Vụ Mỹ bắn rơi máy bay chở 290 người của Iran năm 1988

Trước những nghi vấn chưa được giải đáp thỏa đáng, cho đến nay Nhà Trắng vẫn luôn coi vụ chiến hạm USS Vincennes của Mỹ bắn rơi chiếc Airbus A300 của Iran, giết chết 290 người năm 1988 là một vụ “bắn nhầm” đáng tiếc.

Vụ Mỹ bắn rơi máy bay chở 290 người của Iran năm 1988

Bối cảnh

Vào tháng 9/1980, trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, hai bên đã mở rộng các cuộc tấn công vào các tàu thương mại của đôi bên. Năm 1987, Không quân Iraq đã tấn công tàu khu trục USS Stark của Mỹ đang hoạt động trong eo biển Hormuz. Trước tình hình đó, tháng 4/1988 Hải quân Mỹ quyết định mở rộng phạm vi bảo hộ cho các tàu của các quốc gia trung lập trong khu vực.

Trong khoảng thời gian đó, Hải quân Mỹ đã triển khai tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển USS Vincennes (CG-49) đến khu vực hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm trong khu vực. USS Vincennes được trang bị radar AN/SPY-1 cùng hệ thống chiến đấu Aegis được đánh giá tối tân nhất thế giới ở thời điểm đó cho đến tận hôm nay.

Tuần dương hạm tên lửa lớp Ticonderoga có lượng giãn nước đến 9.800 tấn, dài 173m, rộng 16,8m, thủy thủ đoàn 350 người. Tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân cùng “trái tim” radar mạng pha đa năng AN/SPY-1 có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo.

USS Vincennes (CG-49) thuộc thế hệ đầu của Ticonderoga nên không có hệ thống phóng thẳng đứng mà dùng bệ phóng kiểu Mk26 cùng kho tên lửa 68 quả SM-2 (đạt tầm phóng đến 170km), 20 tên lửa chống ngầm RUR-5 ASROC, 8 tên lửa chống tàu RGM-84 Harpoon, pháo hải quân 127mm, 2 bệ pháo cao tốc 20mm, ngư lôi 324mm. Tuy thuộc đời đầu Ticonderoga nhưng so với nhiều chiến hạm thời đó, thậm chí là cả hiện tại thì đây vẫn được xem là tàu chiến cực mạnh.

USS Vincennes được chỉ huy bởi hạm trưởng William C. Rogers III, con tàu rời cảnh San Diego vào ngày 25/04/1988, nó đến Bahrain vào ngày 29/05/1988.

Ngày định mệnh

Ngày 3/07/1988, USS Vincenne đi qua eo biển Hormuz để trở về Bahrain sau một nhiệm vụ hộ tống. Một trực thăng cất cánh từ tuần dương hạm này đã bị bắn bằng vũ khí cá nhân từ một tàu tuần tra của Hải quân Iran. Hạm trưởng William C. Rogers III đã cho tàu quay lại và truy đuổi tàu tuần tra của Iran.

Trong lúc đó, chiếc máy bay chở khách Airbus A-300 203 B2, tên đăng ký EP-IBU của hãng hàng không Iran Air cất cánh từ sân bay Bandar Abbas trong hành trình đến sân bay Dubai. Chiếc A-300 cất cánh vào lúc 10h17 (giờ địa phương), máy bay sử dụng hệ thống thu, phát tín hiệu mã “squawk” điển hình của một máy bay dân sự và duy trì liên lạc vô tuyến với trạm kiểm soát không lưu mặt đất.

Ngay khi vừa cất cánh chiếc A-300 lọt vào phạm vi kiểm soát của radar AN/SPY-1 trên tuần dương hạm USS Vincenne. Tuần dương hạm này đã phát đi 3 đoạn mã vô tuyến yêu cầu khai báo nhận dạng nhưng không nhận được phản hồi. Ê kíp chiến đấu trên tuần dương hạm USS Vincenne cho rằng chiếc A-300 đang bay trên đầu họ là một tiêm kích F-14 Tomcat của Không quân Iran.

Hạm trưởng William C. Rogers III đã ra lệnh phóng 2 tên lửa đối không SM-2MR về phía chiếc A-300. Với một máy bay dân sự không có khả năng cơ động cũng như hệ thống cảnh báo tên lửa thì việc bắn hạ nó dễ như chơi. Chiếc A-300 bị bắn rơi vào ngày 3/07/1988 làm toàn bộ hành khách và phi hành đoàn 290 người thiệt mạng.

Vụ bắn nhầm này được xếp hạng thứ 10 trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất lịch sử.

Cuộc tranh cãi gay gắt

Phía Hải quân Mỹ cho rằng, họ đã nhầm chiếc A-300 với máy bay chiến đấu F-14 của Iran. Tuy nhiên, dữ liệu từ hệ thống chiến đấu Aegis cho thấy chiếc A-300 đang lấy độ cao để bay lên chứ không giảm dần độ cao điển hình của một cuộc tấn công từ trên không. Điều này đặt ra những câu hỏi về khả năng vận hành hệ thống và nhận thức tình huống của thủy thủ đoàn.

Theo báo cáo tường trình của USS Vincenne, họ đã cố gắng để liên lạc với chiếc máy bay xấu số với 7 lần trên tần số quân đội và 3 lần trên tần số khẩn cấp dân sự. Tuy nhiên, chiếc A-300 lại không được thiết kế để nhận các tần số quân sự trong khi tần số dân sự khẩn cấp có thể đã không hướng vào chiếc A-300 mà vào một máy bay khác.

Trong bản báo cáo điều tra vụ bắn nhầm này chỉ có một phần được công bố vào năm 1988, phần còn lại được công bố vào năm 1993 điều đó cho thấy những khuất tất trong vụ bắn nhầm này. Sau vụ bắn nhầm này, Ngoại trưởng Iran lúc đó là Ali Akbar Velayati đã nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc rằng vụ tấn công của Mỹ “không thể là một sai lầm mà đó là một hành động tội phạm”.

Năm 2000, BBC đã công bố một tài liệu từ chính phủ Mỹ cho rằng, ê kíp chiến đấu trên tàu USS Vincenne đã chịu rất nhiều áp lực bởi tình hình xung quanh, hạm trưởng William C. Rogers III phải ra một quyết định khó khăn để bảo vệ tính mạng cho thủy thủ đoàn.

Tuy nhiên, điều này có vẻ khả nực cười, Hải quân Mỹ lúc đó quá mạnh so với Iran, mặt khác USS Vincenne là tàu chiến hiện đại nhất thế giới thời đó. Thủy thủ đoàn của nó đã được đào tạo một cách bài bản để đối phó với cuộc tập kích từ hàng trăm máy bay chiến đấu thì có lý do gì lại phải lo lắng với một máy bay đang tăng dần độ cao và một mối nguy hiểm khá mờ hồ.

Mãi đến năm 1996, 8 năm sau thảm họa chính phủ Mỹ đã đồng ý chi trả khoảng 70 triệu USD cho Iran để bồi thường cho các nạn nhân xấu số. Điều đáng nói hơn cả là Mỹ đã không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi chính thức nào đối với Iran.

Điều nực cười hơn cả là thủy thủ đoàn trên tàu USS Vincenne lại được trao giải thưởng Ribbon cho các hoạt động trong chiến đấu, con tàu này cũng được nhận huân chương hải quân cho các hoạt động của nó. Khi liệt kê danh sách các hoạt động nổi bật của USS Vincenne, Hải quân Mỹ đã quên hoặc cố tình quên không liệt kê thành tích “bất hảo” bắn nhầm máy bay dân sự của chiếc tuần dương hạm này.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,