⠀
Vị thế của Ngô gia văn phái trong lịch sử nền văn học Việt Nam
Có lẽ, không họ nào ở nước Việt có đông đảo người sáng tác, trước tác với quy mô rộng lớn và phong phú như họ Ngô Thì ở đất Hà Tây.
“Ngô gia văn phái” là nhóm tác giả nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam. Những tác giả này thuộc dòng họ Ngô Thì, có nguồn gốc từ làng Tả Thanh Oai (Hà Tây trước kia, Hà Nội ngày nay), do Ngô Chi Thất và Ngô Trân khởi xướng, tập hợp các tác giả thuộc 9 thế hệ, lịch sử trên dưới dưới 200 năm, từ đầu thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ 20.
Ngô gia văn phái tùng thư là tên bộ sách tập hợp các tác phẩm của những thành viên trong “Ngô gia văn phái”. Bộ sách do Ngô Thì Chí đề xướng, khởi công biên soạn tập đầu tiên, Ngô Thì Điển biên tập. Trong sách có 2 bài tựa, một do Phan Huy Ích, một do Ngô Thì Trí biên soạn. Đây là bộ sách có tính chất sưu tập, nhằm nêu cao truyền thống văn hóa, văn học của dòng họ Ngô Thì.
Bộ Ngô gia văn phái tùng thư ban đầu chỉ gồm các tác giả từ Ngô Thì Ức đến Ngô Thì Điển biên soạn, về sau được bổ sung cho đến tác giả cuối cùng là Ngô Thì Giai. Trong đó, nhiều tác giả nổi bật như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Hương tiếp tục góp công biên soạn… Các tác phẩm đều bằng chữ Hán, bao gồm đủ thể loại, nhiều nhất là thơ, phú, truyện ký, tự, bạt, khải, biểu, tấu, sớ. Tác phẩm nổi tiếng của dòng họ này là Hoàng Lê nhất thống chí.
Theo Từ điển văn học, nhóm “Ngô gia văn phái có khoảng 15 thành viên, trải dài qua các đời, gồm: Ngô Thì Ức, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Đạo, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Điển, Ngô Thì Hoàng, Ngô Thì Du, Ngô Thì Hương, Ngô Thì Hiệu, Ngô Thì Giai, Ngô Thì Thập, Ngô Thì Lữ, Ngô Giáp Dậu. Trong đó có những tác giả tiêu biểu của nước ta như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm.
Ngô Thì Ức (1709 – 1736), hiệu là Tuyết Trai, năm 24 tuổi thi đỗ Hương cống. Là con người không để chí vào con đường khoa hoạn, ông chỉ chú tâm vào sáng tác văn chương nên sớm có tác phẩm Nam trình liên vịnh tập gồm 30 bài thơ ngâm vịnh với người bạn là Trương Hạo Trai khi đi chơi ở Đông Quan, Sơn Nam. Theo Phan Huy Chú thì Ngô Thì Ức còn có tác phẩm An Nam chí, tiếc là nay không còn thấy văn bản. Tác phẩm đáng chú ý nhất của ông là Tuyết Trai thi tập, còn gọi là Nghi vịnh thi tập gồm 90 bài thơ. Qua thơ, ta thấy ông là một con người tài hoa, ưa thích cuộc sống tiêu dao nhàn tản, thoát khỏi mọi công danh tục lụy. Bài thơ Tiêu dao ngâm của ông, Phan Huy Chú nhận xét là đầy hứng thú, phóng khoáng, cao thượng của một danh sỹ thanh khiết kiểu Đào Tiềm.
Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780), tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong là con trai của Ngô Thì Ức, sau trở thành nhà thơ, nhà sử học danh tiếng của Việt Nam thế kỷ XVIII. Đỗ Hương tiến được ít lâu, ông được chọn làm tùy giảng cho thế tử Trịnh Sâm, mãi đến khoa Bính Tuất 1766 mới đỗ Hoàng giáp, rồi làm quan trải nhiều chức trọng. Khi làm đốc trấn Lạng Sơn, ông cho rời Đoàn Thành (thành Lạng Sơn) từ nơi trũng lên núi Lộc Mã, cao và bằng phẳng, rất lợi cho việc dùng binh và ông còn cho mở mang động Nhị Thanh thành một thắng cảnh nổi tiếng. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã ghi nhận Ngô Thì Sĩ là danh nhân kiệt xuất, học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ tông phái Nho gia, là một đại gia ở nước ta, để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm danh tiếng như Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Ngọ Phong văn tập, Nghệ An thi tập, Hải Đông chí lược… Ngoài việc để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm lớn, Ngô Thì Sĩ còn sinh ra cho đất nước những người con trai sau này trở thành những anh hùng, danh sỹ lớn: Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí và Ngô Thì Hương.
Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), hiệu là Đạt Hiên, đỗ Tiến sỹ khoa âËt Mùi 1775. Ông từng làm thầy dạy chúa Trịnh Khải, rồi làm quan trải nhiều chức trọng. Năm 1782, quân tam phủ làm chuyện phế lập, Ngô Thì Nhậm phải lánh về quê vợ. Đến năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông cùng nhiều kẻ sỹ Bắc Hà theo Tây Sơn. Nguyễn Huệ đã cho Ngô Thì Nhậm cùng Ngô Văn Sở cai quản Bắc Hà. Ngô Thì Nhậm là người đề ra chủ trương rút lui chiến lược về Tam Điệp, tạo điều kiện cho Quang Trung nhanh chóng tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Ông được thăng Binh bộ Thượng thư, tước Phương Quận công. Ngô Thì Nhậm còn là một trí thức danh tiếng, sự nghiệp văn chương lớn lao, để lại cho đời hơn 20 tác phẩm có giá trị, tiêu biểu là Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh… Ông còn là Tổng tài Quốc sử quán, đã tổ chức biên soạn và cho in sách Đại Việt sử ký tiền biên mà thân phụ ông khởi soạn.
Ngô Thì Chí (1753 – 1788), tự là Học Tốn, hiệu Uyên Mật, đã thi đỗ Hương tiến. Ông có thời gian làm chức quan Thiêm thư Bình chương Tỉnh sự, nhưng việc quan không phải là việc làm ông quan tâm. Thơ văn của ông không có câu nào nói đến việc quan trường. Tác phẩm chính của ông có: Học Phi thi tập, Học Phi văn tập và Hào mân khoa sứ. Ngô Thì Chí là người khởi đầu viết bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí 17 hồi, mà 7 hồi đầu thuộc phần chính biên do ông viết ban đầu có tên là Nhất thống chí. Sau này, Ngô Thì Du viết 7 hồi thuộc phần tục biên và đặt tên là Hoàng Lê nhất thống chí. Thơ, văn Ngô Thì Chí rất trong sáng, giản dị, chân thực. Đặc biệt, văn xuôi của ông rất trôi chảy, tự nhiên, mạch lạc và thật tài hoa. Ông còn viết nhiều lời bàn về văn học sâu sắc và lý thú.
Ngô Thì Hương (1774 – 1821) còn có tên là Vị, tự Thành Phủ, hiệu Ước Trai. Lớn lên trong cảnh gia đình họ Ngô đã sa sút, cha đã qua đời, anh cả là Ngô Thì Nhậm gặp chuyện phiền phức trong triều đình, nên việc học hành của Ngô Thì Hương không được chu đáo. Lượng tác phẩm của ông không nhiều như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, nhưng những bài viết về bản thân, về gia đình là những tác phẩm văn chương dồi dào cảm xúc và chứa đựng nhiều vấn đề cuộc sống đương thời, rất có giá trị. Tác phẩm của ông có Mai dịch thú dư, Thù phụng toàn tập và một số tác phẩm rải rác trong nhiều năm sau này được con cháu tập hợp trong Thành Phủ công di thảo. Tài năng văn chương của Ngô Thì Hương thể hiện ở nội dung các tác phẩm tha thiết tự hào về đất nước, về dân tộc và thể hiện qua cách viết nhẹ nhàng, nhưng dí dỏm, sâu sắc. Đó là phẩm chất hiếm thấy trong thơ văn chữ Hán ở nước ta xưa kia.
Ngô Thì Trí (1766 – ?), hiệu là Dưỡng Hạo. Dưới triều Tây Sơn, ông làm quan Hộ bộ Hữu thị lang, được phong tước Bính phong hầu. Năm 1802, nhà Tây Sơn bị diệt, Ngô Thì Trí về làm một người dân bình thường ở quê nhà. Ông sáng tác nhiều, đặc biệt rất ít khi đề vịnh. Tác phẩm chính của ông có Sóc Nam hành kính gồm 26 bài thơ, 2 bài phú, 22 bài văn và một số câu đối. Những tác phẩm đó đều rất nặng tình, văn chương thì giản dị, chân thực. Riêng bài văn tế Ngô Thì Hương, viết năm 1821 có thể coi là lời tổng kết cả cuộc đời vất vả của ông. Và Ngô Thì Trí chính là người khởi xướng việc sưu tập tác phẩm của các tác giả dòng họ Ngô Thì, nhờ vậy mà ngày nay văn học nước nhà có được bộ sách Ngô gia văn phái đồ sộ.
Ngô Thì Du (1772 – 1821) có hai tên tự: Trưng Phủ và Văn Bác, là cháu gọi Ngô Thì Sĩ bằng bác ruột. Ngô Thì Du có chí học tập và học giỏi, nhưng không may mắn trong khoa hoạn. Mãi đến năm ông 40 tuổi, triều đình nhà Nguyễn xuống chiếu về việc tiến cử người tài, bạn bè khuyên ông ra làm quan và có người tiến cử, ông được bổ Đốc học Hải Dương. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông xin được từ chức, về ở quê nhà. Tác phẩm chính của Ngô Thì Du là Trưng Phủ công thi văn gồm 76 bài, nội dung chủ yếu xoay quanh số phận cùng diễn biến tư tưởng của người trí thức nghèo trong xã hội có nhiều biến động đương thời. Văn chương ông rất trong sáng, chân chất, nhất là văn xuôi, rất cứng cáp và mạch lạc. Tác phẩm của Ngô Thì Du có sức truyền cảm rất sâu, khiến người đọc nhiều khi cảm thương da diết. Ông là người viết 7 hồi trong phần tục biên của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí.
Tác giả Nguyễn Lộc, trong Từ điển văn học, cho biết: “Ngô gia văn phái đã phản ánh được rất nhiều mặt, như tình hình đời sống xã hội, chính trị, văn hóa, văn học của Việt Nam, trải qua các triều đại nhà Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Cùng thời với họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, có thể kể đến họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Hà Tĩnh). Nhưng có lẽ, không họ nào ở nước Việt có đông đảo người sáng tác, trước tác với quy mô rộng lớn và phong phú như họ Ngô Thì”.
T.H
Tags: Văn học, Ngô gia văn phái