⠀
Vũ khí Liên Xô đã giúp Việt Nam đánh bại Mỹ như thế nào?
Bên cạnh tinh thần yêu nước và đấu tranh không mệt mỏi của mỗi người dân Việt Nam thì một yếu tố không kém phần quan trọng dẫn tới chiến thắng của Dân tộc Việt Nam là dòng chảy không ngừng nghỉ của các loại vũ khí từ Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em.
Một bài phân tích của tờ RIR cho biết, trong Chiến tranh Việt Nam các loại vũ khí Liên Xô chế tạo đã đóng góp một phần rất lớn vào chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Đế quốc Mỹ. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua các con số tổn thất khổng lồ của Không quân Mỹ trong suốt 20 năm tham chiến tại Việt Nam.
Theo đó, Quân đội Mỹ đã mất hơn 2.000 máy bay chiến đấu các loại trong Chiến tranh Việt Nam, trong khi đó con số này chỉ ở mức 131 máy bay các loại ở phía Không quân Nhân dân Việt Nam.
Đây là một đáng kinh ngạc khi Không quân Nhân dân Việt Nam phải đối đầu với một siêu cường quân sự hầu như không có giới hạn như Mỹ cùng với các quốc gia đồng minh thân cận như Australia, Hàn Quốc và New Zealand. Và trong lịch sử chiến tranh thế giới chưa hề có cuộc đối đầu nào tương tự như vậy.
Bắt đầu từ năm 1955 đến khi kết thúc với chiến thắng thuộc về nhân dân Việt Nam vào ngày 30/4/1975 với sự hy sinh to lớn của hàng triệu người dân Việt Nam trong suốt 20 năm chiến tranh. Người dân từ các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, Hải Phòng đã buộc phải di tản ra các vùng nông thôn để tránh các đợt ném bom phá hoại của Đế quốc Mỹ, trẻ em phải đến trường với những chiếc mũ rơm ngụy trang, các hoạt động vận tải chỉ có thể hoạt động vào ban đêm dưới ánh đèn treo dưới gầm của mỗi chiếc xe tải.
Tuy nhiên bất chấp mọi khó khăn, các kỹ sư của Việt Nam đã phát minh ra những cây cầu không thể bị phát hiện từ trên không. Bên cạnh đó là hệ thống là hệ đường hầm phức tạp nằm sâu bên dưới lòng đất. Thậm chí những đường hầm này còn nằm ngay bên dưới các khu vực do Quân đội Mỹ kiểm soát, và chúng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như vận chuyển quân, nhu yếu phẩm, nơi trú ẩn cho dân thường và những người bị thương.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, mỗi viên đạn đều là quý giá và chúng luôn phải được sử dụng một cách hiệu quả trong mọi trường hợp. Ví dụ điển hình là vào ngày 22/12/1972 một khẩu đội pháo phòng không 14.5mm của quân dân miền Bắc Việt Nam đã bắn hạ thành công một chiếc máy bay chiến đấu – ném bom chiến thuật F-111 của Không quân Mỹ khi chỉ với 19 viên đạn.
Bên cạnh tinh thần yêu nước và đấu tranh không mệt mỏi của mỗi người dân Việt Nam thì một yếu tố không kém phần quan trọng dẫn tới chiến thắng của Dân tộc Việt Nam là dòng chảy không ngừng nghỉ của các loại vũ khí từ Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em.
Trong suốt những năm 1950 và đầu những năm 1960, Moskva đã luôn thực hiện một chính sách nhất quán trong Chiến tranh Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á. Nhằm tránh thêm một bế tắc hạt nhân như những gì đã xảy ra ở Cuba trong năm 1962 dưới thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev. Tuy nhiên những người kế nhiệm Nikita Khrushchev là Alexey Kosygin và Leonid Brezhnev lại có cách nghĩ khác trong việc hổ trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến với Đế quốc Mỹ, thực tế nhất là thông qua việc đẩy mạnh viện trợ quân sự.
Người Nga đang đến
Trong một bài phân tích của tác giả Sergei Blagov trên tờ Asia Times cho rằng, vào cuối những năm 1960 có đến ba phần tư số vũ khí mà miền Bắc Việt Nam được viện trợ là đến từ Moskva với mục đích chính là nhằm trang bị cho miền Bắc Việt Nam hệ thống phòng không đủ mạnh để có thể đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ. Hàng loạt hệ thống radar phòng không, pháo phòng không và tên lửa đất đối không (SAM) đã được Liên Xô chuyển đến Hà Nội trước kế hoạch ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam của Washington.
Việc Moskva viện trợ quân sự với quy mô lớn cho Hà Nội cơ bản đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất cuộc chiến, và nó không như những gì trong các bộ phim Hollywood của Mỹ tạo nên. Khi trong mắt người Mỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam chỉ chiến đấu bằng chiến thuật biển người hay khả năng ngụy trang và luôn bị Quân đội Mỹ áp đảo về mặt hỏa lực.
Trong khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam lại sở hữu kho vũ khí đồ sộ với 2.000 xe tăng, 7.000 khẩu pháo các loại, 5.000 súng pháo phòng không và 158 bệ phóng tên lửa đất đối không SAM. Mặc dù các loại vũ khí này không phải là các loại vũ khí hiện đại nhất của Quân đội Liên Xô lúc đó nhưng chúng hoàn toàn vượt trội hơn vũ khí của Mỹ trên chiến trường, và tất nhiên máy bay chiến đấu của Mỹ buộc phải tiến vào bầu trời miền Bắc Việt Nam với lưới phòng không dày đặc.
Toàn bộ các đợt ném bom của Không quân Mỹ đều chịu tổn thất trước lưới phòng không nhiều lớp của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quan trọng nhất trong số đó việc các tổ hợp tên lửa phòng không SAM được triển khai xung quanh các thành phố lớn. Vào tháng 8/1965 các tổ hợp tên lửa phòng không SAM của Việt Nam đã lần đầu tiên bắn hạ thành công 4 chiếc máy bay tiêm kích – ném bom tầm xa của Không quân Mỹ, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ đánh dấu lần đầu tiên máy bay Mỹ bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không SAM, theo Blagov cho biết.
Ngay sau đó tần suất các máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ xuất hiện trên bầu trời miền Bắc Việt Nam cũng giảm bớt, nhưng cũng không tránh khỏi việc siêu pháo đài bay trên không của Mỹ là B-52 bị bắn hạ trên bầu trời miền bắc bởi tên lửa phòng không Liên Xô. Thậm chí các phi công Mỹ còn từ chối bay khi tên lửa phòng không và các chuyên gia cố vấn quân sự Liên Xô đến Hà Nội.
Cuộc đối đầu nghẹt thở trên không
Ngoài tên lửa SAM-2, trong số các vũ khí Liên Xô cung cấp cho Việt Nam giúp giành chiến thắng quan trọng trên không gồm tiêm kích MiG-17, MiG-21. Những chiếc chiến đấu cơ này từng khiến cho không quân hùng mạnh nhất thế giới không khỏi khiếp sợ.
Mặc dù bị áp đảo hoàn toàn trên không vào năm 1965 khi 30 tiêm kích MiG của Không quân Nhân dân Việt Nam phải đối đầu với 660 máy bay chiến đấu các loại của Mỹ. Nhưng người Mỹ lại chịu tổn thất đến 46 chiếc F-4 trong đó có 13 chiếc bị bắn hạ bởi MiG.
Tiếp theo sau đó vào năm 1966, Không quân Việt Nam bắt đầu được trang bị những chiếc tiêm kích MiG-21 càng khiến Không quân Mỹ gặp nhiều vấn đề hơn. Ngày 7/7/1966 hai chiếc MiG-21 của Việt Nam đã bắn hạ một chiếc máy bay tiêm kích-ném bom siêu thanh F-105 bằng các tên lửa không đối không đầu tiên gây hoang mang lớn trong Không quân Mỹ.
Khoảng thời gian sau đó các phi công Việt Nam đã dần trở nên quen thuộc với máy bay chiến đấu phản lực của Liên Xô, càng khiến các phi đội MiG hoạt động hiệu quả hơn trước. Trong quyển MIGs Over North Vietnam của tác giả Roger Boniface có viết: “Các phi công lái MiG-17 của Việt Nam đã bắt đầu tự tin hơn khi đối đầu với những chiếc F-4 của Mỹ nhất là khi cận chiến với pháo tự động 37mm – thứ vũ khí chết người trên không. Trong khi đó, MiG-21 lại vượt trội về tốc độ hơn các máy bay của Mỹ và thường tấn công bổ nhào từ trên không ở độ cao lớn hơn”.
“Các phi công Việt Nam trên những chiếc MiG-17 hay MiG-21 đều sử dụng chung một chiến thuật là tấn công bất ngờ các máy bay chiến đấu Mỹ bằng tất cả loại vũ khí họ được trang bị và sau đó nhanh chóng biến mất trên bầu trời”, Roger Boniface viết.
Không phải tự nhiên mà các phi công Mỹ sợ phải đối đầu với các phi công “Ace” của Việt Nam, trong một số trường hợp họ còn bỏ chạy trước khi kịp giao chiến mặc dù được trang bị tốt hơn.
Thông tin tình báo của Liên Xô cũng giúp khá nhiều trong việc cảnh báo sớm các đợt ném bom của Không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam, khi các tàu do thám Nga hoạt động gần khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương luôn phát hiện ra trước các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 của Mỹ cất cánh từ các cứ căn quân ở Đảo Okinawa và Guam. Tốc độ và hướng bay của các máy bay này sẽ được ghi lại sau đó được chuyển đến Sở chỉ huy tác chiến ở Việt Nam, từ đây Hà Nội sẽ tính toán trước các mục tiêu mà Mỹ có thể tấn công.
Các thông tin cảnh báo sớm này giúp quân và dân miền Bắc Việt Nam có thể kịp thời di tản khỏi các khu vực mục tiêu bị ném bom, từ năm 1968 đến 1970 bất cứ đợt ném bom phá hoại của Không quân Mỹ đều không thể phá hủy được các sở chỉ huy chủ chốt của Quân đội Nhân dân Việt Nam hay của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngoài vũ khí, Liên Xô cũng tiến hành viện trợ cho Việt Nam các thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, xăng dầu, máy móc và phụ tùng thay thế phục vụ cho các công nghiệp quan trọng. Không giống như các khoản viện trợ trả chậm của Trung Quốc và Moskva hoàn toàn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam và chúng không phải là các khoản cho vay.
Ngoài vũ khí, Liên Xô còn đưa tới Việt Nam hàng nghìn chuyên gia, cố vấn hỗ trợ Việt Nam khai thác khí tài một cách hiệu quả nhất. Từ năm 1965 đến cuối năm 1974 đã có khoảng 6.500 sĩ quan và tướng lĩnh Liên Xô cùng 4.500 binh sĩ thuộc các đơn vị vũ trang Liên Xô đến Việt Nam với vai trò cố vấn quân sự. Ngoài ra các trường quân sự Nga còn đào tạo hơn 10.000 học viên quân sự Việt Nam, đến cuối cuộc chiến Quân đội Liên Xô chỉ mất 13 binh sĩ khi làm nhiệm vụ tại Việt Nam.
Kalashnikov và Colt
Chiến tranh Việt Nam là cuộc xung đột đầu tiên trong lịch sử cả hai bên đều sử dụng các loại súng trường tấn công tiên tiến nhất thời điểm đó với quy mô lớn, bên cạnh đó đây cũng là cơ hội để cả Nga và Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí mới nhất của mình.
Bộ đội Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam may mắn hơn các binh sĩ Mỹ khi được trang bị mẫu súng trường tấn công tốt nhất thời kỳ đó là AK-47. Nó có trọng lượng nhẹ và mỗi chiến sĩ có thể mang theo tới 350 viên đạn cho phép họ có thể chiến đấu lâu hơn đối phương. Bên cạnh đó, AK-47 cũng được đánh giá là có thể hoạt động trong mọi điều kiện, yêu cầu bảo dưỡng thấp và phù hợp với môi trường ẩm ướt của Việt Nam.
Ngược lại ở phía bên kia, các binh sĩ được trang bị súng trường tiến công Colt M16 – một sản phẩm thất bại của Quân đội Mỹ trong thời điểm đó, nó luôn bị đánh giá hoạt động kém hiệu quả thường xuyên bị kẹt đạn. Binh sĩ Mỹ không mặn mà lắm với M-16 thậm chí coi nó ác mộng, trong nhiều trường hợp chính M-16 lại là nguyên nhân dẫn tới việc binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng. Trong một số trường hợp hy hữu khác cả một trung đội của Mỹ đều mất khả năng chiến đấu vì những khẩu M-16 đều bị hỏng.
Tình hình trở nên nghiêm trọng tới nỗi một số binh sĩ Mỹ bắt đầu sử dụng những khẩu AK-47 bị bỏ lại trên chiến trường và điều này có thể gây nguy hiểm cho các chiến dịch quân sự của Mỹ lúc đó. AK-47 và M-16 được xem là thước đo về chất lượng của vũ khí Liên Xô trong suốt Chiến tranh Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, tổn thất của Mỹ sẽ lớn hơn ở chiến trường Việt Nam nếu như Moskva chịu viện trợ các loại vũ khí hiện đại nhất của nước này cho Hà Nội vào thời điểm đó. Điển hình như các tàu mang tên lửa lớp OSA tương tự như của Ấn Độ đã sử dụng tiêu diệt cảng Karachi của Pakistan trong cuộc xung đột vào năm 1971.
Các loại tàu chiến được trang bị tên lửa chống hạm P-15 Termit SS-N-2 Styx có độ chính xác cao như trên OSA hoàn toàn có đủ khả năng giúp Hải quân Nhân dân Việt Nam đáp trả lại Hải quân Mỹ. Mặc dù vậy, vì một số lý do khác nhau mà điều này đã không được Liên Xô thực hiện.
Kết thúc chương sử buồn
Nhà lý luận quân sự nổi tiếng của Vương quốc Phổ Carl von Clausewitz đã từng định nghĩa chiến tranh là: “Một hành động vũ lực để buộc đối phương làm theo ý nghĩ của mình”. Quân và dân Việt Nam đã đáp trả tương xứng với những gì mà Quân đội Mỹ đã làm ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Với chiến lược và sức mạnh của hỏa lực, Việt Nam đã buộc Đế quốc Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam cũng như kéo theo sau đó là sự suy yếu của chính phủ bù nhìn Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, cả thế giới đã chứng kiến cảnh chiếc xe tăng T-54 của Quân Giải phóng miền Nam húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ở Sài Gòn bắt sống toàn bộ chính phủ Sài Gòn lúc đó. Đại sứ Mỹ Graham Martin vẫn có thể rời khỏi Sài Gòn trong những giây phút cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam trong lành lặn, nhưng ông ta không hề hay biết rằng chiếc trực thăng chở ông ta hoàn toàn trong tầm ngắm của quân giải phóng.
Nhưng trong những giây phút của Chiến tranh Việt Nam dân tộc Việt Nam không muốn chứng kiến thêm bất cứ nổi đau nào nữa thậm chí từ phía Mỹ (trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ mất 58.200 binh sĩ cùng hơn 150.000 người bị thương và 1.600 người mất tích).
Theo KIẾN THỨC
Tags: Vũ khí, Quan hệ Việt Nam - Liên Xô, Liên Xô, Chiến tranh Việt Nam, Kháng chiến chống Mỹ