Về khái niệm dân tộc và chủ nghĩa dân tộc

Khái niệm dân tộc không phải bao giờ cũng trùng hợp với khái niệm quốc gia theo nghĩa là một cộng đồng chính trị – xã hội được quản lý bằng bộ máy nhà nước.

Bài viết của tác giả Phạm Huy Châu, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Dân tộc là tên chỉ cộng đồng người hình thành và phát triển trong lịch sử, sau khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp và xuất hiện nhà nước. Trong xã hội nguyên thuỷ đã có thị tộc, rồi bộ lạc. Những thành viên trong thị tộc gắn bó với nhau bằng quan hệ huyết thống. Bộ lạc bao gồm những người cùng họ và những người khác họ, cùng sinh sống trên một địa bàn. Sản xuất phát triển thì bản thân con người cũng phát triển theo, cùng với những đặc trưng như­ ngôn ngữ, văn hoá vật chất (thể hiện trong phương thức sản xuất, phương thức sinh hoạt) và văn hoá tinh thần (thể hiện thành ý thức và các hình thái ý thức). Hình thức của cộng đồng người cũng có sự tiến hoá: từ phân tán đến tập trung, từ thấp đến cao, kết quả là hình thành nên những tộc người và những dân tộc khác nhau như­ chúng ta thấy hiện nay. Có thể quan niệm dân tộc là cộng đồng những người cùng chung một lịch sử (lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc), nói chung một ngôn ngữ, sống chung trên một lãnh thổ, có chung một nền văn hoá hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, tiêu biểu cho trình độ văn minh đã đạt được. Văn hoá của các dân tộc có những nét chung giống nhau (thí dụ như­ đều trải qua nền văn minh nông nghiệp tiến lên nền văn minh công nghiệp), nhưng cũng có những nét đặc thù gọi là tính cách dân tộc hay bản sắc dân tộc (các phong tục, tập quán sinh hoạt và ứng xử, các nếp tâm lý và tư duy, các ­ưu thế phát triển về mặt này hay mặt khác) tạo ra tính đa dạng, vô cùng phong phú của văn hoá nhân loại.

Về mặt xã hội, khái niệm dân tộc không phải bao giờ cũng trùng hợp với khái niệm quốc gia theo nghĩa là một cộng đồng chính trị – xã hội được quản lý bằng bộ máy nhà nước. Có quốc gia chỉ gồm một dân tộc (hiếm có, như­ trường hợp Triều Tiên trước khi bị chia cắt), song phần lớn là những quốc gia nhiều dân tộc (nhiều dân tộc nhỏ quy tụ xung quanh một dân tộc chủ yếu, thường là đông hơn và phát triển hơn trong lịch sử). Cũng có tình hình là những người cùng một dân tộc nhưng sống phân tán ở những quốc gia khác nhau. Trong lịch sử, các dân tộc hình thành và phát triển rất không đồng đều cả về thời gian, quy mô, sức sống lẫn trình độ phát triển. Đã có tình hình nhiều dân tộc tự phát liên kết với nhau, hoà nhập vào nhau hoặc đồng hoá, thôn tính lẫn nhau. Xu thế lịch sử của dân tộc là cần có nhà nước để bảo vệ lãnh thổ của mình. Ý thức về chủ quyền lãnh thổ phát triển thành ý thức quốc gia dân tộc hay chủ nghĩa yêu nước. Bản thân nhà nước, đến l­ượt nó, lại có tác động trở lại củng cố sự đoàn kết dân tộc, sự thống nhất nhiều dân tộc trong biên giới của mình. Bộ máy nhà nước trung ­ương tập quyền của nhà Tần ở Trung Quốc chẳng hạn, khi ban hành những pháp luật thống nhất trong cả nước, bắt mọi người cùng viết một kiểu chữ, cùng đi một cỡ xe (th­ư đồng văn, xa đồng quỹ) đã đẩy nhanh sự cố kết của dân tộc Hán ngay từ trước Công nguyên.

Trước đây, các học giả phương Tây ch­ưa nghiên cứu nhiều về vấn đề dân tộc nói riêng. Các sách báo mácxít cũng dựa chủ yếu vào tình hình của châu Âu mà cho rằng, dân tộc chỉ trở thành dân tộc khi có sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản, khi xuất hiện thị trường dân tộc(1). Thực ra, trên thế giới, tính cố kết dân tộc có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân kinh tế, chính trị khác, như­ nhu cầu có những công trình trị thuỷ lớn ở các vùng trồng lúa nước, nhu cầu chống lại sự xâm lược, đô hộ và đồng hoá của ngoại tộc. Việt Nam đã từng bị ngoại tộc đô hộ hơn một nghìn năm mà không bị đồng hoá, sở dĩ như vậy là vì con người (Việt Nam) đã có ý thức về bản sắc của dân tộc mình và nổi dậy chống lại sự đồng hoá ấy. Ý thức về quốc gia – dân tộc đã thể hiện rõ trong hành động lịch sử của Lý Bí khi ông tự x­ưng là Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân thế kỷ thứ 6, hoặc trong câu thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư­” thế kỷ thứ 11, trong áng văn bất hủ “Bình Ngô đại cáo” thế kỷ thứ 15. Vậy mà cho đến thế kỷ thứ 20, Việt Nam vẫn ch­ưa đạt đến trình độ một nước tư bản chủ nghĩa. Rõ ràng là, người Việt Nam đã hình thành nên dân tộc của mình ngay từ thời cổ đại, có thể là ngay từ khi bị ngoại tộc đô hộ mà không sao đồng hoá nổi, chứ không phải đợi đến khi lập ra nhà nước phong kiến độc lập bền vững vào thế kỷ thứ 10.

Có dân tộc hình thành rồi, sau đó mới có ý thức dân tộc. Con người được sinh ra trong cộng đồng, từ cộng đồng. Chỉ có thông qua cộng đồng, ở đây là cộng đồng dân tộc, cá nhân con người mới được xã hội hoá, mới trở thành người. Đứa trẻ sơ sinh chỉ mới là “con người dự bị”; nó phải tập ăn, tập nói như người, cảm xúc, ứng xử và suy nghĩ như người. Nắm được ngôn ngữ dân tộc – vừa là phương tiện giao tiếp, vừa là phương tiện nhận thức – đứa trẻ càng nhanh chóng đi vào những khuôn nếp của xã hội, những tục lệ, tín ngưỡng, đạo lý, pháp luật sẵn có của một trình độ văn hoá nhất định. Đến tuổi thành niên, nó mới được xã hội công nhận là một thành viên đủ t­ư cách. Một cách rất tự nhiên, mỗi cá nhân con người đều cảm thấy rất rõ, trong cả thể xác và tâm hồn mình, là người của một dân tộc nhất định. Đó chính là ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc hay là chủ nghĩa dân tộc.

Như­ vậy, ý thức dân tộc trước hết là ý thức về cội nguồn dân tộc của mỗi con người: mình từ đâu đến? Sau đó là ý thức về quyền dân tộc: quyền làm chủ lãnh thổ (đất nước), làm chủ đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc mình. Đó là tinh thần độc lập, tự chủ của mỗi dân tộc. Đó là quyền tự nhiên, mỗi thành viên của dân tộc đều thấy có nghĩa vụ thiêng liêng phải giữ gìn và bảo vệ. Chủ nghĩa dân tộc còn là ý thức về phẩm giá dân tộc. Dân tộc tồn tại và phát triển là thành quả của sức lao động và đấu tranh sáng tạo của nhiều thế hệ tiền bối. Họ đã tạo ra tất cả những giá trị vật chất và tinh thần hợp thành nền văn hoá dân tộc, vừa có bản sắc riêng, vừa là bộ phận hợp thành nền văn hoá chung của nhân loại.

Song, điều phức tạp của lịch sử là ở chỗ, các tộc người, các dân tộc hình thành và phát triển khi đã có sự phân tầng xã hội thành các giai cấp. Sự xuất hiện giai cấp không làm tan rã cộng đồng dân tộc, mà chỉ chia rẽ con người trong cộng đồng dân tộc, thậm chí đến mức đối kháng. Trong cùng một dân tộc, ý thức dân tộc của mỗi giai cấp lại được chiết quang qua ý thức về lợi ích giai cấp; vì vậy, nó không thể không mang thêm những sắc thái riêng bắt nguồn từ tính giai cấp.

Việc cải tiến công cụ lao động tuy chậm chạp nhưng liên tục trong xã hội nguyên thủy làm tăng dần năng suất lao động của con người; đến một độ nhất định (thời đại đồ đồng, đồ sắt), sản xuất xã hội đủ sức tạo ra những sản phẩm thặng d­ư. Tiền đề này đã dẫn đến một tất yếu lịch sử là sự hình thành giai cấp và kèm theo nó là sự phân công lao động xã hội thành lao động chân tay và lao động trí óc. Một số người có điều kiện chiếm dụng những sản phẩm thặng dư­ và sống trên lư­ng người khác, trở thành giai cấp ăn bám và thống trị. Đa số người còn lại vẫn buộc phải sản xuất trực tiếp đổ mồ hôi kiếm miếng ăn, đó là những giai cấp bị bóc lột và bị trị, là nhân dân lao động. Đồng thời, cũng chỉ có người nào không buộc phải trực tiếp lao động sản xuất mới có thì giờ rảnh để chuyên làm lao động trí óc, phát triển mọi năng khiếu tinh thần của con người và trở thành những nhà trí thức. Trong xã hội có giai cấp, tầng lớp trí thức phần nhiều xuất thân từ giai cấp thống trị hoặc phụ thuộc vào họ. Tình hình này đ­ưa đến sự lầm lẫn cho rằng, kẻ lao tâm thì trị người và được người nuôi, còn kẻ lao lực thì nuôi người và bị người trị (Mạnh Tử). Thực ra, những thành viên của các giai cấp thống trị trong lịch sử trước đây không phải đều là trí thức hoặc bắt đầu từ chỗ là trí thức. Sở dĩ họ thống trị là vì họ đã nắm được quyền lực, mà cơ sở vật chất của quyền lực là sự chiếm đoạt, chủ yếu bằng bạo lực.

Sự hình thành các giai cấp và tầng lớp trí thức đánh dấu sự xuất hiện của bất bình đẳng xã hội giữa con người với nhau, xâm hại tính cộng đồng gắn liền với bản chất của con người là một động vật xã hội, có tính xã hội. Trong đấu tranh giai cấp, hiện t­ượng mạnh được yếu thua, cư­ờng quyền át công lý, “cá lớn nuốt cá bé” chẳng qua là biểu hiện của quy luật đấu tranh sinh tồn, của “luật rừng” trong giới sinh vật. Các giai cấp đấu tranh với nhau, song vẫn dựa vào nhau cùng tồn tại: đấu tranh giai cấp không làm tan rã được xã hội. Nó không phủ định bản chất con người đã bắt đầu định hình, mà chỉ ­minh hoạ cho thấy rằng, việc hình thành con người là một quá trình tiến hoá trường kỳ, từ tính động vật đơn thuần đến tính người hoàn thiện hơn, thực sự là con người. Tính động vật hay thú tính là cái nền tảng ban đầu nhưng được cải biến dần dần, còn tính người hay nhân tính thì ngày càng được trau dồi và nâng cao. Sự đối kháng giai cấp không điều hoà, tuy đã biến con người thành “chó sói đối với người”; nhưng cũng chính đấu tranh giai cấp lại là động lực làm cho xã hội tiến hoá đi lên, từ hình thức bóc lột và thống trị tàn nhẫn và thô bạo của chế độ chiếm nô, đến chế độ phong kiến hết sức chuyên chế nhưng đã ít tàn bạo hơn, đến chế độ tư bản bóc lột tinh vi hơn và thống trị một cách “dân chủ”, nghĩa là che đậy hơn. Tính động vật đơn thuần đã từng bước chuyển hoá, mở đường cho tính người được nâng lên dần dần một cách không thể đảo ng­ược được.

Mặt khác, giai cấp xuất hiện cũng có nghĩa là con người đã làm gia tăng một cách đáng kể năng lực sản xuất và khai thác tự nhiên của mình. Con người đã v­ượt qua được giai đoạn tiền sử – giai đoạn dã man và tiến vào giai đoạn văn minh. Việc lao động trí óc được tách ra thành một dạng hoạt động chuyên biệt là thêm một đòn bẩy hết sức mạnh mẽ để phát triển năng lực nhận thức của con người: năng lực quan sát, chiêm nghiệm, năng lực tư duy, phân tích và tổng hợp, tổng kết, nâng nhận thức từ trình độ cảm ­tính lên trình độ lý tính. Tất cả những điều đó đã xây dựng nên nền văn hoá đặc trưng cho loài người: nền văn hoá dân gian rất phong phú của quần chúng nhân dân và cả một nền văn hoá bác học đồ sộ do những nhà trí thức các thế hệ sáng tạo ra. Sự phát triển tất cả các hình thái ý thức của con người: tư tưởng, các môn khoa học tự nhiên, các môn khoa học xã hội giúp con người không chỉ ngày càng nhận thức được và làm chủ tự nhiên, mà còn vươn lên nhận thức được và làm chủ xã hội và cả bản thân mình. Có thể nói, con người đã và còn tiếp tục sáng tạo ra cả một thế giới mang tính người, được “người hoá”. Thành tựu rực rỡ này làm vinh quang cho con người, đồng thời cũng là điểm tới của một lộ trình vô cùng gian nan và đau khổ, đẫm mồ hôi và máu: cái giá phải trả cho quá trình lịch sử mấy nghìn năm của xã hội có giai cấp.

Cho đến nay, xã hội loài người vẫn chư­a thoát ra ngoài khuôn khổ của xã hội có giai cấp. Vậy, ý thức giai cấp đã tác động như thế nào tới ý thức cộng đồng, cụ thể ở đây là ý thức dân tộc?

Nhìn một cách đại thể thì xã hội có giai cấp gồm hai lớp người: lớp trên là những giai cấp bóc lột, thống trị và lớp dưới là những giai cấp lao động, bị trị. Là thành viên của dân tộc, dĩ nhiên các giai cấp lớp trên cũng có ý thức về dân tộc mình, có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Là giai cấp thống trị, nắm bộ máy nhà nước, họ đồng hành với dân tộc mình và hiểu rằng, không có dân thì làm sao có nước. Lợi ích giai cấp của họ thời kỳ đầu nằm trong lợi ích của dân tộc. Vô số những anh hùng dân tộc trong lịch sử là những vua sáng, t­ướng tài, những nhà tư tưởng, nhà văn hoá thuộc thành phần lớp trên. Nhưng khi một triều đại phong kiến nào đó đã suy đồi thì cũng có những ông vua bán nước cầu vinh, “cõng rắn cắn gà nhà” hòng giữ lại lợi ích nhỏ nhen của triều đại mình. Bản thân giai cấp tư­ sản đã từng giương cao ngọn cờ cách mạng dân chủ, làm rung chuyển châu Âu phong kiến các thế kỷ 17, 18. Đại cách mạng Pháp đã đem lại thống nhất, tự do và vinh quang cho dân tộc Pháp. Nhưng từ giữa thế kỷ 19, chính giai cấp t­ư sản Pháp đã trở thành bảo thủ và phản động; nó đã ký hiệp ư­ớc đầu hàng quân Phổ xâm lược trong khi công nhân và nhân dân lao động Pari ngoan c­ường chống lại (1871). Mặt khác, các giai cấp lớp trên đều là giai cấp thống trị, đều có tham vọng mở rộng sự thống trị của giai cấp mình ra bên ngoài. Trong tư tưởng của họ, ý thức về quốc gia, chủ nghĩa quốc gia luôn lấn át chủ nghĩa dân tộc. Đó là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh xâm lược, chinh phục triền miên trong lịch sử của chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc.

Ng­ược lại là những giai cấp lao động ở lớp dưới. Họ không những duy trì được tính người, một động vật biết tạo ra công cụ lao động và lao động bằng công cụ, mà còn phát huy và hoàn thiện tính người với t­ư cách một động vật xã hội, n­ương tựa vào nhau mà sống, có tình thương đồng loại và đạo lý làm người: đó chính là chủ nghĩa nhân đạo. Dĩ nhiên, nhân dân lao động cũng có thể có biểu hiện tư tưởng dân tộc hẹp hòi, vị kỷ, và ở thân phận bị trị có thể nhiều ít nhiễm tư tưởng của giai cấp thống trị; nhưng cùng với sự tiến bộ về dân trí, họ dễ hiểu ra rằng, lợi ích của mọi người lao động là thống nhất: suy ta ra người, vì thương thân nên cũng thương người, vì trọng dân tộc mình nên cũng biết trọng dân tộc khác. Chủ nghĩa dân tộc của họ không đối kháng với các dân tộc khác. Giai cấp vô sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa không vư­ớng chút nào vào tư tưởng tư­ hữu, lại càng có điều kiện vật chất để đi tới tư tưởng chủ nghĩa quốc tế thực sự(2) – hoàn toàn đối lập với mọi dạng chủ nghĩa quốc gia từng có trong lịch sử. V.I.Lênin trước đây đã nhận xét: “Mỗi nền văn hoá dân tộc đều có những thành phần, thậm chí không phát triển, của một nền văn hoá dân chủ và xã hội chủ nghĩa, vì trong mỗi dân tộc đều có quần chúng lao động và bị bóc lột mà điều kiện sinh sống của họ nhất định phải sản sinh ra một hệ­ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong mỗi dân tộc, cũng còn có một nền văn hoá tư sản (…) không phải chỉ ở trong tình trạng là những “thành phần” mà là dưới hình thức nền văn hoá thống trị”(3).

Nh­ư vậy, trong xã hội có giai cấp, chủ nghĩa dân tộc cũng có tính giai cấp. Có chủ nghĩa dân tộc tiến bộ, cách mạng, cũng có chủ nghĩa dân tộc lỗi thời, phản động. Chủ nghĩa dân tộc của các giai cấp lớp trên thay đổi tính chính trị của nó tuỳ theo từng thời kỳ lịch sử, khi giai cấp đó còn vai trò tiến bộ hay đã lỗi thời. Chỉ có chủ nghĩa dân tộc của nhân dân lao động là trước sau nh­ư một, đó là chủ nghĩa dân tộc chân chính.

Ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911, Nguyễn Tất Thành bôn ba hải ngoại và hoạt động cách mạng với bút danh Nguyễn Ái Quốc. Trở về nước năm 1941, Người đã trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đầu năm 1946, Người công khai bày tỏ tâm tư­ của mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(4). Năm 1969, 50 ngày trước lúc đi xa, Người đã nhìn lại cả cuộc đời mình khi trả lời một phóng viên: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”(5). Động lực làm nên chí khí và sự nghiệp Hồ Chí Minh chính là điều mà Người đã mạnh dạn gọi là chủ nghĩa dân tộc. Đó là tư tưởng nền tảng, nhất quán trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, nhưng đó là chủ nghĩa dân tộc đã được làm giàu thêm bằng những tinh hoa trong tư tưởng chính trị của loài người: chủ nghĩa dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc mình và cũng vì tất cả các dân tộc bị áp bức khác trên thế giới. Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc của nhân dân lao động; nó không tách rời mà trái lại, luôn thống nhất với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

——————————-

Chú thích:

(1) Xtalin cho rằng, “Quá trình thủ tiêu chủ nghĩa phong kiến và phát triển chủ nghĩa tư bản đồng thời cũng là quá trình người ta kết hợp thành dân tộc”. Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.24.
(2) Giai cấp tư sản cũng có “tính quốc tế” nhưng họ chỉ liên kết được với nhau trong chừng mực phải đương đầu với giai cấp vô sản, họ chỉ có tính quốc tế “nửa vời”, không “thực sự”; còn bản thân họ thì không bao giờ hết cạnh tranh đối địch với nhau (Tác giả).
(3) V.I.Lênin. Toàn tập, t.24. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.154.
(4) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.161.
(5) Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.560.

Theo TẠP CHÍ TRIẾT HỌC

Tags: ,