⠀
Việt Nam được và mất gì trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng dần lên. Vậy điều gì đang chờ đợi Việt Nam khi có quan hệ thương mại chặt chẽ với cả hai cường quốc trên?
Bài viết của tác giả Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu người Anh hiện làm việc tại Nhật Bản. Ông nhận bằng Tiến sĩ Quan hệ quốc tế của Đại học quốc tế Nhật Bản. Nghiên cứu của ông liên quan tới các vấn đề an ninh quốc tế và nội chính của các nước châu Á – Thái Bình Dương, tập trung vào Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.
Bước vào năm Mậu Tuất, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp nhiều loại thuế với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như máy giặt hay một vài sản phẩm từ thép.
Tình hình leo thang nhanh chóng khi ngày 22/3 Mỹ đã đề xuất áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đây là một phần trong phản ứng của Washington trước cáo buộc kéo dài về việc Trung Quốc “ăn cắp tài sản trí tuệ” của Mỹ.
Tới 6/7, Tổng thống Trump chính thức áp thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm phụ tùng máy bay, TV hay thiết bị y tế. Trung Quốc ngay lập tức đáp trả theo cách ăn miếng trả miếng với mức thuế 25% lên 500 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm đậu nành, thịt bò, thịt lợn, xe hơi hay rượu whiskey.
Mỹ tiếp tục đáp trả với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc đã được đề xuất áp thuế 10%, nhiều khả năng có hiệu lực vào tháng 9/2018.
Vậy cuộc chiến thương mại trên có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?
Việt Nam đang là nước hội nhập sâu rộng trong một hệ thống thương mại toàn cầu có tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Điều thường thấy là không có bên nào thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Vậy liệu có một vài bên sẽ là người thắng và kẻ thua xét trên một phạm vi nào đó không?
Có một điều được số đông công nhận là chiến tranh thương mại có hại cho các bên tuyên chiến hơn là có lợi. Và những hậu quả của chiến tranh thương mại bám rễ rất sâu và có khả năng lan ra các khu vực khác trên thế giới.
Điều quan trọng là phải nhìn ra bức tranh rộng hơn. Một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn không phải là tin tốt cho Việt Nam, một quốc gia đang hội nhập tích cực vào nền kinh tế toàn cầu và đang gắn mình với một hệ thống thương mại toàn cầu tự do mới.
Nhìn vào ngắn hạn, có nhiều nguyên do để có thể lạc quan, nhưng về dài hạn, chiến tranh thương mại đang mang đến những nguy cơ trước mắt cho Việt Nam.
5 LÝ DO ĐỂ LẠC QUAN
Năm 2016, Việt Nam ghi nhận 32 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ, đứng thứ 6 trong nhóm các quốc gia mà Mỹ đang thâm hụt thương mại. Việc ông Trump lên nắm quyền đã gây những lo ngại về việc Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên điều này đã chưa xảy ra.
Tháng 5/2017, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump, hai nhà lãnh đạo đã vượt qua những vấn đề hiện hữu để hướng đến việc thúc đẩy thương mại song phương.
Khi ông Trump thăm Hà Nội nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, hai nước đã thông qua tuyên bố chung 14 điều, trong đó có nhiều điều khoản mở rộng thương mại và đầu tư hai chiều.
Do đó, nỗi lo về việc Việt Nam có thể trở thành mục tiêu của những biện pháp bảo hộ thương mại là không có cơ sở. Xu thế này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì dựa trên hai yếu tố.
Đầu tiên, mục tiêu của ông Trump là Trung Quốc bởi ông gọi nước này là “những kẻ đánh cắp tài sản trí tuệ”. Trong tháng 8/2017, ông Trump đã mở một cuộc điều tra và phát hiện chính quyền Bắc Kinh đã giúp đỡ các công ty nội địa nước này có lợi thế cạnh tranh bằng cách thâu tóm các công nghệ của doanh nghiệp Mỹ. Thêm nữa, Trung Quốc có lịch sử không mấy tích cực về việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ (IPR).
Về việc thực thi IPR, Việt Nam cũng không làm tốt trong quá khứ. Tuy nhiên, Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện tình trạng này. Việt Nam đã lần đầu thông qua luật bảo hộ sở hữu trí tuệ vào năm 2005, sau đó sửa đổi bổ sung trong lộ trình đảm bảo yêu cầu gia nhập WTO.
Luật này tiếp tục được đảm bảo năm 2010. Tuy nhiên việc thực thi thường không theo kịp luật và các công ty đang thúc đẩy việc thi hành luật để chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Việt Nam vẫn đang tiếp tục đổi mới để củng cố luật này.
Hiệp định CPTPP và hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ cùng đạt được trong năm 2018. Nhiều khả năng hai hiệp định này sẽ mang đến sức sống mới cho luật bảo vệ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Dù CPTPP đã cắt giảm một số điều so với TPP liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, hiệp định này vẫn sẽ thiết lập một khung pháp lý chung cho khu vực có sức mạnh tương đương với những bộ luật bảo vệ sở hữu trí tuệ tiên tiến hiện tại.
Trong khi đó, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có một phần rất dài về quyền sở hữu trí tuệ. Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ thắt chặt hơn các quy định về sở hữu trí tuệ. Việt Nam dù có quá khứ không mấy tích cực về vấn đề sở hữu trí tuệ có thể sẽ được xem là một đồng minh tiềm năng của Mỹ trong nỗ lực cải thiện luật sở hữu trí tuệ.
Hơn nữa, một điều có lợi khác cho Việt Nam là sự cam kết của đôi bên trong hợp tác quốc phòng có thể khiến khả năng xảy ra tranh chấp thương mại trở nên rất nhỏ. Trong một chuyến thăm gần đây tới Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ ông Mike Pompeo đã nhận định “Tương phản với các nước khác trong khu vực, các hành động của nước Mỹ sẽ không chỉ được định hướng bởi quyền lợi kinh tế đơn thuần của Mỹ”.
Thêm vào đó, không thể không nhắc tới sự xuất hiện của những cơ hội mới về kinh tế. Chiến tranh thương mại có thể khiến tăng tốc quá trình giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi mà chi phí nhân công và các ưu đãi về thuế đang dần biến mất.
Rất nhiều công ty Mỹ đang vận hành theo công thức “Trung Quốc cộng một”, chiến lược mà các doanh nghiệp thường tìm một quốc gia khác để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam là sự lựa chọn phổ biến cho vị trí “cộng một” bởi sự ổn định chính trị cũng như vị trí địa chính trị quan trọng.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ ngày càng gặp khó khi kinh doanh tại Trung Quốc, rất có thể họ sẽ chuyển hướng sang Việt Nam để giải quyết vấn đề. Hơn nữa, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ giảm một cách tất yếu, và điều này đồng nghĩa sẽ có khoảng trống cần được lấp. Việt Nam hoàn toàn có thể lấp vào chỗ trống đó. Các chuyên gia tại Deutsche Bank Hong Kong dự đoán xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng khoảng 1,7%.
Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức cao. Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy từ tháng 1/2018 tới 6/2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ở mức 7.08%. Đây là đà tăng trưởng có nền móng vốn đã rất tốt từ năm 2017, mức cao nhất từ năm 2010.
NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG LO
Tuy nhiên bức tranh không hẳn sẽ toàn màu hồng. Sẽ mất một khoảng thời gian trước khi Việt Nam thực sự cảm nhận được ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại và bằng cách này hay cách khác Việt Nam chắc chắn sẽ cảm nhận được ảnh hưởng đó.
Chỉ cần nhìn lại khủng hoảng tài chính châu Á 1997 để hình dung điều gì có thể xảy ra. Khi khủng hoảng mới nổ ra, Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng kinh tế cao dù các nước láng giềng bị ảnh hưởng nặng nề. Có vẻ như cuộc khủng hoảng chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam trong phạm vi rất hẹp, tuy nhiên qua thời gian ảnh hưởng đó lớn dần.
Sự sụt giảm FDI và nhiều hiệu ứng đến chậm ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam dần hiển hiện. Tuy nhiên tại thời điểm đó, kinh tế Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn thai nghén. 20 năm sau, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn rất nhiều vào kinh tế chính trị toàn cầu, đồng nghĩa ảnh hưởng của chiến tranh thương mại sẽ còn rộng hơn, sâu hơn và kéo dài hơn.
Tác động tiêu cực đầu tiên tới Việt Nam là sự yếu đi của hệ thống thương mại tự do toàn cầu. Việt Nam đã phải mất nhiều năm vất vả để điều chỉnh cấu trúc kinh tế, nhất là khi gia nhập WTO. Dù quá trình đó đã mang lại thành quả tốt, những quyết định của ông Trump lại đang đi ngược lại tinh thần của WTO và thử thách hệ thống của định chế thương mại quốc tế này.
Dù chiến tranh thương mại chủ yếu sẽ xoay quanh Trung Quốc và Mỹ, châu Âu và Canada cũng đã có những động thái đánh thuế mang tính bảo hộ. Số lượng phản đối Mỹ đệ trình lên cơ chế tranh chấp của WTO đã tăng vọt. Việt Nam sẽ phải tìm cách làm việc với những đối tác toàn cầu như Canada, Nhật Bản, Trung Quốc… để đảm bảo việc tuân thủ sâu hơn các nguyên tắc của WTO.
Dù vậy, những nguy cơ tiềm tàng từ loạt thuế mới được áp tương đối hẹp và có thể kiểm soát. Hơn nữa thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng dù chiến tranh thương mại leo thang và ảnh hưởng tới những lĩnh vực quan trọng. Là một nước thiên về xuất khẩu đồng nghĩa Việt Nam phụ thuộc mạnh hơn vào FDI; điều này đặc biệt nhạy cảm với thị trường toàn cầu đang nhiều biến động.
Các loại thuế mới áp cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam có thể sẽ tăng, nhưng các công ty Trung Quốc cũng nhiều khả năng sẽ tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam, khiến cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trở nên chênh lệch và điều này có thể làm tình hình tệ hơn.
Đây là điều đáng lo ngại bởi Việt Nam đã rất vất vả trong những năm gần đây để đa dạng hóa thương mại nhằm cân bằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Như đã nói, thâm hụt thương mại giữa hai nước đang ở mức đáng lo ngại. Năm 2015 con số này ở mức 33 tỷ USD và tới năm 2017 vẫn ở mức 22,7 tỷ USD.
Có những lo ngại về việc Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây áp lực lên Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề này phức tạp hơn nhiều. Khi Trung Quốc đang trong chiến tranh thương mại với Mỹ, áp lực từ việc trừng phạt kinh tế có thể làm tổn hại cả hai bên. Rất khó để tưởng tượng trường hợp Trung Quốc bắt đầu trực tiếp gây áp lực lên kinh tế Việt Nam.
Điều Trung Quốc có thể làm là dùng sức nặng kinh tế để hạn chế các hoạt động thương mại của Việt Nam, như đã làm vào tháng 3 và tháng 7 với hoạt động thăm dò trên các mỏ dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là điều rất rắc rối khi Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế hàng hải, một yếu tố quan trọng cho thành công kinh tế của Việt Nam.
Với việc nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, cũng có lo ngại rằng các doanh nghiệp Việt sẽ không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của ngành sản xuất nội địa. Hàng Trung Quốc thường có sức cạnh tranh cao hơn nhờ giá thành và sự đa dạng. Các nhà sản xuất Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới và cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thêm nữa, tranh chấp có thể dấy lên giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc về vấn đề nguồn gốc sản phẩm. Trung Quốc và Việt Nam hiện có 7 khu thương mại xuyên biên giới, một phần trong chiến lược Vành đai và con đường của Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc từng nhận định những tranh chấp kinh tế có thể thúc đẩy sự phát triển của những khu thương mại này, tuy nhiên họ cũng cho rằng hàng hóa Trung Quốc sản xuất tại đây có thể mang nhãn xuất xứ từ Việt Nam và từ đó tránh được các loại thuế vào Mỹ. Đây là sẽ điều gây đau đầu cho các nhà làm luật Việt Nam.
Trung Quốc sẽ tiếp tục là bạn hàng lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam vì lý do địa lý. Tuy nhiên có hai cách để Việt Nam nhìn nhận vấn đề trên. Thứ nhất là tiếp tục tuân theo các quy chuẩn của WTO về nguồn gốc hàng hóa. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cần có đủ kiến thức về luât pháp thương mại quốc tế.
Thứ hai là cần có mô hình hợp tác tốt hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng các khu thương mại biên giới thường thô sơ và thiếu cơ sở hạ tầng. Cần có những đối thoại hiệu quả hơn giữa hai bên dựa trên lợi ích thương mại chung và phát triển một mô hình hợp tác hiệu quả hơn. Nói cách khác, Việt Nam và Trung Quốc cần tạo một khung hợp tác tốt hơn để đôi bên cùng có được lợi ích tối đa từ thương mại xuyên biên giới.
Về địa chính trị, chiến tranh thương mại cũng sẽ là điềm báo không tốt cho các vấn đề an ninh khi các lợi ích kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sụt giảm. Trong trường hợp xấu nhất, cái giá mà Trung Quốc phải cân nhắc khi có xung đột sẽ giảm đi khá nhiều.
LỜI KẾT
Những ảnh hưởng rộng hơn của chiến tranh thương mại nhiều khả năng có thể cảm nhận được trong vài tháng tới. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh từng nhận định: “Kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, do đó cũng chịu ảnh hưởng tự nhiên từ những biến động kinh tế toàn cầu”.
Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, Việt Nam nên tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tăng tốc quá trình tái cấu trúc ngành công thương. Những rào cản kỹ thuật vẫn tồn tại trong việc tăng cường tiếp cận các thị trường nước ngoài, điều mà Việt Nam cần làm tốt hơn khi các hiệp định như CPTPP hay hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sắp đi vào hiệu lực.
Dù chiến tranh thương mại không phải là điềm tốt cho tương lai, Việt Nam vẫn sẽ kiểm soát được tình hình và tiếp tục cải tổ kinh tế trên lộ trình tự do hóa thương mại của mình. Lịch sử đã cho thấy về mặt chính trị, Việt Nam đã ứng phó rất tốt trước tranh chấp của các ông lớn. Hy vọng điều tương tự cũng sẽ xảy ra về mặt kinh tế.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Quan hệ Mỹ - Trung, Kinh tế Việt Nam, Thương mại