⠀
Vì sao nước Mỹ như ‘thùng thuốc súng’ luôn sẵn sàng bùng nổ?
“Không ai rõ tình hình sẽ đen tối tới mức nào, chỉ biết rằng trong thời kỳ của Trump, những cảnh tượng chúng ta từng nghĩ chỉ có trong ác mộng sẽ trở nên gần như bình thường vào ngày hôm sau”.
Hai tháng rưỡi qua ở nước Mỹ như đoạn mở đầu trong một bộ phim đen tối về quốc gia này, và bộ phim vẫn chưa đi tới đoạn kết. Đầu tiên, đại dịch COVID-19 tấn công, khiến các bệnh viện trở nên quá tải và biến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu. Nền kinh tế số một thế giới đóng băng và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Kể từ tháng ba, cứ 4 lao động ở Mỹ thì có một người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Dòng xe xếp hàng dài hàng km tại các ngân hàng thực phẩm. Biểu tình phản đối phong tỏa ngăn COVID-19 nổ ra trên khắp cả nước. Tại Michigan, cơ quan lập pháp phải hủy họp vì người biểu tình. Số ca tử vong trên toàn nước Mỹ vì một căn bệnh mà hầu như chưa ai nghe đến hồi năm ngoái đã vượt 100.000.
Khủng hoảng chưa dừng lại ở đó khi tuần này, một sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, bị quay video cảnh ghì gáy người đàn ông da màu George Floyd, 46 tuổi. Khi cận kề cái chết, Floyd kêu lên thảm thiết rằng anh không thể thở được, giống hệt lời cuối cùng của Eric Garner, người đã chết năm 2014 dưới tay cảnh sát New York và trở thành nguồn cơn của phong trào “Người da màu đáng được sống” (Black Lives Matter). Floyd sau đó chết tại bệnh viện.
Cái chết của Floyd diễn ra chỉ vài ngày sau khi ba người đàn ông ở bang Georgia bị bắt vì truy đuổi và giết chết một người da màu khác là Ahmaud Arbery, gây chấn động nước Mỹ. Công tố viên ban đầu từ chối buộc tội những người này với lý do rằng hành động của họ hợp pháp theo luật tự vệ của bang.
Những người biểu tình ở Minneapolis đã đổ ra đường sau cái chết của Floyd và vào tối 27/5, biểu tình biến thành bạo loạn, khiến thống đốc Minnesota phải ban hành lệnh giới nghiêm và đề nghị triển khai Vệ binh Quốc gia đến bang này.
Trong một khoảnh khắc, cái chết của Floyd thách thức phản ứng của Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ phong trào “Coi trọng mạng sống của cảnh sát Mỹ” (Blue Lives Matter). Chính quyền buộc phải hành động, tất cả 4 cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd đều bị sa thải, các lãnh đạo cảnh sát trên khắp nước Mỹ đã lên án họ và Bộ trưởng Tư pháp William Barr hứa sẽ ưu tiên điều tra vụ án. Tổng thống Trump gọi những gì xảy ra với Floyd là điều “rất, rất tồi tệ”.
Tối 28/5, khi một công tố viên ở Minneapolis cho hay văn phòng công tố đang điều tra xem 4 cảnh sát có phạm tội hay không, biểu tình bạo lực đã nổ ra, trong đó những người biểu tình giận dữ tấn công đồn cảnh sát. Derek Chauvin, sĩ quan cảnh sát trực tiếp ghì chết Floyd bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn, trong khi ba cảnh sát khác cũng bị điều tra và có khả năng bị truy tố.
Trên Twitter, Trump đe dọa rằng quân đội sẽ phản ứng với những kẻ bạo loạn. “Khi cướp bóc bắt đầu, súng cũng sẽ nổ”, ông viết. Nhiệm kỳ của Trump từng chứng kiến những vụ bạo lực gây sốc như cuộc biểu tình của người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, vụ thảm sát tại giáo đường Do Thái Tree of Life ở Pittsburgh, bang Pennsylvania năm 2018 hay vụ xả súng hàng loạt nhắm vào người Mexico ở El Paso, bang Texas, năm ngoái.
Ngay cả khi nước Mỹ sục sôi và hỗn loạn như thế, bạo loạn cũng không lan rộng. Tuy nhiên, bây giờ, nước Mỹ có thể đang bắt đầu một mùa hè dài, nóng của tình trạng bất ổn.
Có quá nhiều thứ khiến nước Mỹ có thể bùng cháy ngay lúc này: thất nghiệp hàng loạt, đại dịch gây bất bình đẳng về kinh tế và y tế, những thanh thiếu niên lười biếng, bạo lực liên quan đến cảnh sát, phe cực hữu thúc đẩy một cuộc “nội chiến thứ hai” ở nước Mỹ và Tổng thống “đổ thêm dầu vào mọi đám cháy”.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta thật sự đang ở trong giai đoạn mà mọi thứ sẽ căng thẳng hơn rất nhiều, trước khi mọi thứ ổn định”, Heather Ann Thompson, nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Michigan, người từng giành giải Pulitzer năm 2016, nói.
Các cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis đã lan khắp nước Mỹ, buộc nhiều thành phố phải ban lệnh giới nghiêm và triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia để đảm bảo an ninh. Một thanh niên bị bắn chết khi một kẻ lạ mặt nổ súng vào đám đông biểu tình tại thành phố Detroit, trong khi một cảnh sát liên bang cũng thiệt mạng gần nơi biểu tình ở Oakland.
Các cuộc biểu tình có nguồn cơn từ những vụ bạo lực cụ thể của cảnh sát, nhưng chúng cũng diễn ra trong bối cảnh đại dịch lan rộng và những người da màu, đặc biệt là những lao động nghèo, phải hứng chịu những thiệt thòi khi kinh tế bị tàn phá bởi dịch bệnh.
Keith Ellison, lãnh đạo sở tư pháp Minnesota, nói rằng gần đây, khi ra ngoài hoặc chạy bộ ở Minneapolis, lòng ông “trào dâng một nỗi khắc khoải”. “Nhiều người đã bị kiềm chế trong nhà suốt hai tháng, giờ đây, họ lại bị kìm chân trong một không gian khác, một thời gian khác. Có những người thất nghiệp, có người không có tiền thuê nhà, họ giận dữ và thất vọng”, ông nói.
Sự thất vọng đó có thể tiếp tục tăng lên, bởi những thiệt hại kinh tế do đại dịch mới chỉ bắt đầu. Gói trợ cấp thất nghiệp được quốc hội thông qua sẽ hết hạn vào cuối tháng 7. Ngân sách nhà nước bị thâm hụt và các nghị sĩ đảng Cộng hòa từ chối cấp thêm viện trợ cho các bang, đồng nghĩa sẽ sớm có những cắt giảm về việc làm và dịch vụ công.
“Khi mọi người túng quẫn mà dường như không có bất kỳ sự trợ giúp nào, không có sự chỉ đạo, không có hình dung rõ ràng về những gì sẽ xảy ra, điều đó sẽ tạo điều kiện cho giận dữ và tuyệt vọng, tất cả cấu thành sự bất ổn”, Keeanga-Yamahtta Taylor, một trợ lý giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại Princeton, cho biết. “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy kiểu phản ứng này ở nhiều nơi trong vài tháng tới”.
Những áp lực kể trên không phải là lý do duy nhất biến nước Mỹ thành một “thùng thuốc súng”. Hồi giữa tuần, các nhà báo Robert Evans và Jason Wilson bày tỏ lo ngại về “boogaloo”, một phong trào cực hữu của Mỹ.
Những thành viên phong trào này kỳ vọng thời tiết ấm áp hơn sẽ tạo điều kiện cho những cuộc đối đầu vũ trang với lực lượng hành pháp và đang thúc đẩy một cuộc nội chiến Mỹ lần hai. Evans và Wilson cho rằng trong bối cảnh đầy chia rẽ do đại dịch, phong trào này có thể góp phần thúc đẩy bạo lực lan rộng trên đường phố Mỹ.
Theo bình luận viên Michelle Goldberg của NYTimes, khi đối mặt với tình hình bất ổn trong nước, các tổng thống Mỹ sẽ thường tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Đó là lý do các vụ bạo động thường dẫn tới cải cách ở Mỹ, dù chúng gây thiệt hại đáng kể cho cộng đồng nơi chúng bùng phát. Theo nhà nghiên cứu Thompson, thay đổi sẽ được thực hiện khi những người biểu tình “tạo ra tình thế mà những người nắm quyền phải thực sự hành động để đem lại ổn định đúng nghĩa”.
Nhưng Tổng thống Trump hiện nay dường như không quá quan tâm đến việc làm lắng dịu tình hình, khi liên tục gọi những người biểu tình là “những kẻ cướp bóc, vô chính phủ” và đe dọa rằng họ sẽ đối mặt với “chó dữ” nếu tấn công hàng rào an ninh Nhà Trắng. Lời đe dọa đó không hiệu quả, khi người biểu tình vẫn xô đổ hàng rào và đụng độ với lực lượng Mật vụ bên ngoài Nhà Trắng.
“Khi một cuộc biểu tình lên cao trào vì tình trạng bất bình đẳng, nước Mỹ rốt cuộc sẽ phải tìm kiếm một sự cân bằng mới, giải quyết vấn đề để vãn hồi trật tự”, Thompson nói. “Nhưng giờ chúng ta có một lãnh đạo đã tuyên bố rõ rằng việc để nước Mỹ rơi vào nội chiến cũng không sao”.
Bình luận viên Goldberg cho rằng đây là điều nước Mỹ chưa từng chứng kiến. “Không ai rõ tình hình sẽ đen tối tới mức nào, chỉ biết rằng trong thời kỳ của Trump, những cảnh tượng chúng ta từng nghĩ chỉ có trong ác mộng sẽ trở nên gần như bình thường vào ngày hôm sau”, Goldberg viết.
Theo VNEXPRESS / THE NEW YORK TIMES
Tags: Mỹ, Donald Trump, Xung đột xã hội