Về sự cuồng nhiệt điên rồ của các ‘anh hùng bàn phím’ Trung Quốc

Sau khi hai vận động Viên môn bóng bàn đôi nam nữ Nhật đánh bại Trung Quốc trong trận chung kết Olympic, họ đối mặt với những lời lăng mạ từ các “anh hùng bàn phím”.

Về sự cuồng nhiệt điên rồ của các ‘anh hùng bàn phím’ Trung Quốc

Cặp VĐV Nhật Bản Mima Ito và Jun Mizutani (áo đỏ) ăn mừng chiến thắng trước đội bóng bàn Trung Quốc tại Olympic Tokyo ngày 26/7. Ảnh: Reuters.

Ngay cả trước khi họ bước lên bục nhận huy chương, những lời đe dọa, chửi rủa như “hãy xuống địa ngục” và “biến đi” từ người dùng mạng Trung Quốc đã tràn ngập các tài khoản mạng xã hội của họ.

Họ không phải là những người duy nhất hứng chịu cơn thịnh nộ. Một vận động viên thể dục dụng cụ Nhật Bản đã đánh bại đối thủ nổi tiếng người Trung Quốc cũng bị chỉ trích là được thiên vị. Một vận động viên bắn súng Trung Quốc đã bị chê bai đến mức phải xóa ảnh selfie sau khi không vào được vòng chung kết.

Trong suốt Olympic Tokyo, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc theo dõi sát sao cả vận động viên nước nhà lẫn các đối thủ, đưa ra những lời lăng mạ và phô trương thanh thế trên mạng xã hội.

Trong cuộc họp báo tuần trước, vận động viên bóng bàn Nhật Bản Jun Mizutani đã lên án hành vi bạo lực mạng mà anh và đồng đội Mima Ito đã hứng chịu. “Tôi có lẽ đã bị công kích nhiều hơn những người khác, vì vậy tôi có khả năng phớt lờ những lời lẽ đó tốt hơn”, Mizutani nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có thể tha thứ cho họ, nếu cứ để yên như vậy, họ sẽ chuyển sang mục tiêu tiếp theo, vì vậy cần phải xử lý thỏa đáng”.

Giới chuyên gia cho rằng không có gì lạ khi tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc tăng cao trong thời gian diễn ra Olympic, đặc biệt là khi sự kiện tổ chức ở Nhật Bản, quốc gia vốn bị coi là “kình địch” với Trung Quốc. Nhưng sự cuồng nhiệt của các “anh hùng bàn phím” Trung Quốc trong Olympic vừa qua có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát.

“Đây là một ‘biến thể’ của chủ nghĩa dân tộc, mãnh liệt hơn và không khoan nhượng hơn”, Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, nói. Ông nhấn mạnh các “anh hùng bàn phím” không đại diện cho hầu hết người dân Trung Quốc, nhưng họ phản ánh một bộ phận đang cảm thấy họ quyền lực hơn và muốn phô diễn sức mạnh đó nhiều hơn so với những năm trước.

Trung Quốc những năm gần đây tìm cách khơi dậy lòng tự hào dân tộc một cách chiến lược. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng trước rằng sự trỗi dậy của nước này là điều không ai có thể ngăn cản. Điều này đã góp phần củng cố quyền lực của chính quyền, nhưng cũng thúc đẩy tinh thần chống người nước ngoài bùng lên dữ dội trong Olympic, bao gồm cả phản ứng gay gắt đối với một số vận động viên Trung Quốc thua cuộc và các đối thủ đã giành chiến thắng.

Tại Trung Quốc, các cơ quan truyền thông nhà nước và một số cộng đồng đã cố gắng xoa dịu cơn giận dữ đối với các vận động viên Olympic nước nhà, nhưng không mấy thành công. “Chủ nghĩa dân tộc – một khi tinh thần đó đã bùng lên thì khó có thể kiềm chế được”, Wyne nói.

Một vận động viên bắn súng Trung Quốc 23 tuổi đã xóa một bài đăng xin lỗi kèm bức ảnh selfie vì không vào được vòng chung kết Olympic, sau khi cô nhận được vô số bình luận rằng đăng ảnh selfie khi thi đấu kém là “không phù hợp”.

Khi hai tay vợt bóng bàn Trung Quốc Lưu Thi Văn và Hứa Hân thua Mizutani và Ito trong trận chung kết đôi nam nữ, cả hai đều đưa ra lời xin lỗi khi những người theo chủ nghĩa dân tộc chỉ trích màn thi đấu của họ trên Weibo.

“Tôi cảm thấy mình đã làm cả đoàn thất vọng”, Lưu nói với các phóng viên sau trận đấu, đôi mắt cô ngấn lệ. “Tôi xin lỗi mọi người”.

“Cả nước đã mong chờ trận chung kết này”, Hứa nói. “Tôi nghĩ toàn đoàn Trung Quốc không thể chấp nhận kết quả này”.

Theo Suisheng Zhao, giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung – Mỹ ở Đại học Denver, Olympic có tính biểu tượng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nếu Olympic Bắc Kinh 2008 đánh dấu sự tái xuất của Trung Quốc trên đấu trường thế giới, thì Olympic năm nay, được tổ chức trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và các cường quốc khác trên thế giới, được coi là cơ hội để chứng tỏ rằng nước này không còn vươn lên nữa mà đang ở vị trí dẫn đầu.

“Thông điệp là họ đã lấy lại được vị thế của mình”, Zhao nói. “Đó là một cảm giác đặc biệt về sự phục hưng của Trung Quốc”.

Các vận động viên giành được huy chương vàng hay thành tích tốt được ca ngợi hết lời. Vận động viên chạy nước rút Tô Bỉnh Thiêm, 31 tuổi, đã được truyền thông nhà nước tôn vinh là ngôi sao quốc gia, “kỳ tích của người da vàng” khi trở thành vận động viên châu Á đầu tiên kể từ thập niên 1930 vào được vòng chung kết chạy 100 m nam.

Đường Thiến Tĩnh, vận động viên thể dục dụng cụ 18 tuổi giành huy chương vàng, được những người theo chủ nghĩa dân tộc ca ngợi vì đã sử dụng các bài hát trong một bộ phim ủng hộ Trung Quốc, chống Nhật Bản khi trình diễn.

Bảo San Cúc (trái) và Chung Thiên Sử được trao huy chương vàng tại Olympic Tokyo ngày 2/8. Ảnh: AFP.

Đầu tuần trước, hai vận động viên đua xe đạp lòng chảo Trung Quốc Bảo San Cúc và Chung Thiên Sử đã đeo huy hiệu Mao Trạch Đông trong lễ trao huy chương. Động thái này được các cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc ca ngợi, nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) coi đây có thể là hành vi vi phạm quy tắc cấm “tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc” của Olympic. Trung Quốc sau đó đã đảm bảo với IOC rằng các vận động viên sẽ không lặp lại hành động đeo huy hiệu đó.

Ngay cả khi các vận động viên giành chiến thắng, họ không phải lúc nào cũng tránh được bị soi mói. Dương Thiến, vận động viên bắn súng đã giành được huy chương vàng, bị công kích vì một bài đăng cũ trên Weibo khoe bộ sưu tập giày Nike – thương hiệu mà những người theo chủ nghĩa dân tộc muốn tẩy chay vì hãng này từng bày tỏ lo ngại về hoạt động cưỡng bức lao động ở Tân Cương.

Zhao đánh giá sự sôi nổi quá mức của chủ nghĩa dân tộc có thể trở thành “xu thế đáng báo động” ở Trung Quốc, hạn chế cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền và cũng như làm suy giảm lựa chọn về cách cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và những bên khác. Khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến Olympic Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, các “anh hùng bàn phím” ở nước này có thể tiếp tục mở rộng ảnh hưởng.

“Liệu kiểu tinh thần này có thực sự phục vụ lợi ích của Trung Quốc?”, Zhao nói. “Ông Tập sẽ để chuyện này đi xa đến đâu? Chúng ta phải chờ xem”.

Theo VNEXPRESS 

Tags: , ,