Coney và thuyền trưởng chấp nhận yêu cầu của đám đông. Sau khi thủy thủ đoàn mở cửa kín nước trên thân tàu, 250 hành khách leo xuống bằng thang dây, nhảy lên tàu kéo buộc bên dưới. Mấy tàu này thả hành khách trên đảo Staten và rời đi. Công ty Venture hứa điều xe limousine đưa tất cả về nhà nhưng không thấy bóng dáng chiếc xe nào.
Sáng hôm sau, các tờ báo đồng loạt đưa tin về vụ việc của tàu America. Trang nhất tờ Daily News có dòng tít “Chuyến du lịch biển trong mơ như cơn ác mộng”, kèm chi tiết mô tả. Đại diện công ty Venture chỉ nói: “Chúng tôi sai sót” mà không thừa nhận công ty đã đặt vé cho hành khách trong các cabin không thể ở nổi.
Với New York, thành phố từng là nơi cập cảng của những tàu khách sang trọng nhất lịch sử hàng hải hiện đại. Không có sự cố nào như sự cố diễn ra trên tàu S.S.America đêm mùa Hè năm 1978 đó.
Quảng cáo và kinh doanh lừa đảo
Khi Đệ nhất Phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt đặt tên cho tàu America vào ngày cuối cùng tháng 8/1939, con tàu 220m là tàu biển chở khách đóng ở Mỹ xa hoa nhất, nhanh nhất, lớn nhất. Khi trùm phát xít Đức Adolf Hitler chiếm đóng Ba Lan vài ngày sau đó, mọi thứ đã thay đổi. Hải quân Mỹ đã trưng dụng con tàu, đặt tên là West Point và dùng làm tàu chở quân cho tới hết Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tới năm 1946, tàu America tái xuất, đi từ New York tới Le Havre trong 5 ngày huy hoàng và đón tiếp người nổi tiếng và người có quyền lực trong các căn phòng rộng thênh thang, chiêu đãi họ món gà trống quay Philadelphia trong phòng ăn hai tầng sang trọng. Trong suốt gần 20 năm, tàu America cam kết dịch vụ và đồ ăn tốt nhất trên biển.
Giữa những năm 1960, con tàu đổi chủ và chạy hành trình từ châu Âu tới Australia. Dần dần, tàu trở thành tiêu sản. Nhưng với công ty Venture Cruise Lines, con tàu biển từ trước chiến tranh này là một cơ hội hoàn hảo.
Venture do một nhóm giám đốc công ty du lịch lập ra và đã chi 5 triệu USD để mua tàu America tháng 6/1978, sau đó bỏ thêm 2 triệu USD để sửa chữa. Kế hoạch kinh doanh của Venture là kiếm tiền dựa trên số lượng. Họ bán vé giá siêu rẻ để lấp đầy hàng trăm cabin trên tàu với sức chứa 2.200 hành khách.
Quảng cáo của Venture có đoạn: “Giá vé trọn gói 135 USD mà bạn nhìn thấy một cách ngạc nhiên không phải là ảo ảnh. Đó là một hành trình trên biển rất thật, giá rất thấp mà Venture Cruise Lines cung cấp trong chương trình mùa Thu và mùa Hè khó tin trên tàu S.S. America”. Venture còn cam kết hành khách có thể sử dụng mọi dịch vụ trên tàu như bể bơi, mua sắm, sòng bạc, trình diễn trong câu lạc bộ đêm và sáu bữa ăn mỗi ngày.
Tuy nhiên, tiếp thị là một chuyện còn thực tế lại là chuyện khác. Mặc dù cơ sở hạ tầng của America cần sửa chữa rất nhiều nhưng tất cả những gì mà Venture làm chỉ là trang trí, trát thêm cho tàu một lớp trang điểm. Không lâu trước hành trình hè năm 1978, nhà văn và sử gia hàng hải Bill Miller đã lên tàu tại cảng 92. Gần như ngay lập tức, ông đã thấy rõ những vấn đề nghiêm trọng như tình trạng gỉ sét, ống nước rò rỉ, các lỗ bị ăn mòn trên tàu. Dọc các hành lang, ông Miller đi qua túi rác, thảm cũ chất đống. Mùi ở trên America là một thứ mùi cũ ẩm, pha trộn của mùi nhà bếp, mùi dầu máy, nước thải. Những gì mắt thấy mũi ngửi đã khiến ông Miller cho rằng America nên được đưa đi bán đồng nát là tốt nhất. Thế nhưng, America đã được Venture đưa ra biển.
Những phiền toái mà Venture gây ra cho hành khách chưa dừng lại ở các cabin tồi tàn. Những tiện nghi mà Venture hứa với khách hàng gồm tắm hơi, dịch vụ làm đẹp và khiêu vũ không bao giờ tồn tại. Bể bơi có mở cửa nhưng bể không có nước mà đầy túi rác.
Vào bữa tối, một hành khách để ý thấy thay vì rửa đồ sứ, nhân viên chỉ dùng khăn lau các vết bẩn. Điều hơi ngạc nhiên là bàn ăn của thuyền trưởng lại không có thuyền trưởng. Có lẽ ông ta sợ hành khách sẽ biến mình thành món chính.
Khó có thể tin được là sau vụ nổi loạn của hành khách trong hành trình thứ nhất, Venture lại có thể tổ chức được hành trình thứ hai. Vào ngày 3/7, trang nhất tờ New York Post có tin thông báo: “Con tàu đó lại đón khách lần nữa”. Lần này, America (bị gọi tên là “tàu nổi loạn”) đón khách đi hành trình 5 ngày tới Nova Scotia.
Khi tới gần đảo Martha’s Vineyard, sóng lớn đập vào thân tàu đã khiến ô cửa sổ bị rò nước vào, đường ống nước chính bị vỡ và nhà vệ sinh không dùng được. Khi tàu vật vã tới Halifax, hành khách lũ lượt kéo xuống.
Venture lại thừa nhận sai sót lần nữa nhưng cam kết sẽ sửa chữa và ra biển trong lần tới. Vào hành trình tiếp theo, Chủ tịch Venture hứa: “Các bạn sẽ thấy con tàu America đầy những hành khách vui vẻ”. Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như thế.
Giới chức bang New York đã giữ con tàu tại cảng. Về sau, Venture bị cáo buộc tội quảng cáo và kinh doanh lừa đảo. Khi thanh tra y tế Mỹ lên tàu, họ chấm điểm vệ sinh cho tàu là 6/100. Khách hàng hủy đặt vé đã khiến Venture mất gần 400.000 USD. Sau đó, cơ quan hải quan Mỹ đã phạt Venture 500.000 USD, trong đó 339.000 USD tiền phạt vì đã đứng nhìn khi hành khách nhảy khỏi tàu xuống tàu kéo.
Tài khoản bị đóng băng, đối mặt hàng loạt vụ kiện và chủ nợ giận dữ, Venture sụp đổ. Tại phiên đấu giá ngày 28/8/1978, S.S. America được bán với giá bằng 1/5 giá mà Venture đã mua.
Tháng 1/1994, khi America được kéo về Phuket ở Thái Lan để chuyển thành khách sạn nổi, dây cáp buộc tàu đã bị đứt ở phía Nam Gibraltar. Sau khi trôi tự do hai ngày, con tàu mắc cạn ở quần đảo Canaries và sóng lớn ở Đại Tây Dương đã làm nó vỡ đôi.
Theo BÁO TIN TỨC
Tags: Mỹ, Sự kiện lịch sử thế giới