⠀
Về sự sụp đổ đau đớn của các ‘giá trị Mỹ’
“Tự do”, “bình đẳng”, “riêng tư”, “thịnh vượng”… được xem là những thành tố làm nên “giá trị Mỹ”. Bây giờ, điều đó đang bị hao mòn nghiêm trọng.
Có hàng chục cuốn sách viết về nước Mỹ, đa phần đều thuộc hạng “best seller”. Bạn có thể chiêm ngưỡng sự thú vị kiểu Mỹ trong “Có một nước Mỹ rất khác”, hoặc chân dung những người đàn ông quyền lực trong “44 đời Tổng thống Mỹ”…
Nhưng cuốn sách “Đại gia Gatsby” của Scott Fitzgerald sẽ cho chúng ta thấy được những ám ảnh thường trực về địa vị, danh vọng hào nhoáng. Song, đồng thời là nỗi âu lo trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi.
Là lời cảnh tỉnh để đời của Scott Fitzgerald về cái gọi là “giá trị Mỹ”, “Đại gia Gatsby” không chỉ là một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đại. Mà còn là nan đề không thể giải quyết của mấy chục đời Tổng thống.
Bản thân “giá trị Mỹ” không có lỗi, bởi những “tự do”, “độc lập”, “bình đẳng”, “hiệu quả”, “cạnh tranh”, “riêng tư”…, là những giá trị phổ quát được nhân loại sủng ái.
Nhưng vấn đề ở chỗ, “giá trị Mỹ” luôn bị kinh tế, chính trị và địa vị của Mỹ chi phối thông qua chính sách đối nội và đối ngoại. Tính giai cấp của kinh tế và chính trị đã làm méo mó các giá trị cốt lõi làm nên danh giá nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ 45 là một tỷ phú bất động sản, ông khoác tấm áo chính trị gia bên ngoài thân thế một nhà buôn cự phách. Và như thế, nước Mỹ lao đầu vào các cuộc tranh giành mang màu sắc kinh tế, trong khi đó “giá trị Mỹ” 300 năm nay đều xuất phát từ lĩnh vực nhân văn.
Trước Trump, đã có hàng chục đời Tổng thống Mỹ sử dụng vũ lực khắp nơi trên toàn cầu. Điều này không bao giờ là “giá trị Mỹ” mà chính là để thực hiện tham vọng bá chủ.
Không nơi nào hấp dẫn bằng ở Mỹ, cũng chẳng có dân tộc nào khát khao thịnh vượng, tự do lớn hơn hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhưng cũng không có dân tộc nào nhiều kẻ thù như Mỹ. Rút cuộc, “giá trị Mỹ” tồn tại vì điều gì?
Tôi không cho rằng, hình ảnh bà Chủ tịch Hạ viện Pelosi xé nát bản thông điệp Liên bang sau lưng ngài Tổng thống trong buổi lễ được cả thế giới theo dõi là biểu hiện của “tự do”. Không phải cứ nhìn xuống đường là thấy “dân chủ”.
Càng không cho rằng, cuộc đấu buộc tội, tranh ghế trường kỳ giữa lưỡng đảng, lưỡng viện Quốc hội là điều gì đó cho thấy nước Mỹ “thật thoải mái”. Đúng hơn, đó là một biểu hiện cụ thể cho sự hỗn loạn của nước Mỹ!
Năm 2019, ở Mỹ xảy ra 41 vụ xả súng vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu xuất phát từ bức bí cá nhân, làm 211 người chết. Lạ lùng thay, không một vụ biểu tình phản đối nào xảy ra!
Nhưng cái chết của người đàn ông da đen mang tên George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota làm dấy lên cuộc biểu tình, bạo loạn, hôi của phức tạp bậc nhất trong lịch sử xứ cờ hoa. Vì sao?
Đã một tháng trôi qua kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra sau cái chết của Floyd, hàng nghìn người vẫn tập trung tuần hành đòi bình đẳng sắc tộc tại hơn 150 thành phố ở Mỹ. Vì sao? Và, vì sao lại là người da màu?
Còn nhớ năm 2009, khi ông Obama, một người da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ trở thành Tổng thống, tất cả đều hy vọng “thời đại của người da màu đã đến và kỷ nguyên của chủ nghĩa Apacthai chính thức kết thúc”.
Nhưng không phải, người da màu tuy là mảnh ghép không thể thiếu cho sự thịnh vượng ở Mỹ, song số phận của họ thỉnh thoảng được “sử dụng” trong những thời khắc quyết liệt nhất trên chính trường Mỹ.
“Khi hôi của bắt đầu, tiếng súng sẽ vang lên”, Tổng thống Trump cảnh báo với người biểu tình như thế. Bỏ qua các nguyên tắc dân chủ để thiết lập trật tự xã hội là cách làm không hề hiếm. Ông Duterte và công cuộc chống ma túy là điển hình.
“Nhưng cách thức này có hợp với Trump hay không? Bởi Mỹ là một câu chuyện khác” – Steven Levitsky, nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard đặt câu hỏi và gợi mở câu trả lời như vậy.
“Nước Mỹ trên hết” là slogan ăn khách bậc nhất đưa tỷ phú Trump vào Nhà trắng. Khi xuất phát điểm bằng chính sách mạnh mẽ thì ngài Tổng thống không thể trưng ra hình ảnh “yếu đuối”; Là Tổng thống Mỹ, bạn luôn là nhân vật đầu tiên trong danh sách những người đàn ông quyền lực nhất hành tinh do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn….
Tất cả điều đó cuốn lấy Mỹ. Quăng quật họ vào những cuộc đấu đá bên trong, giành giật bên ngoài không bao giờ kết thúc. Phải chăng, đấy mới thực sự là “giá trị Mỹ” đương đại?
*
Tháng 3 và 4 năm nay Việt Nam bất ngờ đón hàng nghìn người Việt ở Mỹ cấp tập về nước. Ngoài việc họ trở về với tư cách là những người con xa xứ, còn là cuộc trốn chạy khỏi lưỡi hái tử thần mang tên COVID-19.
Cuộc hồi hương của người Việt đồng thời đặt ra hai mệnh đề song song với nước Mỹ: Kinh tế quan trọng hay an sinh xã hội sẽ quyết định mọi thứ? Nhưng dù sao đi nữa, người Mỹ đang mắc kẹt trong bối cảnh đấu đá chính trị căng thẳng.
Ở Mỹ có một khái niệm văn hóa đã phổ biến “Nồi hầm nhừ” (Melting-pot). Dân Mỹ ai cũng hiểu điều này. Có thể hiểu đó là nơi mà rất nhiều nền văn hóa đan xen, trà trộn, thẩm thấu. Là người Mỹ thực thụ phải “nhừ” tất cả những giá trị văn hóa khác nhau.
Crèveoeur (1735 – 1813), đã nói rằng: “Những cá nhân thuộc đủ các dân tộc trà trộn nhuần nhuyễn thành một chủng tộc mới, và từ đó sẽ xuất hiện con người mới nhiều đặc điểm”. Quan hệ với Mỹ cần hiểu đặc tính này của người Mỹ.
Làn sóng di cư đến Mỹ cũng vì “giấc mơ Mỹ” là sự giàu có, thịnh vượng để rũ bỏ tấm áo choàng hạ đẳng. Song, đó chỉ là tuyên truyền. “Nồi hầm nhừ” không chia đều cho tất cả và người Mỹ sống đối diện với nhau hơn là kề vai sát cánh.
Đại dịch COVID-19 vừa rồi, bạn tôi một người làm Nails ở California kể, trên đường đi làm về cậu ấy vừa nghe tiếng xe cứu thương hú lên gần chổ ở, một người vừa được chở về nhà lần cuối sau khi tử vong do dịch. Nhưng cậu ấy phải tập cho mình thói quen “không bận tâm” về nỗi đau ấy. Vì đây là nước Mỹ!
Tôi bắt đầu hoài nghi về “Nồi hầm nhừ”. Một người tử vong tại Mỹ có liên quan đến chính quyền sẽ là rất khác nếu như đó là người gốc Phi. Hoặc, người Anglo-Saxon ở Mỹ đã có sẵn cho mình “thế giới quan” khác biệt vì họ là những người khai phá, thống trị phần lớn Bắc Mỹ cách đây mấy thế kỷ.
Để phù hợp với không gian mới, người ta phải từ bỏ nếp sống cũ để chạy đua tìm kiếm tiền bạc, khẳng định mình. Tiêu chí sinh tồn của một nước Mỹ đa sắc tộc, đó là thượng tôn lợi ích cá nhân thì mới có sáng tạo và tiến bộ.
Nói về văn hóa Mỹ không thể không nhắc đến Triết học Mỹ, nó là loại triết thuyết dấn thân, chủ động lãng tránh những mối quan hệ kinh điển mà triết học truyền thống thường lấy làm bệ đỡ. Thay vào đó Triết học Mỹ như là công cụ để cá nhân gia tăng lợi ích, hoạt động sống hiệu quả…
Tính “cá nhân” của người Mỹ giúp họ đa dạng ý tưởng và sáng tạo. Nhưng nước Mỹ cũng không ít lần lao đao vì nét văn hóa này. Bởi nó rất hay được “sử dụng” phục vụ cho mục đích chính trị.
Dịch COVID-19 khiến hơn 40 triệu người Mỹ mất việc làm vì phong tỏa. Nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu ngấm đòn mạnh. Nhưng đã hơn nửa năm, Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Pelosi không nói với nhau câu nào!
Nhiệm vụ mở cửa trở lại nền kinh tế trở nên khó khăn vì ông Trump không tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền các bang. Và, để hạ bệ Tổng thống, đảng Dân chủ và phe đối lập đã sử dụng mọi biện pháp. Bất chấp thảm trạng của nền kinh tế và đời sống dân chúng.
Những diễn biến nóng bỏng nhất tại Mỹ lúc này là màn đấu đá giữa ông Trump và Joe Biden. Việc tập trung hàng triệu người “yêu mến” mình tại thành phố Tulsa để nghe thuyết trình về tương lai đất nước 5 năm tiếp theo – ông Trump đã bỏ qua nguyên tắc chống dịch tối quan trọng.
Ở phía bên kia – đảng Dân chủ, tuy kiểm soát Hạ viện, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân, vẫn trung thành với mục tiêu lớn nhất là tìm mọi cách hạ uy tín đương kim Tổng thống.
Thời điểm cuối tháng 4, khi COVID-19 chỉ mới xuất hiện ở New York, chính quyền Trump đã tính tới việc phong tỏa đất nước. Tuy nhiên ở thành phố Denver, bang Colorado đã có biểu tình chống lệnh phong tỏa!
Cuộc tranh luận nên mở cửa hay tiếp tục phong tỏa cuối cùng đổ hết hậu quả lên hàng trăm ngàn nhân mạng, hàng triệu người nhập viện vì mắc bệnh. Thực tế, ông Trump chỉ cần một nền kinh tế mạnh là đủ để đảm bảo cho uy tín của mình.
Tổng thống Trump chưa bao giờ tỏ ra “lo lắng” trước đại dịch, thậm chí ông còn ví COVID-19 với cúm mùa thông thường. Và hệ quả là nước Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới; số lượng người thất nghiệp bằng dân số của các nước như Uganda, Tây Ban Nha, Ukraina…; nền kinh tế đối diện nguy cơ “siêu phá sản”.
*
Nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ có nguồn gốc cùng với lịch sử hình thành quốc gia đặc biệt này. Khi người châu Âu đến và thống trị “tân lục địa” đã mở đầu thời kỳ đen tối với người châu Phi – người da đen bị buôn bán sang Mỹ làm nô lệ.
Năm 1865, chế độ nô lệ được bãi bỏ bởi Tu chính án thứ 13 trong Hiến pháp Mỹ. Trải qua hàng trăm năm, lớp “khai quốc công thần” tại Mỹ đã không còn, bây giờ là con cháu họ, kể cả người da trắng lẫn da màu vẫn cùng nhau xây dựng nước Mỹ cường thịnh. Nhưng tư tưởng phân biệt vẫn không thể tẩy sạch!
Nói rộng hơn, bất bình đẳng xã hội trong các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, giới tính, vùng miền, quốc gia, lãnh thổ…, không chỉ nước Mỹ mới có. Thậm chí, nhiều quốc gia phương Đông hiện nay còn xem nam, nữ là hai thứ không thể dung hòa khi nói đến con người và gia đình.
Hoặc, tại Ấn Độ, trong lịch sử còn chia ra nhiều đẳng cấp con người theo thứ tự “vàng, bạc, đồng”. Tại Trung Quốc và Việt Nam còn chia ra giai cấp thống trị và bị trị; quan lại, địa chủ và thứ dân; con sãi và con vua…
Dĩ nhiên, những điều ấy đã là lịch sử và từng đại diện cho một xu thế, và bây giờ ít nhiều bị vùi lấp đâu đó dưới các vỏ bọc khác nhau, ít được nhắc đến, song không phải đã bị triệt tiêu hoàn toàn.
Nhưng vì sao tại Mỹ, một cái chết của người da màu lập tức được đặt dưới lăng kính phân biệt chủng tộc? Thực sự người da trắng không phạm phải những sai lầm kinh thiên động địa trong lịch sử Mỹ? Vì sao cử tri Mỹ từng chọn người da màu Obama làm Tổng thống tới 2 nhiệm kỳ? Phải chăng có sự “cơ cấu” tối cao nào đó để xoa dịu vết đau lâu đời của người Mỹ?
Với một đất nước có tới 9 múi giờ, 95 dân tộc khác nhau được lắp ghép, với hàng chục chủng tộc nội bộ, nước Mỹ không “nội chiến âm ỉ” mới là chuyện lạ. Và đó là sự xung khắc văn hóa, tín ngưỡng, tập tục, kinh tế hơn là màu da, thứ bậc xã hội.
Bất bình đẳng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, sự bất định của chính sách đối ngoại, đối nội sau mỗi nhiệm kỳ Tổng thống…, nhưng thứ này mới thực sự là nguyên nhân dẫn đến rối ren tại Mỹ.
Mỹ hiện có 41 triệu người thuộc diện nghèo (chuẩn Mỹ), 46% trong số đó thuộc diện cực nghèo. Khoảng 1,5 triệu hộ gia đình với gần 3 triệu trẻ em sống với thu nhập dưới 2USD/ngày.
Nhưng có điều, số nghèo này chia đều ở hầu hết các sắc tộc, màu da, xuất xứ. Thậm chí, người Mỹ da trắng thuộc diện nghèo còn đông hơn 8 triệu người so với người Mỹ da màu!
Hệ thống an sinh xã hội tại Mỹ bắt đầu tệ đi từ năm 1970, các quy tắc bảo vệ người lao động bị nới lỏng, ngân sách chi cho giáo dục và cộng đồng sụt giảm. Bất ngờ là tại Mỹ, tỷ lệ trẻ em nghèo lên tới 25%, cao nhất trong nhóm cac nước phát triển.
Khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ bị nới rộng, tính trung bình vào đầu thập niên 80, top 1% người giàu nhất tại Mỹ kiếm tiền nhiều gấp 27 lần so với 50% dân số ở nhóm dưới cộng lại. Ngày nay con số này lên tới 81 lần.
Để làm hài lòng doanh nghiệp, tăng sức đề kháng trong cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump đã ban hành đạo luật cải cách thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD. Nhưng đạo luật này chỉ có ý nghĩa với các ông chủ công ty, họ càng thêm giàu có nhờ ưu đãi từ chính phủ. Còn người lao động, tầng lớp nông dân hầu như không với tới.
Tiến sỹ Alston (Đại học New York) bình luận: “Số tiền đó có thể được sử dụng để xóa đói, giảm nghèo nếu chính phủ quyết tâm. Nhưng thực tế không như vậy”.
Với những bức bối về mặt tâm lý xã hội của 45 triệu người thất nghiệp do COVID-19, được hậu thuẫn bởi những đạo luật tự do – số lượng người này có thể xuống đường bất cứ khi nào họ muốn. Hoặc có thể dễ dàng bị dắt mũi bởi âm mưu chính trị đằng sau một sự việc tưởng chừng rất nhỏ. Nhưng đó lại là đặc sản được chấp nhận tại xứ cờ hoa.
Đến thời điểm này, có thể nói, khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” của D. Trump không chứa bất cứ nội hàm nào cả. Nó luôn được biểu hiện bằng những cuộc đánh đấm bên ngoài, xung khắc khắp nơi, bác bỏ tất cả nếu điều đó không tuân theo lợi ích Mỹ.
Chuẩn Mỹ đã vượt lên tất cả, nhưng không có nghĩa nó không tồn tại khoảng tối. Thậm chí sự tha hóa trong lòng một đỉnh cao còn khủng khiếp hơn những gì chúng ta biết qua báo chí.
Theo TRƯƠNG KHẮC TRÀ / DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
Tags: Mỹ, Công bằng xã hội, Văn hóa Mỹ, Phân biệt đối xử