Vị trí của nước Pháp trong nền điện ảnh toàn cầu

Từ hơn một thế kỷ, điện ảnh Pháp luôn luôn là nền điện ảnh tác động mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất đến nghệ thuật thứ bảy toàn cầu.

Từ anh em khai sáng phim ảnh Lumière tới tác phẩm kiệt tác Amélie Poulain, từ trào lưu Làn sóng mới tới trường phái Tiền phong, từ George Méliès tới trung tâm nghệ thuật và công nghệ điện ảnh quốc gia Pháp, từ liên hoan phim quốc tế Cannes lẫy lừng tới ngoại lệ văn hóa, ảnh hưởng đó là toàn diện và có tính quyết định. Dù một đôi nền điện ảnh, như Ấn Độ và Hoa Kỳ, có thể ngang ngửa với nó, thậm chí trội hơn, về một vài phương diện, nhất là tính thương mại, điện ảnh Pháp vẫn vững vàng ở vị thế chuẩn mực, ít ra cũng về sứ mệnh cao cả của nghệ thuật: khuyên nhủ và thúc giục mỗi người sống biết điều, sống đúng là con người, điều kiện tiên quyết cho một cộng đồng yên bình, phồn vinh và hạnh phúc.

Đã hẳn, người Pháp phát minh ra phim ảnh, song công đầu thực sự thuộc về ai?

Lâu nay, sử sách ghi chép rằng anh em nhà Lumière, dĩ nhiên công dân Pháp, là cha đẻ của nghệ thuật thứ bảy. Gần đây, không ít nhà sử học, lịch sử nghệ thuật và nghiên cứu điện ảnh đồng loạt chỉ ra rằng vinh quang đó thuộc về một người Pháp khác, Louis Ông hoàng, tức Louis Le Prince (1841-1890). Cuộc đời kỳ lạ, đặc biệt là cái chết bí hiểm của nhân vật này, vô tình gợi nhớ thật hùng hồn số phận nghiệt ngã và sứ mệnh gieo neo của điện ảnh, nghệ thuật đại chúng nhất của mọi quốc gia và mọi thời đại. Louis Le Prince, con của một nhà quân sự chuyên nghiệp, học hành đến nơi đến chốn, để trở thành một nhà hóa học và một nhà kỹ thuật hiếm gặp, dù ông được sở hữu một bộ óc bách khoa đáng thèm. Thuở nhỏ, ông may mắn được cha tin cậy giao phó cho một người bạn, Louis Daguerre, nhà tiên phong trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Vị này đưa ông vào hóa học và nhiếp ảnh, đúng như tài năng thiên bẩm. Sau đó, ông được cha cho lên Paris học hội họa. Tiếp theo, ông xin sang Đại học Đức Leipzig, đi sâu vào hóa học. Năm 1886, ông được một bạn đại học người Anh mời sang chơi Leeds. Sự thật, bạn muốn ông làm việc cho công ty đúc hợp kim của bạn. Thế rồi, dù không dự tính, đời ông đã bén rễ xanh cây ở chốn này. Năm 1869, ông kết hôn với em gái bạn, một họa sĩ có tài, và chưa tính tới chuyện trở về Pháp. Hạnh phúc lứa đôi viên mãn đến nỗi, ông cùng vợ thành lập một công ty nghệ thuật và hai người chung tay làm nên những tranh chân dung màu nữ hoàng Anh Victoria và thủ tướng Anh William Gladstone vô cùng diệu nghệ, hiện vẫn được lưu giữ ở đài tháp Cléopatre trên bờ sông Thames, quốc đảo sương mù.

Năm 1881, ông được công ty đúc hợp kim cử là đại diện tại Mỹ. Hết hạn công tác tại đó, ông và gia đình vẫn ở lại. Ông được một nhóm nghệ sĩ Pháp hoạt động ở Hoa Kỳ tín nhiệm bầu làm lãnh đạo. Được ông bạn nhiếp ảnh của cha nhen nhóm cho tình yêu nhiếp ảnh, ông thầm mơ ước ghi lại được những bức ảnh chuyển động, chuyện chưa từng có trên đời. Từ lâu trước khi sang Anh, ông đã quyết chí sáng tạo bằng được một thiết bị thần kỳ làm được việc đó. Ông cứ lặng lẽ vừa suy nghĩ vừa thí nghiệm liên tục trong nhiều năm trời. Việc này được tăng cường đặc biệt, từ khi ông lập gia đình, và nhất là từ lúc ông sang Mỹ đang phấn chấn cao độ trong những phát minh nức lòng của Thomas Edison (1847-1931). Hiếm nơi nào thời ấy trọng vọng đến thế sáng tạo thánh thiện của mỗi cá nhân cho niềm vui và hạnh phúc của con người. Vì vậy, chuyện cổ tích nằm mơ cũng chưa thấy ở châu Âu ấy đã thôi thúc ông nỗ lực gấp bội để hoàn thành ước mơ chế tạo chiếc máy quay phim đầu tiên trên thế giới. Dĩ nhiên, ông không thể gác bỏ mọi sinh hoạt tình cảm thông thường cho dự án thế kỷ. Vả chăng, chính những tình cảm này là ngọn lửa nuôi dưỡng khát vọng vượt thời gian của ông, có thể được coi là động lực của sáng tạo khoa học và nghệ thuật. Chả thế, năm 1886, ông đã tạm rời Hoa Kỳ, về Leeds quê vợ để tiến hành những thí nghiệm cuối cùng. Ngày 14-10-1888, ông quay được rồi phát lại được những hình ảnh động đầu tiên, về khu kho lương thực của cha mẹ vợ ở điền trang Roundhay, ngoại ô Leeds. 10 hôm sau, ông ghi thành công Một cảnh trong vườn Roundhay, trong đó có hình ảnh nhạc mẫu và nhạc phụ của mình. Cảnh ấy chưa đến một phút, ngày nay vẫn có thể xem lại được. Cuối tháng 10 lịch sử ấy, ông trực tiếp quay lại cảnh xe điện, xe ngựa và người bộ hành qua lại trên cầu TP Leeds. Ông cũng ghi lại hình ảnh đứa con trai đầu của ông chơi vĩ cầm. Tất cả những thước phim ấy được ông chiếu lại cho dân chúng xem trên một màn ảnh tại một địa điểm ở nội thành Leeds mà bây giờ người ta vẫn có khả năng xác định. Ông còn làm ở thủ đô Paris hoa lệ một phim mang tên Người ngay bên cạnh khá hoàn chỉnh, mà hôm nay giới nghiên cứu điện ảnh muốn coi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của nhân loại.

Louis Ông hoàng tất nhiên đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ, thuộc cả ba khâu, quay phim, chiếu phim và bảo tồn phim. Xin mở một ngoặc đơn, những hoạt động nhằm ghi lại những hình ảnh động như thật vẫn chỉ là đam mê cá nhân, chứ ông chưa nghĩ xa tới tầm vóc ghê gớm của một nền nghệ thuật mới gần như áp đảo mọi nền nghệ thuật đang tồn tại, một nền công nghiệp khổng lồ, một vũ trụ giải trí biến ảo khôn lường và mở rộng đến vô tận. Nắm chắc thắng lợi rồi, ông dự kiến trở lại New York, nơi ông cư ngụ cùng vợ con, để triển lãm thành tựu của mình. Trước khi sang Mỹ, ông đi thăm gia đình lớn của ông vẫn sống đó đây ở Pháp. Ngày 16-9-1890, ông đáp chuyến tàu nhanh Dijon – Paris và biến mất một cách bí ẩn. Xác ông và toàn bộ hành lý của ông – trong đấy có lẽ có một số phim giá trị nữa, và nhất là những bộ phận và các bộ máy quay và chiếu phim của riêng ông – người ta không sao tìm lại được. Vợ con ông nhất quyết chứng minh ông là nhà phát minh ra máy quay phim – tranh chấp với Edison của Hoa Kỳ – và nghệ thuật thứ bảy. Cuộc chiến đó gằng co nhiều năm và năm 1902, sau một phiên tường trình về công lao của người sinh thành ra mình tại tòa án liên bang, con trai ông chịu chung số phận cay đắng với bố. Bản quyền máy quay phim vậy là bị bỏ lửng. Nhiều năm nữa trôi qua, cuối cùng, các nhà lịch sử điện ảnh thế giới kết luận rằng công sức của Louis Ông hoàng thuộc về thời tiền điện ảnh. Thế nghĩa là người phát minh nghệ thuật thứ bảy là anh em nhà Lumière, như ai cũng đinh ninh cả trăm năm rồi.

Phép màu thần diệu hơn mọi tưởng tượng do bàn tay con người gây dựng

Hiện nay, các nhà nghiên cứu điện ảnh đã chỉ ra nhiều nhân vật khác chia sẻ với Louis Ông hoàng niềm say mê ghi và phát lại những hình ảnh động của con người và thế giới, một cách lưu giữ ký ức lôi cuốn không thể cưỡng lại. Có điều, tất cả đều đi sau ông ít nhiều. Không rõ anh em nhà Lumière, tức Auguste Lumière (1882-1954), nhà sinh vật học kiêm nhà công nghiệp và Louis Lumière (1884-1948), nhà hóa học kiêm nhà công nghiệp, có liên hệ gì với Louis Ông hoàng không, hay tiến tới thành tựu của mình hoàn toàn độc lập. Chỉ biết, hai ông đã đưa năm 1895 vào lịch sử loài người như năm khai sinh nghệ thuật thứ bảy. Trước tiên, ngày 13-1, hai ông chính thức được thừa nhận đã hoàn chỉnh cả máy quay phim lẫn máy chiếu phim; ngày 22-3, hai ông tổ chức chiếu bộ phim Giờ tan tầm ở nhà máy ánh sáng ở Lyon, do hai ông quay được, ở Paris, tại trụ sở công ty thúc đẩy công nghiệp dân tộc, buổi chiếu dành cho người thân và bạn hữu. Sau một cuộc chiếu luân lưu miễn phí trên toàn cõi Pháp, với khán giả chọn lọc, khiến cả nước như phát điên, hai anh em tính tới chuyện thu tiền. Ngày 28-12, buổi chiếu như vậy được tiến hành ở phòng khách thổ dân (tức ở tầng hầm) của quán café lớn Paris, với 10 phim được chiếu, mỗi phim chưa đến một phút, cả buổi chừng 20 phút. Ba phim chính, dĩ nhiên đều là phim câm, được hoan nghênh đặc biệt. Cùng phim kể trên, còn Người tưới nước bị tưới, và Bữa ăn của bé, những phim ngộ nghĩnh và thân mật. 35 người vào xem, mỗi người trả 1 franc, tiền thuê phòng chiếu là 30 francs, hai người thu được 5 franc lợi nhuận. Nghệ thuật hơn cả thần kỳ của hai anh em Lumière được báo chí Paris ca ngợi rầm trời. Hợp đồng thuê hẳn phòng khách quán café lớn được ký, thời hạn một năm, giá phòng ấn định 30 franc một ngày như cũ. Từ đó, hôm nào cũng vậy, từ 2.000 tới 2.500 khán giả chen chúc để được vào xem, qua nhiều suất chiếu.

Hai anh em Lumière cho sản xuất các máy quay và chiếu phim mang tên mình. Thời ấy, gần đồng thời với anh em nhà Lumỉère ở Pháp, một số nhà phát minh tại nhiều nước như Anh, Đức, Hoa Kỳ, cũng tạm thời kết thúc bao năm say mê khám phá và sáng tạo vì niềm vui của đồng loại bằng những thiết bị điện ảnh sơ khai phần nào tương tự thiết bị của hai anh em người Pháp khả kính. Tuy nhiên những thiết bị ấy không đạt đến độ hoàn chỉnh tối cần, lại không tiện sử dụng, nên phải nhường bước cho công trình của nhà Lumière. Thật tâm với nguyện vọng được mau chóng thưởng thức một nghệ thuật mới của người dân không chỉ ở tổ quốc quê hương, hai ông đào tạo nhiều kỹ thuật viên vận hành điêu luyện máy Lumière và không ngại tốn kém, cử họ đến nhiều nơi trong nước và nước ngoài, để họ vừa ghi lại vừa chiếu tại chỗ những hình ảnh độc đáo của nơi họ có mặt. Cái giá phải trả là không nhỏ. Đôi khi, những người truyền bá nền điện ảnh đang còn trứng nước gặp những rủi ro không lường nổi. Một phần do bệnh không muốn chấp nhận ngay cái mới. Phần khác, do cạnh tranh mà động lực tất yếu là lợi nhuận. Cứ thế, điện ảnh lan rộng và phổ biến trên toàn thế giới và phong trào “nhà nhà làm phim, người người làm phim” bùng nổ hầu như khắp chốn cùng nơi. Từ tháng 1-1896, những đại diện của công ty Lumière đã dọc ngang toàn cầu, tổ chức được những buổi chiếu phim đầu tiên làm mê mẩn bao người ở Saint Peterbourg Nga hay ở London Anh. Họ quay được vô số chuyện xem chừng lạ lẫm, ví như các hoạt động của tổng thống Mêhicô (và được chiếu ngay cho dân chúng được thấy), hay cảnh một đám rước ở một làng ở Đông Dương… Sự hiện diện như tiên giáng trần của các sứ thần của hai vị vua không ngai Aguste và Louis Lumière kích thích sự thức tỉnh náo nức ở tất cả các nẻo đường của một phép màu kỳ diệu hơn mọi phép màu. Ấy là sự ra đời của các nền điện ảnh dân tộc. Năm 1889, nhà điện ảnh đầu tiên của Đan Mạch Peter Elfelt tự chế tạo được một máy quay phim và làm được bộ phim đầu tay dài chưa tới một phút, bất tử hóa kỳ nghỉ hè của hoàng gia Đan Mạch. Bộ phim thứ nhất của người Đức được làm năm 1896. Đó là chuyến dạo chơi trong rừng của một nhóm bạn trẻ. Tại Nhật Bản, từ năm 1896, nhà làm phim Shiro Asano thích thú và tự hào lưu giữ lại được cho đồng bào mình nhiều cảnh tượng của Tokyo, và hình ảnh các geisha, một biểu tượng đáng trân trọng của đất nước mặt trời mọc…

Tận dụng sức mạnh, chung sức chung lòng vì tất cả, chứ không chỉ vì mình, ấy là điện ảnh Pháp

Mạng lưới Lumiêre thế là bao phủ hầu như toàn cầu. Hai anh em sản xuất chừng 1.500 bộ phim, đủ đề tài, trong đó chủ đề đời sống thường nhật là chủ yếu, và đủ thể loại, cả bi kịch lẫn hài kịch. Có điều, hai anh em vẫn không thể rứt được nghiên cứu khoa học, và dần dần hiểu ra rằng điện ảnh sâu xa hơn nhiều một loại tư liệu bằng hình ảnh. Cho nên, một mặt, hai ông nỗ lực làm bất cứ điều gì có thể cho phim ảnh, nhưng nghệ thuật thứ bảy vẫn là nghề tay trái. Mặt khác, vì nhận chân được đấy là một nghệ thuật tổng hợp cực khó, lại không thể dồn hết tâm huyết cho phim trường, hai ông mặc nhiên mở đường cho những nghệ sĩ thực thụ. Công lao lớn nhất của hai ông là tư tưởng khởi đầu cho điện ảnh, rằng hơn bất cứ nghệ thuật nào, nó có sức cố kết những điều tốt đẹp và gan ruột từ mọi chân trời, để tạo nên một tiếng nói chung bao dung và nhân bản. Tư tưởng này được điện ảnh Pháp tôn thờ chung thủy và tuân thủ trung thành suốt từ bấy tới nay. Nó giúp các thế hệ điện ảnh Pháp vững bước trên con đường nghệ thuật chân thực, không sa đà vào thương mại như không ít nghệ sĩ điện ảnh Hoa Kỳ. Cần nói, ngay từ đầu, quan hệ tế nhị giữa hai nền điện ảnh, Pháp và Mỹ, đã bị chi phối bởi đồng tiền bát gạo. Như tại không ít quốc gia, công ty của anh em Lumiêre mở chi nhánh ở Hoa Kỳ. Họ hăng hái triển khai nhiều hoạt động, từ quay tới phổ biến phim tại chỗ. Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại bậc nhất thế giới, ghen tức tới mức vung tiền ra và đề nghị chính phủ Mỹ gây khó dễ cho các nhà làm phim Pháp. Năm 1896, Félix Mesguich, đại diện của Công ty Lumière, đang ghi hình một trận thi đấu thể thao náo nhiệt, thì bị bắt vì không có giấy phép của nhà cầm quyền sở tại. Edison kiên trì vận động và chính phủ Mỹ đã trục xuất chi nhánh Lumière năm 1897.

Xuất phát điểm là quan trọng như vậy đó. Sau thời hoàng kim ban đầu, điện ảnh Hoa Kỳ trượt dài vào giải trí đơn thuần. Chất nhân văn rất ít, hay quá mờ nhạt trong hầu hết tác phẩm được người Việt gọi là phim bom tấn của Hollywood. Titanic (Oscar 1997) chẳng hạn chỉ còn là biệt lệ. Đã hẳn, nghệ thuật cũng cần có tính giải trí. Song giải trí đến đâu và như thế nào mới là vấn đề. Vài thập kỷ nay, công chúng điện ảnh toàn cầu đã và đang lãng phí những món tiền khổng lồ và vô số thời gian cho những bộ phim xét tới cùng nhẹ bỗng như những bong bóng xà phòng vô hồn và vô nghĩa. Suốt những năm tháng, phim bạo lực và tình dục, phần lớn là từ Mỹ, làm mưa làm gió, thì điện ảnh Pháp cố cưỡng lại, kiên trì sứ mệnh cao cả được đặt ra từ buổi ban đầu. Dĩ nhiên, phim nghiêm chỉnh chưa thể lấy lại vị trí thượng tôn một thời trong lòng khán giả. Song xu hướng phục hưng điện ảnh như một nghệ thuật của tấm lòng đã hiện rõ và có lẽ không thể bị đảo ngược.

Theo NHẬT THẢO QUÂN / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: ,