⠀
Về nghệ thuật trang phục sân khấu chèo truyền thống hiện nay
Trang phục trong sân khấu chèo không chỉ là một thành tố cấu tạo nên hình thức của một vở diễn mà còn dẫn dắt, định hình thẩm mỹ đối với người xem. Qua trang phục trong vở diễn, khán giả đã nhận thức được lịch sử, nhìn rõ sự phân tầng giai cấp qua các giai đoạn phát triển đất nước. Trang phục qua sân khấu chèo còn mang hơi thở văn hóa, đặc trưng tôn giáo, tín ngưỡng, môi trường sống của từng vùng miền, từng triều đại. Nhưng không ít người đã và đang coi trang phục trong sân khấu chèo chỉ đóng vai trò thứ yếu. Sự đầu tư cũng như cơ chế quản lý, bảo tồn các giá trị phục trang còn nhiều bất cập.
Tác giả: Đinh Thị Hằng.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 401, tháng 11/2017.
Trang phục trong sân khấu chèo hiện nay có hiện tượng thiếu đồng bộ. Rất ít các nhà hát, đoàn chèo được trang bị hoàn chỉnh cho từng vở diễn, nhân vật, đa phần, tận dụng lại những trang phục của các vở diễn cũ, chỉnh sửa chút ít, để phù hợp với hoàn cảnh, nhân vật. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn xử lý tùy tiện, cẩu thả, trang phục sơ sài, chiếu lệ, màu sắc lòe loẹt, chất liệu thô cứng, kiểu dáng lai căng. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sân khấu chèo Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế… Do vậy, trang phục sân khấu chèo phải cải biên để phù hợp với thế giới; thu hút khán giả, tìm kiếm lợi nhuận. Bên cạnh đó, các nhà hát, đoàn chèo hiện đang thiếu trầm trọng họa sĩ thiết kế phục trang, hoặc có nhưng lại kiêm nghiệm nhiều chức năng khác, vừa là họa sĩ thiết kế sân khấu, vừa đảm nhiệm thiết kế phục trang. Họa sĩ thiết kế phục trang sân khấu đã ít, chất lượng chưa thực sự cao. Các họa sĩ được đào tạo từ các trường lớp chuyên nghiệp ra, nhưng còn non yếu, thiếu kinh nghiệm, nên rất lúng túng trong thiết kế trang phục, đặc biệt các vở về đề tài lịch sử.
Hơn nữa, các vấn đề chính sách đối với người làm nghề còn nhiều bất cập, khiến họ chưa thực sự tâm huyết, dốc hết khả năng sáng tạo cho phục trang sân khấu. Bên cạnh đó, ngày nay, khán giả muốn được thấy trong nghệ thuật chèo có những con người thời đại của mình. Người đạo diễn, họa sĩ thiết kế, diễn viên phải đem hơi thở cuộc sống lên sân khấu chèo, đem câu chuyện đời thường, con người hiện đại, trang phục thường ngày thổi vào đó tâm hồn của người nghệ sĩ, biến nó thành nghệ thuật.
Trang phục của sân khấu cũng là trang phục của đời thường được nâng cao. Tuy nhiên, nó không chỉ mang chức năng che thân hay làm đẹp đơn thuần mà nâng lên tầm nghệ thuật.
Thứ nhất, trang phục sân khấu chèo thể hiện giá trị hiện thực sâu sắc. Trang phục sân khấu là tấm gương phản chiếu trang phục đời thường nên đã mang chức năng phản ánh hiện thực khách quan. Trang phục của mỗi vở diễn đều phản ánh không gian, thời gian trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Vì vậy, không thể dùng trang phục thời này sang thời khác, không dùng mẫu trang phục tộc người này cho tộc người khác được. Trang phục sân khấu chèo đã mang tính hiện thực, mô phỏng theo trang phục đời thường của các nhân vật trong cuộc sống. Nhìn vào trang phục của các diễn viên trên sân khấu, khán giả phần nào nhận ra được thân phận, giai cấp, nhân phẩm của họ. Ví dụ nhìn diễn viên với chiếc áo nâu, váy đụp sờn rách, vá víu được may bằng vải chúc bâu, ta có thể đoán được họ là những nông dân nghèo nơi tầng đáy xã hội, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, như những anh Nô, mẹ Đốp… Các quan viên trong bộ áo dài lụa, là lượt phẳng phi, họ là những nhân vật có chức sắc, giàu có, cao sang như: lý trưởng, chánh tổng, hương hào… Ngoài chức năng phản ánh hiện thực, trang phục chèo còn có chức năng thể hiện tính cách nhân vật. Tính cách nhân vật sân khấu đa dạng, phức tạp đòi hỏi trang phục sân khấu cũng phải làm nổi rõ tính cách. Hình ảnh chiếc yếm đỏ, áo cánh vàng, chiếc áo tứ thân hồng thắm khiến người xem không thể không liên tưởng tới cô Màu với nét hồn nhiên tươi tắn, sự lẳng lơ đã được nghệ thuật hóa. Trang phục phải thể hiện được các đặc điểm tính cách, sự phát triển tâm lý nhân vật, nét đặc trưng của từng giai cấp.
Thứ hai, trang phục trên sân khấu chèo thấm đượm tính dân tộc. Nghệ thuật chèo là sản phẩm văn hóa tinh thần của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Nó mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhân cách qua nội dung các tích trò lấy từ kho tàng truyện dân gian. Thông qua nghệ thuật trang phục trong biểu diễn, người ta nhìn thấy cội nguồn văn hóa của cả một dân tộc. Đó là màu sắc tươi vui của lễ hội được thể hiện qua những trang phục rực rỡ, là đường kim ngay ngắn của người phụ nữ Việt đảm đang, tần tảo gửi vào các bộ quần áo, là các hoa văn tinh tế được cóp nhặt từ bao đời. Tất cả đã tạo nên một bản sắc rất riêng.
Thứ ba, trang phục sân khấu chèo thể hiện cao giá trị thẩm mỹ. Trên sân khấu, trang phục phải toát lên thần thái của cái đẹp, phải sạch sẽ chỉnh chu. Cái rách, cái bẩn cũng phải là nghệ thuật. Trong trang phục của nghệ thuật chèo, đồ mặc là bộ phận quan trọng nhất. Vì đây là phần chủ đạo của một trang phục, chiếm một không gian lớn trên toàn bộ hình thể diễn viên, thu hút con mắt khán giả khi quan sát nhân vật. Vì vậy, trang phục đóng vai trò chính yếu trong việc phác họa hình tượng ban đầu của nhân vật. Hơn nữa, do có kích thước lớn nên đồ mặc chiếm một phần không nhỏ trong tổng thể những màu sắc, đường nét trên sân khấu được khán giả tiếp nhận bằng thị giác. Sự tác động qua lại giữa đồ mặc của nhân vật với trang trí sân khấu rất mật thiết, góp phần quan trọng quyết định thành công về mặt mỹ thuật của vở diễn. Tóm lại, đồ mặc không chỉ có ý nghĩa về thẩm mỹ thị giác mà mang nhiều ý nghĩa về mặt biểu diễn. Đồ mặc cho nhân vật chèo gồm ba yếu tố: kiểu dáng, chất liệu và màu sắc.
Do các nhân vật trong chèo cổ đều gần gũi với đời thường, là những mẫu người nông dân sống ở làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, thời phong kiến nên phục trang các vai diễn trên sân khấu chèo cổ, về cơ bản, vẫn giống những bộ áo quần thường mặc hàng ngày của những người dân quê hay những bộ quần áo mới mặc trong các dịp hội hè, lễ tết, nhưng được tinh giản và làm đẹp hơn để phù hợp với sân khấu.
Khi nhắc đến Xúy Vân trong vở Kim Nham, khán giả tưởng tượng ra cảnh hất tóc rũ rượi, tà áo tứ thân bay hoảng loạn. Khi nhắc đến Thị Kính, người ta dễ dàng liên tưởng tới thân phận kẻ tu hành kín đáo, thanh đạm trong bộ áo nâu tiểu sòng… Hình tượng điển hình ăn sâu đến độ khi nhắc đến vở diễn, nhân vật người xem nhớ lại như in từng cử chỉ, điệu bộ và phục trang của nhân vật.
Trang phục chèo có giá trị thống nhất đồng bộ, trang phục tô điểm cho nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, là yếu tố hỗ trợ, nâng tầm diễn viên không lấn sân, làm hộ, hay tệ hơn là trói tay, trói chân diễn viên. Thiết kế trang phục phải đặc biệt chú trọng đến đặc điểm tính cách nhân vật, ngoại hình diễn viên, không gian bối cảnh để hài hòa với toàn bộ các yếu tố mỹ thuật sân khấu.
Đánh giá được hiện trạng của trang phục sân khấu chèo, hiểu rõ giá trị của phục trang sân khấu, Nhà nước cần có những chính sách bảo hộ, xã hội hóa hoạt động bảo tồn giá trị nghệ thuật trang phục chèo. Chính sách bảo hộ nên hiểu theo ý nghĩa tích cực, bao gồm các điều khoản, ưu đãi đặc biệt, dành cho lĩnh vực nghệ thuật và chế độ ưu tiên về hoạt động sáng tạo phục trang. Bảo hộ, không có nghĩa là độc quyền, mà chỉ tạo điều kiện để các đơn vị, các nghệ sĩ tham gia sáng tạo, phục vụ lợi ích, thẩm mỹ của quần chúng nhân dân một cách hiệu quả nhất.
Mặt khác, Nhà nước cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo. Nếu trước kia phục trang chèo đều là sáng tạo của những nghệ nhân dân gian, thì ngày nay vai trò đã thuộc về các họa sĩ thiết kế trang phục. Do chuyên môn hóa, người diễn viên bây giờ chỉ còn thực hiện vai trò thể hiện các ý đồ sáng tạo của đạo diễn và họa sĩ.
Chèo truyền thống từ cội nguồn là sân khấu dân gian, sân khấu dân tộc mang đậm tính dân gian. Vì vậy, nghệ sĩ nói chung, nhà thiết kế trang phục chèo nói riêng là những thành phần tham gia sáng tạo trong nghệ thuật chèo, phải phấn đấu để có tầm cao của nhà văn hóa, phải chú ý đến bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, Nhà nước cần quan tâm đào tạo một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp gồm: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghiên cứu, diễn viên, quản lý… Vừa am hiểu về chèo lại vừa có trình độ văn hóa cao. Đào tạo đội ngũ họa sĩ thiết kế, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các nhà hát chèo, để sinh viên có được môi trường thực tế, kiểm nghiệm những kiến thức đã được học trên phương diện lý thuyết. Để có đội ngũ thiết kế trang phục cần mở các lớp tập huấn, nhằm nâng cao trình độ nghề nghiệp, năng lực chuyên môn cho các họa sĩ thiết kế trang phục nói riêng, họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu chèo nói chung của 18 đoàn nghệ thuật trong cả nước.
Đồng thời, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần phải có quy định cụ thể vai trò của họa sĩ thiết kế phục trang trong tác phẩm sân khấu. Ngoài việc tái tạo, họ cũng được hưởng chế độ sáng tạo. Nhà nước nên quy tụ đội ngũ những người giỏi nhất về thiết kế trang phục để vẽ ra các bộ mẫu chuẩn của từng thời kì và in thành sách, giúp cho các nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo trên tiêu chuẩn mẫu đó.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật của nước ta còn lạc hậu cả về nội dung lẫn cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên còn thiếu hụt kiến thức lịch sử, chưa hiểu sâu về văn hóa, yếu ngoại ngữ, thiếu tính chủ động trong hội nhập. Số lượng sinh viên của các trường văn hóa nghệ thuật phần lớn đang thất nghiệp, hoặc có việc làm thì không phát huy được khả năng sáng tạo trong sự nghiệp giữ gìn bản sắc dân tộc. Nghệ thuật trang phục sân khấu truyền thống nói chung, sân khấu chèo nói riêng đang rất cần những thay đổi lớn để khẳng định lại vị trí của nghệ thuật trang phục sân khấu. Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hiệu quả để khắc phục những bất cập hiện nay, nâng tầm nghệ thuật thiết kế trang phục sân khấu để có thể dẫn dắt, định hình thẩm mỹ đối cho người xem.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tags: Văn hóa Việt, Sân khấu