Về vấn đề y đức thời kinh tế thị trường ở Việt Nam

Qua hơn 30 năm đổi mới, ngành y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ y học của thế giới. Có được kết quả đó là sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động từ những mặt trái của cơ chế thị trường, một số tiêu cực cũng nảy sinh ở một bộ phận cán bộ y tế, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với thiên chức cao cả “trị bệnh cứu người” của đội ngũ thầy thuốc. Do vậy, để nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ y tế ở nước ta hiện nay, cần xử lý đúng đắn, có hiệu quả mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức trong xây dựng hệ thống chính sách, trong đó có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành y tế.

Về vấn đề y đức thời kinh tế thị trường ở Việt Nam

Tác giả: TS Chu Tuấn Anh, Ths Đỗ Thị Nhường, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế và đạo đức là hai lĩnh vực có mối quan hệ thống nhất biện chứng. Kinh tế quyết định đạo đức, ngược lại, đạo đức cũng có tính độc lập tương đối và tác động trở lại đối với kinh tế. Y đức người cán bộ y tế là một loại hình đạo đức nghề nghiệp thuộc bộ phận ý thức đạo đức. Do đó, y đức của người cán bộ y tế cũng không nằm ngoài sự tác động của kinh tế và đạo đức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

1. Tác động của kinh tế thị trường đối với y đức

Trong lĩnh vực y tế, kinh tế thị trường làm biến đổi tính chất của việc giải quyết quan hệ giữa kinh tế và đạo đức, giữa lợi ích cá nhân người thầy thuốc và lợi ích xã hội. Việc tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế, xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mở ra những khả năng to lớn để các chủ thể trong ngành y tế sáng tạo, cống hiến tài năng, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các phẩm chất đạo đức của họ.

Chính sự biến đổi của nền kinh tế thị trường với các quy luật cạnh tranh và đào thải khốc liệt của nó đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhân tố kinh tế, điều kiện kinh tế được đáp ứng đầy đủ hơn ở một mức độ nhất định sẽ là động lực quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế và y đức, cụ thể:

Thứ nhất, nhân tố kinh tế đảm bảo giúp cho việc hoạch định đường lối, chính sách về y tế một cách rõ nét và có nguồn lực để thực hiện (cơ sở vật chất, tài chính, đào tạo cán bộ y tế, v.v..).

Thứ hai, nhân tố kinh tế đảm bảo cho việc xây dựng kế hoạch, chương trình, chiến lược của Nhà nước về phát triển ngành y tế một cách tổng thể cũng như chi tiết trong từng nội dung chuyên môn cụ thể.

Thứ ba, nhân tố kinh tế đảm bảo cơ sở thực tiễn để tham mưu cho Đảng và Nhà nước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Thứ tư, nhân tố kinh tế được đảm bảo góp phần tạo ra các giá trị đạo đức và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mới (y đức mới) của người thầy thuốc. Những giá trị và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mới này được hình thành sẽ góp phần tạo ra động lực giúp đội ngũ cán bộ y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ, gián tiếp hình thành nên những công dân khỏe mạnh góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Việc giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức góp phần hình thành các giá trị chuẩn mực đạo đức mới ở người cán bộ y tế.

Y đức là một bộ phận của đạo đức xã hội, là đạo đức nghề nghiệp của một lĩnh vực đặc thù. Y đức của người cán bộ y tế là những quy tắc, những chuẩn mực đạo đức mà xã hội đòi hỏi ở mỗi người cán bộ y tế phải có trong mối quan hệ với bệnh nhân, với đồng nghiệp, với khoa học và với xã hội. Y đức đòi hỏi người cán bộ y tế phải thực hiện một cách tự giác, tự nguyện và tích cực những công việc, những mối quan hệ theo quy tắc, chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp. Người cán bộ y tế có đạo đức tốt là người có lương tâm, có trách nhiệm. Khi y đức đã trở thành cốt lõi đạo đức của người thầy thuốc tự nó lại trở thành một nguồn nội lực, động lực bên trong giúp cho người thầy thuốc tự hoàn thiện mình, tự nhận thức được trách nhiệm, lương tâm đối với mục tiêu, lý tưởng nghề nghiệp mà họ theo đuổi.

Trong nền kinh tế thị trường, y đức giữ vị trí quan trọng để người cán bộ y tế giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, có quyết tâm cao để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Sự tác động của đạo đức nói chung và y đức nói riêng đối với kinh tế và y tế được thể hiện một cách gián tiếp thông qua hoạt động thực tiễn của người cán bộ y tế và thông qua các chức năng của nó:

Một là, chức năng giáo dục. Y đức là một loại hình đạo đức nghề nghiệp, đồng thời nó cũng là một bộ phận của ý thức đạo đức nói chung cho nên nó cũng bao hàm chức năng giáo dục. Chức năng giáo dục của y đức góp phần hình thành những chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc đạo đức cơ bản ở người cán bộ y tế. Đó là đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là đức tính khiêm tốn, trung thực, kiên trì, dũng cảm, v.v.. Những nguyên tắc, chuẩn mực được nhận thức đúng sẽ định hướng hiệu quả cho hành vi của người cán bộ y tế trong hoạt động nghề nghiệp, từ đó thúc đẩy ngành y tế phát triển, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Hai là, chức năng nhận thức. Trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong ngành y tế nói riêng vẫn tồn tại những tác động qua lại của các mặt đối lập giữa cái tích cực và cái tiêu cực, cái tiến bộ và cái lạc hậu do thể chế kinh tế và pháp luật chưa được thiết lập một cách hoàn chỉnh. Vì thế, bên cạnh yếu tố luật pháp thì đạo đức cũng là một công cụ quan trọng để người cán bộ y tế nhận thức và hành động theo những quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực mà xã hội đòi hỏi ở họ. Do đó, các giá trị y đức truyền thống, các nguyên tắc của đạo đức y học hiện đại được nhận thức sẽ giúp cho người cán bộ y tế phân biệt được cái đúng, cái sai, cần phải điều chỉnh về mặt đạo đức. Chức năng nhận thức giúp người cán bộ y tế nhận thức, rèn luyện, điều chỉnh hành vi phù hợp với lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Ba là, chức năng điều chỉnh hành vi. Trong hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, y đức có chức năng điều chỉnh hành vi của người cán bộ y tế theo những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà ngành nghề quy định. Bởi vì, người cán bộ y tế có cái tâm trong sáng nhưng nhiều khi sự quá tải trong công việc dẫn đến tâm lý không ổn định biểu hiện ra thành lời nói, cử chỉ chưa đúng mực gây nên sự hiểu lầm hoặc thiếu thiện cảm cho người bệnh và người nhà của họ. Mặt khác, với chức năng điều chỉnh hành vi của y đức, người cán bộ y tế trong mọi hoàn cảnh, không gian khác nhau đều có khả năng xử trí linh hoạt, vững vàng trong trong mọi tình huống giao tiếp, ứng xử với người bệnh, với đồng nghiệp, thể hiện bản chất nhân đạo và cao đẹp của người thầy thuốc. Đồng thời, chức năng điều chỉnh hành vi của y đức cũng giúp cho người cán bộ y tế miễn nhiễm với những thói hư, tật xấu, như lối sống vị kỷ, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu lương tâm, tham nhũng, v.v.. do mặt trái của kinh tế thị trường đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến họ.

Trong nền kinh tế thị trường, khi dịch vụ y tế cũng là một loại hàng hóa thì đòi hỏi người cán bộ y tế cũng phải được trả công theo mức độ và chất lượng dịch vụ cung cấp cho người sử dụng dịch vụ. Các dịch vụ liên quan đến khám, chữa bệnh trực tiếp; các xét nghiệm, chiếu, chụp phải được xây dựng theo từng nhóm bệnh, theo nhóm đối tượng, theo tuyến bệnh viện. Điều này đòi hỏi giá cả dịch vụ y tế phải được tính toán hợp lý để các đơn vị y tế vừa có đủ tài chính để duy trì hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nâng cao đời sống cho đội ngũ thầy thuốc mà quyền chăm sóc sức khỏe của người bệnh vẫn được đảm bảo. Đối với những bệnh nhân nghèo, những người yếu thế trong xã hội sẽ được xã hội chung tay giúp đỡ, Nhà nước phân phối lại thông qua chính sách bảo hiểm y tế và các chính sách nhân đạo khác.

Vì thế, nâng cao y đức cho cán bộ ngành y tế đòi hỏi phải quán triệt sự thống nhất giữa kinh tế và đạo đức. Trong đó, kinh tế suy cho cùng giữ vai trò quyết định và đạo đức có tác động mạnh mẽ trở lại kinh tế, có tính độc lập tương đối so với kinh tế. Trong quá trình giải quyết mối quan hệ trên đòi hỏi các chủ thể phải vận dụng một cách đồng bộ, hài hòa giữa yếu tố lợi ích và đạo đức trong y tế. Nếu tuyệt đối hóa yếu tố kinh tế sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy kinh tế, chủ nghĩa cá nhân, là nguồn gốc của mọi khuyết tật về y đức. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa yếu tố đạo đức tách rời yếu tố kinh tế sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy ý chí, không có mảnh đất hiện thực cho y đức phát triển lành mạnh theo quy luật. Vì thế, tuyệt đối hóa yếu tố kinh tế hay đạo đức trong xây dựng y đức đều dẫn đến kìm hãm sự phát triển của y đức.

2. Thực trạng y đức của cán bộ y tế Việt Nam xét trong mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức

Những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước trong hơn ba mươi năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển về mọi mặt của xã hội, trong đó có ngành y tế. Chính nhân tố kinh tế, điều kiện kinh tế được đáp ứng đầy đủ hơn ở một mức độ nhất định đã góp phần tạo ra các giá trị đạo đức và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mới (y đức mới) của người cán bộ y tế. Những giá trị và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mới này được hình thành lại góp phần tạo ra động lực giúp đội ngũ thầy thuốc hoàn thành tốt nhiệm vụ, gián tiếp hình thành nên những công dân khỏe mạnh góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Các giá trị chuẩn mực đạo đức mới ở người cán bộ y tế, đó là: trung thành với sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có ý thức phấn đấu, rèn luyện chuyên môn và y đức, tận tâm với công việc; sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống có lý tưởng, hoài bão; đức tính kiên trì, tính trung thực, tính nguyên tắc…ngày càng được củng cố một cách rõ nét hơn. Tính đến năm 2015, cả nước có 13.508 cơ sở y tế công lập(1) từ Trung ương đến các trạm y tế xã, hơn 441 nghìn cán bộ y tế(2) đã nỗ lực khắc phục khó khăn về điều kiện vật chất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó là những những cán bộ, nhân viên y tế tuyến dưới không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình bám thôn, bám bản, chăm lo sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đó là những người trăn trở tìm kiếm, bào chế ra những loại thuốc tốt phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn của đất nước, của nhân dân; đó là những người hàng ngày phải trực tiếp chăm sóc, tiếp xúc với nhiều loại bệnh nguy hiểm khác nhau; nhiều thầy thuốc coi người bệnh như người nhà, thường xuyên gần gũi, lắng nghe, động viên bệnh nhân yên tâm điều trị.v.v..

Tuy nhiên, do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn có những tiêu cực về thực hành y đức ở một bộ phận cán bộ y tế. Một bộ phận cán bộ y tế đã nguyên tắc hóa lợi ích vật chất trong hoạt động nghề nghiệp. Điều đó dẫn đến hệ quả là, nếu trước đây y đức được coi là gốc, là cơ sở cho các phẩm chất khác của người cán bộ y tế thì nay lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của đơn vị lại được xem là ưu tiên trước hết. Nếu trước đây coi nhân cách là thiện chí, thiện tâm, trách nhiệm vì lợi ích người bệnh, lợi ích xã hội, thì nay coi nhân cách là ở quy mô thu nhập, thành đạt trong việc thực hiện lợi ích đã làm cho y đức suy thoái. Sự kính trọng vốn có của xã hội với những người thầy thuốc không hề thay đổi, nhưng quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc trong cơ chế thị trường cũng đã có những biến đổi nhất định. Đồng tiền không chính đáng đã chen vào mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, làm méo mó các mối quan hệ trong xã hội và một khi uy lực đồng tiền càng lớn bao nhiêu thì khả năng phá hoại của nó trong những mối quan hệ đạo đức giữa người và người càng mạnh bấy nhiêu. Biểu hiện đó là sự thiếu trách nhiệm trong công việc; thái độ giao tiếp và phân biệt đối xử với từng người bệnh; kê đơn thuốc đắt tiền, không hợp lý để hưởng hoa hồng từ các nhà thuốc tư nhân; chỉ định chiếu, chụp, xét nghiệm khi không thật sự cần thiết; hiện tượng nhận “phong bì” cũng không phải là chuyện hiếm,v.v.. Tất cả những hình ảnh đó làm cho nhân dân có những ấn tượng không tốt, cái nhìn không thiện cảm về người cán bộ y tế, mặc dù đó chỉ là những thiểu số.

3. Một số giải pháp góp phần nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ y tế

Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của việc vận dụng đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức trong việc nâng cao y đức cho cán bộ y tế

Cần phải đổi mới nhận thức của các chủ thể y tế về mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức để xây dựng y đức. Yếu tố kinh tế, lợi ích luôn gắn liền với các chủ thể, đóng vai trò là khâu trung gian trong việc chuyển hóa những nhân tố khách quan bên ngoài thành động lực bên trong để người cán bộ y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh tế là cơ sở, nền tảng của y đức. Kinh tế phát triển lành mạnh, đúng quy luật sẽ tạo điều kiện cho y đức có mảnh đất hiện thực để biểu hiện. Ngược lại, y đức tiến bộ sẽ trở thành một động lực phát triển ngành y tế vững mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. C.Mác và Ph.Ăngghen từng khẳng định: “Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức thì do đó cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người”(3). Do vậy, những mong muốn lợi ích vật chất chính đáng phải được người cán bộ lãnh đạo, quản lý chú ý. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị y tế phải tìm ra những giải pháp, hướng đi phù hợp với thực tiễn đơn vị mình để vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa có điều kiện tăng nguồn thu của đơn vị, cải thiện điều kiện vật chất một cách chính đáng cho cán bộ, nhân viên. Mặt khác, người cán bộ quản lý phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, nhân viên y tế nâng cao nhận thức, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể; giữa nhu cầu cá nhân với thực tiễn khả năng đáp ứng của đơn vị. Động viên họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, vận dụng có hiệu quả mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức trong xây dựng hệ thống chính sách kinh tế, y tế

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế. Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước, tránh tình trạng bình quân, dàn trải như hiện nay. Cần nghiên cứu một cách thận trọng, cụ thể về các phương thức chi trả các loại dịch vụ y tế (theo định suất, trường hợp bệnh). Đảm bảo những dịch vụ kỹ thuật cần thiết tối thiểu đối với người bệnh khám bảo hiểm, hoặc khám dịch vụ chuyên sâu theo yêu cầu đối với những người có điều kiện kinh tế nhằm đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng. Thực hiện chính sách tự chủ bệnh viện. “Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá hàng hóa, dịch vụ. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng; từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng”(4). Xây dựng một khung giá dịch vụ y tế trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào và một cơ chế thanh toán minh bạch cho các dịch vụ y tế. “Đổi mới cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, tính đúng, tính đủ và bảo đảm công khai, minh bạch…”(5). “Từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”(6). Thực hiện việc tính đúng, tính đủ dịch vụ y tế gắn với chất lượng dịch vụ sẽ tạo ra nguồn lực tài chính cần thiết, từ đó tạo ra thu nhập ổn định, tương xứng với những đóng góp, cống hiến của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, tạo sự yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế toàn dân. Chính sách bảo hiểm y tế là một công cụ đắc lực của Nhà nước, góp phần vào việc phân phối lại thu nhập quốc dân một cách công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Xét ở khía cạnh người cán bộ y tế, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cũng là một hình thức phân phối lại thu nhập của xã hội để vừa đảm bảo ngân sách hoạt động của các cơ sở y tế vừa nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho họ. Đồng thời, việc xây dựng một nền bảo hiểm y tế toàn dân sẽ vừa phát huy được hết cơ sở vật chất – kỹ thuật, năng lực chuyên môn, thu nhập vừa góp phần bồi dưỡng, xây dựng y đức của người cán bộ y tế.

Ba là, đổi mới chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành y tế

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác, xây dựng y đức trong sáng cho nhân viên y tế cần thiết phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ này. “Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế. Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,…”(7). Đãi ngộ xứng đáng ở đây là đãi ngộ đúng giá trị sức lao động của người cán bộ y tế trong hoạt động chuyên môn chứ không phải là ưu đãi mà không tính toán đầy đủ đến vị trí, chất lượng công việc. Chính sách đãi ngộ tốt sẽ là động lực để họ hoàn thành tốt công việc được giao; thúc đẩy sự sáng tạo, tâm huyết với công việc, với người bệnh. Nếu chính sách đãi ngộ tương xứng với giá trị sức lao động đặc thù và đóng góp của cán bộ, nhân viên y tế sẽ góp phần chống nạn nhũng nhiễu, tiêu cực, “phong bì”…

Bốn là, nâng cao tính tự giác rèn luyện của cán bộ y tế trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Để trở thành người thầy thuốc “sáng y đức, vững chuyên môn”, đòi hỏi họ phải gắn liền quá trình giáo dục của cơ quan, đơn vị, của ngành y tế với quá trình tự giáo dục của bản thân. Chỉ có tự giáo dục mới chuyển hóa một cách tự giác hệ giá trị y đức cần giáo dục thành hệ giá trị y đức cá nhân của họ. Đó là một quá trình thống nhất hữu cơ với nhau. Đạo đức ở mỗi con người không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của cả quá trình phấn đấu, rèn luyện vô cùng khó khăn gian khổ, đòi hỏi phải có một nghị lực, ý chí và quyết tâm cao để chiến thắng chính bản thân mình. Nếu không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thường xuyên thì người cán bộ y tế rất dễ gục ngã trước những cám dỗ của đồng tiền và nảy sinh tâm lý hưởng thụ.

Nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, do vậy, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, mỗi cán bộ y tế y tế không chỉ nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, mà cần phải nghiên cứu vận dụng đạo đức y học vào từng vị trí công tác của mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, với nhân dân thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “lương y như từ mẫu”.

————————

Chú thích:

(1), (2) Bộ Y tế: Niên giám thống kê Y tế 2015, Nxb Y học, Hà Nội, 2017, tr.59, 66.
(3) C. Mác – Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.199 -200.
(4) ĐCSVN: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.302.
(6),(7) ĐCSVN: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,