Vì sao đám đông mù quáng chia sẻ tin giả?

Những cơ chế tâm lý nào đằng sau những nút “share”? Và bạn có đủ hiểu bản thân để chắc rằng mình hoàn toàn đứng ngoài vòng “sẻ chia mù quáng”?

Vì sao đám đông mù quáng chia sẻ tin giả?

Bài viết của tác giả Phan Tường Yên, chuyên gia tâm lý đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Cô là chuyên gia của Workplace Options (Mỹ) – tổ chức tư vấn hỗ trợ đời sống, công việc chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp và người lao động toàn cầu. Cô đang quản lý Phòng tâm lý Saigon Psychub và là Phó chủ tịch Mạng lưới lãnh đạo trẻ toàn cầu Sunwah – khu vực TP.HCM. Đây là bài viết riêng của cô cho Zing.vn.

Uống nước tiểu vào buổi sáng sớm kết hợp với các thực phẩm thực dưỡng sẽ đảm bảo hết bệnh cúm corona.

Tôi rùng mình khi được chia sẻ đường link của một người nổi tiếng trong giới bán thực phẩm thực dưỡng. Người này đăng tải lời khuyên đầy tự tin, hướng dẫn phòng và trị virus corona vô cùng chi tiết, cụ thể.

Nói tới đây mọi người có thể phì cười vì chuyện như vậy ai mà tin được. Nhưng không, nhiều người tin theo, và phần lớn là những người đi theo lối sống thực dưỡng, những người đã tin và sống cùng với sản phẩm của chị này qua một thời gian dài.

Hiện tượng trên được gọi là “hiệu ứng hào quang” (halo effect), một hiệu ứng tâm lý tạo nên thiên kiến nhận thức có sức chi phối mạnh mẽ đến những điều chúng ta tin, nói và làm.

Nôm na là, khi bạn thấy một người hiểu biết và đáng tin cậy trong một hoặc một vài lĩnh vực, thì tự nhiên bạn sẽ thấy họ cũng thật có lý và đáng tin trong một vấn đề rất ngẫu nhiên nào đó khác. Hiệu ứng tâm lý này không từ một ai – từ giới bình dân, lao động phổ thông đến thanh thiếu niên (đặc biệt là tuổi dậy thì với lòng hâm mộ thần tượng). Và cả giới trí thức.

Niềm tin mà ta dành cho người mang hào quang có thể xuất phát từ sự yêu mến đặc biệt, hoặc được trầm tích qua thời gian và tiếp xúc. Chẳng hạn, nghệ sĩ sẽ đặc biệt có uy tín hơn với người hâm mộ của mình. Blogger mà mình theo dõi từ lâu sẽ có xu hướng cái gì cũng hay ho thú vị và đáng tin. Người thầy yêu thích của bạn sẽ đặc biệt giỏi và đúng hơn những thầy cô ở khoa khác, trường khác.

Bẫy hào quang dễ thấy là khi ca sĩ, diễn viên đưa tin về dịch bệnh, có không ít người lập tức tin theo không cần kiểm chứng. Khó nhận ra hơn một chút, khi người nổi tiếng phát ngôn về vấn đề xã hội là một tên tuổi khoa học lẫy lừng hay một nhà nghiên cứu nhiều thành tựu ở lĩnh vực khác (vật lý, toán học hay hoá học), ta dễ bị thuyết phục bởi học vấn cũng như thành tựu của người này mà quên rằng họ không hề có chuyên môn và chứng thực trong những điều mình tuyên bố.

Hiệu ứng hào quang nguy hiểm ở chỗ có thể tạo ra một kiểu “uy tín ảo” che mờ sự tỉnh táo sắc bén của chúng ta. Bởi vậy ngay cả khi có tư duy phản biện, thiện cảm mà hào quang lan toả ra bấy lâu nay vẫn có thể khiến bạn dễ dãi và thiên vị hơn khi so sánh, cân nhắc và đánh giá các ý kiến.

Và hiệu ứng hào quang không phải là tác nhân duy nhất khiến nỗi hoang mang và hoảng sợ bởi tin tức giả tiếp tục được phát tán, lan truyền trong bối cảnh dịch corona đang hoành hành.

Cho đến nay ở Việt Nam, cơ quan chức năng các địa phương đã triệu tập hơn 170 người đăng tải các thông tin sai sự thật về dịch virus corona. Blog tài chính nổi tiếng Zero Hedge của Mỹ bị cấm khỏi Twitter vì cùng lý do. Ứng dụng TikTok được xem như một điểm bùng nổ phát tán video đưa tin giả về dịch bệnh.

Các tin sai sự thật trên báo lá cải cũng như mạng xã hội nhận được hàng trăm nghìn lượt truy cập. Trên thế giới, đã có “hàng triệu người đã tiếp xúc với thông tin sai lệch về virus corona”, theo Guardian.

Đã có quá nhiều lời kêu gọi cho sự tỉnh táo và chia sẻ có trách nhiệm. Thế nhưng, có vẻ chúng ta vẫn chưa trả lời thấu đáo câu hỏi về điểm xuất phát của vấn đề: Những cơ chế tâm lý nào đằng sau những nút “share”? Và bạn có đủ hiểu bản thân để chắc rằng mình hoàn toàn đứng ngoài vòng “sẻ chia mù quáng”?

TỨC GIẬN, SỢ HÃI – “ĐỒNG MINH” CỦA TIN GIẢ

Trong nhiều lần hướng dẫn sinh viên và cán bộ Y tế về đọc – hiểu – chọn lọc thông tin, tôi luôn tự hỏi liệu kiến thức đó đã đủ cho họ áp dụng và thoát khỏi bẫy thông tin muôn hình trạng ngày nay chưa.

Câu trả lời sau nhiều lần chiêm nghiệm là CHƯA.

Hẳn nhiên, một vài buổi tập huấn không bao giờ là đủ. Bạn sẽ luôn phải thực hành và phản biện với bản thân. Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ khác.

Biết về các công thức đánh giá tin tức không giúp ta trả lời được câu hỏi “vì sao mình phải hoài nghi thông tin này?”, “tại sao mình tin điều kia?”. Chỉ khi hiểu bản thân và cách mình tin tưởng, mỗi người mới có động lực để thận trọng hơn trước những điều ta tiếp nhận và đặt lòng tin.

Người làm truyền thông hẳn không lạ gì với các phương thức “câu view” như giật tít bằng nội dung gây sốc, dùng ngôn từ gây hấn, thù địch để thu hút sự chú ý hoặc khơi dậy cảm xúc tức giận, sợ hãi.

Đơn cử như bài báo sai lệch nghiêm trọng của Daily Mail cho rằng sự bùng phát coronavirus là do người Trung Quốc ăn món canh dơi với một video bị tách ra khỏi bối cảnh đã được chia sẻ hơn 96.000 lần trên Facebook cùng lúc tạo nên một làn sóng buộc tội và kỳ thị nặng nề.

Chỉ cần tỉnh táo một chút là người ta đã có thể tránh khỏi chiếc bẫy thô sơ này, nhưng tại sao những “mánh” này lại vẫn cứ hiệu quả? Bởi vì cảm xúc là thứ cốt lõi thúc đẩy chúng ta hành động (nhấp chuột, chia sẻ, bình luận, bàn tán). Và trên tất cả, khi con người tức giận và sợ hãi, kỹ năng tư duy phản biện của họ giảm dần.

Đó là cách mà cảm xúc điều khiển, khiến chúng ta mất tỉnh táo và cảnh giác.

Một người mẹ sẵn có nỗi lo con nhỏ mắc bệnh sẽ dễ bị tác động bởi những tin tức liên quan đến vệ sinh và dịch hại dễ lây lan nguy hiểm cho trẻ em. Một người sẵn có định kiến về ngành y tế sẽ dễ bị tác động bởi những bài viết tấn công vào thiếu sót, sai kém, thậm chí đơn giản là vào hình thức cá nhân người giữ chức vụ cao. Một người vợ/chồng có thiên hướng chăm lo gia đình sẽ dễ bị tác động bởi tin tức liên quan đến nguy cơ thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết trong mùa dịch như khẩu trang, nước rửa tay.

Nghiên cứu cũng cho thấy người ta dễ lung lạc lòng tin hơn và thuận theo người khác trong đám đông, nhất là đám đông cảm xúc. Vậy nên lướt qua một loạt các dòng trạng thái giận dữ, bạn dễ có cảm giác mình nên tức giận, bất bình theo.

Nếu thấy quá nhiều tin tức gây hoang mang trong ngày, con người dễ có xu hướng cảm thấy mình nên chia sẻ chung một nỗi đồng cảm sâu sắc với bạn bè mình trên mạng về những hoang mang, bức xúc ấy.

“MÊ LỰC” KHÓ CƯỠNG VỚI TIN XẤU

Tin xấu hay tiêu cực (về các nguy cơ kém an toàn, khủng hoảng, xung đột, tai nạn, các trường hợp vi phạm giá trị đạo đức hay khuôn mẫu xã hội…) có một “mê lực” khó cưỡng với phần đông dân số.

Những bài viết có giọng điệu thù địch với người dân Trung Quốc, thông tin về bùng nổ đại dịch, tin giả về số người chết và nhiễm bệnh tăng mạnh, hay các bài viết về sự lúng túng của chính quyền trong bảo vệ nhân dân… được xem là những tin như vậy.

Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy con người có xu hướng “ưu tiên” sự chú ý của mình vào những nội dung tiêu cực hơn các tin tức tích cực. Đó được gọi là “thiên kiến tiêu cực” (negativity bias), một thuật ngữ tâm lý học nói về sự khao khát tập thể của con người trong việc nghe, đọc và ghi nhớ các “tin xấu”.

Nói cách khác, tâm trí con người nhận định “mặt tốt của tin xấu” chính là nỗi lo mà nó gieo cho ta để thận trọng hơn. Và điều này cũng trùng khớp với các chiêu bài truyền thông đánh vào nỗi sợ của số đông để trục lợi.

Sự thiên vị của con người đối với tin xấu còn được hai nhà khoa học Marc Trussler và Stuart Soroka lý giải thêm rằng, chúng ta thường ngồi đâu đó thư thái, cảm nhận cuộc sống mình đang có là ổn thoả, tốt đẹp (trên mức trung bình) và đọc tin tức. Cái nhìn dễ chịu này về thế giới làm cho những tin tức xấu trở nên đáng ngạc nhiên và mặn mà hơn.

Giống như vết dầu loang trên mặt hồ, nhờ phông nền sáng êm ả đó mà các điểm tối được làm nổi bật. Cũng chính vì vậy mà những thông tin chính thống đưa ra dường lẻ loi, mờ nhạt và dễ dàng bị nhấn chìm bởi hàng trăm nghìn lượt tin ly kỳ và tiêu cực khác.

HÃY HOÀI NGHI CHÍNH MÌNH

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia dịch tễ học thuộc Đại học Notre Dame (Australia) trong một bài viết mới đây cho Zing.vn đã khẳng định: “Môi trường kiến thức khoa học bất định là một mảnh đất màu mỡ cho các tin đồn và tin giả”. Đúng vậy.

Tôi không nghĩ chúng ta có thể tạo ra “cuộc cách mạng bài trừ tin giả” bởi tin tức sai lệch là một phần tất yếu của kỷ nguyên công nghệ này. Câu hỏi đặt ra là, sau tất cả, chúng ta có thể làm gì?

Hãy hoài nghi chính mình.

Hãy luôn tự vấn, rằng liệu mình có đang bị thu hút bởi những từ tiêu cực trong tiêu đề? Đừng tự mãn rằng mình vốn là người tích cực và chỉ thích xem tin tức dễ chịu. Đôi khi bạn khó nhận ra được bộ não đang dẫn mình đi đâu. Bằng chứng là có nghiên cứu đã cho thấy rằng ngay cả khi những người tham gia nói mình muốn xem tin tức tích cực hơn, họ vẫn chọn những câu chuyện tiêu cực để dừng lại xem khi online.

Hãy tự hỏi, mình muốn chia sẻ tin tức này là vì sao? Bởi vì nó nghe nó hay ho? Bởi vì nó thực sự hữu ích? Bởi vì nó đang “thay lời” mình để bày tỏ quan điểm hay nỗi lòng? Hay bởi vì mình sợ phải “đứng ngoài cuộc”, mình cần phải tham gia vào dòng chảy ấy?

Hãy chậm lại và tự hỏi mình xem mình đang đặt niềm tin vào bài viết/tin tức này là vì điều gì? Liệu có phải vì người viết là bạn thân của mình? Vì người viết là giám đốc bệnh viện? Vì đó là trang tin yêu thích của mình? Vì người chia sẻ cho mình là cậu bạn tiến sĩ ở Mỹ? Hay vì mình đã dành vài phút kiểm tra và thấy thông tin đáp ứng tương đối các tiêu chí của một bản tin tốt?

Càng hiểu về bản thân, càng nhận rõ xu hướng đặt để niềm tin của mình và lý do sâu thẳm bên trong mỗi lời bình luận, mỗi cái nhấp chuột chia sẻ… chúng ta sẽ càng tỉnh táo, dễ dàng nhận diện tin tức có cơ sở và chia sẻ có trách nhiệm hơn.

Bản thân tôi là người vốn thận trọng, nhưng vẫn có nguy cơ bị tác động bởi cơ chế tâm lý này bởi nó tinh vi hơn chúng ta tưởng. Tôi vẫn có thể bị “hào quang dẫn dắt” dẫu đã biết nhiều về nó.

Bằng cách nào? Khi có các sự kiện lớn hay khủng hoảng liên quan tới sức khoẻ (chẳng hạn dịch cúm corona), tôi sẽ có xu hướng đặt niềm tin ở những bài viết hoặc chia sẻ của bạn bè mình đang là bác sĩ hay đang nghiên cứu về dịch tễ học. Tôi cổ vũ cho niềm tin đó bằng trầm tích của việc biết/hiểu về con người này, bằng việc họ đang nói điều đúng với chuyên môn chuyên ngành.

Tôi mất cảnh giác và lờ đi các quy tắc kiểm chứng thông tin của mình. Thật may, đến khi muốn nói cho người thân, sinh viên hay bạn bè mình về những thông tin đó, tôi chậm lại và tự hỏi mình đã làm đủ các bước xác thực thông tin chưa hay đang dễ dãi mặc định mọi thứ được nghe là đúng vì đó là bạn mình, vì đó là bác sĩ.

Bước chậm lại này chính là điều chúng ta cần và nên làm.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,