⠀
Về tham vọng trở thành một cường quốc khu vực của Philippines
Manila đang chấp nhận tham gia vào một liên minh với Mỹ đồng thời xây dựng các mối quan hệ gắn kết hơn với Nhật Bản và Australia nhằm trở thành một đối tác mạnh mẽ, bình đẳng trong Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Free and Open Indo-Pacific).
Tác giả: Gavril Torrijos là Thạc sĩ về An ninh Quốc tế tại Đại học George Mason.
Nguồn: Gavril Torrijos, The Philippines Is Leveraging Its Strategic Value to Become an Indo-Pacific Power, The Diplomat, 21/6/2023.
Biên dịch: Nguyên Nguyễn.
Vào ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và những người đồng cấp từ Mỹ, Nhật Bản và Australia đã tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng bốn bên, nơi họ khẳng định cam kết của mình đối với Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Free and Open Indo-Pacific). Dù điều này có báo hiệu sự ra đời của một “Bộ Tứ” mới hay không, thì đây là kết quả mới nhất từ các nỗ lực của Philippines nhằm tận dụng giá trị chiến lược của mình để tăng cường sức mạnh quốc gia và trở thành một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mối quan tâm an ninh lớn nhất của Philippines là những căng thẳng ở Biển Đông (được gọi là Biển Tây Philippines) và tình thế phức tạp ở eo biển Đài Loan, điều khiến Trung Quốc trở thành một mối đe dọa thường trực đối với quốc gia này. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc lớn hơn khoảng 3,5 lần so với Philippines. Từ năm 2012 đến năm 2022, Philippines chỉ chi trung bình 1,15% GDP cho quốc phòng, so với mức ước tính 1,70% của Trung Quốc. Sự khác biệt về sức mạnh của lực lượng hải quân hai nước là điều đặc biệt đáng chú ý. Hải quân Trung Quốc vận hành 59 tàu ngầm, 92 tàu chiến; lực lượng hải quân cùng cảnh sát biển vận hành gần 700 tàu tuần tra, tác chiến ven biển, cuối cùng là lực lượng dân quân biển ước tính có khoảng 400 tàu. Thật khó so sánh điều đó với hai tàu khu trục nhỏ, 125 tàu tuần tra và chiến đấu ven biển của Philippines.
Để đối mặt với sự chênh lệch về sức mạnh như vậy, Philippines đang tận dụng giá trị của vị trí chiến lược của mình để giành được lợi ích quân sự và kinh tế từ Mỹ, Nhật Bản và Australia. Không giống như quá khứ, đây không phải là một sự trao đổi viện trợ nước ngoài. Thay vào đó, Philippines đang cố gắng trở thành một đối tác mạnh mẽ, bình đẳng nhằm duy trì trật tự dựa trên các nguyên tắc đã thống nhất với các bên, từ đó bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Lợi thế từ Mỹ
Cốt lõi trong chiến lược của Philippines là việc liên minh với Mỹ, được xây dựng dựa trên lịch sử chung về chiến tranh, mối quan hệ nhân dân với quân đội và khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự ngày càng được mở rộng. Các đồng minh chia sẻ các mục tiêu chiến lược: duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và hòa bình ở eo biển Đài Loan. Để đạt được mục tiêu đó, họ đang nhanh chóng mở rộng phạm vi và chiều sâu của mối quan hệ đồng minh của mình.
Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) giữa Phillipines với Mỹ bảo đảm khả năng tự phòng thủ của Philippines. Sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012, Manila đã đệ đơn kiện dựa theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), dẫn đến phán quyết vô hiệu hóa đường chín đoạn của Trung Quốc vào năm 2016. Trong khi đó, vào năm 2014, Manila và Washington đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), cho phép Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines.
Ngày nay, Philippines thường công khai các cuộc đối đầu với lực lượng hải quân Trung Quốc. Những hành động này không phổ biến ở Đông Nam Á, nơi các quốc gia khác luôn chọn cách thức giảm bớt các căng thẳng với Trung Quốc.
Trong quá khứ, mối quan hệ đồng minh giữa hai nước thường chỉ mang tính chất trao đổi: Philippines cung cấp căn cứ quân sự đổi lại sự viện trợ từ Mỹ, và Manila chấp nhận các vi phạm của binh lính đồng minh trong khi Washington lờ đi việc vi phạm nhân quyền của Ferdinand Marcos Sr. Ngày nay, mối quan hệ đồng minh đang phát triển để tạo cơ hội và quyền tự chủ công bằng cho cả hai bên.
Tháng trước, hai bên đã cùng nhau thống nhất ký kết một bộ Chỉ dẫn Phòng thủ Song phương (Bilateral Defense Guidelines). Trong đó các chỉ dẫn được thiết kế để tăng cường khả năng phối hợp và khả năng tương tác của các bên, đồng thời hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Philippines và mở rộng việc chia sẻ thông tin. Ngoài ra, văn bản này cũng khẳng định rằng nếu xảy ra một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang, cảnh sát biển, máy bay hoặc phương tiện công cộng của Philippines “ở Thái Bình Dương, bao gồm bất kỳ nơi nào ở Biển Đông” sẽ kích hoạt Hiệp định Bảo vệ Chung.
Trong một biểu hiệu khác của sự tiến triển, Philippines và Mỹ đã mở rộng liên minh của họ ngoài vấn đề an ninh để giải quyết các ưu tiên chiến lược khác. Trong chuyến thăm chính thức Nhà Trắng của Tổng thống Philippines, vào tháng trước, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt các thỏa thuận phát triển kinh tế mới bao gồm thương mại, truyền thông, cơ sở hạ tầng, v.v. Họ cũng công bố một loạt sáng kiến liên quan đến luật lao động, biến đổi khí hậu, năng lượng thay thế, và chăm sóc sức khỏe.
Tất nhiên, các căn cứ quân sự vẫn là một thành phần quan trọng của liên minh. Năm nay, hai quốc gia đã tăng số lượng địa điểm thuộc EDCA từ năm lên chín và chính quyền Biden đã cam kết chi hơn 100 triệu đô la để hỗ trợ cải tạo và nâng cấp các căn cứ vào cuối năm.
Mạng lưới Đồng minh
Các đồng minh trong hệ thống “hub and spoke” (tạm dịch mô hình trục bánh xe và nan hoa) của Mỹ đang củng cố các quan hệ với nhau. Giống như Nhật Bản và Australia trước đây, Philippines đang tìm kiếm các cơ hội tăng cường quan hệ song phương và đa phương gần hơn với các đồng minh của Mỹ. Nhật Bản và Australia cũng đều nhận ra rằng một Philippines trở nên mạnh mẽ sẽ hỗ trợ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ.
Australia là một trong những đối tác an ninh thân cận nhất của Philippines và là quốc gia thứ hai, sau Mỹ, ký kết một thỏa thuận cho việc trao đổi lực lượng quân sự với Manila. Năm 2019, hai nước đã tăng cường quan hệ an ninh thông qua Chương trình hợp tác quốc phòng nâng cao, tạo cơ hội huấn luyện cho lực lượng quân đội Philippines ở cả hai nước. Australia cũng đã chứng tỏ giá trị của mình với tư cách là một đối tác an ninh thông qua các nỗ lực cứu trợ sau cơn bão Yolanda và hỗ trợ tình báo trong cuộc xung đột Marawi.
Năm ngoái, Thủ tướng Australia – ông Anthony Albanese và Tổng thống Phillipines ông Ferdinand Marcos Jr đã đồng ý nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược. Tháng Hai vừa qua, hai quốc gia đã đồng ý chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng thông qua cuộc họp thường niên. Vào tháng trước, Marcos và Biden đã phát đi một tuyên bố chung trong đó họ thể hiện mong muốn “thiết lập các hình thức hợp tác tam phương” với Australia và Nhật Bản.
Mối quan hệ của Philippines với Nhật Bản cũng đang được mở rộng. Trong tháng này, Philippines, Nhật Bản và Mỹ – với sự giám sát của Australia – lần đầu tiên đã tiến hành cuộc tập trận bảo vệ bờ biển ba bên. Vào thứ Sáu tuần trước, các cố vấn an ninh quốc gia của ba nước đã gặp nhau để “trao đổi quan điểm về cách tiếp cận cụ thể nhằm cải thiện quan hệ hợp tác giữa ba bên”. Những diễn biến này diễn ra sau khi quan hệ Philippines – Nhật Bản ngày càng trở nên sâu sắc trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Marcos tới Tokyo vào tháng Hai. Trong chuyến thăm, hai nước đã ký 7 thỏa thuận, bao gồm các điều khoản tham chiếu cho việc hợp tác quân sự trong các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Các nhà quan sát coi thỏa thuận này là tiền đề cho một thỏa thuận trao đổi quân sự lớn hơn mà cả hai nước đã và đang cân nhắc.
Giống như Mỹ, quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines không chỉ xoay quanh vấn đề an ninh mà còn tập trung vào những ưu tiên khác. Bên cạnh điều khoản tham chiếu, hai nước cũng đã ký kết các hiệp định về cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông. Nhật Bản hiện là nguồn viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Philippines (gấp khoảng 10 lần nguồn viện trợ so với Mỹ).
Một năm trước đây, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thu hút sự chú ý quốc tế khi tuyên bố: “Ukraine hôm nay có thể trở thành Đông Á của ngày mai.” Các nhà đồng nghiệp của ông ở Mỹ và Australia dường như đồng ý với phát ngôn này. Nguồn cung cấp vũ khí và huấn luyện đến từ phương Tây là yếu tố quan trọng cho sự thành công của Ukraine, do đó không ngạc nhiên khi việc hiện đại hóa quân đội Philippines đã trở thành một ưu tiên chiến lược của Philippines và cho các đồng minh. Bài học đã được rút ra từ Ukraine, Philippines và các đồng minh của mình đã quyết tâm đạt được sự hiện đại hóa trước khi xảy ra xung đột.
Gần đây, Australia cam kết nâng cao an ninh hàng hải của Philippines thông qua việc cung cấp máy bay không người lái, hỗ trợ đào tạo và các công nghệ khác. Lần đầu tiên Nhật Bản đang thử nghiệm việc hỗ trợ an ninh chính thức cho các quốc gia khác và Philippines là sự lựa chọn đầu tiên. Mỹ đã có hơn 1 tỷ đô la trong hợp đồng bán vũ khí với Philippines và cam kết chi thêm 100 triệu đô la cho viện trợ quân sự nước ngoài vào tháng 10 năm trước. Trong cuộc đối thoại bộ trưởng 2+2 giữa Philippines và Mỹ vào tháng 4, hai bên cam kết “triển khai một Lộ trình Hỗ trợ An ninh một cách nhanh chóng”.
Các đối tác cũng ưu tiên khả năng tương thích. Philippines chưa từng mua vũ khí Nga hay Trung Quốc, điều này mang lại lợi thế lớn cho họ. Khác với các quốc gia có thu nhập thấp khác ở Đông Nam Á, Philippines thích mua vũ khí từ Mỹ và các đồng minh của họ. Từ năm 1990, Philippines đã mua 78% vũ khí từ các nước NATO, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, bao gồm gần như tất cả máy bay, tàu chiến và tàu tuần tra.
Điều này mang lại hai lợi thế cho Manila. Thứ nhất, nó đảm bảo trang bị của Philippines được tiêu chuẩn hóa để tương thích với các đồng minh của họ. Thứ hai, nó ngăn chặn Trung Quốc và Nga áp đặt áp lực chính trị dưới hình thức cung cấp vũ khí; áp lực này đã là một rào cản lớn đối với sự hợp tác với Việt Nam và Ấn Độ.
Quan hệ đồng minh mới được triển khai này giữa Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Australia không chỉ là sự tích lũy của sức mạnh bên ngoài. Thay vì chỉ tham gia các cuộc tập trận và cung cấp vũ khí, các bên đang củng cố mối quan hệ chiến lược của họ để tăng cường sức mạnh quốc gia tổng thể của Philippines và biến họ trở thành một đồng minh mạnh mẽ, bình đẳng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với Philippines, chiến lược này loại bỏ những lợi ích khó có thể đạt được và tối đa hóa lợi ích từ liên minh với Mỹ. Sự hình thành các mối quan hệ cơ cấu này cũng sẽ làm cho Philippines trở thành một đồng minh và đối tác đáng tin cậy hơn – đặc biệt sau khi cựu Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte có quan điểm nghiêng về phía Trung Quốc.
Đối trọng mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Mạng lưới đồng minh mới này sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong môi trường chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng nó sẽ không thay thế Đối thoại Tứ giác (Quad) giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Giống như phần lớn châu Á, Ấn Độ cam kết không trở thành đồng minh với phe nào, do đó Quad đã có cơ chế để điều phối thỏa thuận chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với New Delhi. Tuy điều này đã đạt được các kết quả cụ thể, nhưng nó vẫn là một tổ chức thiếu chiều sâu. Hơn nữa, mối quan hệ an ninh của Ấn Độ với Nga đã phơi bày những giới hạn mà Bộ Tứ có thể đạt được. Mặc dù vậy, giá trị chiến lược của Ấn Độ vẫn khiến việc tiếp tục các cuộc đối thoại là không thể thiếu đối với các thành viên Quad khác.
Các mối quan hệ đồng minh mới của Philippines có sự khác biệt với các hình thức quan hệ đồng minh khác. Đó không chỉ là một cơ chế đối thoại mà còn là một nhóm gắn bó chặt chẽ giữa Mỹ và ba trong số các đồng minh tuân theo hiệp ước phòng thủ chung của họ, nhằm tìm cách biến thành viên yếu nhất hành một đối tác mạnh mẽ, bình đẳng. Bởi vì các mối quan hệ đồng minh này nhấn mạnh vào hiện đại hóa quân sự, khả năng tương tác, lập kế hoạch chung và hỗ trợ các mối quan hệ trong các lĩnh vực khác, việc hợp tác này được đảm bảo đạt được kết quả rõ ràng trong thời bình và khi xảy ra xung đột. Thông qua những nỗ lực này, Philippines có thể bắt đầu lấp đầy khoảng trống của mình ở Đông Nam Á và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở.
Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Philippines, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nghiên cứu quốc tế